Kiểm chứng khả năng của “thần y lang thang”

Kiểm chứng khả năng của “thần y lang thang”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Các cơ quan chức năng vừa tổ chức buổi hội thảo về phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên tại tỉnh Bình Phước. Phần lớn các chuyên gia có mặt đều thừa nhận phương pháp chữa bệnh của ông Yên có hiệu quả với một số bệnh nhân.

Tuy nhiên đây là phương pháp mới nên cần được tổ chức nghiên cứu sâu hơn.

Áp dụng phương pháp chữa bệnh của võ thuật?

Sau khi chứng kiến ông Yên chữa thực nghiệm và nghiên cứu các tại liệu, các nhà chuyên môn đã thảo luận về phương pháp xoa bóp, day ấn huyệt để phục hồi chức năng một số bệnh bại liệt, câm điếc, thoái hóa cột sống và tháo gỡ vướng mắc về hành nghề theo pháp luật của ông Võ Hoàng Yên.

Bác sỹ Quách Ái Đức, PGĐ Sở Y tế tỉnh Bình Phước nhận xét: "Tôi tạm gọi đây là phương pháp mới nhưng chưa rõ là có hiệu quả tạm thời hay lâu dài. Các trường hợp đưa ra chữa bệnh tại hội thảo có giảm bệnh tức thời nhưng chưa đủ chứng cứ để công nhận. Do đó, ngành y tế chưa có kết luận mà phải tiếp tục theo dõi, điều trị các bệnh nhân trong thời gian tới mới có kết luận chính thức. Sở Y tế Bình Phước sẽ kiểm định phương pháp này thông qua nhiều bước, thực hiện đúng theo quy trình do Bộ Y tế quy định. Còn về vấn đề có cho phép chữa bệnh hay không thì phải thông qua Hội đồng khoa học kỹ thuật nghiệm thu đề tài khoa học của ông Võ Hoàng Yên”.

Ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh thực nghiệm ngay tại hội thảo

Còn theo GS. Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viện y học cổ truyền Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Tổng hội Y học Việt Nam thì khẳng định: Ông Yên đã làm được điều mà y học hiện đại chưa làm được.

"Kết quả của phương pháp điều trị quá rõ ràng, mọi người tham dự hội thảo đều đã nhìn thấy. Theo tôi phương pháp chữa bệnh này là tác động trực tiếp vào các cơ quan bị hư tổn để phục hồi chức năng. Về cách chữa bệnh bại liệt, đây là một cách xoa bóp trong võ đạo ứng dụng vào y học, tác động chủ yếu lên khớp và gân, cơ bị tổn thương. Phục hồi chức năng mà có hiệu quả ngay tức thời là điều mà y học hiện đại chưa làm được. Các tổn thương như chân liệt thẳng, tay liệt co, bàn chân bị lệch là do rối loạn hoạt động các nhóm cơ. Căn cứ vào các động tác ông Yên đã làm, đầu tiên là tác động vào các huyệt đạo làm cơ mềm ra, tác động tiếp vào các khớp để phục hồi vận động, khớp hoạt động được kéo theo cơ hoạt động tốt hơn, do đó bệnh nhân tự đứng, đi được. Phục hồi chức năng ở tay cũng tương tự, tuy nhiên tay chỉ để ngang được, hoặc đụng mũi, tóc chứ chưa đưa thẳng lên được, đó là do khớp vai phục hồi chưa tốt, bệnh nhân cần phải tập luyện nhiều khi về nhà”, GS. Châu nhận xét.

Giải thích về phương pháp của ông Yên. GS. Châu nói: "Ông Yên đã tác động các huyệt đạo ở tai, kích thích mạnh bằng cách vỗ vào tai, dẫn truyền thần kinh số 8, nếu là tổn thương nhẹ thì sẽ nghe được, nặng thì không được. Động tác kéo, xoay lưỡi mục đích là để phục hồi chức năng cơ ở lưỡi, trong y học chưa thấy ai làm như vậy. Bệnh nhân đã có cảm giác nghe, nói chưa rõ ràng là kết quả tức thời, còn lâu dài thì cần phải luyện tập. Trước đây khi tôi làm ở Viện Y học cổ truyền Việt Nam, viện đã mời 52 người có phương pháp hay mà chưa có giấy phép hành nghề về viện để tiếp tục nghiên cứu, chữa bệnh, có đội ngũ thầy thuốc giúp các việc bốc thuốc, tổng kết báo cáo về hiệu quả chữa bệnh”.

Cho tiếp tục chữa bệnh để nghiên cứu sâu

Ông Nguyễn Việt Anh (bị liệt nửa người) đã đứng lên đi được sau khi được ông Yên chữa trị ngay tại hội thảo

Còn bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, GĐ Sở Y tế tỉnh Quảng Bình thì cho rằng: "Vấn đề phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị bại liệt, câm điếc mất rất nhiều thời gian và công sức, nhiều người bị tàn phế suốt đời. Kết quả bước đầu như vậy là rất khả quan, phương pháp của ông Yên không thể thần kỳ làm hết bệnh ngay lập tức mà phải chữa trị kéo dài, có tái khám; cần cộng đồng, gia đình giúp đỡ cho bệnh nhân tập luyện.

Bác sỹ Trương Hữu Nhàn, GĐ Viện Y học Cổ truyền tỉnh Bình Phước nhận xét thêm: "Trước và sau khi điều trị chưa đo các chỉ số của bệnh nhân nên chưa đủ căn cứ kết luận. Kết quả khảo sát 10 bệnh nhân đã điều trị cũng chưa đủ cơ sở kết luận, do chỉ dùng phương pháp hỏi là chính. Do đó sau hội thảo để đưa ra kết luận hiệu quả hay không là chưa có cơ sở”.

Hội thảo nghe ý kiến thảo luận của GS. Nguyễn Văn Hàm; lương y Trần Nam Hoàn, Phó chủ tịch hội Đông y TP.HCM; Luật sư Trần Minh Chí, Đoàn luật sư TP.HCM; các bác sỹ Đông y, Tây y và nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Phần lớn các ý kiến đều đề nghị cần có nghiên cứu chính thức để ông Yên được hành nghề hợp pháp, bệnh nhân và thân nhân mong mỏi trong thời gian chờ cấp phép, ông Yên vẫn được khám chữa bệnh, như là bước đầu để thực hiện đề tài.

Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học &Kỹ thuật tỉnh Bình Phước kết luận: "Qua phản biện của các nhà chuyên môn và nhiều bệnh nhân đã được ông Yên điều trị trong thời gian qua, kết quả bước đầu là thực tế đáng ghi nhận. Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến kết luận của các nhà chuyên môn, sau đó đề nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện tiếp một đề tài nghiên cứu khoa học về cách trị bệnh của ông Yên. Trước mắt, trong thời gian chờ làm một đề tài nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi có văn bản đề nghị UBND tỉnh và ngành y tế cho phép ông Yên được điều trị bệnh hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó có sự tham gia giám sát của Liên hiệp các Hội Khoa học -Kỹ thuật và ngành y tế”.

Gia An