Kiều nữ màn ảnh Việt, ẩn mình sau vai diễn để đời

Kiều nữ màn ảnh Việt, ẩn mình sau vai diễn để đời

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Gặp chị tại nhà riêng trên con phố Linh Lang, Hà Nội. Ở tuổi 61, Thanh Loan vẫn giữ được vẻ mặn mà của giai nhân với vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn nổi danh một thời.

Dù đã nghỉ hưu nhưng có lẽ chưa bao giờ chị ngừng làm việc. Nở nụ cười tươi duyên, chị nói: "Mình ở nhà là ốm ngay, nên cứ phải đi. Đi và làm việc là một cách để giữ gìn sức khỏe đồng thời để nạp năng lượng". Ngạc nhiên pha lẫn sự khâm phục, tôi bắt đầu câu chuyện cùng chị.

Nghệ sĩ Thanh Loan vào vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn

Gia đình viên mãn

Có phải vì sự biến mất bất ngờ của Huyền Trang trên màn ảnh khiến chị từng phải chịu đựng những tin đồn thất thiệt?

Hồi đó, tôi “dính” phải nhiều tin đồn buồn cười lắm. Nào là bị ám sát vì đóng vai ni cô đạt quá, rồi bị đánh ghen, bị tạt a xít. Chuyện là khi cùng đoàn làm phim sang tham gia liên hoan phim Matxcơva ở Nga. Từ Nga tôi bay sang Đức với chồng và ở luôn mấy năm bên đó. Đó là chuyện có thực nhưng khi mọi người đón đoàn dự liên hoan phim trở về Việt Nam không có tôi nên anh em đùa rằng, Huyền Trang “hi sinh” rồi. Chuyện chỉ có thế nhưng cuối cùng lại thành lời đồn thổi là tôi đã chết. Chồng nghe tôi kể thì hết sức buồn cười. Anh là nhà khoa học nên cũng không mấy quan tâm, để ý đến những chuyện như thế.

Thưa chị, nhiều khán giả rất muốn biết cuộc sống của nghệ sĩ Thanh Loan hiện nay như thế nào, chị có thể chia sẻ được không?

Tôi biết, việc vắng mặt quá lâu trên màn ảnh khiến khán giả rất quan tâm đến cuộc sống hiện nay của nghệ sĩ Thanh Loan. Thực sự mỗi lần nghe hỏi đến điều này, tôi đều xúc động. Sau vai diễn ni cô Huyền Trang tôi chuyển sang công tác quản lí tại Điện ảnh công an nhân dân. Công việc không cho phép mình bỏ thời gian để đi đóng phim nữa nên mặc dù nhớ màn ảnh lắm nhưng đành phải chấp nhận. Hơn nữa, mặc dù công tác ở ngành công an nhưng công việc cũng xoay quanh điện ảnh, truyền hình. Với việc chuyển đổi sang vai trò đạo diễn, tôi thực hiện việc sản xuất các chương trình phim tài liệu. Đến nay mặc dù đã về hưu, tôi vẫn nhận lời làm phim như gần đây là Vẻ đẹp tiềm ẩn (nói về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, một cách để quảng bá du lịch). Với công việc này, tôi có thể đi đến nhiều danh lam thắng cảnh đẹp trên đất nước, đến cả những hải đảo xa xôi.

Chị đi nhiều thế, ông xã và con cái có lo lắng lắm không?

Tôi may mắn có được sự thông cảm, tôn trọng từ chồng và con cái. Họ đều ủng hộ công việc cũng như sở thích của tôi. ông xã tôi hiện nay vẫn say mê nghiên cứu khoa học. Con gái làm việc ở Mỹ. Con trai ở Hà Nội. Tôi cũng vừa lên chức bà nội nên tinh thần càng thêm phấn chấn.

Vai diễn để đời

Được biết chị từng mang cả con nhỏ và mẹ chồng vào Sài Gòn sống trong một thời gian để thực hiện vai diễn Huyền Trang?

Lúc tham gia phim Biệt động Sài Gòn, cả con gái, con trai tôi đều còn nhỏ. Chồng tôi lúc đó lại đang đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Mấy tháng đầu, tôi nhờ mẹ chồng trông nom hai con, một mình vào Sài Gòn đóng phim. Thế nhưng phim quay 4 năm mới xong. Không chỉ mình mà các diễn viên miền Bắc cùng tham gia Biệt động Sài Gòn thời đó như Quang Thái vai Tư Chung-Hoàng Sơn, Bùi Cường vai K9 đều phải mang gia đình nhỏ vào để tiện bề chăm sóc. Bởi vậy, đoàn phim lúc đó cứ như một nhà trẻ nhỏ.

Ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan hiện nay

Có kỉ niệm nào với vai diễn Huyền Trang đến giờ chị vẫn còn nhớ không?

Huyền Trang ni cô là vai diễn tôi tâm đắc nhất. Những kỉ niệm và cơ duyên đến với nhân vật này hầu như tôi đều nhớ dù đã gần 30 năm trôi qua. Khi tôi gặp họa sĩ Trịnh Thái một cách tình cờ ở Sài Gòn. Lúc đó anh đang đi tìm người đóng vai ni cô Huyền Trang mà chưa được dù bộ phim đã được khởi quay gần xong một tập. Rồi chuyện tôi vào chùa để học cách đi đứng, bưng tráp ra sao, nói năng, khấn vái như thế nào cho ra dáng “con nhà phật”. Nhớ nhất là cảnh đi khất thực trong cái nóng 38 độ của mùa hè Sài Gòn năm ấy. Trời nắng, đường nhựa bốc lên hầm hập nhưng tôi phải đi thật thong dong, nhẹ nhàng. Vào vai ni cô lần đó tôi đã phải cắt đi mái tóc dài óng ả. Lúc viết thư tâm sự với chồng ở nước ngoài, anh ấy đã cứ xuýt xoa, nuối tiếc.

Chị đã trở thành đại tá, đạo diễn, nhưng nói thật có bao giờ chị cảm thấy nuối tiếc vì đã dừng sự nghiệp diễn xuất ngay trên đỉnh vinh quang?

Cũng nuối tiếc chứ. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Nếu vai diễn Huyền Trang đã mang lại cho tôi niềm vinh quang, hạnh phúc với nhiều giải thưởng, sự yêu mến của công chúng thì nó cũng đặt tôi vào cái thế: Đó là làm gì cũng sợ không vượt qua được cái bóng này. Thậm chí mình không dám mạo hiểm vì sợ làm ảnh hưởng đến hình ảnh ni cô Huyền Trang trong lòng khán giả. Nói một cách khác thì tôi đã lặng lẽ ẩn mình để giữ được trọn vẹn vẻ đẹp của ni cô Huyền Trang trong lòng mọi người.

Kinh ngạc vì các diễn viên không thuộc lời thoại

“Tiền ấy là tiền được đổi bằng xương máu”

Với đôi mắt nhung, gương mặt thánh thiện, lối diễn xuất kịch tính, tinh tế, vai diễn ni cô Huyền Trang của nghệ sĩ Thanh Loan trong bộ phim Biệt động Sài Gòn đã thực sự in đậm trong kí ức khán giả. Những năm 1990, khoảng thời gian không lâu sau khi bộ phim ra đời, cái tên ni cô Huyền Trang là một cơn sốt được đông đảo công chúng yêu mến cuồng nhiệt. Thế nhưng sau đó, người ta hầu như không thấy chị xuất hiện trên màn ảnh. Không ít lời đồn thổi, thậm chí, một thời gian người ta còn kháo nhau rằng chị bị ám sát vì vai diễn ni cô(!?). ít ai biết rằng, chị đã trở thành một người lính, một đại tá, giữ vai trò quản lí trên cương vị là Phó giám đốc Điện ảnh công an nhân dân. Kết thúc cuộc gặp, tôi có hỏi chị, là diễn viên nhưng cũng là một người lính, suốt 40 năm phục vụ đó chị cảm thấy được và mất gì? Chị bảo rằng, chị được nhiều lắm. Nhưng không phải là không mất. Bây giờ mỗi lần đi nhận lương hưu mọi người đều trầm trồ vì lương của đại tá Thanh Loan cao quá. Nhưng chị bảo, mọi người có biết đâu, tuổi trẻ của chị đã trôi qua trong chiến tranh. "Mình đã dành tất cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Tiền ấy là tiền được đổi bằng xương máu", chị nói.

Chị vắng mặt rất lâu trên màn ảnh, ngoài lí do thời gian, còn có lí do nào nữa không?

Thực ra sau vai diễn ni cô Huyền Trang, tôi có tham gia vào một số phim nữa như: Phương án ba bông hồng, Nơi tình yêu đã chết. Nhưng thực sự không có vai nào vượt qua được cái bóng của Huyền Trang. Khi phim truyền hình bắt đầu nở rộ, có nhiều đạo diễn mời tôi tham gia. Tuy nhiên tôi cảm thấy mình không hợp và không thích phim truyền hình. Tôi quen làm việc với điện ảnh, với sự cầu kì, tỉ mỉ trong diễn xuất. Cho nên khi bước sang truyền hình mình gần như không chịu được sự gấp gáp, cẩu thả quá mức.

Hồi đầu, khi trực tiếp chứng kiến các diễn viên truyền hình trẻ đóng phim, tôi quá đỗi ngạc nhiên trước việc họ không nhớ lời thoại. Nhưng rồi không chỉ một người mà hầu như ai cũng thế. Đến mức đạo diễn phải cử một người ra đứng bên cạnh để nhắc kịch bản. Nói thật, lúc đầu tôi thấy vô cùng thất vọng và hụt hẫng. Thời chúng tôi, được đi đóng phim là vô cùng vinh dự. Sẵn sàng hi sinh tất cả để tập trung cho việc đóng phim. Chúng tôi sống với nhân vật, học thuộc rồi nghiên cứu lời thoại để diễn xuất cho đúng chất của nhân vật. Không có chuyện quên lời thoại hay hét cát xê như diễn viên trẻ bây giờ.

Sau này khi chuyển sang vai trò đạo diễn ở Điện ảnh công an với những thước phim tư liệu khô khan, khả năng diễn xuất của chị sẽ không được phát huy. Tại sao chị vẫn chọn con đường này?

Ít ai biết trước khi trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng tôi đã là một chiến sĩ thực sự. 16 tuổi tôi đã vào Trường nghệ thuật quân đội. Đi biểu diễn ở nhiều chiến trường, thậm chí vào bom ra đạn. Máu chiến sĩ ngấm vào người rồi. Hơn nữa tôi yêu công việc của mình. Yêu môi trường đã giúp mình lớn lên và trưởng thành. Không ít người nói tôi yếu ớt vì họ thấy vẻ bề ngoài của mình mỏng manh, gương mặt hiền lành quá, lại mang cái mác con gái Hà Nội gốc. Nhưng thực sự tôi khá mạnh mẽ, thích được làm việc, được cống hiến và đam mê với những chuyến đi.

Bích Đào