Không nên gắn việc quản lý trị an với quản lý cư trú

Không nên gắn việc quản lý trị an với quản lý cư trú

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Về việc quản lý cư trú, nhiều người cho rằng, việc siết nhập cư nên để cho chính quyền địa phương chủ động.

Trong bản Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Cư trú mới được đưa ra, thì việc siết nhập cư vào 5 thành phố trực thuộc T.Ư sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Theo đó, người dân muốn đăng ký thường trú vào những thành phố này phải có chỗ ở hợp pháp, tạm trú liên tục 3 năm trở lên và diện tích chỗ ở tối thiểu là 5m2/người. Dự kiến Luật sửa đổi bổ sung này sẽ được trình Quốc hội thông qua vào năm 2013.

Nhịp sống - Không nên gắn việc quản lý trị an với quản lý cư trú

Việc nhập cư vào thành phố lớn của nhiều người sẽ thành ước mơ xa vời

Người dân bức xúc

Hiện nay, theo thống kê, 5 thành phố trực thuộc T.Ư (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) hiện có tổng số dân khoảng 18 triệu người (chiếm hơn 20% dân số cả nước). Trong Luật Cư trú hiện hành có hiệu lực từ 1/7/2007, những công dân muốn đăng ký thường trú sinh sống ở những thành phố trực thuộc T.Ư phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Ngoài ra, để được nhập cư, công dân phải được tuyển dụng làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, từ khi Luật Cư trú hiện hành đến nay đã bộc lộ nhiều sơ hở, bất cập. Chính vì thế, luật này cần được sửa đổi bổ sung để đảm bảo quyền tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý của Nhà nước. Trong bản dự thảo mới bổ sung về Luật Cư trú thì những điều khoản sẽ được cụ thể hơn bằng những quy định rõ ràng, để kiểm soát những người nhập cư một cách dễ dàng hơn. Cụ thể trong Luật Cư trú mới được sửa đổi sẽ quy định một cách cụ thể diện tích mặt sàn tối thiểu bao nhiêu m2/người.

Theo luật Cư trú sửa đổi bổ sung, người muốn đăng ký hộ khẩu thường trú tại 5 thành phố lớn phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ ba năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Sau khi có thông tin về bản dự thảo này, PV Người đưa tin đã tiến hành khảo sát trên một số địa điểm tại TP.HCM. Khi được hỏi, đa số người dân đều tỏ vẻ không đồng tình và bức xúc với dự thảo trên.

Theo ghi nhận của PV, những người đi thuê trọ tại TP.HCM chủ yếu là sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng, gia đình thu nhập thấp. Những người này không thể mua nhà ở thành phố lớn làm nơi cư trú nên đành phải ở trọ để mưu sinh.

Sẽ nảy sinh nhiều chiêu lách luật

Dự thảo sửa đổi bổ sung về Luật Cư trú được đưa ra người đăng ký hộ khẩu thường trú phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục 3 năm trở lên, diện tích mặt sàn tối thiểu 5 m2/người đối với chỗ ở cho thuê, mướn, ở nhờ… Tuy nhiên, theo nhiều người, để thích ứng, hàng loạt chiêu "lách luật" sẽ được cả chủ nhà và người thuê trọ áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1985, Bình Chánh) cho biết: "Về việc lách luật tạm trú 3 năm cũng không phải là vấn đề khó khăn. Theo đó, người muốn nhập cư chỉ cần quen biết và xin một chữ kí của lãnh đạo xã phường đã tạm trú 3 năm là được. Liệu lúc ấy có nảy sinh tình trạng tiêu cực từ những người làm luật, tình trạng loạn "phong bì" để xin cái dấu đỏ của chính quyền địa phương. Thế nên, quy định phải tạm trú 3 năm mới được nhập cư chưa hẳn là một giải pháp kín kẽ".

Khi dự thảo sửa đổi bổ sung về Luật Cư trú được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ông Trần Thế Quân, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho rằng, việc sửa đổi Luật Cư trú đã được Bộ Công an thực hiện thận trọng, chặt chẽ. "Tôi được biết, có một số ý kiến cho rằng, việc siết chặt nhập cư tại TP lớn là trái với Hiến pháp. Tuy nhiên, tôi khẳng định các quy định này không vi phạm về quyền chỗ ở, không ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân. Mặt khác, Hiến pháp quy định việc cư trú của công dân phải tuân theo quy định pháp luật. Điều mà Luật Cư trú cần làm là phải đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và cộng đồng xã hội", ông Quân cho biết.

Mới đây, TP. Đà Nẵng chính thức nhận sai và quyết định dừng thực hiện quy định siết nhập cư đã nhiều lần bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" vì trái luật. Tuy nhiên, TP này vẫn hi vọng một ngày nào đó quy định siết nhập cư sẽ chính thức được công nhận. Theo TS. Lê Hồng Sơn, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thì trong thời gian tới Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng không chỉ dừng việc siết nhập cư mà còn phải sửa Nghị quyết 23/2011 theo hướng bãi bỏ những quy định không đúng Luật Cư trú này.

Nhóm PV