Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào

Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Nhiều thế kỉ đã trôi đi, khu vực “cánh đồng chum” ở Xiengkhuang của Lào vẫn còn chìm trong bí ẩn, chưa có nhà khảo cổ học nào tìm ra đáp án cho nghi vấn “ai đã tạo ra những chum đá này".

“Cánh đồng chum” - một khu vực văn hóa lịch sử gần thị xã Phonsavan, thuộc tỉnh Xiengkhuang của Lào, nơi có hàng ngàn chum bằng đá nằm rải rác dọc theo cánh đồng thuộc Cao nguyên Xiengkhuang, cuối phía Bắc của dãy núi Trường Sơn.

Hàng thế kỷ đã trôi đi kể từ khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra những cánh đồng kì bí này nhưng cho đến ngày nay, nguồn gốc của các “cánh đồng chum này” vẫn chỉ là một dấu chấm hỏi lớn đối với nhân loại.

Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất khu vực này là “cánh đồng chum” ở Bản Ang với những chum đá nằm thoai thoải bên sườn đồi. Hầu hết các chum đều có trọng lượng dao động trong khoảng từ 600 kg đến 1 tấn, dường như chúng được tạo ra ở một nơi khác và sau đó được chuyển tới đó.

Xã hội - Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào

Cánh đồng chum” một khu vực văn hóa lịch sử gần thị xã Phonsavan, thuộc tỉnh Xiengkhuang, Lào

Các chum có chiều cao khoảng từ 1 mét đến 1,2 mét và một số chum có đường kính lên tới hơn 1m. Tất cả các chum được tạo ra từ đá cứng, đa phần là đá granit nhưng một số được tạo ra bằng sa thạch trộn lẫn từ thạch anh, Fenspat và mica.

Theo ước tính của các nhà khoa học thì tuổi thọ của những chum đá này khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm tuổi. Từ những hình tròn đồng tâm được trang trí trên một số chum, các nhà khoa học đã cho rằng những chum đá này đã từng có nắp và hầu hết số nắp đó đã được lấy đi và sử dụng cho những mục đích khác.

Xã hội - Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào (Hình 2).

Từ những hình tròn đồng tâm trang trí trên miệng chum, người ta tin rằng những chiếc chum này từng có nắp nhưng sau đó nó đã bị lấy đi

Theo lời của các bộ tộc người Hmong và Dao nơi đây thì những chum đá này có nguồn gốc từ thế kỉ thứ 6 và chúng được tạo ra nhằm mục đích ủ rượu. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa ở nơi đây có một vị vua rất tàn ác có tên Chao Angka, ông này thường đối xử rất tệ bạc với dân chúng nơi đây, vì vậy họ đã cầu xin sự giúp đỡ của Khun Jevam - một vị vua đến từ phương Bắc, ông này đã đến và giải thoát cho họ. Để có rượu cho quân lính ăn mừng chiến thắng, vua Khun đã ra lệnh cho dân chúng làm những chiếc chum đá để ủ rượu.

Xã hội - Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào (Hình 3).

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học cho rằng, thực tế nguồn gốc của những chum đá lại hoàn toàn không giống như truyền thuyết. Theo họ, việc tạo ra những chum đá và di chuyển chúng tới một nơi khác cần phải có một thời gian khá dài, thậm chí phải mất tới hàng thập kỉ.

Người đầu tiên có công trong việc nghiên cứu về các các “cánh đồng chum” này là Henri Parmentier - một nhà khảo cổ học Pháp. Một lần, ông phát hiện người dân địa phương đang bán những chuỗi hạt làm bằng cacnilian và thủy tinh. Lúc ấy, Henri cho rằng người ta đã lấy cắp các chuỗi hạt cùng với số đồ vật khác từ những chum đá.

Xã hội - Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào (Hình 4).

Điều này khiến Parmentier nghĩ rằng những chiếc chum hay những bình đựng di cốt thực sự là những ngôi mộ, nơi người ta chôn người chết và một số của cải kèm theo.

Ông đã tìm được những vật được đem chôn khá đặc biệt như những nồi đen dùng làm đồ nấu thức ăn, hai chiếc rùi đá, một đèn dầu và những chuỗi hạt.

Người thứ hai cũng rất nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về khu vực “cánh đồng chum” là nhà khảo cổ học người Pháp có tên Madeline Colani. Bà này đã viết tất cả những phát hiện về những cánh đồng chum này trong cuốn sách có tên "The Megaliths of Upper Laos" (1930). Colani sinh năm 1866, là con gái của một học giả nghiên cứu đạo Tin Lành. Bà đã chuyển tới Đông dương khi bà 33 tuổi và dạy học ở đó, 11 năm sau đó bà giành bằng học vị tiến sĩ. Bà là người có công rất lớn trong việc phát hiện văn hóa Hòa Bình, một nền văn hóa phát triển ở Việt Nam vào khoảng 18.000 năm trước. Sau đó bà chú ý đến những cánh đồng chum ở Lào và chuyển tới đây để tiến hành các cuộc nghiên cứu.

Xã hội - Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào (Hình 5).

Colani có một niềm tin mạnh mẽ rằng đây là những chum đựng di cốt của người chết có từ thời Đồng Thau. Bà tin rằng vào thời kì Đồng Thau, người ta đã hỏa táng thi thể người chết, sau đó chôn tro vào những cái chum này. Một số bằng chứng về số di cốt bị thiêu ở các động gần đó dường như càng chứng minh thuyết của Colani.

Bà tin rằng những chum này chỉ được dùng để chứa di cốt của các “Tù trưởng”. Và bà đã ghi chép thành 3 loại chum khác nhau: chum thấp và rộng, chum cao thon, và chum hình trụ.

Colani cho rằng thời kì này người ta dùng các dụng cụ bằng đồng để cắt đá cứng. Và bà đã tìm ra được những chum đá tương tự vậy ở các khu vực khác như miền Trung Việt Nam, các khu đồi Bắc Cachar ở Ấn Độ.

Xã hội - Kỳ lạ những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào (Hình 6).

Vào năm 1994, một nhà khảo cổ học người Nhật có tên Eiji Nitta đã đào bới cẩn thận vùng đất quanh một số chum đá lớn. Khi ông đào sâu xuống khoảng 30 cm thì phát hiện một hố nhỏ có chứa xương người. Tuy nhiên, Nitta không tìm thấy bất kì dấu vết nào cho thấy người ta đã từng chôn các di cốt bên trong số chum này. Điều này một lần nữa khiến các nhà khảo cổ học đặt ra giả thuyết có lẽ người xưa tạo ra những chum đá dùng để tưởng niệm người chết hoặc dùng chúng để để đặt đồ đạc cho người chết.

Nhiều thế kỉ đã trôi đi, khu vực “cánh đồng chum” ở Xiengkhuang của Lào vẫn còn chìm trong bí ẩn, chưa có nhà khảo cổ học nào tìm ra đáp án cho nghi vấn “ai đã tạo ra những chum đá này và chúng được tạo ra với mục đích gì”.

Thời gian đã trôi đi nhưng cánh đồng chum vẫn nằm đó về một bí ẩn lịch sử và một minh chứng cho một thời kì chiến tranh loạn lạc, cho đến ngày nay, nơi này vẫn là một nơi còn có rất nhiều bom do máy bay Mỹ ném xuống. Chính vì vậy, khu vực này đã trở thành một con dao hai lưỡi không chỉ đối với các nhà khảo cổ học mà còn đối với những người đi săn tìm kho báu.

Kỳ Anh


Tag: Fenspat