Kinh doanh cơm chay hốt bạc

Kinh doanh cơm chay hốt bạc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Người làm cỗ chay là đánh lừa cảm giác người ăn, đánh lừa một cách công khai và khéo léo. Tuy nhiên, nghề làm cơm chay đang trở thành một nghề hốt bạc.

Thực phẩm chay đang trở thành món ăn được nhiều người ưa chuộng và vì thế, kinh doanh cơm chay trở thành một nghề thời thượng.

Xã hội - Kinh doanh cơm chay hốt bạc

Mâm cơm chay với đầy đủ giò, chả, thịt, cá.

Một vốn bốn lời

Trong một lần theo chân người bạn về chùa Đắc (Hải Phòng), tôi được các sư trong chùa đãi một mâm cơm thịnh soạn với đủ món từ giò, chả, cá, nem đến thịt gà, xiên nướng... Các món ăn đều có điểm chung là không có vị mỡ mà lại rất thanh. Ăn rồi mới biết đây là một bữa cơm chay. Quá bất ngờ về sự sáng tạo của các sư thầy, tôi lân la tìm hiểu và được biết cơm chay có tới hàng trăm món. Nếu mâm cỗ "mặn" có món gì thì mâm cỗ chay cũng có món đó. Đậu phụ, giá đỗ, đậu xanh, nấm hương... được biến thành thịt cá.

Về đến Hà Nội, hương vị của các món chay vẫn còn lưu luyến. Tìm hiểu mới biết những nhà hàng phục vụ đồ chay đã xuất hiện cách đây cả chục năm và người Hà Nội thời gian gần đây rất chuộng món này. Tuy nhiên, giá của các món đồ chay lại khá “chát”, giá từ 50.000 - 100.000 đồng/suất. Một mâm cơm đủ món cũng lên đến 700.000 đồng. Chị Nguyễn Hồng Vân (Đội Cấn, Hà Nội), một người sành về đồ chay cho biết: “Kinh doanh đồ chay vô cùng lãi. Nguyên liệu lấy từ thực vật nên giá tiền không cao nhưng khi chế biến ra sản phẩm thì đắt hơn món thật. Vì thế, bỏ vốn một mà lãi tới bốn, năm lần”.

Cô Phạm Thị Lan, thợ nấu cỗ chay ở chợ Nam Đồng (Hà Nội) cũng cho biết: “Chính vì làm giả nên làm đồ chay thường mất nhiều thời gian và không phải ai cũng có thể nấu được một mâm cơm chay. Chế biến món chay không mấy phức tạp nhưng đòi hỏi công phu và sự sáng tạo. Người làm mâm cỗ chay là đánh lừa người ăn, đánh lừa một cách công khai và khéo léo. Để nấu được món chay, người làm cỗ phải biết nấu mọi món mặn”.

Thường xuyên đưa gia đình đi ăn cơm chay vào các dịp cuối tuần, anh Nguyễn Anh Tuấn (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã “đảo” qua hết các quán đồ chay ở Hà Nội. Các món làm chay không những được trang trí đẹp mắt mà còn được đặt cho những cái tên rất mỹ miều như Phù vân thiên kim, Đại an lạc, Từ bi hỷ xả (cháo lươn, nem, gà đen rang muối - PV). Các con tôi rất thích thú khi gọi các món này”.

Anh này cũng cho biết, thực phẩm chay đóng gói cũng đủ món thịt, cá như thức ăn mặn. Nếu dùng đồ chay đóng gói có xuất xứ của Trung Quốc hay Thái Lan thì sẽ rẻ hơn nhưng chất lượng không đảm bảo.

Người trẻ cũng mê cơm chay

Trong khi nhiều bạn trẻ ưa sôi động, tìm đến quán bar, cà phê thì một bộ phận giới trẻ đang tìm đến cơm chay. Cùng bạn bè tìm đến quán cơm chay ở phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội), Nguyễn Vân Anh, nhân viên một công ty truyền thông cho biết, nghe đồng nghiệp giới thiệu có quán cơm chay, Vân Anh đi ăn thử và sau đó "nghiện" luôn. “Ăn chay cũng là một phương pháp hữu hiệu để giảm cân. Bản thân tôi đã giảm được 7kg. Chúng tôi còn lập hội để chia sẻ những địa điểm và kinh nghiệm ăn đồ chay”, Vân Anh chia sẻ.

Cơm chay bây giờ được ưa chuộng quanh năm, không cứ vào Vu Lan hay ngày rằm. Các cửa hàng đông khách cả tuần, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần. Cô Phạm Thị Lan cho rằng, ăn chay không chỉ dễ tiêu hóa mà còn là cách giáo dục con cháu hướng đến điều thiện, không sát sinh cũng như để bảo vệ môi trường. Cô Lan thường nhận được hàng loạt đơn đặt hàng của các bà, các mẹ trong khu. Ăn đồ chay vừa không ngán nên ăn nhiều cũng không sợ béo. Ăn chay lại là một cách để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tim mạch, cao huyết áp, ung thư... Vừa dễ ăn lại vừa có tác dụng như thế nên rất nhiều người chuyển sang ăn đồ chay. Vào mùa, tôi làm không hết việc, phải lôi cả mấy người em dâu vào phụ mới kịp cỗ giao cho khách.

Nhiều người lại đến với các quán cơm chay vì nhớ cửa Phật. Anh Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ: “Không có nhiều cơ hội để đưa vợ con lên chùa thưởng thức nên tôi đến đây coi như một giải pháp thay thế. Cảm giác ăn đồ chay ở quán không thể giống như ăn trên chùa nhưng những cửa hàng phục vụ cơm chay không ồn ào, huyên náo mà tĩnh lặng, yên bình. Cùng nhận xét với anh Tuấn, Vân Anh bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với không khí trong các quán cơm chay. Người đến quán nói chuyện nhỏ nhẹ, trao đổi với nhau như người thân quen, cảm giác rất ấm cúng”.

Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì Chùa Đắc (Hải Phòng) cho biết: “Từ xưa, người theo đạo Phật đã hướng đến việc ăn uống sao để tốt cho sức khỏe, trí não được cân bằng sáng suốt. Nếu ai đó bất cẩn ăn uống bị ngộ độc thì trí não cũng sẽ bị ảnh hưởng, u mê theo. Khi bụng nhẹ nhõm thì cái đầu cũng nhẹ theo, sáng suốt hơn. Tư tưởng đó bắt nguồn từ nhà Phật rồi lan ra ngoài cộng đồng xã hội, ăn chay giờ đã trở thành một xu hướng ẩm thực mới rất được quan tâm.

Ăn chay để dưỡng pháp tăng thiện

Theo Đại đức Thích Bản Quyền ăn chay trong quan niệm Phật giáo là để dưỡng pháp thiện, tăng can lành. Ăn chay là một cách để biểu hiện lòng trân trọng sự sống, loại bỏ tham, sân, si, nuôi dưỡng tâm hồn. Do đó, cũng thật khó thống kê hết sự phong phú của các món chay và sự sáng chế, phối trộn tài tình giữa các nguyên liệu, gia vị và kỹ thuật chế biến để tạo nên các món đặc trưng. Khi dùng đồ chay, nên ăn từ tốn và ăn hết đồ. Đó là một cách thể hiện sự tôn trọng tự nhiên và trân trọng công sức của người nấu.

Thanh Xuân