Không nên đánh đổi sức khỏe vì... tin đồn

Không nên đánh đổi sức khỏe vì... tin đồn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn điều trị bệnh theo phương pháp này thì cần phải có sự can thiệp, chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo các chuyên gia sinh vật, ổi có tên khoa học là Psidium guajava. quả mọng, có phần vỏ dày ở phần ngoài. Ổi có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, lan sang châu Á, châu Phi. Đây là một loại trái cây có vị ngọt và chát, tính bình tiêu viêm cầm máu.

Ở Ấn Độ, người ta thường dùng vỏ ổi để chữa bệnh tiêu chảy ở trẻ em, quả ổi làm thuốc nhuận tràng, lá ổi dùng trị vết thương, lở loét. Vỏ ổi có vị chát, do đó có nhiều chất vitamin có tác dụng làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết chế dịch ruột, giảm nhu động ruột và có tác dụng kháng khuẩn. Kinh nghiệm dân gian nhiều nơi đã dùng lá ổi giã nát hoặc sắc lá ổi để làm thuốc sát trùng, chống nấm, chữa các trường hợp lở loét lâu lành, chữa đau răng, chữa ho, viêm họng.

Có thể thấy, trong tất cả những thông tin khoa học từ sách vở thì ổi chưa hề được công nhận có tác dụng ngăn ngừa ung thư như mọi người đồn thổi nhau qua các trang mạng.

Xã hội - Không nên đánh đổi sức khỏe vì... tin đồn

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa khuyến cáo người dân không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ủy viên ban chấp hành Hội dược liệu TP.HCM cho biết: "Ổi ngoài việc là một loại trái cây phổ biến để ăn thưởng thức thì còn có tác dụng trong việc hỗ trợ một số trường hợp như khát nước, làm đẹp da. Tuy nhiên, để có thể trở thành một phương pháp điều trị thì phải có sự theo dõi sát sao của bác sĩ như xem bệnh tình của bệnh nhân đến đâu để đưa ra liều lượng cụ thể, có chỉ định và chống chỉ định trong từng trường hợp. Những thông tin, kiến thức này phải được tích lũy từ kinh nghiệm của nhân dân và phải được các nhà khoa học làm sáng tỏ bổ sung cho kho tàng y dược khi nghiên cứu về dược liệu. Tóm lại, chỉ những thông tin được công bố từ các công trình nghiên cứu khoa học thì mới đáng tin cậy".

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa khuyến cáo, người tiêu dùng cần phải cẩn thận, kĩ lưỡng hơn trong việc sử dụng bất kì một loại trái cây hay dược liệu nào. Nếu muốn điều trị bệnh theo phương pháp này thì cần phải có sự can thiệp, chỉ dẫn của bác sĩ, chứ không nên chỉ nghe theo những tin đồn mơ hồ. Làm như thế là "bán rẻ" sức khỏe của mình vì những điều chưa chắc chắn.

Bác sĩ chuyên khoa I, Lương Tấn Thông, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bình Dương cho biết: "Những thông tin về tác dụng mới của quả ổi là những thông tin mơ hồ bởi chưa có một nghiên cứu nào chứng minh. Đó là chưa kể, hiện nay người ta còn cả dùng hóa chất để bảo quản, khiến không ít người ăn ổi bị ngộ độc, đau bụng".

Nên bỏ hạt ổi khi ăn

Theo các bác sĩ đông y tại TP.HCM, mặc dù quả ổi không độc nhưng cũng không nên ăn ổi non vì vị chát sẽ có hại cho chị em bị bệnh dạ dày hoặc táo bón. Thực chất, ruột ổi có thể làm nhuận tràng nhưng chất chát trong vỏ ổi có thể gây táo bón nặng hơn. Khi ăn ổi chín, nên bỏ hạt ổi vì nó gây khó tiêu, gây trở ngại cho hệ tiêu hóa.

Thơ Trịnh