Kiếm tiền triệu nhờ lấy... “nước thiêng” đi bán

Kiếm tiền triệu nhờ lấy... “nước thiêng” đi bán

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0

Thời gian gần đây, người dân Phú Thọ và các tỉnh lân cận thường truyền tai nhau về một nguồn “nước thiêng” tại ngã ba sông Lô - Đà - Hồng (tỉnh Phú Thọ). Kèm theo đó, muốn có được “nước thiêng”, người đi lấy nước phải có tâm trong sáng, không vụ lợi. Đặc biệt, sau khi được lấy về, khách không được so đo, mặc cả tiền nong. Việc trả thù lao cho người lấy “nước thiêng” chủ yếu phụ thuộc vào tâm linh của khách.

Giờ đây, lấy “nước thiêng” đã tạo thành “nghề” mới của người dân quanh vùng. Dù không mặc cả, ngã giá bán - mua nhưng theo phản ánh, người lấy “nước thiêng” đã thu về bạc triệu mỗi ngày.

Xã hội - Kiếm tiền triệu nhờ lấy... “nước thiêng” đi bán

Bà Lan cho thuyền ghé vào bãi bồi lam lễ trước khi ra lấy nước thiêng

Mục sở thị “rốn” nước thiêng

Chúng tôi đến khu vực ngã ba sông Việt Trì, nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Nơi từ lâu đã được mệnh danh là ngút ngàn linh khí với truyền thuyết khai sinh ra dân tộc Việt và đất tổ Vua Hùng. Đang miên man suy nghĩ, chúng tôi bỗng giật mình bởi giọng nói của bà Nguyễn Thị Lan, một người dân bản địa, chuyên làm “nghề” lấy “nước thiêng”.

Theo người dân nơi đây, bà Lan đã có thâm niên hơn mười năm mưu sinh bằng việc lấy “nước thiêng”. Bà Lan tâm sự với chúng tôi: “Một can “nước thiêng” lấy từ ngã ba sông Việt Trì về không có giá cả cụ thể nhưng do liên quan đến tâm linh nên số tiền khách trả cho mỗi can nước là không nhỏ...”. Chưa đợi chúng tôi phản ứng, bà Lan tiếp lời, thực tế đã chứng minh, không phải ai cũng lấy được “nước thiêng”. Người đi lấy nước phải có tâm trong sáng, không vụ lợi và nước phải lấy ở đúng vùng giao nhau giữa ba con sông.

Quả thật, mặc dù người dân trong vùng Bạch Hạc thuộc khúc sông này như lòng bàn tay nhưng số người biết chính xác đoạn hợp long giữa ba con sông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và, điều quan trọng hơn nữa, họ biết khúc sông nhưng có xác định được đúng dòng “nước thiêng” của dòng lưu hợp nhất hay không.

Theo những người từng đi “xin” “nước thiêng”, để đi ra đoạn ngã ba sông, người ta chỉ được di chuyển trên những chiếc thuyền lá nhỏ. Bởi vì loại thuyền này nhẹ, gây ít tiếng ồn, không phá khí của “hồn thiêng sông núi”. Người chèo lái con thuyền ra đó phải là người có con cháu đuề huề, bản thân khỏe mạnh. Thường trước mỗi chuyến đi ra “rốn nước thiêng”, khách thập phương hoặc những người có nhu cầu lấy nước đều tới dâng hương tại chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì). Ngôi chùa này được coi là bến thiêng. Vào buổi sáng sớm, nhất là vào những ngày tốt, lượng người tìm đến chùa “xin nước thiêng” rất đông.

Ngoài một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, người dân tận Quảng Bình, Ninh Thuận, Bến Tre… cũng tìm đến để lấy vài can nước tại ngã ba sông này về. Họ nhờ những người dân ở địa phương am hiểu vùng nước hợp lưu dòng chảy ở ngã ba sông để lấy “nước thiêng”. Và tất nhiên, có cầu ắt có cung, “một đồn mười, mười đồn trăm”, công việc múc nước sông tại ngã ba thiêng này trở thành “nghề hót”.

Sau tất cả các thủ tục vào chùa Đại Bi làm lễ, chúng tôi theo chân bà Lan xuống con thuyền lá để tận mục sở thị khu vực hợp lưu giữa ngã ba sông. Nơi mà bà nói là chỗ “nước thiêng” tụ hội. Theo bà Lan, công việc lấy nước tại ngã ba sông trước hết xuất phát từ cái tâm. Tuyệt đối họ không so đo mặc cả, ngã giá với khách. Tùy từng công việc của khách mà bà Lan tư vấn cho họ lấy ít hay nhiều nước nhưng phải là những con số lẻ như ba, năm, bảy, chín lít... Chúng tôi hỏi tại sao lại là những con số lẻ thì bà không giải thích được. Với người đàn bà này, số lượng trên như một thuận ước với bất kỳ ai muốn ra ngã ba sông này “xin” nước. Theo sự ước lượng của chúng tôi, khoảng cách từ chùa Đại Bi đến điểm được gọi là tâm điểm giao long của ba con sông khoảng 4km.

Trước khi lấy nước, bà Lan đưa chiếc thuyền lá tấp vào một bến bồi phủ toàn cát trắng cách vụng giao long ba sông khoảng bốn sải nước. Lên đó, người đi lấy nước sẽ làm một lễ nhỏ khấn trời, đất, thiên, địa. Bản thân bà Lan cũng vái xin trời đất. Khi nghi lễ kết thúc, mọi người sẽ lên thuyền, người đàn bà này đẩy thuyền trôi nhẹ về phía vụng xoáy mà bà cho rằng đó là nơi hợp lưu giữa ba con sông và múc nước.

Theo quan sát bằng mắt thường của PV, tuy ba sông hợp lưu với nhau song mầu nước không hòa làm một mà vẫn phân định mầu sắc rõ ràng. Mầu nước sông Hồng ngầu đỏ, sông Đà vàng đục, còn sông Lô nước trong vắt. Ở giữa ngã ba thiêng nơi linh khí hội tụ, chúng tôi lại nghĩ về truyền thuyết xưa khi Hùng Vương thứ nhất đã chọn ngã ba này đến núi Nghĩa Lĩnh để đóng đô. Và theo câu chuyện của bà Lan, đây cũng chính là nơi gắn với loài cá Anh Vũ huyền thoại, loại cá vốn được tiến vua có từ thời Hùng Vương. Với cánh tay thoăn thoắt, bà Lan vục can xuống dòng nước để lấy “nước thiêng” cho từng người đóng vào các can đủ mọi kích cỡ. Ước chừng, tất cả số “nước thiêng” mà bà Lan lấy về lần này khoảng 30 lít.

Xã hội - Kiếm tiền triệu nhờ lấy... “nước thiêng” đi bán (Hình 2).

Thuyền là phương tiện chính để đi ra “rốn” nước thiêng.

“Bán” tính mạng cho hà bá

Trở về bến thuyền, người đàn bà này chia sẻ với chúng tôi, số người ở khắp nơi đổ về đây lấy nước ngày càng đông, nhất là vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Thuyền vừa cập bến, trên bờ đã có nhiều khách đứng chờ. Nhiều người tỏ ra sốt ruột chờ đến lượt mình. Đáp lại, bà Lan đon đả nói chuyện với từng người và cũng cẩn thận xách từng can nước đã múc lên bờ cho khách. Trước khi ra về, đoàn khách nọ đưa vào tay bà Lan, người thì 100.000 đồng, người thì chỉ 2.000 – 3.000 đồng. Có người cầm chai nước nhỏ cười xin. Bà Lan cũng chỉ khua tay nói “không có gì, không có gì”.

Anh Đặng Quang Vinh, người dân sinh sống ở bến Bạch Hạc cho biết, không phải ai cũng trụ được với nghề lấy “nước thiêng”. Người đi lấy nước đích thị phải là một con “rái cá” và am hiểu về ngã ba sông. Nước phải lấy ở đúng vùng hợp lưu giữa ba sông mới là “nước thiêng”. Vào mùa lũ, việc lấy nước ở nơi này phải rất thận trọng. Chỉ một phút sơ sẩy, nước xoáy sẽ cuốn trọn cả người và thuyền. Hà bá luôn trự chờ những người trót đi theo cái nghiệp này. Anh Vinh nói với chúng tôi, “lấy “nước thiêng” tấm lòng phải luôn hướng thiện. Nhiều khi đêm xuống vẫn có người sáng mai bốc mộ đến nhờ lấy nước về rửa cho người quá cố. Dù lạnh, mưa, nguy hiểm nhưng mình vẫn phải đi. Lấy về rồi, thậm chí mình không nhận tiền thù lao, vì đó là ơn nghĩa ở đời.

Qua tìm hiểu chúng tôi, ngoài việc lấy nước giúp người trong việc cầu an thì số tiền kiếm được từ việc lấy “nước thiêng” về cũng đem lại cho người dân khoản thu nhập không hề nhỏ. Anh Đặng Quang Vinh, người làm “nghề” lấy nước tại ngã ba sông này gần chục năm nay cho biết: Một can nước lấy từ ngã ba sông Việt Trì về không có giá cả cụ thể. Tuy nhiên, số tiền anh Vinh kiếm được hàng tháng cũng đủ chi trả cuộc sống của gia đình mình và nuôi hai đứa con ăn học.

Người đàn ông này cũng chia sẻ, việc lấy nước về là làm theo cái nghĩa ở đời. Khách đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Có nhiều hôm gặp những gia đình giàu có, họ đi xin nước về dựng nhà dựng cửa thì số tiền họ trả cho số nước họ đã lấy lên đến tiền triệu. Chính vì vậy mà ở phường Bạch Hạc và các địa phương lân cận có rất nhiều làm nghề lấy nước ở ngã ba sông.

Chia tay bến Bạch Hạc khi chiều đã chạng vạng, những thuyền đi lấy nước ở ngã ba sông Việt Trì cũng đã neo đậu tại bến chùa Đại Bi. Chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của bà Lan: “Sống ở đời phải có nhân nghĩa, phải sống sao cho có ích cho xã hội, giữ được tấm lòng trong như nước sông kia”. Mặc dù không biết họ kiếm được mỗi bao nhiêu tiền từ công việc này nhưng nghĩ đến những nguy hiểm trực chờ nơi ngã ba sông chúng tôi lại cảm thấy lạnh sống lưng. Họ đang đi bán tính mạng cho hà bá để lấy niềm tin cho những người dân.

Tục lệ tốt đẹp đang bị biến tướng

Cụ Nguyễn Quý, nhiều năm làm thủ từ đền Tam Giang ngay bên bến sông cho biết, theo phong tục địa phương từ xa xưa sau khi lấy “nước thiêng”, mọi người trở về phải vào trong đền Tam Giang lễ tạ thì “nước thiêng” mang về mới linh ứng. Tục lấy nước từ ngã ba sông có ý nghĩa ban đầu chỉ để cầu may nhưng nay “nước thiêng” được người ta tùy tiện sử dụng vào nhiều việc. Việc lấy “nước thiêng” hiện nay tùy theo sự ngẫu hứng và tưởng tượng của mỗi người.

Văn Hoàng