Kỳ bí “vực không đáy” ở Hà Nam

Kỳ bí “vực không đáy” ở Hà Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Thông tin về những câu chuyện liên quan đến "vực không đáy" ở Hà Nam khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Được biết, vực này gắn liền với một di tích linh thiêng được người dân nơi đây rất sùng kính.

Truyền thuyết ngôi đền thiêng và chuyện đồn thổi “vực không đáy”

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vực này trước đây còn gọi là vực Chùa Ông, đến nay vực còn có tên gọi là vực Đền Đức Thánh Tiên Ông. Đối với nhiều người dân thì họ quen gọi đây là "vực không đáy".

Vực nằm ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Vực nằm sát chân một ngọn núi, trên núi có Đền Đức Thánh Tiên Ông rất linh thiêng, được nhiều người dân trong vùng tôn kính. Theo các bậc cao niên, năm nào cũng vậy, cứ đến hội Đền là trời luôn nổi cơn giông bão, mưa kéo đến ầm ầm rồi lại thôi (?).

Những chuyện ly kỳ liên quan đến "vực không đáy" thì đối với người dân vùng này, không ai là không biết. Từ người già cho đến các bậc trung niên, thậm chí là các trai làng hiện nay vẫn giữ trong mình những câu chuyện được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh đó, họ luôn cập nhật thông tin về những sự kiện xảy ra gần đây ở "vực không đáy" để mỗi khi nhắc đến càng thêm phần kỳ bí.

Xung quanh những câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi đền này là những chuyện gắn liền với những giai thoại bí ẩn và những vụ chết đuối bí hiểm ở "vực không đáy". Điều đặc biệt, chưa bao giờ người ta đo được đáy hồ. Theo các bậc bô lão ở đây, thì từ thời Pháp thuộc, đã có những cuộc khảo sát ở vực này, với ý đồ san ngọn núi để lấp vực. Nếu làm được sẽ tạo thành một vùng đất rộng mênh mông, thoáng đãng để làm sân bay.

Tuy nhiên, do không thể xác định được có bao nhiêu nước nên không thể lấp được vực. Cuộc khảo sát bất thành, từ đó càng khiến người dân trong vùng tin rằng vực không có đáy. Theo thời gian, chuyện này cho đến nay vẫn được kể lại như một minh chứng cho việc vực rất sâu và nguồn nước không bao giờ cạn.

Có mặt tại đây, trái với cảm giác rờn rợn ban đầu, đập vào mắt chúng tôi lại là một phong cảnh hữu tình. Vực nằm sát những dãy núi tạo nên một vẻ đẹp như tranh thủy mặc. Tuy vậy, những câu chuyện kỳ bí vẫn khiến chúng tôi không khỏi tò mò, phấn khích.

Mang những câu hỏi về "vực không đáy" chúng tôi đã gặp ông Trần Văn Mão năm nay đã 75 tuổi hiện là Thủ từ trông coi Đền Đức Thánh Tiên Ông thì nhận được câu trả lời:

"Tôi nghĩ vực nào thì cũng có đáy, nhưng do người dân chưa từng biết độ sâu của nó, lại đã từng có lần khảo sát từ thời Pháp thuộc nên nhiều người vẫn tin là "vực không đáy". Có lẽ cũng vì những đồn đoán đó khiến nhiều người tò mò, hiếu kì muốn tìm ra độ sâu của vực. Cũng đã có nhiều đoàn của tỉnh về khảo sát vực nhưng cuối cùng cũng chẳng ai biết chính xác nó sâu đến đâu. Dường như thiết bị đo không thể chạm tới mặt đáy. Người dân vùng này thì ai cũng biết đây là con vực sâu hun hút, được coi là sâu nhất vùng".

Cụ Trần Văn Mão cho biết, cụ đã sống gần một thế kỷ, lại nghe kể từ các bậc cha ông thì vực này chưa bao giờ cạn. Những năm hạn hán to, dân trong vùng huy động rất nhiều máy bơm đến bơm nước chống hạn cho cả vùng, nhưng nước trên mặt vực vẫn mêng mông.

Cảnh báo nguy hiểm

Câu chuyện "vực không đáy" với những đồn đoán hoang đường khiến không ít người nửa tin nửa ngờ. Có thể ở “vực không đáy” có những bãi lầy, nước sâu, chỉ một chút sơ suất khiến không ít người phải bỏ mạng ở nơi này.

Cụ Mão, cho biết thêm, theo như trí nhớ của cụ cũng có chừng 9 người bị chết ở vực này, trong đó có 7 người đàn bà, 2 người đàn ông. Có người chở củi, chở lạc từ cánh đồng Thừa đi thuyền qua "vực không đáy" về bị chìm. Có người chơi bên vệ vực bị cát hút cũng bị cuốn xuống con vực. Mấy năm qua không có người chết đuối ở vùng nước này, chủ yếu do người dân biết nguy hiểm nên cẩn thận. Trẻ con thì tuyệt nhiên bị cấm bén mảng tới gần vực.

Còn chuyện về cháu học sinh chết đuối ở vực cụ Mão vẫn nhớ rõ. Được biết, người nhà cháu bé phải thuê thợ lặn, cứu hộ tận Hải Phòng, Quảng Ninh để tìm vớt xác cháu, mất 4 ngày ròng mới tìm thấy. Một điều lạ lùng là khi tìm thấy, mặc dù ở thi thể ngâm dưới nước 4 ngày, nhưng nhìn bề ngoài vẫn như vừa mới qua đời(?). Nhiều người bảo đó là do ở độ sâu, nước lạnh nên mới thế.

Do thiên nhiên khởi tạo cùng mạch nước ngầm

Nhằm tìm hiểu thêm thông tin về "vực không đáy" và việc hồ nước sâu lạnh ngắt như một bể đá, PV đã tìm đến UBND xã Tượng Lĩnh. Lý giải về "vực không đáy", ông Vũ Văn Nam - Chánh văn phòng UBND xã Tượng Lĩnh (cũng là người dân sống ở khu vực gần Đền Đức Thánh Tiên Ông) cho biết:

"Lâu lắm rồi, tôi cũng không nhớ, các cụ trong làng hay kể về một trận lũ, rồi có cơn lốc hút toàn bộ cát dưới đáy vực bồi lên toàn bộ vùng Tượng Lĩnh thành một cánh đồng cát, chỗ dày cũng chừng đến 3m. Trên thực tế phải có đến hàng vạn m3 cát đã được khai thác, vận chuyển khỏi đây từ hàng chục năm trước. Nhiều người dân trước đây cũng từng đặt câu hỏi, vì sao mà cát ở đây nhiều đến thế. Các bậc cao niên trong làng thì cho rằng có cát nhiều vô kể là do trận cuồng phong từ hàng trăm năm trước, hút cát ở vực bốc lên mặt đất mà từ đó tạo ra vực".

Lý giải về vực nước không bao giờ cạn, ông Nam cho rằng: "Theo tôi, vực sâu không cạn là do có mạch ngầm, nước từ núi chảy ra. Nhưng đúng là từ khi tôi sinh ra, chưa bao giờ thấy con vực cạn nước. Bơm thâu đêm suốt sáng cũng không cạn". Liên quan đến thông tin cứ 3-4 năm có một người chết đuối ở vực, thì ông Nam cho biết là điều đó có thật nhưng nó có thể chỉ là sự rủi ro ngẫu nhiên.

Ông Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, về vấn đề đo độ sâu ở các vùng có nước, hoặc các nghiên cứu, phương pháp đo độ sâu là vấn đề khoa học, đòi học trình độ chuyên môn cao. Việc đo đạc độ sâu có nhiều phương pháp, người bình thường khó có thể hiểu hết được. Đó là các phương pháp khoa học đòi hỏi quá trình nghiên cứu lâu dài, bài bản.

Ông Minh cho biết, hiện cơ quan ông có thiết bị đo tìm nước tốt, có thể đo từ độ sâu từ vài chục mét, đến vài trăm mét. (Để xem ở độ sâu đó có nước không). Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết thực tế còn phụ thuộc vào điều kiện địa hình, kiến tạo địa chất của khu vực đó có thể triển khai được hay không.

Đông Phương