Không tiết chế dễ thành phản giáo dục

Không tiết chế dễ thành phản giáo dục

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Gần đây, trên thị trường sách xuất hiện khá nhiều bộ truyện tranh được chuyển thể từ các tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng như: Chí Phèo, Tắt Đèn, Giông tố,...

Điều này tạo nên một sự thay đổi lớn về cảm nhận của độc giả trong việc tiếp cận những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Tuy nhiên, chính sự thay đổi nêu trên đã khiến dư luận, nhất là các bậc phụ huynh bày tỏ thái độ rất đáng lo ngại.

Xã hội - Không tiết chế dễ thành phản giáo dụcMột chị Dậu và Chí phèo rất 'khác" với độc giả Việt.

Hay nhưng còn quá nhiều "sạn"

Mở đầu cho xu hướng chuyển thể này, phải kể đến loạt truyện tranh dành cho lứa tuổi mới lớn của nhà văn ăn khách Nguyễn Nhật Ánh như: Bồ câu không đưa thư, Nữ sinh, Bong bóng lên trời... Chính sự nhẹ nhàng, trong sáng, gần gũi với lứa tuổi học trò trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã khiến những bộ truyện tranh này được đón nhận và ủng hộ nhiệt tình, kể cả các độc giả vốn không hứng thú với thể loại truyện tranh.

Táo bạo hơn, công ty thực hiện bộ truyện Thần đồng Đất Việt đã lựa chọn một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt giai đoạn 1930 - 1945 để chuyển thể thành truyện tranh như Chí Phèo (1 tập), Giông tố (6 tập), Tắt đèn (2 tập2).

Gần đây nhất là tác phẩm Chiếc lược ngà mới ra mắt tập 1, dự kiến vào tháng sau sẽ phát hành các tập tiếp theo. Đây được xem như một sự mới mẻ ở thị trường truyện tranh Việt Nam vốn đầy rẫy những bộ truyện nước ngoài, mà không ít trong số đó rất vô bổ và thiếu tính giáo dục.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến phàn nàn về cách thể hiện hình ảnh lẫn nội dung của các tập truyện. Các thành viên của những diễn đàn truyện tranh và cả văn chương đang xôn xao bàn tán về vấn đề này. Một thành viên có nick sailormoon..., "kêu trời": "Trời ơi, Chí Phèo không khác gì cướp biển hay quái vật, dáng rất ... Tây; chị Dậu có mấy mặt con rồi mà nhìn cứ như nữ sinh, không có chút gì là người nông dân lam lũ, chuyển thể kiểu này thì chắc tác giả còn không nhận ra "đứa con tinh thần" của mình chứ nói chi độc giả".

Ngoài ra, nhiều phụ huynh rất lo ngại về lời thoại của các nhân vật đã được "sáng tạo quá tay" khiến phiên bản truyện tranh trở nên xa lạ so với nguyên tác. Như những câu chửi đổng của Chí Phèo: "Cha tiên sư bố"; "Ông chửi ba đời nhà mày"...

Dễ "đóng khung", làm giới hạn trí tưởng tượng của trẻ

Trào lưu "truyện tranh hóa" các tác phẩm văn học tiêu biểu có thể góp phần làm phong phú đa dạng thêm thị trường truyện tranh ở Việt Nam, làm giảm tình trạng khủng hoảng văn hóa đọc đang diễn ra phổ biến ở một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, xung quanh đó còn có rất nhiều vấn đề phải bàn, không chỉ về phía những người thực hiện mà cả với độc giả cũng cần phải có cái nhìn đúng đắn khi tiếp cận với loại truyện tranh này.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, PGS.TS Nguyễn Thành Thi - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: Cần phải thấy rõ tính hai mặt của vấn đề. Mặt tích cực xuất phát từ động cơ, tài nghệ của người chuyển thể tác phẩm văn học được sáng tạo lại một lần nữa bằng ngôn ngữ truyện tranh, phần nào nâng đỡ trí tưởng tượng của người đọc và nhất là với những người đọc nhỏ tuổi. Còn về mặt tiêu cực, có thể nói rằng trong khi cố gắng phổ cập văn chương bằng cách truyện tranh hóa, tác giả hay họa sĩ vẽ truyện tranh nếu dễ dãi và làm không khéo, sẽ "đóng khung", làm giới hạn trí tưởng tượng của trẻ.

"Thực ra, tác phẩm văn học và truyện tranh chuyển thể từ tác phẩm văn học là hai nghệ thuật khác biệt. Không nên hoặc không thể thay thế cho nhau. Truyện tranh chỉ là một phương án đọc tác phẩm. Tác giả truyện tranh và nhất là người đọc phổ thông, một khi không ý thức rõ điều này, có thể sẽ làm "nghèo" tác phẩm văn học.

Khi chuyển thể tác phẩm văn học thành truyện tranh, việc làm ảnh hưởng đến nguyên tác là điều không thể tránh khỏi", PGS.TS Nguyễn Thành Thi cho biết.

Theo các họa sĩ chuyên ngành, việc chuyển thể tác phẩm văn học thành truyện tranh là điều không phải dễ dàng. Vì tư duy hội họa và tư duy văn học là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Làm cách nào để vừa chuyển tải hết nội dung, tinh thần và nghệ thuật của tác phẩm lại vừa đảm bảo được tính hấp dẫn của truyện tranh sẽ là một chặng đường rất dài đối với những người đang bước đầu thể nghiệm.

Nên có sự tiết chế

Chị Trần Trung Uyên, giáo viên trường Nguyễn Viết Xuân, TP.HCM cho biết: "Những câu chửi tục của làng quê xưa được "ứng dụng" khá nhiều trong những bộ truyện tranh này rất có thể làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ của các em học sinh khi tiếp nhận. Vì truyện tranh là sản phẩm đa phần hướng đến độc giả nhỏ tuổi, với tâm lý thích học hỏi, hay bắt chước rất có thể các em sẽ lầm nghĩ rằng, trên truyện văn học họ có thể nói vậy, thì mình nói theo cũng chẳng sao. Việc dùng những câu chửi để thể hiện tinh thần tác phẩm theo tôi thì nên tiết chế lại, nhất là với truyện tranh dành cho độc giả nhỏ tuổi".

Ngọc Giàu