Hủ tục 'treo chó đuổi tà' của người Mông trên cao nguyên đá

Hủ tục 'treo chó đuổi tà' của người Mông trên cao nguyên đá

Thứ 4, 12/06/2013 | 11:12
0
Trong chuyến công tác nhiều ngày tại 4 huyện cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, chúng tôi gặp và nghe một tục lễ hết sức độc đáo của người Mông: "Treo chó đuổi ma".

Treo chó để đuổi ma, trông nhà?

Nằm ngay trên con đèo ngoằn ngoèo vùng cao nguyên đá Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, chúng tôi bắt gặp một con chó đã chết khô bị treo lủng lẳng ngay trước ngôi nhà sàn tuềnh toàng của một người dân tộc Mông. Con chó có lớp lông màu đen, nhỏ chỉ chừng 5kg, bị dây gai quấn quanh trên một cột gỗ ngay trước nhà đã bốc mùi thối rữa. Trước cảnh tượng có phần kỳ lạ như vậy, chúng tôi tìm đến với mong muốn được hiểu rõ sự tình, đồng thời xem có phải là một phong tục gì đó của người nơi đây không?

Người dân tộc Mông ở đây hầu như không biết nói tiếng phổ thông, họ nói tiếng Việt như người Việt nói tiếng Anh. Cuộc trao đổi dường như thất bại vì đôi bên đều không hiểu đối phương nói gì. Đang hết sức chán nản vì không sao hiểu được mọi sự thì chúng tôi "túm" được một anh thanh niên người Ráy đi ngang qua. Anh này vui vẻ làm "phiên dịch" để chúng tôi tìm hiểu ngọn ngành về tục "treo chó đuổi ma" của dân tộc Mông vùng này.

Lạ & Cười - Hủ tục 'treo chó đuổi tà' của người Mông trên cao nguyên đá

Treo chó trước cửa nhà để trừ ma

Chủ nhà Vàng Seo Lỉ, 23 tuổi, vừa đi nương về, quần áo nhếch nhác và rách rưới chưa hiểu sự tình đã bị chúng tôi kéo đến hỏi han. Dường như biết được sự tò mò của cánh nhà báo dưới xuôi, không còn chút ngần ngại, Lỉ kể một lèo. Theo Vàng Seo Lỉ, cách đây 2 tháng bố anh mất, mẹ của anh sinh bệnh rất nặng, rồi sau đó 6 - 7 ngày, vợ của anh lại bỏ sang Trung Quốc lấy chồng không thấy hồi âm gì. Lỉ đi mua con chó về để trông nhà nhưng cứ hễ đêm xuống là con chó sủa inh ỏi, mặc cho chủ nhà quát, nạt. Lo sợ trong nhà có ma tà gây rối, Lỉ đã nhờ thầy cúng đến nhà để làm phép trừ ma. Lễ cúng trừ tà được diễn ra trong vòng 10 ngày.

Trước tiên, thầy mo bảo Lỉ… đập chết con chó rồi mổ bụng moi hết ruột ra, để cho ráo. Sau khi lễ cúng hoàn thành, chỗ nhang và giấy tiền vàng đem đi đốt cùng với cỏ gianh khô, tiếp đó đem chỗ tro tàn ấy nhét vào trong xác con chó rồi khâu lại. Thầy mo vừa niệm chú trừ tà, vừa dùng cỏ gianh bện con chó lại treo trước nhà người bệnh để xua đuổi ma tà. Khi chúng tôi hỏi: "Làm như thế mẹ của anh có khỏi ốm không?" - Anh này gật đầu rồi bảo bảo vì anh hay đi làm rẫy ở xa, mẹ anh cũng đi làm nương nên ở nhà không có ai, phải treo chó trước cửa để trông nhà và đuổi ma.

Chưa hết, ngoài việc giết chó treo trước cổng, người ta cũng dùng lá gai khô bện thành những sợi dây thừng dài, buộc những mẩu gỗ có kí hiệu trừ ma, quấn vòng quanh nhà, mục đích cũng là để đuổi ma. Quan sát quanh ngôi nhà, chúng tôi thấy rằng ngôi nhà của Vàng Seo Lỉ và mẹ già đau ốm quanh năm ấy đều có những sợi dây thừng bằng lá gai, cứ cách 1m lại quấn một khúc gỗ nhỏ. Trên khúc gỗ này có gạch những ký hiệu như chữ La Mã cổ mà thầy mo Giàng Mí Lử (làm mo cho nhà Vàng Seo Lỉ - PV) đã gạch những kí hiệu được xem là bùa chú trừ tà.

Tìm hiểu về hủ tục này, chúng tôi lặn lội tìm đến nhà thầy mo Giàng Mí Lử. Nhà ông Lử chỉ cách nhà Lỉ khoảng 3km nhưng để đến được đây chúng tôi phải mất vài giờ đồng hồ mỏi chân, chùn gối bởi con đường toàn đá hộc lổn nhổn, lên dốc, xuống đèo. Vừa bước chân vào đến nhà, ngay trước mắt chúng tôi là năm, sáu con người ngồi tụm nhau trong căn nhà xiêu vẹo, ánh sáng le lét từ cái bóng đèn màu đỏ nhỏ từ góc bàn thờ, cũng là thứ ánh sáng duy nhất của ngôi nhà này khiến không khí như đặc lại. Thấy chúng tôi, họ quay ra nhìn đầy vẻ ngạc nhiên và tò mò không hiểu những người lạ này là ai…

Vàng Seo Lỉ nói gì đó với họ bằng thứ tiếng Mông đặc trưng rồi họ cười rôm rả, rót nước mời chúng tôi. Chủ nhà, tức là ông Mo có cái tên Giàng Mí Lử, kéo chiếc ghế gỗ bé con, thấp tẹt ngồi xuống rồi xởi lởi mời chúng tôi: "Uống! Uống đi". Giữa cái ánh sáng nhập nhoạng của 6h30' chiều và cái ánh đèn đỏ mờ ảo, yếu ớt từ một góc ban thờ, chúng tôi đành phải kéo Lử ra ngoài cửa nhà, cũng chỉ để tận dụng chút ánh sáng còn lại của thiên nhiên bởi dù sao nó còn sáng hơn ánh sáng trong nhà thầy mo Lử.

Giàng Mí Lử có một người anh trai nữa cũng làm thầy mo, nghĩa nhà họ làm mo theo kiểu "gia truyền". Hầu như các bài mo đã nằm lòng, và họ cũng nổi tiếng một vùng về chuyện trừ tà đuổi ma. Theo Lử, người dân quanh đây không phải nhà ai cũng có chó và chó treo như thế là tục lệ của tổ tiên. Cứ trong nhà có ai ốm đau hay gia đình có chuyện gì không lành thì cho rằng đó là có ma quấy rối nên họ thường giết chó làm phép.

Thường lễ cúng làm phép sẽ trải qua các bài mo và nghi lễ cúng diễn ra trong vòng 10 ngày. Sau đó con chó được treo trên một cái cột gỗ ngay trước cửa nhà để trừ tà, đuổi ma. "Ở quanh đây chỉ có hai, ba nhà treo chó thôi. Trên bản trên thì nhiều hơn mà… Ngoài ra, nhà nào có ít người, hay đi xa thì người ta treo chó lên như thế cũng là để trông nhà luôn" - Giàng Mí Lử cho biết.

Lạ & Cười - Hủ tục 'treo chó đuổi tà' của người Mông trên cao nguyên đá (Hình 2).

Mẹ con Vàng Seo Lỉ đang kể về tập tục của người Mông

Ám ảnh những hủ tục

Hầu hết người dân ở đây đều không biết Trưởng thôn, Chủ tịch xã là ai. Họ hầu như không có mối quan tâm nào đến cán bộ địa phương. Vì sống tách biệt với một nền văn hóa cũng tách biệt như thế nên khi chúng tôi hỏi Giàng Mí Lử hay Vàng Seo Lỉ, hoặc những người dân quanh đây, họ đều bảo không biết cán bộ là ai.

Từ lúc sinh ra cho đến khi "thác về với đá" người Mông sống trên vùng cao nguyên đá chỉ cần biết đến mèn mén và những bát rượu ngô ấm, nồng. Cũng chính vì lẽ thế họ vẫn còn giữ được những phong tục tập quán rất đặc biệt và phong phú. Nhiều hủ tục đến nay vẫn giữ gìn và thật đáng kinh hãi như tục ngủ với người chết, tục treo con trên cây, tục đẻ ngồi, tục tang ma… Và đây thực sự là những ám ảnh mà chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy trên cao nguyên đá nhiều hơn đất, nơi mà đồng bào người Mông vẫn chưa thoát được cái nghèo bên nương ngô và những bát mèn mén qua ngày. Chính sự nghèo đói đã vây lấy họ và khiến họ sợ hãi mọi thứ.

Đang rôm rả với đủ thứ chuyện thì Vàng Seo Lỉ hốt hoảng chạy sang với vẻ mặt cầu cứu. Tuy không hiểu những câu đàm thoại của họ nhưng chúng tôi đoán chừng câu chuyện cũng khá nghiêm trọng. Rồi Vàng Seo Lỉ dẫn chúng tôi cùng thầy mo Giàng Mí Lử đi như chạy về căn nhà của anh. Trong căn nhà ọp ẹp, mọi thứ đều sơ sài mà hầu như cũng không có gì ngoài hai chiếc giường. Mẹ của Lỉ đang nằm trên giường rên rỉ vì đau đớn. Dường như con chó bị đem ra tế lễ treo lủng lẳng ngoài kia đã không thể đuổi được bệnh tật trong người bà. Thế nhưng mo Lử lại tiếp tục làm phép và nhảy múa xung quanh giường với những câu thần chú bằng tiếng Mông…

Chúng tôi tạm biệt gia đình Lỉ, thầy mo Lử ra về khi ông mặt trời dần dần ẩn xuống phía góc trời. Trên chặng đường tiếp theo, trong đầu chúng tôi luôn miên man suy nghĩ về một cảnh tượng những "con ma hủ tục" vẫn hàng ngày đè bóng xuống đồng bào nơi vùng cao nguyên đá vốn đã rất nhiều khắc nghiệt để mưu sinh này.                               

Tập tục man rợ lại được cho là... thiêng liêng?

Có thể thấy ngay từ tục treo chó chết ở cổng nhà thực sự là một hủ tục hãi hùng, không dành cho người yếu bóng vía. Từ việc đập đầu con chó cho đến lúc chết, tế lễ đến lúc treo con chó lủng lẳng trước nhà đều là những cảnh tượng man rợ. Tuy nhiên, những việc đó lại được họ cho là thiêng liêng thần thánh và hết sức tôn thờ cũng như lấy làm tự hào. Mo Giang Mí Lử và những người dân nơi đây đều rất vui vẻ khi kể về những tục lệ này. Lử khoe với chúng tôi rằng, ông được rất nhiều người dân tin tưởng và mời chào đi mo, làm phép trừ tà: "Nếu nhà nào muốn giúp thì phải đến tận nơi có xe máy "rước" thì thầy mới đi, không thì không đi đâu mà…".

Vĩ Thanh - Nguyễn Bắc

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Khiếp đảm hủ tục thiêu trẻ con độc nhất Việt Nam

Thứ 5, 06/06/2013 | 14:43
Vào giữa mùa cá - khoảng từ tháng 3 âm lịch hằng năm, chủ đầm kính cẩn rước thầy làm lễ cúng Nhang Dàng với lễ vật là một trẻ em người Thượng...

Kinh sợ hủ tục 'sinh đôi giết một', tạ lỗi buôn làng

Thứ 3, 04/06/2013 | 16:57
Người Tà Rẻ ở bắc Tây Nguyên không ai nhớ hủ tục này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nếu người mẹ mà sinh đôi thì buộc phải giết bỏ một trong hai trẻ vừa chào đời.

Hủ tục 'phơi nắng' người chết cả tuần rồi mới chôn cất

Thứ 6, 15/03/2013 | 15:34
Các cụ cao niên bản Lung Tang cũng chẳng ai biết, hủ tục đưa người chết ra "phơi nắng" bắt nguồn từ khi nào, do ai khởi xướng, nhưng đến nay vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai "lần đầu nghe thấy".

Tục bú vú cứu trẻ thoát khỏi hủ tục chôn con theo mẹ

Thứ 2, 14/01/2013 | 09:11
Đã nhiều năm trôi qua, dù chỉ biết hủ tục "dọ-tơm-amí" tàn độc qua lời kể của ông bà và những người già nhưng mỗi khi nhớ lại chúng tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh, xót xa. Người già ở Đắk-Rơ-Wa (Gia Lai) đã bật mí một luật tục, trong quá trình vượt cạn, nếu người mẹ chẳng may qua đời, đứa trẻ mới sinh sẽ khó tránh khỏi phán quyết "dọ-tơm-amí". Nghĩa là với phán quyết ấy, đứa trẻ đáng thương sẽ bị chôn sống theo mẹ.