Kỳ bí món đồ cổ yểm dưới gốc cây

Kỳ bí món đồ cổ yểm dưới gốc cây

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Dân làng bảo rằng, ở cái ao được bao bọc bởi rễ cây si có món đồ cổ đã được yểm bùa.

"Cụ si" có dáng con gà đậu mâm xôi đầu làng Hóp, xã Yên Mỹ (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) chứa đựng những câu chuyện huyền bí về kho đồ cổ đã yểm bùa chôn dưới đáy ao được bao bọc bởi rễ của "cụ". Sau khi món đồ cổ biến mất thì xuất hiện một con rắn đã thành tinh, khổng lồ, có mào chui ra từ gốc si. Năm đó, dân làng chứng kiến cảnh "cụ si" vàng hết lá, cũng trong năm đó, thật ngẫu nhiên trong làng có rất nhiều chuyện rủi ro xảy ra.

Sự kiện - Kỳ bí món đồ cổ yểm dưới gốc cây

Dân làng bảo rằng gốc cây đã được yểm bùa

"Cụ si" ngàn năm tuổi

Cây si mọc ở đầu làng Hóp mang nét đẹp cổ kính. Thân to mấy người ôm không xuể, tán lá tỏa rộng khắp cánh đồng, rễ to dài, vươn ra hút chất dinh dưỡng khắp làng. Dân làng cho rằng, cây si đã có tuổi đời hàng ngàn năm.

Chúng tôi tìm đến gặp cụ Nguyễn Văn Hường, 89 tuổi, người nắm rõ lịch sử của cây thiêng. Cụ Hường cho hay: Người dân vẫn thường gọi cây si đầu làng Hóp bằng "cụ". "Cụ si" này đã có từ khi mới khai sinh ra làng. Khoảng 700 năm về trước, "cụ si" cũng xuất hiện cùng với sự hình thành làng Hóp. Trải qua phong ba, bão táp, bom đạn chiến tranh, "cụ si" vẫn sống trường tồn cùng xóm làng. Hơn 200 hộ trong thôn thay nhau chăm sóc, thờ cúng cây thiêng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cây si che chở cho hoạt động cách mạng. Thời đó, cái ao được bao bọc bởi rễ "cụ si" là nơi trú ngụ của dân làng, mỗi khi có địch càn qua là cả làng lại hò nhau xuống ao để trốn. Rễ của "cụ si" bao trùm hết qua cái ao làng là nơi trú ngụ khi quân địch càn quét qua. Giặc không để ý, chính vì vậy mà người dân đã tránh được bao nhiêu cuộc càn quét của giặc. Những cuộc họp, mọi hoạt động của dân làng đều dưới tán "cụ si". Cũng kỳ lạ, trong khi hàng loạt các lô cốt, các hầm hào khác cạnh đó khoảng mấy trăm mét bị chúng thả bom, bắn phá ầm ầm mà chỉ có căn cứ bí mật dưới tán lá bao phủ của "cụ si" lại rất an toàn. Cụ Hường cho rằng, cây si đã có công lớn che chở cho cách mạng.

Từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ, người dân làng Hóp chẳng ai dám động đến gốc si không lồ này. Trẻ con trong làng đuổi bắn chim nếu thấy chúng bay vào tán si sẽ không dám đuổi nữa. Dân làng cũng tránh những việc làm kinh động đến gốc si, khi đưa ma phải đi đường khác, cấm bà đẻ đến gần cây si. Người dân nơi đây vẫn luôn coi đó là thần cây. Đã có người trả cả chục tỷ để mua cụ mà dân làng không dám bán.

Sự kiện - Kỳ bí món đồ cổ yểm dưới gốc cây (Hình 2).

Cây si có dáng con gà đậu mâm xôi

Những đồn đoán về món đồ cổ yểm dưới gốc si

Dân làng bảo rằng, ở cái ao được bao bọc bởi rễ cây si có món đồ cổ đã được yểm bùa. Vì vậy, ai cũng sợ những lời đồn đại về gốc đại thụ che chở cho cái nguồn nước thần được yểm bùa vào đó bằng rất nhiều đồ cổ được chôn dưới đáy ao. Chúng được vị thần cây bảo vệ, ai đụng vào nó sẽ phải trả giá.

Năm 1979, bỗng dưng những ngụn nước đùn ra rất nhiều bùn. Dân làng đã xuống nạo vét. Thật không ngờ, năm đó họ đã phát hiện ra một đống đồ cổ được giấu dưới ngụn nước đó. Cụ Hường cũng là người được tham gia vét bùn ao đó cho biết: "Khi vét bùn dưới ngụn nước được rễ "cụ si" bao bọc, người ta phát hiện nơi đáy ngụn nước giấu một bộ ấm chén, hai con voi được tráng men màu đen và rất nhiều đồ sành, sứ khác".

Các cụ cho rằng, đây là những bộ đồ cổ quý từ lúc thành lập làng. Những vật dụng này khi dùng trong buổi liên hoan thành lập làng đã được một thầy pháp sư nổi tiếng yểm bùa để che chở cho dân làng. Sau khi đã làm xong thủ tục sẽ được bỏ xuống bó nước để bảo vệ làng xóm. Có lẽ, để cấm con cháu chặt cây mà cụ tổ để lại, sau đó đã yểm bùa vào đống đồ cổ rồi chôn dưới gốc cây, lâu dần ở đó có những ngụn nước trào ra. Món đồ cổ đó như là linh khí yểm vào gốc cây để chống các thế lực khác xâm phạm đến bản làng mình. Dân làng đã tự ý vớt số đồ cổ lên khỏi giếng.

Từ khi vớt số đồ cổ đó lên thì dân làng chứng kiến nhiều chuyện kỳ lạ. Thay vào nguồn nước trong mát chảy ra là mạch nước đục ngầu. Thấy vậy, dân làng đã nạo vét bùn nhưng nước ao vẫn đục ngầu. Người dân cũng không gọi đó ngụn nước nữa mà gọi là ao. Những ai tin vào thần linh thì cho rằng, các vị thần đã trừng phạt dân làng về thói tự ý dỡ bỏ vật bảo vệ linh khí cho dân làng.

Lúc đầu, dân làng tạm thời để đống đồ cổ ở ngôi miếu cạnh gốc cây si. Thấy đồ cổ đẹp, giá trị nên ông Bùi Văn L. đã nổi lòng tham, trộm lấy về làm của riêng. Khi đang loay hoay tìm nơi bán thì gia đình ông đã bị thần linh trừng phạt. Công việc làm ăn lúc nào cũng gặp xui xẻo, buôn bán thì lỗ nặng. Gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. "Kỳ thực, lúc đó cả gia đình tôi thay nhau ốm, cầu cứu bốn phương cũng không khỏi, khi tôi đi xem bói nghe thầy phán rằng, mình đã phạm vào linh khí của làng, xâm phậm đến thần cây. Tôi đã nhanh chóng mang số đồ cổ đó để lại nguyên vị trí và nhờ thầy cúng xin thần cây tha cho thì gia đình tôi mới được yên ổn" - ông L. vẫn chưa hết ám ảnh.

Khi số đồ cổ được trả lại cho gốc si, một thời gian sau thì bỗng dưng nó lại biến mất. Đã có rất nhiều lời đồn đại về sự biến mất kỳ lạ này. Có người cho rằng, có thể có kẻ gian nơi khác đến làng chơi đã thấy số đồ cổ giá trị rồi lén ăn trộm, nhưng có kẻ lại cho rằng nó đã bị những kẻ buôn đồ cổ lấy mất. Rất nhiều người đoán già, đoán non, nhưng chẳng ai biết rõ về sự biến mất kỳ lạ ấy. Cho đến bây giờ, sự mất tích của số đồ cổ vẫn là bí ẩn…

Nguồn nước kỳ diệu

Cụ Hường cho biết, cạnh cây si có một ngụn nước có rất nhiều mạch nước chảy ra. Dù ngụn nước đó chỉ rộng khoảng 5m2, sâu hơn 1m, nhưng cả làng dùng cũng chẳng bao giờ cạn. Nước trong nguồn chảy ra trong vắt, mát lạnh.

Thế Hoàng

Kỳ 2: Giải mã những lời đồn khoác áo mê tín dị đoan