Không có việc vận động hành lang để 'chạy phiếu'

Không có việc vận động hành lang để 'chạy phiếu'

Thứ 3, 28/05/2013 | 08:30
0
"Tìm cách "vận động" để có phiếu trong lúc này sẽ là rất nguy hiểm. Nhưng tôi nghĩ việc đó cũng khó xảy ra. Bởi khi bỏ phiếu các Đại biểu Quốc hội phải tiến hành rất thận trọng", tiến sỹ Đinh Xuân Thảo khẳng định.

Trao đổi với PV về lo ngại có sự vận động hành lang để "chạy phiếu" trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm tới đây, tiến sỹ Đinh Xuân Thảo - viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: "Trong các mối quan hệ gắn bó với nhau thì mặc nhiên người ta sẽ tin tưởng, ủng hộ cho nhau, đó là việc bình thường. Tuy nhiên, sẽ không có việc vận động ủng hộ, bởi với sự đánh giá công tâm Đại biểu Quốc hội trước khi bầu phiếu lần này, sẽ không có chuyện làm sơ sài cho có hình thức. Mà nếu một chức danh chủ chốt nào đó làm chưa tốt thì cũng không thể vận động hết được hàng trăm Đại biểu Quốc hội để lấy phiếu được".

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo cho biết, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn đã có nghị quyết hướng dẫn của QH cũng như quy chế hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH. Để việc lấy phiếu, bỏ phiếu một cách chuẩn xác, điều quan trọng nhất là ĐBQH phải được cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác nhất. Hiện Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH đã tập hợp bản báo cáo của 49 chức danh và gửi đến các Đại biểu Quốc hội. Dựa vào chức năng, nhiệm vụ, mỗi cá nhân đã kiểm điểm, tự đánh giá những mặt được và chưa được của mình trong 2 năm qua. Báo cáo cũng nêu rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của họ. Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội sẽ được cung cấp thêm thông tin từ báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập hợp.

Xã hội - Không có việc vận động hành lang để 'chạy phiếu'

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo.

"Tuy nhiên, trước khi bỏ phiếu, thấy thông tin nào chưa yên tâm, còn khúc mắc, Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn người cần quan tâm. Trên cơ sở đó, Đại biểu Quốc hội sẽ có đánh giá riêng. Qua theo dõi, tôi thấy công tác chuẩn bị đã khá chu tất và đúng quy trình", Tiến sỹ Thảo cho biết.

Xem xét cho thôi chức vụ ngay trong kỳ họp!?

"Qua lấy phiếu mà tín nhiệm, nếu mà đại đa số đại biểu không tín nhiệm một người đó thì có lẽ việc xem xét cho thôi chức vụ ngay trong tại kỳ họp này cũng là thỏa đáng. Đây là lần lấy phiếu đầu tiên trong khóa này, nhưng thời điểm đã là giữa nhiệm kỳ, đã có đủ thời gian để người giữ cương vị đó thể hiện năng lực của mình. Nhưng nếu số người bất tín nhiệm lại nhiều quá thì cũng là chỗ phải xem xét. Bởi như lúc đầu tôi nói, cái cách cho điểm của người thầy bao giờ lần đầu tiên có thể anh chấm quá lỏng hay quá chặt, rất dễ rơi vào cảm tính hoặc nó có thể liên quan đến lợi ích nhóm, lợi ích ngành", Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo cho biết thêm.

Nói về việc có ý kiến băn khoăn liệu có sự vận động để "chạy phiếu", Tiến sỹ Thảo cho rằng, QH lấy phiếu tức là đã đặt lên bàn cân, cho nên cần phải đánh giá công tâm giữa việc làm được và chưa làm được. Nhưng có những vấn đề thực sự ngày hôm nay chúng ta cũng chưa đánh giá, chưa lý giải được hết. "Tôi nghĩ, ý kiến của nhân dân rất quan trọng, nhân dân rất sáng suốt, nhưng không phải mọi trường hợp người dân đều có đủ thông tin. ĐBQH phải tiếp xúc cử tri, phải lắng nghe và phải hỏi ý kiến. Nếu nhân dân đã nêu đích danh, đã chỉ rõ một số chức vụ cụ thể mà nhân dân thấy bất bình thì các Đoàn Đại biểu Quốc hội phải ghi nhận, xem xét thận trọng vì đó là ý nguyện của nhân dân", ông Thảo nói.

"Tìm cách "vận động" để có phiếu trong lúc này sẽ là rất nguy hiểm. Nhưng tôi nghĩ việc đó cũng khó xảy ra. Bởi khi bỏ phiếu các Đại biểu Quốc hội phải tiến hành rất thận trọng. Đại biểu Quốc hội phải khách quan, thể hiện chính kiến của mình. Tuyệt đối không có chuyện vận động, mua chuộc", tiến sỹ Đinh Xuân Thảo khẳng định.

Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nếu các chức danh chủ chốt có số phiếu tín nhiệm thấp, không đáp ứng được mục đích công việc thì cần nên bãi nhiệm và tìm người thay thế xứng đáng.

Tại kỳ họp QH tới, trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, các đoàn đại biểu QH có thể thảo luận tại tổ về những người được lấy phiếu. Sau đó Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo trước QH một số vấn đề về việc triển khai và tiến hành thảo luận ở từng đoàn. Dự kiến ngày 13/6, lần đầu tiên QH sẽ chính thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu ngay trong ngày. Căn cứ vào đó, Ủy ban Thường vụ QH trình QH thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm để xác nhận kết quả.

Một số điểm mới trong hoạt động chất vấn

Bàn về những vấn đề nóng nhất sẽ được đưa ra trong các cuộc chất vấn tại phiên họp Quốc hội tới đây, ông Lê Quang Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ QH cho biết, cụ thể như một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm điều hành của các bộ như tai nạn giao thông, chất lượng giáo dục, tình hình tham nhũng và chống tham nhũng, tình trạng lãng phí, tình trạng phá rừng... sẽ được đưa ra và các bộ trưởng phải trả lời chất vấn.

"Việc đối thoại khi chất vấn - trả lời chất vấn tại QH sẽ có một số bước đổi mới. Thứ nhất, các Bộ trưởng khi lên trả lời chất vấn sẽ có nhiều nội dung nhưng phải gom lại, và chỉ được phép trả lời các nội dung đó trên hội trường không quá 20 phút. Thứ hai, sẽ có đối thoại trực tiếp giữa người được chất vấn và Đại biểu Quốc hội. Một Đại biểu Quốc hội có thể tiếp tục chất vấn Bộ trưởng để làm rõ vấn đề, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm, hay nói cách khác là truy vấn người trả lời.

Đại biểu Quốc hội khi truy vấn cũng không được quá ba phút, làm thế nào để có nhiều ĐB được tham gia truy vấn. Nếu hết thời gian mà Đại biểu Quốc hội nào vẫn chưa thỏa mãn, có thể đề nghị Bộ trưởng đó tiếp tục trả lời chất vấn vào giữa hai kỳ họp QH ở phiên họp của UB Thường vụ QH. Nếu bộ trưởng nào thấy những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình thì nên hứa trước cử tri, trước QH. Tôi sẽ đề xuất với Chủ tịch QH ngay khi kết thúc phần trả lời của vị bộ trưởng đó, Chủ tịch sẽ "chốt" hộ rằng vừa rồi Bộ trưởng đã hứa thế này... Chúng tôi sẽ dựa vào đó để đôn đốc, theo dõi việc thực hiện lời hứa đó", ông Bình nói. 

Nhật Tân -Minh Khánh

'Phiếu tín nhiệm' 49 lãnh đạo cấp cao cần công khai 'bảng điểm'

Thứ 3, 14/05/2013 | 10:03
Đó là ý kiến nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 12 Lê Văn Cuông khi trao đổi về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Lấy phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp

Thứ 2, 13/05/2013 | 08:37
Dự kiến ngày mai (14-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên thứ 18 kéo dài trong ba ngày để chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm của Quốc hội, trong đó có việc nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được thực hiện.

Chỉ bỏ phiếu tín nhiệm khi cần thiết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Có ý kiến cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm phải cẩn trọng như “Thượng phương bảo kiếm” rút ra khỏi vỏ.

Phiếu tín nhiệm đặt nền móng cho văn hóa từ chức

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ đặt nền móng cho văn hóa từ chức. PV đã trao đổi với ông Lê Minh Thông, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội xung quanh vần đề trên.