Kỳ dị giun, sán “ăn” người

Kỳ dị giun, sán “ăn” người

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Trong khi nhiều loại giun, sán thích ký sinh trong ruột các loài động vật thì không ít loài giun, sán khác, cứ nhằm não người, mắt người... mà tìm cách chui vào để sống khiến nhiều người khổ sở vì chúng.

Giun bò lên mắt, sán chui vào não

Những chuyện đó tưởng chừng chỉ là chuyện lạ trong dân gian nhưng trong y học đó là những ca bệnh không hiếm gặp. PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương cho biết: Cách đây không lâu bộ môn ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận một thanh niên được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên xuống vì bị 5 con giun ký sinh trong mắt. Bệnh nhân là Nguyễn Thế Đ, 26 tuổi.

Theo như lời kể, ban đầu Đ. chỉ thấy cộm ở mắt trái nên không mảy may để ý. Sau đó vài ngày, mắt càng cộm và đau nhức hơn, Đ. đã soi gương phát hiện 3 con giun nhỏ chui ra nhưng trong mắt vẫn còn cộm và ngứa. Hốt hoảng, Đ. đến viện khám, các bác sĩ tiếp tục "tóm" được hai con giun nữa còn sống ở mắt trái. Hai con giun có hình ống, màu trắng sữa, dài 15 mm và 10 mm, đầu nhọn và đuôi cong. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, đây là loại giun tròn Thelazia callipaeda. Loại giun này lần đầu tiên được phát hiện trên người ở Việt Nam (trước đây chỉ có ở chó).

Hình ảnh sán trên não một bệnh nhân

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, trường hợp giun ký sinh trong mắt không phải trường hợp hiếm gặp. Trước đó, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng đã tiếp nhận 8 trường hợp (năm 2006- 2007) bị giun Dirofilaria repens (giun ký sinh ở chó mèo) bò vào mắt. Theo lời kể của PGS.TS Đề, không chỉ ở Viện Sốt rét mà các bệnh nhân đến khám tại Viện Mắt Trung ương đều biểu hiện triệu chứng tương tự nhau: Cộm, vướng, tấy đỏ và cảm giác có vật lạ trong mắt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đều phát hiện có ký sinh trùng ký sinh dưới kết mạc. Khi phẫu thuật đều bắt được mỗi bệnh nhân một con giun có kích thước chiều dài từ 4cm đến 12,5cm và chiều rộng 0,5-1mm còn cử động trước và lúc phẫu thuật, đặc biệt giun đều nằm dưới lớp kết mạc mắt.

Sau khi tiến hành giải mã gen, các nhà khoa học định danh loại giun chỉ này là Dirofilaria repens, loài giun chỉ ký sinh ở chó mèo, bất thường có thể ký sinh trên người. PGS.TS Đề cho rằng, mầm bệnh dự trữ trên chó mèo sẽ truyền sang người thông qua các loài muỗi rất sẵn có ở Việt Nam. Hơn nữa vị trí ký sinh trên người không chỉ ở mắt mà giun chỉ Dirofilaria repens còn ký sinh nhiều nơi khác như dưới da và các phủ tạng như tim, phổi, gan, phúc mạc, tuyến vú, tinh hoàn...

Trường hợp Nguyễn Đình T. (quê ở xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khá đặc biệt. Bệnh nhân này bị sán chui lên não đến mức liệt người, méo miệng. Bệnh nhân T nhập viện trong tình trạng hôn mê hoàn toàn, liệt nửa người trái, miệng méo không cử động được và đang sống thực vật. Sau khi nhập viện, bác sĩ khoa ký sinh trùng đã trực tiếp đảm nhiệm điều trị cho bệnh nhân T này. Qua kết quả chụp CT các bác sĩ trong khoa Ký sinh trùng đã xác định, trong não T có giun sán và tiến hành phẫu thuật lấy sán ra ngoài. Sau 15 ngày điều trị, anh T đã hồi phục sức khỏe.

Giun, sán “ăn” người

Ấu trùng giun sản di chuyển dưới da một bệnh nhân

Khi nghe về trường hợp bệnh nhân bị sán chui lên não, tôi không khỏi ngạc nhiên. BS.Trần Ngọc Ánh, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải thích: "Sán chui lên não là cách gọi đơn giản, thực ra là do ấu trùng sán dây ký sinh tại não gây nên bệnh, không phải sán trưởng thành. Sán dây gây bệnh ở người thường có các loại: sán dây lợn (Taenia solium), sán dây bò (Taenia saginata), sán dây bò châu Á (Taenia asiatica)". BS Ánh cho biết: "Bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loại sán dây trưởng thành ký sinh trong ruột gây nên".

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở Viện Sốt rét và Đại học Y Hà Nội với cương vị Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, PGS.TS Nguyễn Văn Đề cho rằng: Nhiều món ăn khoái khẩu của dân ta như cá, thịt, cua, rau sống... lại cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại ký sinh trùng (giun sán) khác nhau. Nếu không cẩn thận, con người lại trở thành "món ăn" của giun sán. Theo PGS.TS Đề, gỏi cá làm người ta dễ mắc bệnh nhưng chính con sán này làm người bệnh rất nghiện gỏi cá, do chúng tiết ra chất độc làm người bệnh cảm thấy trong người rất nóng ruột nhưng nếu ăn gỏi cá vào thì thấy rất dễ chịu. Vòng luẩn quẩn đó làm cho bệnh càng nặng hơn.

Các bác sĩ ở Viện Sốt rét -Ký sinh trùng -Côn trùng Trung ương cũng khẳng định, những rủi ro tiềm ẩn từ những món ăn đang đe dọa sức khỏe con người. Ở rất nhiều vùng miền, người dân rất khoái món gỏi cá. Khi được các nhà nghiên cứu phỏng vấn, người dân đều cho rằng, ăn gỏi cá mát và bổ, nhất là về mùa nóng và dần dần đã trở thành một tập quán khó từ bỏ.

Tuy nhiên, qua khảo sát của các nhà khoa học, cá nuôi ở các địa phương chứa nhiều mầm bệnh giun sán, trong đó có loài gây bệnh cho người. Ở những nơi như Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định) hoặc Kim Sơn (Ninh Bình), cứ 10 loài cá nuôi thì có 7 loài đều ít nhiều có mang ấu trùng sán lá trong cơ thể chúng. Điều đáng nói là, trong vùng mà cá nuôi bị nhiễm sán cao, người không ăn gỏi cá nhưng ăn cá rán hoặc nấu chưa chín cũng bị nhiễm sán lá truyền qua cá.

Thói quen kỳ dị chết người

Nói về những bệnh lạ sán chui lên não, sống trong mắt..., BS. Trần Ngọc Ánh, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội quả quyết, phần lớn những người mắc bệnh đều do đã từng ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu, bò tái, sống, chưa nấu chín kỹ. Người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn, trứng vào dạ dày và ruột nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển, ký sinh ở dưới da, các cơ vân, ở não và ở mắt.

Ngân Giang