Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu

Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu

Thứ 4, 15/05/2013 | 13:57
0
Do việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất mang lại lợi nhuận lớn, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến tìm mọi cách để "lách luật", dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương.

Nguyên nhân do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ mạnh, việc xử lý các vi phạm chưa nghiêm, trong khi đó tại nhiều nơi chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm, phó mặc vấn đề bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này cho các cơ quan chức năng.

Báo cáo hiện trạng môi trường toàn quốc năm 2011 cho thấy: một trong những nguồn phát sinh chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại là do doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng như: pin, ắc-quy, bản mạch..., cũ, hỏng từ nước ngoài vào nước ta để xử lý tái chế hay tận dụng thu phế liệu. Nhiều đơn vị nhập khẩu phế liệu ngoài danh mục được nhập khẩu theo quy định tại quyết định số 12/2006/QÐ-BTNMT.

Cả nước có 34 tỉnh, thành phố, với 155 doanh nghiệp thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu, trong đó có 116 doanh nghiệp sản xuất, tái chế trực tiếp nhập khẩu để phân phối (chiếm khoảng 75%), 28 doanh nghiệp nhập khẩu để phân phối (chiếm khoảng 18%) và 11 doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác. Ước tính, tổng số phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất qua các cửa khẩu vào nước ta năm 2011 là khoảng 2,9 triệu tấn, chủ yếu là phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ cát, thạch cao...

Việt Nam Xanh - Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu

Một vụ nhập khẩu "rác" do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện.

Bên cạnh đó, hằng năm có khoảng hàng trăm tấn phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch. Trong đó, có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như máy móc, thiết bị lạc hậu, hỏng, hết hạn sử dụng, linh kiện điện tử có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ môi trường và công ước Ba-xen. Theo số liệu từ lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho thấy, chỉ tính riêng tại cảng Hải Phòng từ năm 2003 - 2006 đã có gần 2.300 công-ten-nơ chứa khoảng 37 nghìn tấn ắc-quy chì phế thải; năm 2008 - 2009, đã có 340 công-ten-nơ rác thải phế liệu và hàng chục công-ten-nơ ắc-quy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập khẩu, trong đó có tới hơn 300 công-ten-nơ chất thải vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường khi lưu bãi. Ðiểm đáng chú ý, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất ngày một gia tăng. Chỉ tính từ tháng 5-2009 đến 5-2011, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 37 vụ việc vi phạm, trong đó có 3.278 công-ten-nơ chứa 56.618 tấn ắc-quy chì phế thải và hàng hóa khác thuộc diện chất thải nguy hại đã nhập khẩu qua các cảng biển, cửa khẩu Việt Nam.

Ðáng chú ý, việc xử lý các công-ten-nơ vi phạm, tồn lưu đang là vấn đề hết sức nan giải, khi chúng ta đang thiếu cả các quy định về công tác xử lý, việc tái xuất hoặc xử lý tồn đọng. Ngoài ra, tại một số địa phương vẫn còn các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong việc xử lý, giảm  ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất như phế liệu giữ tại kho bãi chưa được che chắn triệt để, khi gió mưa, bão phát tán ra ngoài môi trường. Hệ thống xử lý khí thải chưa đạt yêu cầu, gây ô nhiễm không khí chung quanh khu vực sản xuất và khu dân cư, xỉ từ các lò luyện thép bị lưu giữ với số lượng lớn, chưa được bảo vệ về môi trường.

Nguyên nhân của thực trạng nói trên là do việc nhập khẩu rác thải từ các nước tiên tiến vào nước ta thường mang lại lợi nhuận cao, khiến không ít doanh nghiệp trong nước tìm cách "lách luật", ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm thu lợi bất chính. Thủ đoạn vận chuyển, nhập rác trái phép vào nước ta được núp dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ ba với những mặt hàng hợp pháp khi làm thủ tục khai báo, được ngụy trang rất tinh vi, nhưng thực chất bên trong lại là phế thải và khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên hợp đồng thường có công văn từ chối nhận hàng.

Việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là cần thiết, nhất là trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên trong nước đang dần cạn kiệt. Ðể tăng cường nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển sản xuất, trong thời gian tới hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vẫn cần được duy trì.

Ðây được coi là cơ hội để chúng ta phát triển mạnh hơn nữa thị trường cung cấp, phân phối phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời cũng là thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Bởi vậy, chúng ta cần phải thực thi đầy đủ các nội dung của công ước Ba-xen về kiểm soát chất thải xuyên biên giới và việc tiêu hủy chúng. Tăng cường trao đổi thông tin, chủ động ngăn ngừa có hiệu quả việc vận chuyển chất thải vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu được nhập khẩu, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hữu hiệu trong việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu. Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về kiểm soát chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất và xuất, nhập khẩu phế liệu ngay từ giai đoạn xin phép..., nhằm tránh nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới.

Theo Nhân Dân 

Cần siết chặt quản lý từ việc thu mua phế liệu cũ (Kỳ 2)

Thứ 5, 09/05/2013 | 08:18
Nguy cơ cháy, nổ, gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động của hàng trăm cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn TP.Biên Hòa rất lớn. Tuy nhiên, giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh tình trạng này hiện vẫn còn chờ các cơ quan có thẩm quyền.

Kinh doanh phế liệu tràn lan (Kỳ 1)

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:58
Nghề “đãi vàng trong rác” này thu hút nhiều người làm, nhưng tình trạng đảm bảo môi trường sống cho hàng ngàn hộ dân sinh sống quanh các điểm kinh doanh phế liệu lại đang bị bỏ ngỏ.

Được cả thùng vàng khi đang... rà phế liệu

Thứ 5, 18/04/2013 | 09:03
Nhiều người tình cờ trúng cả thùng vàng khi làm rẫy, rà phế liệu… Họ giàu lên trong lặng lẽ vì dù sao đó cũng là mồ hôi nước mắt của người khác phải ngậm đắng, nuốt cay bỏ lại vì cuộc binh biến.

Gã mua phế liệu dụ dỗ, hiếp dâm bé gái 9 tuổi

Chủ nhật, 06/01/2013 | 09:33
Trên đường đi mua phế liệu, Bùi Văn Mí thấy 2 bé gái 9 tuổi đang chơi bên đường, Mí đã dụ dỗ rồi quan hệ nhiều lần với cháu T ngay trước mặt cháu H.T.