Kỳ 2: Những chiêu thâu tóm thị trường của Shiseido Việt Nam

Kỳ 2: Những chiêu thâu tóm thị trường của Shiseido Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Shiseido đã bằng nhiều thủ pháp qua mặt pháp luật Việt Nam để nhanh chóng kiểm soát và tổ chức trực tiếp bán lẻ, song hành với đó là dần dần loại các nhà bán lẻ Việt Nam ra khỏi thị trường. Và đến nay, thị trường bán lẻ Shiseido Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay người Nhật.

Đèn cù lách luật

Nhắc lại, sau khi thành lập được nửa tháng, ngày 24/12/2009, SCV ký với Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thủy Lộc hợp đồng “Mua bán tài sản” (MBTS), giữ trọn quyền nhập khẩu, phân phối độc quyền và hệ thống cửa hàng bán lẻ (CHBL) cùng thương hiệu mỹ phẩm Shiseido. Tuy nhiên rất lạ là khi đã bán đứt hệ thống bán lẻ của mình rồi, thì liền kề sau đó, ngày 16/1/2010, Thủy Lộc lại ký với SCV một… “Hợp đồng bán lẻ” (HĐBL), mà trong đó Thủy Lộc vẫn là… nhà bán lẻ!?

Kế đến, SCV lại ký với Thủy Lộc một “Hợp đồng Tư vấn Quản lý Kinh doanh mỹ phẩm” (TVQL) nữa, và trở thành người… làm thuê, quản lý bán lẻ cho Thủy Lộc!
Nhưng như vậy cũng chưa đủ lạ, mà còn lạ nữa là làm thuê công tác quản lý cho Thủy Lộc, nhưng hàng tháng SCV lại trả cho Thủy Lộc, tức “ông chủ” của mình, số tiền bằng 1% trên doanh số bán hàng, cũng gọi là tiền quản lý!

Quả thật mối quan hệ lòng vòng này, nếu không phải người trong cuộc hay không tìm hiểu kỹ thì không tài nào hiểu nổi, khi SCV và Thủy Lộc cùng nhau chơi trò đèn cù kiểu vợ và chồng chạy quanh cây rơm, không biết ai đuổi ai!

Xã hội - Kỳ 2: Những chiêu thâu tóm thị trường của Shiseido Việt Nam

Công ty SCV gặp báo chí để cung cấp thêm thông tin quanh phi vụ mua bán, nhưng cách trả lời của SCV không giúp làm rõ thêm được điều gì.

Điều này cuối cùng cũng đã được sáng tỏ khi chính từ miệng ông Tatsuki Nagao nói ra: “Thủy Lộc cần phải tiếp tục vận hành tất cả (...) cho đến khi SCV có khả năng, thông qua việc nộp đơn xin chấp thuận định kỳ trong khoảng thời gian sau đó, để tiếp quản các cửa hàng bán lẻ”.

Nói cho văn hoa nhưng thực chất đây là hành vi lách luật. Theo các cam kết khi VN gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vào thời điểm được VN cấp phép vào kinh doanh, các DN 100% vốn nước ngoài chỉ được mở một CHBL trong nước, sau đó tùy theo nhu cầu và có thời gian quy định mới được cấp phép mở thêm.

Thế nhưng TGĐ vẫn nói, có cảm giác như ông đã nghĩ rằng báo chí sẽ không hiểu về luật nên nói sao cũng được: “Nói một cách ngắn gọn, lúc đó có nhu cầu từ hoạt động kinh doanh cho việc SCV cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý cho Thủy Lộc để bảo đảm sự hoạt động trôi chảy và tiếp tục của hệ thống bán lẻ của Thủy Lộc”.

Vậy nên việc SCV để Thủy Lộc tiếp tục đứng tên, để sau đó với hợp đồng TVQL, SCV trực tiếp tổ chức bán lẻ mà pháp luật không xử lý được. Điều đó đã lý giải, được chi tiết tại sao SCV “làm thuê” quản lý bán lẻ cho Thủy Lộc, nhưng lại phải trả… tiền công quản lý cho Thủy Lộc, bằng 1% trên tổng doanh số bán hàng của toàn hệ thống. Đây không là gì khác là số tiền trả cho việc thuê Thủy Lộc đứng tên giúp.

Trong cuộc họp nội bộ giữa SCV và Thủy Lộc ngày 09-6-2011, bà Lê Hoài Anh đã nói mà SCV không hề phản đối hay đính chính: “Thủy Lộc chỉ là trên danh nghĩa để ký các văn bản, chứng từ (…), thực tế mọi hoạt động, điều hành đều do SCV thực hiện”.

Không rõ bằng cách nào, SCV đã xin được giấy phép cho 4 “cơ sở bán lẻ” do họ đứng tên, rồi từ 4 giấy phép này SCV đã đặt 11 CHBL ở các trung tâm thương mại. Đây là điều hoàn toàn sai luật Việt Nam, với quy định là mỗi giấy phép chỉ cấp cho một cửa hàng duy nhất. Trả lời câu hỏi của báo chí “Bằng cách nào SCV đã làm được các giấy phép này?”, ông Nagao nói là “SCV đã làm việc với chính quyền Việt Nam, tuân thủ các thủ tục pháp lý. SCV bảo đảm đã thực hiện tất cả các bước đó theo đúng quy định của pháp luật”.

Không ai kiểm chứng được SCV có “tuân thủ đúng pháp luật” hay không, vì ông Nagao không những không chứng minh, mà cũng không cung cấp bất cứ tài liệu nào cho báo chí. Trong khi đó, hai đối tác là Nguyễn Thị Thu Sơn và Nguyễn Thị Minh Tâm ở TP HCM, đã “tố” SCV lên Thủ tướng và chất vấn Bộ Công thương về việc này.

> Click: Chuyện hy hữu: DN Nhật Bản phong tỏa DN Việt Nam

Người Việt bị loại khỏi thị trường nội địa

Chính vì tiếp tay cho SCV núp bóng, mà Thủy Lộc đã tự hại mình. Từ quan hệ nhập nhằng chủ - tớ không rõ này mà công việc rối tung, tiền bạc thanh toán không sòng phẳng và cũng không đàm phán giải quyết được nên cuối cùng Thủy Lộc bị SCV kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế đòi phải thanh toán khoản tiền 54 tỷ đồng, và sau đó bị phong tỏa tài khoản, tài sản.

Xã hội - Kỳ 2: Những chiêu thâu tóm thị trường của Shiseido Việt Nam (Hình 2).

Hàng loạt cửa hàng của hệ thống Thủy Lộc bị đóng cửa do lệnh phong tỏa

Vì Thủy Lộc vẫn đứng tên chuỗi cửa hàng, nên sau khi tiếp thu hệ thống CHBL, SCV vẫn phải tiếp tục quan hệ kinh doanh với 13 đối tác. Tuy nhiên các đối tác cho rằng SCV đã qua mặt và coi thường họ, và bằng nhiểu thủ pháp tìm cách loại họ ra khỏi công việc kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thu Sơn là đối tác góp vốn vào cửa hàng 185A Lê Văn Sỹ, phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết với vị trí độc quyền phân phối, SCV cũng đã tạo ra những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, ưu tiên cho hệ thống CHBL 100% vốn của họ bằng các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng, sản phẩm dùng thử, tính chi phí quảng cáo thấp, đầu tư sửa sang mặt bằng sáng đẹp…

Trong khi đó, các cửa hàng của 13 đối tác không những không được hưởng các quyền lợi mà còn bị buộc phải chi trả các khoản chi phí này cao hơn gấp nhiều lần trước kia khi còn làm ăn với Thủy Lộc. Từ đây, khách hàng dần chuyển sang các cửa hàng có 100% vốn của SCV.

“Cách làm này không ngoài mục đích nào khác, là khiến cho các đối tác bị thua lỗ và nản chí, bỏ cuộc, và SCV đạt được mục đích thâu tóm toàn bộ thị trường bán lẻ mỹ phẩm Shiseido ở VN”, bà Thu Sơn cho biết.

Bà Minh Tâm tổng kết: Từ làm ăn có lãi, qua hai năm cuối này dưới sự điều hành trực tiếp của SCV, thì các đối tác có 4 cửa hàng lỗ trắng, 11 cửa hàng giảm doanh thu từ 30 đến 60%.

Trong khi đó, các cửa hàng 100% vốn của SCV có doanh số tăng đều đều 30 đến 45%.

“Đây là điều chưa từng có trong 14 năm qua”, bà Tâm bần thần. “Chúng tôi kiện SCV vì bị phong tỏa sai luật, chứ nếu không bị phong tỏa thì các cửa hàng cũng phải tự đóng cửa”.

Sau khi đã sở hữu trong tay 11 cửa hàng bán lẻ, ra lệnh phong tỏa các cửa hàng của đối tác của Thủy Lộc, kế đến ngày 13/1, với lý do Thủy Lộc không thanh toán sòng phẳng, SCV có công văn chấm dứt quan hệ phân phối với Thủy Lộc. Như vậy SCV đã hoàn toàn loại bỏ các nhà kinh doanh trong nước, trở thành độc chiếm thị trường.

Câu chuyện SCV - Thủy Lộc và các đối tác còn dài, kể cả đến khi trọng tài quốc tế đã phân xử xong rằng ai đúng ai sai, ai nợ ai. Còn hiện tại, khi SCV đóng cửa hệ thống cửa hàng, chính doanh nghiệp này cũng đã quẳng trên 200 nhân viên của họ ra đường mà chẳng thèm đoái hoài gì đến việc giải quyết quyền lợi cho những người đã làm việc cho mình. Thủy Lộc đã nhiều lần đề nghị SCV cùng ngồi lại làm việc để giải quyết cho người lao động, nhưng doanh nghiệp nước ngoài này chẳng thèm đếm xỉa, xem như đó không phải là việc của họ.

Hành động thiếu thủy chung này cũng dễ hiểu, vì SCV đã dựa vào thế yếu Thủy Lộc há miệng mắc quai. Vì đứng tên làm chủ chuỗi CHBL giúp SCV núp bóng, nên trước pháp luật Thủy Lộc đành phải gánh trách nhiệm với người lao động. Quả thật là một sự trả giá quá lớn cho việc tiếp tay cho nước ngoài núp bóng lách luật. Bà Hoài Anh thừa nhận, số tiền 8,25 triệu USD chẳng thấm tháp vào đâu so với những gì bà bị mất mát trong thương vụ đầy tai tiếng này.

Kỳ tới: Thủy Lộc phản pháo Tòa án và câu chuyện quản lý

Thảo Nguyên


Tag: Vn