Những truyền thuyết về một bến sông

Những truyền thuyết về một bến sông

Thứ 4, 02/10/2013 | 11:04
0
Đối với những du khách lần đầu đến đình Chương Dương (xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội) nghe chuyện về cây đa ra... hoa gạo, chắc hẳn sẽ ngạc nhiên. Tuy vậy, nếu ngồi nghe những người già trong làng kể thì việc này cũng không đến mức phi lý như tưởng tượng.

cây đa nở ra ... hoa gạo

Đi trên hữu ngạn đê sông Hồng, đến địa phận xã Chương Dương, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy từ phía xa một ngọn cây cao vút, vọt lên hẳn so với những cây xung quanh. Theo chỉ dẫn của người dân, hễ khi nào nhìn thấy ngọn cây đó, nghĩa là chúng tôi đã tìm được tới đình Chương Dương lịch sử. Ngôi đình nhỏ nằm ngay trên đê, mặt trước nhìn ra một nhánh của sông Hồng và là nơi lưu giữ ký ức một thời mà Thái sư Trần Quang Khải đại phá quân Nguyên - Mông.

Án ngữ trước cổng đình là một cây đa cổ thụ, tán xòe rợp cả lối ra, vào. Người dân gọi cây đa này là cây đa hoa gạo. Trước đây, cứ vào mùa hè, trên tán rộng của cây đa, hoa gạo nở đỏ rực rỡ khiến người nơi khác đến đều hết sức ngạc nhiên và thán phục. Người dân nơi đây, ai cũng biết về cây đa và sự tích cây đa ra hoa gạo của quê hương mình.

Lạ & Cười - Những truyền thuyết về một bến sông

Cây đa hoa gạo hiện nay trông vẫn rất đồ sộ.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Đào Duy Khải, thủ từ đình Chương Dương cho biết: "Cây đa hoa gạo này đã có cách đây từ rất lâu, những cụ cao tuổi trong làng không ai nhớ nó xuất hiện từ bao giờ. Chúng tôi chỉ biết rằng, khi dân làng lập đình để thờ thành hoàng làng là cụ Dương Tam Kha Kha (cụ là con trai của Dương Đình Nghệ và là em rể Ngô Quyền) thì cây đa này cũng bắt đầu được trồng, mà cơ duyên trồng cây đa này cũng rất lớn. Chuyện kể rằng, khi khánh thành ngôi đình, người dân định trồng ở trước cửa một cây đa và một cây gạo. Tuy nhiên, các cụ dạy rằng, "thần cây đa, ma cây gạo", việc này nên tránh. Vì vậy, người ta không trồng nữa mà chỉ chặt tạm một cành đa và một cành gạo để treo chiêng và treo trống mà thôi.

Cũng đêm đó, mưa to gió lớn nổi lên làm đổ cả chiêng và trống. Sáng hôm sau, dân làng đến thì thấy cành đa và cành gạo đó đã xổ rễ, mọc quấn lấy nhau tươi tốt lạ thường. Cho là điềm lành nên mọi người đem trồng ở trước cổng đình. Thời gian trôi qua, cây đa cứ quấn lấy mình cây gạo mà lớn lên, cây gạo thành ra mọc bên trong cây đa đâm thẳng lên trời. Đến mùa hoa gạo nở, trên tán đa rộng lớn, xanh um là màu đỏ rực của hoa gạo trông rất đẹp".

Theo lời cụ Khải, thì ngay từ thời cụ còn nhỏ tuổi, tán cây đa đã trải rộng mấy mẫu đất. Gốc của nó hai chục người ôm không xuể nên một thời là biểu tượng của cả vùng. Bên cạnh đó, người làng còn có một truyền thuyết khác, xung quanh cây đa hoa gạo này. Tương truyền, trước đây có một cây gạo mọc tự nhiên ngay trước cổng đình.

Thế rồi, một hôm có con chim tha hạt đa đến đậu ở chạc ba của cây gạo và thả hạt đa xuống đó. Hạt đa sau này mọc thành cây ngay trên thân cây gạo. Thời gian trôi qua, rễ đa xổ xuống đất bao trùm lấy thân cây gạo vào trong. Lâu dần, người ta không còn nhìn thấy thân cây gạo nữa mà chỉ nhìn thấy một tán tròn của cây gạo vươn lên trên tán đa để nở hoa mà thôi. Người già trong vùng vẫn thường ngâm câu lục bát như sau: "Cây đa hoa gạo thắm tươi/ Chương Dương bến cũ thuyền xuôi thuận dòng/ Ngàn thu lừng lẫy chiến công/ Quân thù quét sạch non sông vững bền".

Lạ & Cười - Những truyền thuyết về một bến sông (Hình 2).

Cụ Đào Duy Khải trong buổi trò chuyện với PV báo ĐS&PL.

Cây đa hơn 700 tuổi?

Bến Chương Dương mà Thái sư Trần Quang Khải đại phá quân Nguyên - Mông năm nào được xác định thuộc vị trí xã Chương Dương ngày nay. Hiện tại đình Chương Dương có phối hợp thờ cụ Dương Tam và Thái sư Trần Quang Khải. Theo truyền thuyết, có thể, ngôi đình ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ để thờ cụ Dương Tam Kha. Sau này, khi chiến công mà tướng Trần Quang Khải lập được quá lẫy lừng nên người dân đã xây dựng thành ngôi đình lớn để thờ hai vị này.

Cây đa hoa gạo cũng được trồng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cụ Đào Duy Khải cho biết: "Truyền thuyết cho rằng cây đa đã tồn tại hơn 700 năm nay từ thời mới lập đình nhưng tôi lại không cho là thế. Bởi lẽ, trước năm 1945, sông Hồng vẫn chảy qua ngay trước ngôi đình và chúng tôi vẫn thường xuyên tắm ở đó. Vậy thì, cách đây 700 năm khu vực này vẫn là giữa lòng sông. Bởi vậy, không thể nói là cây đa có từ thời đó được". Theo phán đoán của cụ Khải, có thể, ngôi đình thờ hiện nay đã được di chuyển vị trí theo thời gian và cây đa được trồng vào thời điểm khi mà khu vực này đã thành bãi bồi. Vì vậy, ngôi đình có thể là một chứng tích cho trận Chương Dương nổi tiếng còn cây đa thì không phải, tất nhiên câu chuyện cho rằng cây đa đã hơn 700 tuổi cũng không phải là sự thực. Mặc dù vậy số tuổi của cây đa này cũng phải đến mấy trăm năm rồi".

Dù thế, cây đa này vẫn giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống người dân trong vùng. Cụ Khải cho biết: "Thời chúng tôi đi học trường cấp 3 Thường Tín, cách đình 8km. Mỗi khi về nhà, ra đường, cứ nhắm cây đa hoa gạo làng mình mà đi sẽ về rất nhanh. Sau khi hòa bình lập lại, chính quyền xã chủ trương chặt gốc đa làm bàn ghế cho học sinh. Thân đa có 3 gốc, khi xã cho người chặt hết hai thân đa đầu và cuối, chuẩn bị chặt thân ở giữa thì Tỉnh đội Hà Tây (cũ) điện về cho Huyện đội, Huyện đội cử người can thiệp không cho xã chặt tiếp. Cán bộ Huyện đội giải thích rõ, vì cây đa là cây cao nhất vùng, là vật chuẩn của không quân ta trước khi về sân bay Gia Lâm nên Tỉnh đội yêu cầu không được chặt hạ. Nhờ thế, thân đa nhỏ nhất hiện nay vẫn còn trong đền.

Cách đây khoảng 20 năm, không hiểu vì sao, một loạt cây gạo trong vùng đột nhiên bị chết. Cây gạo trong thân cây đa cũng bị khô héo dần và chết hẳn. Còn cây đa, một phần bị chặt phá, một phần vì già quá nên cũng bị mục nhiều phần. Hiện nay, trước cổng đình vẫn còn bộ rễ đa hình dáng ôm lấy thân gạo. Nhưng thực chất thì đây chỉ là nhánh rễ đa phụ đâm xuống mà thôi. Cây đa gốc ban đầu đã bị mục từ rất lâu rồi. Nhìn dáng vẻ đồ sộ của cây đa hiện nay, chúng tôi phần nào mường tượng ra được vẻ đẹp hùng vĩ của cây đa hoa gạo thuở nào. Chỉ tiếc rằng, người dân bây giờ không còn nhìn thấy hoa gạo nở trên ngọn cây đa nữa.

Ông Nguyễn Văn Hoành, một người sống ở gần cây đa này cho biết: "Có thể, cây đa này không phải được trồng cách đây hơn 700 năm nhưng nó vẫn là một nhân chứng lịch sử quan trọng. Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bom đạn đổ xuống quê hương tôi rất nhiều, vậy mà cây đa hoa gạo vẫn không hề bị sao, vẫn luôn xanh tươi bất diệt".

Nơi ghi dấu trận chiến Chương Dương lịch sử

Theo cụ Đào Duy Khải, đình Chương Dương ngoài cây đa hoa gạo nổi tiếng còn là nơi ghi dấu trận chiến lịch sử của Thái sư Trần Quang Khải. Theo lời các cụ kể lại, khi tướng Trần Quang Khải đánh trận ở đây, quân rải gần một cây số dọc theo đê sông Hồng. Đi về phía Tây của đình Chương Dương khoảng hai cây số là bãi để ngựa, voi của quân dân nhà Trần. Hiện nay, vẫn còn đền thờ để ghi dấu sự kiện này. Bên này là bến Chương Dương, bên kia là cửa Hàm Tử lịch sử. Người dân hai bên sông đều lập đền thờ tướng Trần Quang Khải. Tuy nhiên, do bên kia sông là bên lở nên sau này, đền thờ Trần Quang Khải đã bị cuốn xuống lòng sông. Người dân chỉ mò được một tấm bia cổ.

Chứng tích của trận chiến lịch sử này không chỉ nằm ở những di tích còn sót lại ngày nay, mà còn nằm sâu ở dưới lòng sông Hồng. Theo cụ Khải kể lại: "Trước đây do có nhu cầu múc đất dưới lòng sông để đắp cao vùng chân đê, người dân đã thuê máy súc đất. Do sông Hồng đổi dòng nên lòng sông trước đây đã biến thành một con lạch nhỏ nên nhiều người múc đất lên làm vườn. Khi múc lên, chúng tôi thấy những mẩu xương người đã đen nằm ở dưới những lớp đất phù sa. Những đoạn xương đã mục này nằm dọc suốt một khúc sông mà chúng tôi múc đất. Có lẽ, những đoạn xương này là của những binh sỹ khi xưa ngã xuống trong trận Chương Dương. Tất nhiên đây chỉ là những lời kể của các cụ chứ chưa kiểm chứng về mặt khảo cổ. Bởi lẽ các cụ truyền lại rằng, trong trận Chương Dương đó, tuy quân ta thắng nhưng tổn thất cũng khá nhiều. Chính vì vậy, dưới gốc cây đa hoa gạo hiện nay, chúng tôi cũng lập một miếu thờ nhỏ để tưởng nhớ vong linh những chiến sỹ đã ngã xuống.    

Phạm Thiệu

Những đội quân kỳ lạ trong lịch sử Việt Nam

Chủ nhật, 07/07/2013 | 14:15
Trong lịch sử chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc, người Việt đã xây dựng riêng cho mình một nghệ thuật chiến tranh đặc biệt mà ở đó mỗi người dân đều là lính, mỗi làng bản đều là pháo đài đánh giặc. Không chỉ vậy, trong chiều dài lịch sử anh dũng đó đã xuất hiện những đội quân kỳ lạ, cho thấy sự độc đáo, sức sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam.

Kho báu khổng lồ trong truyền thuyết của người Tày

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Theo truyền thuyết, xưa kia, hang động này là nơi thiên đình cất giấu vàng bạc châu báu và nhốt một nàng công chúa phạm tội bất hiếu với ngọc hoàng. Để không bị mất cắp của cải và cấm cửa người con gái hư dại của mình, ngọc hoàng đã cho một đàn hổ dữ xuống trông coi.

Kỳ thú hang động đẹp nhất Cao Bằng

Thứ 4, 28/08/2013 | 10:42
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng là quê hương cách mạng mà còn là một vùng đất sơn thuỷ hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.

Giải mã truyền thuyết bầy cọp dữ trấn yểm Hải Vân Quan

Thứ 5, 12/09/2013 | 16:50
Nhiều người đồn rằng, trên đèo Hải Vân có một ngôi miếu cực kỳ linh thiêng, cầu gì được nấy.

Truyền thuyết bí ẩn về những ngọn lửa không tắt

Thứ 5, 22/08/2013 | 14:36
Thế giới có những ngọn lửa bất diệt, có ngọn lửa đã cháy suốt 6000 năm nay, chưa bao giờ tắt. Đằng sau mỗi ngọn lửa bất diệt là những truyền thuyết bí ẩn, cho đến tận bây giờ.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy (Kỳ 2)

Thứ 4, 24/04/2013 | 10:12
Thế hệ các lãnh đạo, quan lại, người có của ở Hoàng Su Phì đều mong ước có được một cỗ quan tài quý khi về với lòng đất.

Truyền thuyết “bùa yêu” trong các nền văn hóa trên thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Trong các vương triều xưa, đặc biệt là các vương triều Trung Hoa cổ đại, các mỹ nhân được nhà vua sủng ái cũng bị gọi là kẻ đã yểm bùa yêu cho quân vương.

Sự thật sau truyền thuyết ma cà rồng miền trung du

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Câu chuyện về ma cà rồng đang gây xôn xao dư luận nhân dân tại huyện Tân Sơn. Tuy nhiên, theo vị phó chủ tịch huyện Tân Sơn, đó chỉ là những câu chuyện thêu dệt