“Không có chuyện ra đề khó để hạn chế thí sinh”

“Không có chuyện ra đề khó để hạn chế thí sinh”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Đó là khẳng định của thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga trong buổi trao đổi với PV sau khi kết thúc thi đợt 2 vào ĐH năm 2011. Năm nay đề thi có sức phân hóa cao, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ giảm đi và những thí sinh đạt điểm trung bình sẽ tăng lên.

Nhiều thí sinh có điểm trung bình

Thưa ông, sau kỳ thi ĐH năm nay, nhiều ý kiến cho rằng đề thi năm nay khó hơn mọi năm. Vậy điểm sàn có thấp hơn so với mọi năm không và dự kiến là bao nhiêu?

Chủ trương của Bộ ra đề thi không quá khó, chủ yếu trong chương trình lớp 12, tuy nhiên đề thi phải có khả năng phân loại cao để phổ điểm đầu vào hợp lý. Với đề như năm nay thì số thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ giảm đi và số có điểm trung bình sẽ tăng lên. Mỗi môn thi có điểm trung bình là 5 thì ba môn sẽ có mức điểm là 15, 16. Như vậy thì điểm sàn sẽ không thấp hơn so với mọi năm. Tôi dự đoán là vậy.

Tuy nhiên điểm ấy cụ thể như thế nào thì hội đồng điểm sàn sẽ quyết định khi có đầy đủ số liệu chấm thi mà các trường báo về. Dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh của các trường thì khi ấy Bộ sẽ đưa ra số điểm cụ thể.

Ông Bùi Văn Ga

Sự cố cán bộ coi thi đã ký nhầm vào ô ký của cán bộ chấm thi dẫn đến việc thí sinh phải chép lại bài thi và nhầm mã đề thi, dẫn đến việc có nhiều ý kiến cho rằng Bộ còn lơ là trong khâu tập huấn cán bộ. Ông lý giải gì về việc này?

Trước khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh, Bộ đã tập huấn rất kỹ nhưng sai sót này không phải bây giờ mới có. Giám thị coi thi ở đơn vị đó còn chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong việc xử lý dẫn đến từ một sai sót nhỏ đã thành một việc lớn. Trước việc này, Ban chỉ đạo tuyển sinh đã rút kinh nghiệm. Vì thế, trong đợt thi ĐH lần 2, Bộ đã có công điện yêu cầu các hội đồng tuyển sinh cần nghiêm túc thực hiện đúng quy chế. Nếu trong quá trình coi thi phát sinh sự cố thì không được tự ý xử ký mà cần báo cáo với hội đồng tuyển sinh để được hướng dẫn chỉ đạo.

Có ý kiến cho rằng Bộ ra đề thi khó, mà cụ thể là ở khối A nhằm hạn chế thí sinh đỗ vào ĐH. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Như trên tôi đã nói, Bộ không ra đề khó để hạn chế thí sinh trúng tuyển vào ĐH. Trong đề có câu khó câu dễ để phân loại thí sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường đã được Bộ giao từ trước đó, các trường căn cứ vào chỉ tiêu được giao để xét tuyển từ trên xuống dưới.

Không còn hệ ngoài ngân sách

Về chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách của các trường, năm nay Bộ sẽ chủ trương như thế nào?

Năm nay, theo Nghị quyết của Quốc hội, các trường được phép xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao. Chương trình ấy có thầy giáo giỏi, cơ sở vật chất tốt và nhiều điều kiện khác... Đi đôi với đề án đó là khung học phí phù hợp để bù đắp những phụ trội.

Bộ chủ trương bỏ chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách, ngoài chỉ tiêu chung cho trường như mọi năm; năm nay Bộ chỉ giao một chỉ tiêu chung, trên cơ sở đó, các trường tự cân đối và xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao tùy theo nhu cầu và khả năng đáp ứng của từng trường.

Như trên Thứ trưởng cũng đã nói sẽ hướng đến một kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả. Vậy trong năm tới, Bộ có hướng đến việc đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh không?

Năm ngoái Bộ đã cùng với nhiều trường nghiên cứu đổi mới công tác thi để nó thiết thực và gọn nhẹ nhất. Năm nay Bộ cũng đã rất chú trọng công tác đổi mới trong thi cử. Tuy nhiên để thực hiện đổi mới trong thi cử thì phải thực hiện song song với việc đổi mới trong dạy và học ở bậc phổ thông.

Nếu chỉ đổi mới thi cử mà không đổi mới việc dạy và học và kiểm tra thì cũng không có hiệu quả. Dự kiến đến năm 2015, Bộ sẽ đổi mới và điều đó phải có lộ trình. Bộ sẽ từng bước công bố lộ trình để có quá trình thi gọn nhẹ, hiệu quả.

Hiện nay 1 năm chúng ta có khoảng 2 triệu lượt thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Nếu trừ thí sinh ảo đi chúng ta còn khoảng 1,5 triệu. Trong khi đó cả nước chỉ có khoảng 550 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy nhu cầu học cao gấp 3 lần khả năng đáp ứng của ngành giáo dục.

Đến năm 2020 sẽ mở rộng mạng lưới giáo dục đến lúc đó có thể đáp ứng được nhu cầu học đại học của các em. Chỉ có như vậy áp lực thi mới không còn, ngành giáo dục chỉ còn lo nhiệm vụ dạy và học. Còn hiện nay, nhu cầu của học sinh vẫn lớn hơn khả năng đáp ứng của ngành giáo dục thì việc thi tuyển vẫn là cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Điểm mới trong phiếu chứng nhận kết quả thi

"Chủ trương cho phép các thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, 3 khi thấy khả năng đỗ của mình ở trường đó không cao đã được dư luận đánh giá tốt. Đây được xem là cách để tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Như những năm trước, nếu thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn thì được nhà trường cấp cho hai phiếu chứng nhận kết quả số 1 và số 2. Và phần dưới của mỗi tờ giấy ấy có dòng để thí sinh đăng ký thông tin xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Năm nay, phiếu chứng nhận kết quả thi sẽ có thêm 1 dòng nữa để thí sinh ghi tên các trường nguyện vọng vào. Trong trường hợp thí sinh tiếp tục rút ra nộp vào nhiều lần nữa, thì Bộ sẽ thiết kế một đơn kèm theo với giấy chứng nhận kết quả thi để đảm bảo không có chỉnh sửa, gạch xóa trong hồ sơ".

Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi

Thành Huế