Võ sư sáo sắt lừng danh đất Yên Thế

Võ sư sáo sắt lừng danh đất Yên Thế

Thứ 5, 06/06/2013 | 10:20
0
Đến thành phố Bắc Giang hỏi võ sư võ sáo Trịnh Như Quân hầu như ai cũng biết. Hàng chục năm qua, người đàn ông này rất nổi tiếng khi tạo ra những cây sáo sắt lớn chưa từng có.

Kỷ lục về những "cây xà beng giọng người"

Ngay giữa gian nhà sang trọng, võ sư Trịnh Như Quân dành một góc bày sáu cây sáo sắt khổng lồ. Nói chuyện với chúng tôi, ông tự hào giới thiệu: "Đây là cây Thiên long đệ nhất sáo, Thiên thai, Tiêu tương, Giọt mưa thu, Thiết địch thần phong và Hòn vọng phu. Hàng chục năm qua, chúng là những người bạn thân, bạn tiêu giao của tôi. Đã nhiều người đến đây để thử sức nhưng chúng vẫn là một pháo đài bất khả xâm phạm. Có nghĩa là chưa ai có thể "thuần phục" được sáo, ngoại trừ tôi".

Tâm sự về hành trình làm những cây sáo sắt khổng lồ, ông Quân cho biết, trước khi đưa ra quyết định này, ông đã đi tham khảo rất nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia và những người thợ rèn có tiếng ở Bắc Ninh.

Được biết, trước đây, võ sư này cũng đã thử nghiệm làm sáo trên nhiều chất liệu như innox, thép... Tuy nhiên, những âm thanh của cây sáo làm từ những chất liệu trên vẫn chưa đạt "chuẩn" tuyệt đối. Một ngày nọ, võ sư Trịnh Như Quân vô tình tìm thấy trong nhà một ống sắt cứng nhỏ. Ông liền đưa lên miệng thổi và thấy âm thanh phát ra từ chiếc ống sắt này có "giọng" thánh thót mà ông đang đi tìm kiếm. Lập tức ông tay nải lên Bắc Ninh, tìm về làng có nghệ nhân rèn kiếm nổi tiếng đất kinh Bắc xưa kia để rèn sáo. Khi thấy vị võ sư này muốn làm sáo khổng lồ, các nghệ nhân rèn đều bật cười. Bởi họ nghĩ rằng, một con người nhỏ thó, làm sao có thể thổi được những cây sáo lớn vậy. Hơn hai tháng đi từng nhà các nghệ nhân rèn kiếm, ông mới được một người nể tình, gật đầu đồng ý. 

> Cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Theo lời của ông Quân, sáu cây sáo của ông được rèn theo chế độ đặc biệt. Chúng được nung ở mức trên 1000 độ nên dù có lửa đốt, ngâm nước hàng tháng cũng không ảnh hưởng đến "chất giọng" và độ bền. Ngoài những tên riêng cho từng cây sáo, ông Quân đặt chung cho những cây sáo này cái tên những "Cây xà beng giọng người" hay "xà beng biết khóc".

Xã hội - Võ sư sáo sắt lừng danh đất Yên Thế

Một số thế võ sáo

Sau khi đã rèn xong được những cây "thiết địch thần phong", ông ngày đêm tỉ mẩn đục đục đẽo đẽo những lỗ sáo. Phải hàng năm trời, võ sư Trịnh Như Quân mới hoàn thành được công việc này. Được biết, những chữ Nho trên sáo sắt, ông Quân phải đích thân đi xin chữ của nhà nghiên cứu "thông kim bác cổ" Trần Văn Lạng, Giám đốc bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bắc Giang. Còn để khắc chữ Nho lên sáo, ông Quân "rước" những cây "xà beng" nặng trịch này lên thành phố Bắc Ninh nhờ một nghệ nhân từng đục khắc bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đích thân đục cho. Như vậy, để hoàn thành được sáu cây sáo kia, võ sư Quân phải thực hiện trong vòng hơn 5 năm.

Ngẫu hứng, ông rút cây Thiết địch thần phong dài 95cm nặng 1kg ra biểu diễn cho chúng tôi xem. Ông cầm cây sáo chắc nịch trên tay, nhắm mắt, thả hồn vào những giai điệu của bản nhạc Buồn tàn thu, Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao, Câu hò bên bến Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa sáng tác của nhạc sĩ Trương Quý Hải...

Đã qua cái tuổi lục tuần, nhưng ít ai có thể ngờ được giọng sáo của ông lại khỏe khoắn tràn đầy sinh lực đến như vậy. Lúc thì lên cao vút đầy hào khí, lúc lại trầm ấm như ru ngủ, đưa người nghe vào một thế giới tĩnh lặng, gạt bỏ đi những bon chen, những âm thanh ồn ã của cuộc sống hằng ngày. Dường như vẫn chưa thỏa, ông nhấc cây Thăng Long đệ nhất sáo dài 2,1m, nặng đến 5,1kg ra "thả hồn" vào những bản nhạc khác. Nhìn cây sáo, nghe tiếng sáo, chúng tôi cảm thấy ông gọi những cây sáo sắt này là "xà beng giọng người" quả không ngoa chút nào. Ngoài cây Thăng Long đệ nhất sáo, võ sư Quân còn cây Tiêu tương nặng 4kg, cây Thiên thai nặng 3,5kg…          

Nước mắt võ sư và nỗi lo không người thừa kế

Cây Thăng Long đệ nhất sáo và cây Tiêu Tương được võ sư Quân đặt trên hai cọc bê tông vững chãi. Bởi vì chỉ có hai chiếc cọc bê tông ấy mới giữ được sức nặng, sự uy nghiêm của những cây sáo sắt. Được biết, 6 cây sáo của ông hiện tại đang là những cây sáo to, nặng nhất thế giới. Cây Thăng Long đệ nhất sáo nặng gấp 120 lần những cây sáo trúc bình thường.

Được biết, võ sư Trịnh Như Quân có hai học trò là võ sư Tô Văn Hồng và võ sư Nguyễn Quý Toàn. Chính hai đệ tử này đã giúp cho võ sáo Yên Thế đoạt giải Nhì trong Liên hoan điện ảnh quốc tế với phóng sự "Võ sáo đất Kinh Bắc". Nói đến đây ông Quân không giấu được niềm tự hào nhưng trong đôi mắt sâu thẳm, nhìn xa xa trong cơn mưa chiều vẫn còn những u hoài, những điều gì mà ông từ lâu giấu kín. Võ sư Quân thở dài: "Trong các đệ tử của tôi nhiều người giỏi võ nhưng tiếng  sáo còn "non" lắm. Tiếng sáo của họ chưa đạt được đến độ siêu đẳng như như tiêu chuẩn mà một võ sư cần phải đạt đến. Khi biểu diễn một bài võ sáo, tiếng sáo và những thế võ phải hòa làm một. Nói gở chứ nếu sau này tôi "hai năm mươi" thì không biết môn võ sáo này sẽ đi đến đâu nữa".

Nói đến đây, người đàn ông đã qua cái tuổi "lục tuần" này như chực khóc. Uống một ngụm nước chè đặc, ông tiếp lời: "Hàng ngày cũng có nhiều người đến đây ngỏ ý định muốn học võ nhưng qua thời gian tập luyện tôi không thể tìm được ai có đủ năng lực để truyền lại tất cả những gì mình đã được học. Chắc võ sáo Yên Thế sẽ biến mất các chú à".

Lấy tay lau giọt nước mắt, võ sư Quân kể lại cho chúng tôi nghe về một kỷ niệm mà ông không thể nào quên được. Đó là vào ngày 2/10/2010, tại Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức  - Hà Nội) nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ông vinh dự được mời đến biểu diễn môn võ độc đáo này. Trên tay cầm cây Thăng Long đệ nhất sáo ông "nhập hồn" vào bản nhạc Đàn chim Việt, bên cạnh đó là 120 võ sư múa phụ họa. Đến khi ông biểu diễn xong, cả hội trường như vỡ òa, những tiếng vỗ tay, nhưng lời ca tụng, những người có mặt vừa cảm thấy lạ lẫm vừa khâm phục tiếng sáo, hồn sáo của một "lão già". Cùng ngày hôm đó, trên kênh VTV6 (của Đài tiếng nói Việt Nam) phát đi phát lại những giai điệu hào khí mà ông đã từng biểu diễn với những cây xà beng giọng người như Tiến về Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa... Sau ngày ấy, chuông điện thoại của võ sư Quân réo liên tục, những người Việt xa quê, những người ở mọi miền Tổ quốc gọi đến chúc mừng và cảm ơn ông vì đã giữ được môn võ truyền thống, độc đáo của dân tộc. Nhiều người đã mang lễ vật đến nhà ông bái sư mong học được môn võ độc đáo này.

Những dị nhân ngoại quốc cũng phải cúi đầu khâm phục

Ông Quân cho chúng tôi biết thêm, đã có nhiều khách Nhật Bản và Trung Quốc ghé "tệ xá" của ông để chiêm ngưỡng những cây "xà beng" của ông. Họ cầm lên, thổi thử nhưng chỉ thổi được có một đoạn đã đứt hơi. Khi nghe ông thổi sáo, họ bàng hoàng thán phục về nội lực phi phàm của người đàn ông có thân hình nhỏ thó đã ở tuổi "lục tuần".

Văn Chương

Đột nhập lớp học đặc biệt của nữ võ sư Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
“Nhiều em không nhìn thấy được mặt cô, có em không nghe được thầy cô nói. Và bệnh tật làm cho trí não các em chỉ dừng lại ở một đứa trẻ lên ba. Thế nhưng tôi yêu thương các em ở niềm đam mê thể thao và sức vươn lên mãnh liệt ở những đứa trẻ không lành lặn.”

Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Không chỉ nổi danh với các chiêu thức võ thuật, võ sư Hồng Long còn có hàng trăm người đẹp “xin chết”.

Võ sư Lý Huỳnh, "sát thủ" đấu trường trở thành nghệ sỹ nổi tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Lý Huỳnh được liệt vào hàng "Tứ tú" nổi tiếng, là thế hệ tiếp nối của các võ sư tiếng tăm lừng lẫy một phương như nhóm "Tam nhật" gồm Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam nguyệt" gồm võ sư Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai.

Võ sư Việt Nam thách đấu Lý Tiểu Long

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Với chiêu thức "liên hoàn bát cước", Lý Huỳnh khiến báo giới nước ngoài khâm phục.