Không nên đặt niềm tin nhiều vào trạm quan trắc địa phương

Không nên đặt niềm tin nhiều vào trạm quan trắc địa phương

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Theo các chuyên gia, người dân nên xác định động đất kích thích có thể kéo dài nhiều năm.

Trong hai tháng 9 và 10 vừa qua, người dân Bắc Trà My chưa lúc nào được bình yên. Những trận động đất với cường độ mạnh liên tục xảy ra, nhất là khu vực gần đập chứa nước thủy điện sông Tranh 2, đe dọa sự an toàn của người dân. Nhiều biện pháp khắc phục đã được các chuyên gia đưa ra ứng cứu. Tuy nhiên, khi các ý kiến chưa thống nhất thì người dân mách nhau tìm cách để tự trấn an mình.

Xã hội - Không nên đặt niềm tin nhiều vào trạm quan trắc địa phương

Chúng ta không nên quá tin tưởng vào trạm quan trắc địa phương

Chưa lúc nào hết lo

Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục phát đi thông điệp "cấp cứu" tình trạng động đất ở khu vực gần thủy điện sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) nhưng dường như mọi nỗ lực đều bị khuất phục bởi thiên nhiên dữ dội. Động đất liên tiếp xảy ra với cường độ mạnh dần đã khiến nhiều người dân phải chấp nhận phương án di cư khỏi vùng nguy hiểm. Mặc dù trong tâm thức của họ chưa bao giờ muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn.

Theo thông báo ngày 22/10 của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), vào hồi 20h41 phút 28 giây ngày 22/10/2012, một trận động đất có độ lớn 4.6 độ Richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ (15.329 độ vĩ Bắc, 108.153 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 7km. Động đất xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Theo đánh giá, động đất gây nên rung động cấp VI (theo thang MSK - 64 ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.

Nhiều người dân lại được phen kinh hoàng khi thấy nhà cửa, đồ đạc rung lên bần bật. Lo ngại về nguy cơ vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 của người dân sống trong khu vực chân đập thủy điện lại bắt đầu "leo thang" trong tâm trí họ.

Chị Trần Thị Huyền (SN 1972), chủ một quán Karaoke tại thị trấn Bắc Trà My vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại buổi tối kinh hoàng ấy. Chị kể: "Mấy trận động đất trước, chúng tôi cảm tưởng như trời long đất lở. Vì có trạm quan trắc động đất mới thành lập cách đây vài ngày nên chúng tôi những tưởng sẽ có tâm lý chủ động hơn khi có động đất. Đằng này, mọi chuyện đều quá bất ngờ và kinh khủng".

Chị Huyền cho biết: "Tôi đang bê bia vào phòng hát cho khách thì thấy đất rung lên. Mọi thứ như chao đảo mạnh, két bia xếp cẩn thận cũng rơi vỡ hết cả. Khách đang hát thì thi nhau bỏ chạy vì sợ hãi".

Ông Huỳnh Ngọc Đại (SN 1949), một giáo viên đã nghỉ hưu, hiện đang sống ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Tôi đã đứng trên bục giảng dạy về động đất cho bao thế hệ học trò. Tuy nhiên, đến vây giờ, tôi cũng thấy hoang mang vì hiện tượng động đất liên tục xảy ra ở Quảng Nam. Trước đây, động đất chỉ xảy ra quanh khu vực thủy điện. Nhưng dư chấn lần này của nó đã ảnh hưởng đến cả người dân ở huyện khác. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp khắc phục thì nên tìm phương án di cư dân trước. Đừng để đến lúc thiệt hại xảy ra rồi mới lại đi khắc phục thì đã muộn rồi. Chúng tôi cần được thông báo trước khi động đất xảy ra để có thể tự phòng tránh".

Ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: Vào buổi tối ngày 22/10, trong khoảng thời gian hơn 5 giây, ông nghe rất rõ tiếng nổ lớn và rồi thấy căn nhà bị rung lắc mạnh, mấy bức tranh treo trên tường đều rơi xuống đất. Ông đã nghĩ ngay đến động đất và rất lo cho đập thủy điện. Bởi lượng nước chảy về lòng hồ khá lớn. "Chúng tôi không có chuyên môn về đập thủy điện hay động đất, nhưng rất lo lắng cho đời sống của người dân trên địa bàn", ông Tuấn chia sẻ với phóng viên.

Ông Tuấn nhấn mạnh, người dân nơi đây không hề được cho biết số liệu từ máy đo gia tốc đặt tại thân đập thủy điện sông Tranh 2 để có cách phòng tránh. Chỉ đến khi động đất đã xảy ra, ông Tuấn liên hệ hỏi thì mới được cung cấp. Ngay cả trạm quan trắc mới khánh thành, sau khi động đất xảy ra đến gần một tiếng đồng hồ vẫn chưa hề có được kết quả.

Xã hội - Không nên đặt niềm tin nhiều vào trạm quan trắc địa phương (Hình 2).

TS. Trần Tân Văn

Đừng quá kỳ vọng vào trạm quan trắc

TS. Trần Tân Văn, viện trưởng Viện Khoa học địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường). TS. Văn cho biết, trận động đất vừa qua vẫn nằm trong giai đoạn động đất kích thích. Những trận động đất như thế sẽ không thể kết thúc trong vòng ngày một ngày hai. Nó là một quá trình không ai có thể biết trước điểm dừng. Có thể động đất sẽ diễn ra trong một vài tháng hoặc cũng có thể lâu hơn. Bởi vì, đây là hiện tượng nên không có một thang bậc nào để tính toán chính xác thời điểm cũng như thời gian xảy ra. Trong quá trình hình thành địa chất, có những giai đoạn thời gian được tính đến hàng trăm, hàng triệu năm.

"Chính vì vậy, với hiện tượng động đất ở khu vực thủy điện sông Tranh 2, chúng tôi cũng không thể nói trước và khẳng định một điều gì", TS. Văn trả lời PV.

Theo TS. Văn, riêng đối với động đất, ngoài việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả, chúng ta không có biện pháp nào để hạn chế và ngăn chặn sự tiếp diễn của nó. Từ trước đến nay, khi làm các dự án thủy điện, chúng ta ít khi tính đến trường hợp xấu như động đất kích thích kéo dài có thể xảy ra. Và nó ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh khu vực đó như thế nào để có những biện pháp dự phòng. Ngay chính bản thân người dân địa phương cũng không hề lường trước được các sự cố.

Vì vậy, biện pháp tối ưu nhất hiện nay là các chủ đầu tư nên có những biện pháp hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại do động đất. Đồng thời, họ nên mở những đợt tuyên truyền giáo dục cộng đồng để người dân bớt hoang mang và có sự chuẩn bị tốt nhất.

Xã hội - Không nên đặt niềm tin nhiều vào trạm quan trắc địa phương (Hình 3).

Máy đo động đất được đặt ở trạm quan trắc đầu tiên thiết lập dưới chân thủy điện Sông Tranh

"Các trận động đất kích thích nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Có thể nó sẽ khiến một số nhà cửa bị rung, nứt, thậm chí đổ, sập nếu như thiết kế không được an toàn. Điều này gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cho người dân sống quanh khu vực thủy điện cũng như người dân Quảng Nam. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định rằng, các trận động đất này sẽ không vượt quá giới hạn an toàn cho phép chịu đựng của đập thủy điện nên người dân vẫn có thể yên tâm", TS. Văn nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, với những đập thủy điện được thiết kế, thi công một cách nghiêm túc, đúng chuẩn mực thì động đất kích thích sẽ không bao giờ vượt quá động đất thiết kế và không có khả năng gây thiệt hại cho công trình. Theo như kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia về chất lượng công tác thiết kế cũng như công tác thi công của đập thủy điện sông Tranh 2 thì thủy điện này hoàn toàn được đảm bảo, trường hợp vỡ đập không thể xảy ra.

Động đất kích thích sẽ còn xảy ra

Tuy nhiên, TS. Trần Tân Văn cũng cảnh báo, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào hệ thống quan trắc địa phương. Vì hệ thống quan trắc này không hề có khả năng dự báo trước mà chỉ có khả năng ghi lại số liệu khi các trận động đất đã xảy ra. Chính vì vậy, mọi người không nên có những sự hiểu nhầm về chức năng của hệ thống quan trắc địa phương và quá trông đợi các trận động đất sẽ được báo trước. Theo ông Văn, các trận động đất kích thích sẽ tiếp tục xảy ra trong một thời gian nữa, hoặc kéo dài một vài năm. Bởi thế, cộng đồng địa phương cần được hỗ trợ kịp thời về vật chất cũng như tinh thần, thậm chí là di dân đến nơi khác định cư để ổn định cuộc sống

Dương Thu - Thùy Dung