Chàng trai mù gần 20 năm hát rong nuôi mẹ già

Chàng trai mù gần 20 năm hát rong nuôi mẹ già

Thứ 6, 09/08/2013 | 16:37
0
Cuộc đời anh không như những người bình thường khác, anh sống trong bóng tối nhưng ánh sáng của tâm hồn đã luôn chiếu soi cho những bước chân anh đi tìm con đường sống của bản thân.

"Cuộc đời thật lắm éo le”

Cách đây không lâu, qua những lời kể của người dân xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) chúng tôi biết về câu chuyện của một chàng trai với số phận bất hạnh khi đôi mắt phải chìm trong bóng tối nhưng vẫn sống yêu đời và cống hiến hết mình cho âm nhạc. Điều đặc biệt, chính lời ca tiếng hát của anh đã làm thổn thức bao nhiêu trái tim người nghe và truyền cho họ niềm lạc quan vào cuộc sống. Người đàn ông đó mang tên Nguyễn Đình Thân (SN 1979) trú tại xóm Mỹ Đoài.

Lúc sinh ra, cậu bé Thân cũng khỏe mạnh, lành lặn như những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Hàng ngày ngoài giờ học hành vui chơi cùng chúng bạn, cậu còn đỡ đần bố mẹ trong công việc nhà nông như chăn trâu, cắt cỏ Thân ngày đó siêng năng, ngoan ngoãn nức tiếng cả một vùng. Nhưng đến năm 7 tuổi, một biến cố lớn đã thay đổi cả cuộc đời, một trận ốm nặng đã bập lấy cậu. Sau cả tuần đau yếu, hôn mê. Khi tỉnh dậy, Thân nhận thấy đôi mắt mình cứ thế mờ dần, mờ dần mà chẳng hiểu lý do. Nhớ lại chuỗi ngày đen tối của mình, Thân tâm sự: "Đang khỏe mạnh bình thường bỗng dưng ốm rồi mờ mắt, bố mẹ nghĩ em bị ma ám nên mời thầy lang về làm lễ xua đuổi. Đuổi đâu chẳng được, ông ta hun cho một trận khói làm  mắt em mù hẳn. Mà cũng may, người nhà kịp thời đưa em đi viện cấp cứu nên còn giữ được tính mạng đến bây giờ.

Xã hội - Chàng trai mù gần 20 năm hát rong nuôi mẹ già

Các phiên chợ, đám cưới,lễ lạt là đất diễn" ca hát đối với Nguyễn Đình Thân nhằm có tiền tự nuôi bản thân và nuôi mẹ già đau ốm ở nhà.

Hai tháng nằm viện, Thân sống và trở về nhà với đôi mắt hoàn toàn trong bóng tối. "Những ngày đầu tiên mù loà với em khủng khiếp lắm. Cái cột nhà không thấy, vấp sưng cả trán. Cái bát ăn cơm cũng không thấy, quờ tay cơm rơi vãi khắp nhà, bát thì rớt lăn lóc. Em chỉ biết khóc, chửi bới và gào thét trong điên loạn, đụng vào bất cứ đồ đạc gì trong nhà là vứt, là ném hết. Mẹ lúc đó chỉ ôm cứng lấy em vừa khóc vừa an ủi: "Con không nhìn thấy chi phải không, mẹ biết, nhưng không nhìn thấy chưa phải đã là người mù đâu con ạ...".

Câu nói của mẹ thực sự lúc đó em chưa hiểu nhưng cũng không quên. Bây chừ, sau hai mươi mấy năm sống trong cảnh mù loà, em đã nhận ra rằng, mẹ em đúng - không nhìn thấy chưa là mù...", Thân nói tiếp.  Nhưng để làm được điều như mẹ Thân nói quả thật quá khó khăn. Cậu bé khi đó bắt đầu phải tính toán chi li để hiểu rằng, từ giường đến bàn là mấy bước, từ bàn đến cửa nhà là mấy bước, bước ra sân bên trái mấy bước là giếng. Ra xa nữa, ngõ là bao nhiêu bước, rẽ trái là đi về đường làng... Mỗi bước chân dò dẫm là một bài học, một lần vấp ngã là phải tập tới tập lui hàng trăm lần cho quen đường, nhớ lối.

Đi qua bóng tối

Để xác định đúng mọi thứ trong nhà, ngoài ngõ, Thân đã không biết bao nhiêu lần lao vào bàn ghế, rớt xuống ao hồ, cũng chẳng tính được bao lần trợt gối chảy máu rồi u đầu nghiêng ngả khi vấp phải cái cột nhà, bờ tường xung quanh lối xóm. Bằng nghị lực, cậu bé cũng đã vượt qua những khó khăn bước đầu, Thân quen dần với từng bước, từng bước đi rồi nhập tâm và thuộc làu làu lúc nào cũng chẳng biết. Với giọng nói hào sảng, Thân cười cười nói nói với vẻ mãn nguyện: “Mình đã có công thì trời chẳng phụ”.

Biết nhà mình nghèo, cha mẹ già yếu, con trai tuy đã lớn nhưng lại mù lòa chỉ ngồi một chỗ ăn bám gia đình. Năm 1997, trong buổi ăn cơm trưa Thân đã đưa ra kế hoạch sẽ ra chợ hát để kiếm tiền làm bố mẹ hốt hoảng và không quên ngăn cản ý định của con trai. Nhưng rồi thương con, biết Thân có tài ăn nói nên ông Bách (bố Thân - PV) cũng chiều theo ý con. Tờ mờ sáng ông dắt con ra phiên chợ gần nhà để con tự mưu sinh kiếm sống.

"Tuy mắt không nhìn thấy nhưng em ăn mặc "lịch sự" đi đứng chững chạc, em vừa hát, vừa cầm bô xin tiền mọi người, một số người ngờ ngợ không tin họ cho là em giả vờ mù. Có người đưa chân ra ngáng khiến em lăn đùng ra đó rồi mới cho vài đồng bạc lẻ", anh Thân nhớ lại những ngày đầu bắt đầu vào nghề.

Đi hát được vài năm, anh cũng tích cóp được số tiền nhỏ định sửa sang lại ngôi nhà cho đỡ dột nát thì một tai họa lại ập đến. Bố anh ốm, bao nhiêu vốn liếng đều dồn vào để chữa bệnh cho bố nhưng bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng trở nặng rồi qua đời, khi trong gia đình chẳng còn nổi thứ gì đáng giá. Buồn bã, đau đớn khi bố đã mất nhưng anh lại càng phải cố gắng nhiều hơn để tự nuôi thân và người mẹ già yếu.

Mang kiếp cầm ca, bôn ba hát dạo

Khi hỏi về cái nghề hiện tại mà anh đang làm để kiếm sống ra sao, Thân hào hứng đưa 5 đầu ngón tay ra lẩm nhẩm, “mấy ngày gần đây đều đã có lịch kín, từ hát ở chợ cho đến đám cưới, đám xóm. Ai gọi là tôi đều hát cả, chỉ mong được đưa tiếng hát của mình đến mọi người thôi” -   Thân tâm sự.

Nghe con ngồi nhẩm tính lịch làm việc, bà Đặng Thị Đào (mẹ Thân - PV) cũng vừa nhìn hồ hởi khoe: "Nó nói thật đó, bận đi suốt ngày, bữa thì đi hát tuyên truyền, bữa đi hát đám cưới, lúc rảnh rỗi thì ra chợ hát.... kiếm tiền vừa nuôi nó lại thêm cả tôi, khắp vùng ni không ai mà không biết đến nó. Nó bắt đầu ngày làm việc từ mờ sáng và đi cho đến nửa đêm mới về. Mà cứ thế một mình nó, không phải nhờ ai dẫn dắt đi cả. Cứ cho cái địa chỉ là Thân đi đến đúng chỗ đó.

Từ cuộc sống mưu sinh ở các phiên chợ gần nhà, dành dụm được một ít tiền, anh bắt đầu lập cho mình một kế hoạch làm ăn là phải đi các chợ lớn hơn nữa, nơi có nhiều người qua lại. "Hát suông bằng miệng rát khản cổ về nhà nằm liệt không ăn uống chi được, nên tôi quyết định đầu tư mấy trăm ngàn đi hát tích góp được để mua cái loa hát cho khỏe miệng. Rồi còn bán thêm yến lúa nữa mua một cái đài Radio để về hát theo. Có đài, có loa, tôi thường xuyên lui tới các phiên chợ đông người để hát mà không muốn về. Cũng từ đây, cái biệt danh "Thân MC" với giọng hát vàng cũng nổi lên theo các đám cưới trong làng, ngoài xã. Người ta biết đến anh không chỉ là một người mù hát xẩm, hát nhạc vàng mà còn là một dẫn chương trình "MC" trong các đám cưới ở quê. Ở làng quê, mỗi khi có đám cưới là người ta mời anh đến hát. "Đám cưới có micro xịn, có đàn, có nhạc, hát thích lắm. Hát xong, ăn uống no nê có thêm tiền về mua băng đĩa nữa"- anh Thân tâm sự.

Với trí nhớ cực tốt, mỗi khi có bài hát mới ra đời là anh mua băng về cho vào đài hát một lần là lần sau anh thuộc và hát lại đúng nhạc răm rắp. Anh hát được đủ các thể loại: Nhạc trẻ, nhạc vàng, nhạc xẩm... vì thế mà giờ đây lịch "đi hát" của anh luôn dày đặc.

Làm cả MC và hát hay như... đài

Cuộc đời lấy đi của anh đôi mắt nhưng bù lại anh lại có một năng khiếu bẩm sinh, anh không những có một trí nhớ siêu phàm mà còn có giọng hát "vàng" say mê lòng người. Chúng tôi thực sự đã lặng người khi nghe anh Thân hát. Cũng đúng vậy thôi, người làng thường khen ví von "Thân MC hát hay như đài". Tuy không có điều kiện để mua đàn ghi ta học nhưng các bài hát, các thể loại nhạc anh đều thể hiện răm rắp. Thậm chí anh còn thường xuyên được các xã mời về các trường học hát tuyên truyền cho người khuyết tật. “Nghe tôi hát họ thích lắm. Ai cũng khen cả...”,  anh Thân tự hào.

Hơn 34 tuổi đời, 27 năm sống trong cảnh mù lòa, Nguyễn Đình Thân biết phía trước cuộc đời mình đang còn rất nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn luôn sống lạc quan yêu đời. Ngày ngày trên tay chiếc loa nén, anh một mình nay đây mai đó đem tiếng hát đi khắp các khu chợ, làng quê để hành nghề. Tiếng hát của anh không chỉ làm đắm say lòng người, mà anh hát còn để nuôi bản thân mình và người mẹ già hơn 70 tuổi ốm yếu ở nhà. "Cuộc đời mình cũng giống như hạt mưa anh ạ, hạt rơi trên mái nhà, hạt dưới nền đất vậy. Sống trên đời này có người sướng người khổ, mình tự biết sống lạc quan là được rồi" - Chia tay chúng tôi anh nói về triết lý cuộc đời là vậy và chỉ mong rằng có đủ sức khỏe để tiếp tục đi hát tiếp... 

Khánh Ly

Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh bằng nghề 'đổ máu'

Thứ 6, 26/07/2013 | 13:46
Hàng ngày, họ phải đi khắp nơi nhặt nhạnh những mảnh kính vỡ, phải chịu rách da, đổ máu với chi chít vết sẹo trên da. Nhưng người dân mang nỗi lòng xa xứ này, vẫn ngày ngày bám với nghề nhặt kính vỡ để mưu sinh.

Những mảnh đời đun mồ hôi mưu sinh trong 'lò bát quái'

Thứ 3, 09/07/2013 | 10:11
Trời nắng như đổ lửa, bà Bình vẫn cặm cụi trong "lò bát quái" (lò nướng cá-PV) để lật những vỉ cá nướng cho vàng đều, không bị cháy. Ngày nào cũng vậy, bà Bình làm quần quật từ tờ mờ sáng đến chiều muộn để nướng cá cung cấp cho các thương lái…

Đại gia đình 50 năm mưu sinh ở... đáy sông

Thứ 3, 16/07/2013 | 13:34
Hơn 50 năm trong nghề, nếm đủ mọi nguy hiểm, bạc bẽo của đời thợ lặn, ông Nguyễn Văn Dung khi qua đời chỉ truyền lại cho đàn con những tuyệt kỹ của nghề lặn mò đáy sông với lời khuyên "hãy tìm cách lên bờ... nghề lặn bạc bẽo lắm".

Phận đời những 'bóng hồng' mưu sinh nơi cảng cá Cửa Sót

Thứ 3, 25/06/2013 | 16:07
Nắng như đổ lửa kèm theo gió Lào, đi trên con đường đầy cát dẫn vào cảng Cửa Sót (thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), chân tôi như muốn phồng rộp lên. Cả không gian nhuốm vị mặn mòi, tanh nồng của biển. Người người hối hả bốc dỡ nốt những mẻ cá cuối cùng để trốn chạy khỏi "biển lửa" đang ngùn ngụt bốc lên...

Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:42
Tôi gặp em vào một buổi chiều tà trên biển Cửa Lò (Nghệ An), cô bé đội chiếc mũ lụp xụp che khuất tầm mắt, nhưng vẫn để lộ nụ cười rất tươi trong ánh hoàng hôn. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh hơn cả là một cơ thể đang run vì lạnh giữa tiết trời vẫn còn hầm hập nóng của ngày hè tháng 6 miền Trung.

'Đời kẹo kéo hát rong' mưu sinh chốn phồn hoa

Thứ 2, 10/06/2013 | 19:42
Khoảng 2h sáng, mấy chiếc xe bán kẹo kéo rong lại lục đục tìm về xóm trọ nghèo. Những gương mặt phờ phạc, giọng khàn đặc quây quần bên nhau dưới mái nhà trọ lụp xụp, kể vội cho nhau nghe vài mẩu chuyện vui buồn trên đường mưu sinh.