Kỳ lạ khu rừng nguyên sinh giữa thành phố

Kỳ lạ khu rừng nguyên sinh giữa thành phố

Thứ 2, 25/03/2013 | 22:03
0
Chỉ khi bị mất phương hướng giữa vô số những gốc cây lớn nhỏ đan xen nhau tầng tầng lớp lớp tôi mới thực sự tin cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột chỉ 10km vẫn tồn tại một khu rừng nguyên sinh hùng vĩ đến như vậy. Đó chính là rừng thiêng Chư H'lăm được các thế hệ dân bản người Ê Đê buôn Ea Mắp (Thị trấn Ea Pôk, Huyện Cư M'Gar, Tỉnh Đăk Lăk) nâng niu, bảo vệ như báu vật từ đời này qua đời khác.

Lời nguyền truyền kiếp

Ánh mắt xa xăm nhìn về rừng già bạt ngàn, già làng Y Ruê Mlô kể cho chúng tôi nghe về sự tích rừng thiêng Chư H'lăm. Bằng giọng nói khỏe khoắn, vang xa như tiếng chiêng của người Ê Đê, câu chuyện của già làng Y Ruê Mlô như vọng về từ xa xưa trong tiếng mưa rừng. Theo già Mlo, "H'lăm" theo tiếng Ê Đê có nghĩa là "loạn luân", và Chư H'lăm có nghĩa là ngọn đồi loạn luân. Cái tên kỳ lạ này vốn bắt nguồn từ câu chuyện về hai anh em đã phạm vào "luật trời". Người anh tên là Y Din, còn em gái là Hoan.

Việt Nam Xanh - Kỳ lạ khu rừng nguyên sinh giữa thành phố

Một trong số những cây đại thụ của rừng H'lăm.

Đến nay, các cao niên trong buôn còn kể rằng, chẳng hiểu vì ma xui quỷ khiến mà giữa hai anh em ruột thịt lại nảy sinh tình cảm nam nữ. Bất chấp những luật tục hà khắc đã có từ ngàn đời, bất chấp những hình phạt khắc nghiệt về tội loạn luân, càng lớn, họ càng đem lòng yêu thương nhau tha thiết, muốn được cùng nhau nên vợ nên chồng. Khi cái tin đôi trai gái cùng cha mẹ yêu nhau đã phạm vào "phép trời" ấy vừa được loan đi, họ liền bị dân làng bắt phạt một con trâu trắng để cúng tạ tội với Giàng. Đôi trai gái đi khắp nơi lên, rừng xuống biển để tìm trâu trắng mà không sao tìm được nên họ đành dâng lên già làng một con heo trắng.

Heo trắng được làm thịt, thui chín trên những ngọn lửa rực hồng, bỏ hết ruột gan dâng lên tế lễ. Khi dân làng đang cúi rạp mình trước biểu tượng của thần linh thì trời đất đột nhiên tối sầm. Một cơn giông tố cuồn cuộn nổi lên, bụi tung mù mịt, cuốn phăng mọi thứ. Heo trắng bỗng dưng sống dậy, vừa chạy vòng quanh buôn làng vừa cất tiếng kêu thất thanh. Heo chạy đến đâu, đất đá dưới chân heo nứt ra đến đấy như người ta cắt một miếng bánh sôcôla hình tròn. Heo chạy vừa hết một vòng thì cả buôn làng, người già người trẻ, trâu bò, lợn gà, nhà cửa... hoàn toàn biến mất để lại một hố đen sâu hoắm. Từ dưới hố đen chết chóc ấy, nước bắt đầu dâng lên nhấn chìm tất cả. Đó chính là hồ nước có tên Sình Đỉa bây giờ nằm dưới bóng rừng già Chư H'lăm quanh năm xanh tốt. Tuy nhiên, theo già làng Mlo, đây chỉ là câu chuyện được truyền lại, chưa ai có thể xác minh được.

Và khu đồi Chư H'lăm cũng hình thành từ đó. Cây rừng thi nhau mọc lên bao phủ kín hết lối đi như một tường hào vững chắc chắn lối vào buôn làng đã bị thần linh trừng phạt. Theo già Mlo, điều kỳ lạ nhất là nếu ai bước đến rừng già Chư H'lăm mà vô tình hoặc cố ý nhắc đến tên hai anh em Y Din và Hoan thì sẽ bị lạc trong rừng. Đến lúc này chúng tôi mới hiểu vì sao già làng Y Ruê Mlô nhất định không kể chuyện cho tôi nghe khi đang ở trong rừng.

Việt Nam Xanh - Kỳ lạ khu rừng nguyên sinh giữa thành phố (Hình 2).

Già làng Y Ruê Mlô bên Sình Đỉa.

Cách bảo vệ rừng đặc biệt

Bao quanh bìa rừng Chư H'lăm là khu hồ rộng lớn có tên Sình Đỉa. Nó giống như một chiếc gương khổng lồ ngàn đời soi bóng rừng Chư H'lăm. Đứng trên cao nhìn xuống có lẽ ít ai kìm lòng được trước vẻ đẹp hữu tình của phong cảnh nơi đây. Bên này hồ là màu xanh thâm trầm của rừng già Chư H'lăm với biết bao điều bí ẩn. Bên kia hồ là màu xanh tươi mơn mởn của những đồi cafe, cao su trải dài tít tắp. Và cũng chẳng ai hiểu nổi vì sao một hồ nước trong xanh, mỹ miều là thế lại bị đặt cho cái tên chẳng mấy tốt lành "Sình Đỉa". Nhìn theo ánh mắt xa xăm của già làng Chư H'lăm, tôi gần như ngầm hiểu đó hẳn là một câu chuyện rất dài.

Kể về Sình Đỉa, già làng Y Ruê Mlô cho biết, điều kỳ lạ là trước đây, hồ nước ấy không hề có bất cứ một con tôm, con cá nào mà chỉ toàn đỉa. Chúng ngoi lên đen ngòm mặt nước. Loại vật này bò lổm ngổm trên những đám cỏ mọc um tùm quanh hồ. Hễ có con trâu, con bò nào bén mảng đến hồ uống nước liền bị đỉa bâu kín vào hút máu. Nghe đến đây, tôi gần như đứng tim vì sợ hãi. Già làng tinh ý vội khua tay để trấn an: "Đó chỉ là câu chuyện mà các cụ truyền lại thôi, bây giờ hết rồi, người ta bơm thuốc giết hết đỉa rồi. Hiện tại, người ta còn nuôi cá trong hồ nữa mà".

Từ nhiều đời nay, tất cả những người trong buôn Ea Mắp đều tin rằng Sình Đỉa là một hồ nước không có đáy. Cách đây nhiều năm, người trong buôn đã được một phen kinh ngạc khi chứng kiến nước trong hồ đột nhiên rút đi đâu hết chỉ sau một đêm. Cả một vùng hồ rộng lớn bỗng dưng chỉ còn trơ đáy. Trong khi đó, hồ nước này giống như một chiếc ao tù không có cửa vào mà cũng chẳng có cửa ra. Và rồi khi dân làng chưa hết xôn xao, chưa biết lý giải vì sao cho sự việc kỳ lạ thì cũng chỉ sau một đêm, nước từ đâu lại trở về lênh láng mặt hồ. Mọi người chỉ còn biết trao cho nhau những cái nhìn ngơ ngác trước những sự lạ lùng không sao giải thích được.

Từ khi sinh ra, già làng Y Ruê Mlô và những đứa trẻ trong làng đã được người già dạy, không được động đến cây cối trên rừng dù chỉ là một cành củi mục. Trong ý thức của mỗi người dân nơi đây, rừng già Chư H'lăm là nơi bất khả xâm phạm. Họ quan niệm rằng, nếu lấy gỗ trên rừng làm nhà thì sẽ mang về những điều xui xẻo, xấu xa. Từ bao nhiêu đời nay, không một ai bất kể già trẻ, gái trai trong buôn Ea Mắp dám phạm vào điều cấm kỵ. Với họ, luật lệ này còn lớn hơn cả một lời nguyền.

Già làng Y Ruê Mlô xúc động nhớ lại, những ngày đói kém trước đây nhờ rừng cho thức ăn mà buôn làng không ai bị chết đói. Mọi người lên rừng nhặt trái dâu, đào củ mài, bắt con thú để nuôi nhau, dựa vào rừng mà sống. Cho nên cái ơn của rừng sao có thể thể quên? Sao có thể chặt cây phá rừng để trả cái ơn đó được. Đó là nguyên nhân khiến một khu rừng nguyên sinh vẫn còn tồn tại cạnh thành phố Buôn Ma Thuột như một minh chứng về tình yêu, ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây.

Nhưng lòng tham của con người thật không thể nào đo đếm được. Rừng già Chư H'lăm với những cây gỗ quý suốt bao năm không một ai đụng đến cứ vươn mình sừng sững như một miếng mồi ngon đầy thách thức trước sự thèm muốn điên cuồng của những tên lâm tặc. Khi thấy những cây quý trong rừng bỗng dưng biến mất, những người trong buôn Ea Mắp vẫn không ngờ rằng có kẻ nào đó dám xâm phạm đến khu rừng này. Sự thật là rừng thiêng Chư H'lăm đã bị tổn thất nhiều cây gỗ quý. Nhiều người dân nói với nhau rằng, nếu pháp luật không xử lý những tên lâm tặc thì rừng già Chư H'lăm linh thiêng cũng sẽ mang đến cho họ những điều không hay. Tuy nhiên, theo già làng Mlô những câu chuyện lạc đường khi nhắc đến câu chuyện hai anh em ruột yêu nhau, thần linh cai quản rừng H'lăm là do người dân thêu dệt để giữ rừng, cho những tên lâm tặc không dám vào phá rừng

Hai giờ lạc giữa rừng già

Theo chân già làng Y Ruê Mlô, chúng tôi men theo lối mòn dẫn lên đồi Chư H'lăm. Đây là ngọn đồi mà tất cả người dân nơi đây mỗi khi nhắc đến đều không giấu nổi những cảm xúc tôn kính, trang nghiêm. Càng tiến sâu vào Chư H'lăm, chân tôi càng bị lún sâu trong những lớp thảm mục dầy, mịn. Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn tận mắt, sờ tận tay những cây cổ thụ to lớn hàng trăm năm tuổi. Rễ của đại thụ này trồi lên mặt đất, cao cả chục mét giống như cột trụ trời.

Vào sâu một đoạn khá xa, tôi bắt đầu có cảm giác người mình bị đổ dần về phía trước như có người đẩy phía sau. Hóa ra, chúng tôi đang thả dốc xuống một thung lũng. Điều kỳ lạ là khi tôi hỏi già làng về những câu chuyện liên quan đến khu rừng thì mặt ông lập tức biến sắc. Già một mực bảo không thể kể ở đây mà phải đợi về nhà mới nói được. Mãi về sau tôi mới hiểu đó là một câu chuyện dài liên quan đến lời nguyền truyền kiếp về rừng già Chư H'lăm mà tất cả những người dân trong buôn làng từ nhiều đời nay không bao giờ vi phạm.

Chẳng hiểu vì sao, sau câu hỏi của tôi, mà một người đã gắn bó hơn 70 năm cuộc đời với đất rừng này như già làng Y Rê Mlô cũng bị lạc. Chúng tôi càng đi càng không thấy đường, chỉ thấy cây rừng chen chúc nhau bao vây tứ phía dưới thứ ánh sáng yếu ớt, mờ ảo lọt qua những tán cây dày đặc đan chéo nhau như ma trận. Phải mất gần hai tiếng đồng hồ luồn lách như những con rắn chúng tôi mới tìm được lối ra. Chưa khi nào tôi thấy vui mừng khi được thấy ánh sáng mặt trời đến thế.

Phóng sự của Dương Dung