"Không thể “khóa” ảnh thoát y, clip sex"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Chưa bao giờ những clip sex lại rộ lên trong giới trẻ như thời gian qua. Gần đây, dư luận lại xôn xao về clip sex được cho là của nữ sinh trường ĐH Công nghệ Hà Nội bị tung lên mạng.

Chia sẻ vấn đề này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Đang có một bộ phận thanh thiếu niên chạy theo lối sống buông thả của thời công nghệ hóa, chối bỏ thuần phong mỹ tục...".

GS.TS.Đào Trọng Thi

“Chúng ta đang chạy theo sau...”

Thưa ông, ông bình luận gì về hiện tượng nam nữ sinh viên bị tung clip sex lên mạng, và nhiều những clip sex xôn xao dư luận trong thời gia gần đây?

Đây là một hiện tượng không lành mạnh đáng báo động trong lối sống của giới trẻ hiện nay. Xã hội hiện nay càng ngày càng hiện đại, các phương tiện phục vụ cho cuộc sống ngày càng cao, trước đây những chuyện như vậy cũng có nhưng không có phương tiện để ghi lại, không có mạng internet để truyền tải nên mọi người không biết, nay có mạng thì mọi thứ được phát tán rất nhanh. Rõ ràng phương tiện của cuộc sống đã thay đổi nên nó đã tác động vào lối sống của giới trẻ.

Rõ ràng, chúng ta đã nhìn thấy việc chạy theo những xu hướng lai căng, phá thuần phong mỹ tục, song trong giáo dục đạo đức tại các trường cũng đang gặp khó nếu không nói là bất lực?

Chính sự phát triển của công nghệ làm thay đổi lối sống của giới trẻ, nếu giáo dục không thay đổi nhận thức mà vẫn giữ quan điểm cũ để định hướng theo cái cũ thì giới trẻ sẽ bị lúng túng khi gia nhập với xã hội văn minh hiện đại. Chẳng hạn trước đây chúng ta tiếp xúc với trào lưu văn hóa, lối sống khác còn khó khăn nhưng nay lại quá dễ dàng, nếu chúng ta cứ giáo dục, quản lý kiểu như ngày xưa thì các em sẽ không chịu được, xu hướng bị kìm nén thì sẽ bung ra.

Nghĩa là giáo dục lối sống, kỹ năng sống của các trường hiện đang tụt hậu?

Không những chỉ tụt hậu, mà giáo dục hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đời sống. Chúng ta đang chạy theo sau, khi mà khoa học phát triển như vũ bão, lối sống cũng thay đổi theo. Chúng ta cứ giữ nguyên nhận thức cũ, cách làm cũ sẽ không theo kịp cuộc sống.

Ngay những trường, hay những công ty có sinh viên, học sinh, nhân viên có những hành vi trái thuần phong mỹ tục cũng lúng túng không biết xử trí thế nào?

Đúng vậy! Vì việc kiểm soát những vấn đề này không nằm trong khuôn khổ của nhà trường. Nhiều cái nó nằm ngoài quyền lực của nhà trường. Chính vì thế, lối sống của giới trẻ phụ thuộc vào xã hội, phụ thuộc vào gia đình.

Nên định hướng quyền tự do cá nhân

Vậy có cách nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Cần giải quyết vấn đề này bằng phương pháp phù hợp chứ không thể dùng biện pháp hành chính. Vì nhiều cái nó thuộc về quyền của con người, chúng ta phải tôn trọng quyền tự do cá nhân của họ. Do vậy, chúng ta cần nghiên cứu cách giáo dục làm sao vẫn đảm bảo quyền con người mà vẫn đảm bảo sự phát triển độc lập tương đối, sự sáng tạo của giới trẻ chứ mình không thể dập khuôn giới trẻ vào những khuôn mẫu làm triệt tiêu đi sự sáng tạo trong cuộc sống.

Đối tượng vi phạm đạo đức lối sống chủ yếu trong giới trẻ thường thuộc nhóm cá biệt, học sinh hư, trẻ em có hoàn cảnh éo le, nhưng nay đã khác rất nhiều. Họ có thể là học sinh, sinh viên có lực học khá giỏi, nhân viên của công ty có tiếng tăm?

Về vấn đề này có hai cách lý giải, một là các em chưa được hướng dẫn và định hướng, chưa hiểu thế nào là phù hợp hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Hai là, các em quá nhấn mạnh sự độc lập, cá tính của bản thân (điều này cũng cần tôn trọng) dù nó chưa phù hợp với cái chung. Bởi vậy, giải quyết được mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể rất quan trọng và các em cần được hướng dẫn những điều đó.

Việc xử lý vấn đề này theo pháp luật như thế nào, thưa ông?

Việc tung clip sex lên mạng chưa chắc đã là các em đó làm. Người phát tán, tung lên mạng chịu xử lý. Còn nếu các em chủ động tung hình ảnh, clip của mình lên mạng thì sẽ chịu xử lý theo pháp luật. Còn các em không cố ý, chỉ thực hiện quay clip để làm kỷ niệm, nhưng không bảo mật được thì các em đó là nạn nhân. Tuy nhiên, các em được giáo dục, có nhận thức đúng đắn thì cần phải tránh để mình trở thành nạn nhân, bởi người quay clip chính là các em. Điều này, chúng ta cần phê phán lối sống của các em.

Thực tế một bộ phận không nhỏ giới trẻ dùng các mạng xã hội, diễn đàn trên mạng để khoe ảnh thoát y, coi đó là "mốt", với chức năng thực hiện quyền giám sát, ông kiến nghị gì về để giải quyết thực trạng này?

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến việc ban hành những quy định mang tính pháp quy để điều chỉnh những hành vi sử dụng blog, facebook như thế nào. Ban đầu người ta chỉ hiểu blog như trang nhật ký nhưng bây giờ nó đã như một trang web. Nhật ký trước đây là giữ trong nhà không lộ ra, còn hiện nay nó bày cho thiên hạ đọc và bình luận... Vấn đề này cần sự điều phối của pháp luật. Hiện nay Bộ thông tin - Truyền thông đang xây dựng quy chế để quản lý vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Vương Hà

Tag: Facebook