Kỳ 1: Theo dấu vết vàng tặc trên đỉnh Vạn Cung

Kỳ 1: Theo dấu vết vàng tặc trên đỉnh Vạn Cung

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) dòng suối đã bị những đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép đào bới tan hoang, gây sai lệch dòng chảy và làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Tại khu vực Suối Hương (núi Vạn Cung), thuộc xã Phong Minh, hàng trăm "vàng tặc" vẫn ngày đêm "đào hầm xẻ núi" để hy vọng tìm kiếm được những "nẹp vàng". Bất chấp hàng trăm ngàn hiểm họa luôn rình rập bên mình, họ ngang nhiên "phá đá, mở hầm" để hòng đạt được ước muốn duy nhất: "đổi đời"!

Tìm đường lên "mỏ"

Điểm cao 974m thuộc dãy núi Vạn Cung (nằm bên phần đất thuộc xã Phong Minh, Lục Ngạn, Bắc Giang), nơi đang được coi là một trong những "điểm nóng" về "nạn dịch vàng tặc" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Phải đi khoảng hơn 40km, tính từ huyện lỵ huyện Lục Ngạn chúng tôi mới tìm đến được "đường lên mỏ". Nhìn con đường lâm nghiệp mới mở mà lòng chúng tôi cảm thấy "ngao ngán". Chiếc xe đưa đoàn phóng viêc chúng tôi bắt đầu ì ạch leo dốc. Những con dốc dựng đứng, cùng đất đá lởm chởm trên bề mặt khiến tất cả anh em trong đoàn phải xuống xe "cuốc bộ". Đi hết con đường lâm nghiệp cũng là đi hết địa phận đèo Tà Cang thì "đường mòn xuyên rừng" dẫn đến "mỏ vàng" cũng hiện ra. Phải vượt qua 5km "đường mòn xuyên rừng" này thì mới đến được "đại bản doanh" của "vàng tặc". Bằng hết sức bình sinh, chúng tôi quyết định tiếp tục theo chân người dẫn đường để được "mục sở thị" nơi được xác định là "mỏ vàng có trữ lượng lớn thứ 3 trong cả nước". Sau gần 2 giờxuyên rừng,một bên là vực sâu, một bên là núi cao chúng tôi cũng đến được nơi cần đến.

Xã hội - Kỳ 1: Theo dấu vết vàng tặc trên đỉnh Vạn Cung

Cửa vào của hầm khai thác. Ảnh: Lê Anh

Theo sách địa chí tỉnh Bắc Giang, địa điểm này thuộc dãy núi Vạn Cung, xuống phía dưới một chút là suối Na Lang (hay còn gọi là suối Hương), lên trên một đoạn là suối Mỏ (thuộc địa phận xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn). Tuy nhiên chỉ có một phần cánh rừng nằm phía bên xã Phong Minh (Lục Ngạn, Bắc Giang) mới có vàng. Vì thế dân đào vàng tập trung hết phía bên này suối, bám vào các tán rừng, ngày đêm khoét sâu vào lòng núi hy vọng tìm được vận may đổi đời.

Những câu chuyện trên đỉnh Vạn Cung

Liên lạc với đại tá Nguyễn Văn Dư, phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang chúng tôi được biết, cảnh sát đã phối hợp cơ quan chức năng đã "tập kích" địa điểm này vào lúc 5h sáng cùng ngày 15/12/2011. "Với quyết tâm không để "vàng tặc" khai thác tràn lan, phá hủy môi trường, "chảy máu tài nguyên quốc gia", gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, mất trật tự an ninh trên địa bàn, chúng tôi đã phong tỏa toàn bộ địa điểm khai thác vàng trên núi Vạn Cung" - đại tá Dư nói.

Theo chân một cán bộ thuộc Phòng CSCĐ, chúng tôi đến được "cửa mỏ". Từ lán trại của lực lượng chức năng, để đến được "hầm khai thác" chúng tôi phải men theo vách núi, bám vào dây leo mới có thể xuống được "hầm". Nếu như trượt chân thì hiểm họa ập đến tức thì vì ngay dưới chân là vực sâu hàng trăm mét. Cảnh sát Đoàn cho biết: Chỉ riêng vạt rừng phía dưới đã có khoảng 30 lán trại. Khu vực suối Hương có ba điểm như thế, ước tính có khoảng 100 lán, vào lúc cao điểm, khu vực này có đến hàng nghìn người tập trung. Đại công trường làm vàng, có tiếng máy nghiền, máy khoan, tiếng mìn phá đá nổ chát chúa suốt ngày đêm. Gần trăm lán vàng ở quanh khu vực suối Hương thì chỉ ở khu vực này là người địa phương. Các khu vực khác phần lớn là dân Thái Nguyên, Bắc Kạn đến làm.

Và để đào được những chiếc hang sâu 40 - 50 m vào trong lòng núi, ngoài việc dùng sức người và khoan điện, họ còn sử dụng cả mìn để phá đá. Khi phát hiện vỉa vàng chạy đến đâu là họ đào theo đến đó, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng luôn rình rập bởi nguy cơ sập hầm vàng. Thậm chí có chỗ hầm vàng trên và hầm dưới chỉ nằm cách nhau 1- 2 m, nhưng khi chủ ở hầm trên dùng mìn phá đá, hầm bên dưới người dân vẫn khai thác bình thường, họ không hề lo sợ hay bỏ chạy gì hết. Để khai thác được "vàng nẹp" hay còn gọi là "vàng vỉa" hiệu quả, "vàng tặc" phải bắc vòi dài khoảng 1 km dẫn nước từ thượng nguồn của núi rừng Vạn Cung về, vừa để phục vụ sinh hoạt vừa để đãi vàng.

Cùng đó, các nhóm "vàng tặc" đã phân công lao động: người chuyên đi lại ra vào bãi vàng để cung cấp nhu yếu phẩm; người nấu cơm; người đào hầm; người chuyên chở quặng vàng và những người đứng máy thực hiện việc nghiền quặng và đãi vàng. Đ/c Đoàn còn cho biết thêm: Bãi vàng Suối Hương nằm ở lưng chừng núi cao. Tại đây, hàng chục lều lán tạm là chỗ che mưa, che nắng cho hàng trăm vàng tặc chủ yếu là người dân Na Lang, xã Phong Minh và dân ở tỉnh Thái Nguyên.

Sở dĩ có sự câu kết này là do vàng tặc là người dân bản địa không có kinh nghiệm khai thác "vàng nẹp" (hay còn gọi là vàng gốc) phải nhờ kỹ thuật của người Thái Nguyên; ngược lại người Thái Nguyên phải dựa vào người dân tộc thiểu số xã Phong Minh nhằm nắm bắt thông tin, đối phó với lực lượng chức năng. Trước kia, đã vài ba lần chính quyềhn địa phương tổ chức lực lượng giải tỏa, dẹp bỏ nạn khai thác vàng ở suối Hương nhưng đâu lại vào đó.

Dịp đầu năm đã có chủ hầm vàng ở đây may mắn đào trúng vỉa, được tổng cộng 123 cây vàng. Đó là mỏ của ông Lâm (người ở xã Phong Minh) chung với một số người ở Thái Nguyên. Một vài hầm khác cũng đã khai thác vàng được trị giá 400 - 500 triệu. Nhưng những chủ hầm may mắn như vậy không nhiều, bởi đa phần các chủ hiện còn khai thác ở đây đều thực hiện việc mót lại quặng vàng của chủ lớn người Thái Nguyên đã khai thác trước và bỏ đi nơi khác.

Sức hút từ ma lực"vàng nẹp"

Xã hội - Kỳ 1: Theo dấu vết vàng tặc trên đỉnh Vạn Cung (Hình 2).

Cảnh sát Đoàn dẫn phóng viên thực địa

Bản Na Lang có hơn trăm nóc nhà, tất cả là đồng bào dân tộc Dao. Trước kia bà con chủ yếu làm ruộng, trồng ngô, sắn. Từ khi có dân đến làm vàng, một số hộ chuyển sang bán hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống. Lại có một số người bỏ ruộng đi đào vàng dần dần kéo theo nhiều hộ khác.Nhờ vàng, đời sống của người dân có vẻ “khá”. Số hộ có xe máy, ti-vi là phổ biến. Không chỉ dân bản Na Lang, ngay cả nhiều hộ dân trong xã Phong Minh cũng nhờ đó mà trở thành khá giả. Đó là cái “lợi” trước mắt mà ai cũng nhìn thấy. Còn cái “hại” lâu dài thì chưa có ai có thể lường trước được.

Thông tin một số người trúng “ục” được hàng trăm “cây” lại rộ lên, kéo theo hàng trăm người bỏ lại ruộng vườn, tìm đường vào bãi đánh cuộc với "trời". Những người được cho là "trúng vàng" xây được nhà to, mua xe đẹp như một liều thuốc kích thích có tác dụng tức thì đối với dân bản Na Lang. Và một điều đáng nói đến nữa: Trên địa bàn xã Phong Minh phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số vốn bình yên nay đã xuất hiện người nghiện hút, hiện tượng cờ bạc, rượu chè, trộm cắp gây mất trật tự an ninh. Việc vay nợ lãi cũng khiến một số hộ lâm vào cảnh tan gia bại sản phải cầm cố nhà cửa, đất đai. Ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng đầu nguồn khu vực núi Vạn Cung. Đặc biệt, vấn đề an toàn lao động đang trong tình trạng "báo động đỏ". Việc nổ mìn hầm vàng làm thiệt hại về người trên địa bàn "mỏ" cũng đã xảy ra, cảnh sát Đoàn cho biết.

Sức mạnh của vàng "thử lửa" chính quyền

Tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực Suối Hương (núi Vạn Cung) đã diễn ra và gây bức xúc trong dư luận suốt từ năm 2009 đến nay. Từ khi bãi vàng này đi vào hoạt động, thảm rừng già ở nơi đây đã có nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ; núi Vạn Cung vốn yên bình nay xuất hiện hàng trăm hang hố sâu thẳm, gây nguy hiểm cho người và gia súc; nước thải từ bãi vàng có chứa thủy ngân đổ xuống dòng suối đục ngầu, làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Và đặc biệt là tệ nạn xã hội phát sinh, nhất là nạn nghiện hút. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Công an huyện, hiện cả xã Phong Minh đã có 32 con nghiện, trong đó tập trung nhiều nhất ở làng Nũn.

Đầu năm 2010, tổ công tác của huyện với lực lượng Công an làm nòng cốt đã lập lán và cắm chốt ở đây với mục đích canh giữ không cho người dân địa phương vào khai thác vàng trái phép. Nhưng do địa hình bãi vàng hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, ở xa khu dân cư, và đặc biệt vị trí nằm giáp ranh với xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nên rất khó canh giữ (các đợt truy quét đều không hiệu quả). Vì thế lực lượng này chỉ nằm ở chốt được 6 - 7 tháng. Kể từ đó đến nay bãi vàng hoạt động tự do.

Phá thì không xuể, lực lượng ở lại canh gác không có. Vậy là sau khi lực lượng chức năng rút về, người dân lại trở về lán cũ tiếp tục khai thác. Không riêng ở Na Lang, mà các điểm đen khai thác vàng trái phép khác như Xa Lý, Kim Sơn (Lục Ngạn), hay một số điểm khai thác khác trên địa bàn huyện Sơn Động, khu vực thuộc quản lý của Trường Bắn Quốc gia khu vực I cũng vậy. Tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” là mẫu số chung cho việc quản lý hoạt động khai thác vàng ở đây.

Ông Bùi Văn Trường, phó trưởng Phòng Tài nguyên – môi trường huyện Lục Ngạn cho biết: Phá máy thì không đáng kể. Thu thì không có lực lượng, phương tiện, thời gian. Tổ chức lực lượng đóng tại chỗ thì huyện không đủ. Người làm vàng hầu hết là dân địa phương, người dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, không nghề nghiệp, học ít nên nhiều khi cũng làm liều dù ai cũng biết làm vàng rất nguy hiểm.

Lê Anh