Kỳ lạ về kho báu chất đầy hang động trong núi Đầu Rồng

Kỳ lạ về kho báu chất đầy hang động trong núi Đầu Rồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Để đi vào các hang, chúng tôi phải chuẩn bị đèn pin, thang leo, dây thừng, thậm chí cả cơm nắm và muối vừng đề phòng trường hợp bị kẹt bên trong.

Câu chuyện mà người dân ở thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) truyền tai nhau về núi Đầu Rồng là kho báu chứa hàng tạ vàng và rất nhiều ngọc quý vẫn âm ỉ trong tâm thức người dân. Phải rất lâu sau khi chính quyền sở tại mới xác minh được những tin đồn đó là thất thiệt. Tuy nhiên, một điều mà ít ai biết đến, trong núi Rồng đó là hệ thống hang động lộng lẫy, hoành tráng hệt như những kho báu hàng triệu năm còn lưu lại.

Xã hội - Kỳ lạ về kho báu chất đầy hang động trong núi Đầu Rồng

Muốn vào động Thanh Thủy phải vượt nước suối với độ sâu 8 mét

Kho báu ngàn đời trong lòng núi

Theo lời giới thiệu của ông Bùi Văn Hưng, phó trưởng phòng Văn hóa huyện Cao Phong, chúng tôi tìm về khu III, thị trấn Cao Phong gặp ông Dương Ngọc Chiến, người đầu tiên phát hiện những hang động bí ẩn trong núi Rồng.

Ông Chiến kể, ông phát hiện quần thể hang cách đây chừng 20 năm. Lần ấy, tình cờ trong những lần đi săn, ông cùng nhóm người địa phương đi sâu vào dãy núi bắt con thú thì phát hiện ra một hệ thống hang động nằm khuất trong những rặng cây rừng. Ôm giấc mơ chinh phục ngọn núi vốn từ lâu đã nổi tiếng thiêng này, ông Chiến và một số anh em mang đủ vật dụng đi rừng để tìm đường vào hang.

Leo lưng chừng núi, sau khi phát hiện thấy miệng hang, ông Chiến buộc dây để từng người đu xuống lòng hang. Ánh sáng le lói chiếu qua một giếng trời xuống lòng hang làm cho không khí càng trở nên mờ ảo. Đi sâu vào bên trong tối dần, dưới nền đất là vô số những hòn đá tròn nhỏ như quả mận rải khắp nơi. Phía dưới bãi đá nhỏ này là những thửa đá có bờ trông giống như ruộng bậc thang của người dân xứ Mường hay hình hòn vọng phu - người mẹ bồng con đầy sinh động. Thấy kỳ thú, ông Chiến và đoàn người tiếp tục vào sâu trong hang nhưng chỉ thấy một vách đá khá lớn được bào mòn theo thời gian chứ không thấy đáy.

Chưa hết ngỡ ngàng, ông Chiến tiếp tục phát hiện ra nhiều cửa động khác. Các hang động ở đây đều rất dài, có hang dài đến gần 300 mét. Ông và nhóm người đi rừng khám phá đặt tên cho từng hang gắn liền với đặc tính của nó, như: Động Không Đáy, thạch động Hoa Sơn, Thanh Thủy động...

Tuy nhiên, một điều kỳ lạ nhất khi tại đây không hề có dấu chân người. Tất cả các hang đều không lưu lại dấu vết nào của văn hóa khảo cổ. Chính những người dân tộc Mường dưới chân núi cũng chưa từng có ai đặt chân đến đây bởi vách đá dựng đứng, hiểm trở. Sau lần ấy, người dân sống quanh khu vực núi Rồng vừa tò mò, vừa bán tín, bán nghi.

Một số nhóm người hay đi rừng núi nghe tin đồn về những hang động ở núi Rồng đã tìm về đây để khám phá. Tuy nhiên, mất cả tuần trời nhóm người này cũng đành bỏ cuộc vì không tìm được cách vào hang động. Thêm vào đó, nhiều cửa hang muốn vào trong phải lặn nước và đi thuyền. Nếu không phải là người dân địa phương am hiểu về địa hình của dãy núi thì không thể vào trong được. Thời gian gần đây, Phòng Văn hóa huyện Cao Phong đã phải làm biển cấm người tự ý tham quan di tích núi Đầu Rồng vì sợ nguy hiểm cho người leo núi tìm hang động.

Xã hội - Kỳ lạ về kho báu chất đầy hang động trong núi Đầu Rồng (Hình 2).

Ông Bùi Văn Hưng, phó trưởng phòng Văn hóa huyện Cao Phong khẳng định núi Mắt Rồng rất linh thiêng, huyền bí

Mục sở thị "hang vàng" bằng cách leo núi, lặn nước

May mắn cho chúng tôi, trong chuyến công tác về Cao Phong đã gặp được ông Dương Ngọc Chiến, người nắm rõ nhất từng chi tiết, ngóc ngách của các hang động trong lòng núi Đầu Rồng. Ông Chiến dặn dò tôi rất kỹ về những kỹ thuật leo núi, lặn nước hay tìm cách thoát thân khi thuyền bị lật do va vào vách hang. Ông trang bị cho chúng tôi đèn pin, thang, dây thừng, dao dựa và cả nước, cơm nắm, muối vừng nếu buổi tối phải ở lại trong hang...

Theo chân ông Chiến, chúng tôi bắt đầu leo núi và lần mò vào sâu trong các hang. Đường vào đây chưa được khai phá nên rất khó đi và hiểm trở. Phải mất gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới vào được bên trong hang nước, nơi được gọi là "mắt Rồng thứ nhất". Thành hang và phía trên hang có nhiều loại nhũ đá lấp lánh. Theo ông Chiến, nhờ có nước mà các loại nhũ đá ở hang núi Đầu Rồng được hình thành và phát triển. Hiểu đơn giản là ban đầu nước mưa chảy theo các khe nứt trong đá vôi, từ đó hòa tan dần đá vôi. Qua thời gian, các khe nứt mở rộng hình thành nên hang động đặc biệt này.

Tiếp đó, ông Chiến đưa chúng tôi đến hang cao hơn là Hoa Sơn thạch động. Đây là một trong những hang động khô dài và đẹp nhất núi Đầu Rồng. Để đến được hang, chúng tôi phải chèo thuyền sâu vào trong lòng núi và tiếp tục leo lên trên những vách đá để vào hang. Cửa động nằm ở độ cao trên 100 mét so với chân núi ăn thẳng lên cao. Khi vào hang phải xuống bằng thang, với độ cao tại điểm thấp nhất cũng phải lên 20 mét. Bên trong, hình ảnh cả rừng hoa thạch nhũ khoe sắc khiến ai cũng choáng ngợp.

Bên trong hang động ăn sâu vào lòng núi khoảng hơn 300 mét. Đứng sừng sững ngay lối vào là một khối thạch nhũ trông tựa hình như một con rùa. Trong tâm thức của người Mường, đây là con vật đã hiến kế cho vua của người Mường là Lang Đá. Vị này đã hiến cách dựng nhà sàn và được người Mường đưa vào truyền thuyết mang tính sử thi thần thoại, diễn sướng cho bài mo "Đẻ đất, đẻ nước" của người Mường. Phía vách phải của một khối nhũ mang hình một con voi đang phủ phục quay đầu ra cửa, vách trái một khối nhũ nhô ra trông tựa một chú đại bàng khổng lồ đang trong tư thế vươn bay. Phía trên động là một rừng mây. Nổi bật hơn cả là các phiến đá giống hệt một thiếu nữ đang đứng tắm.

Sau khi nghỉ ngơi và ăn cơm lam mà một số người dân tộc Mường tốt bụng đã chuẩn bị cho, ông Chiến đưa chúng tôi đến động Không Đáy. Trong lòng động có một giếng sâu hun hút, miệng giếng rộng khoảng 10 mét. Để minh chứng cho chúng tôi về độ sâu của động này, ông Chiến cầm một viên đá to ném xuống miệng hố mà không nghe thấy tiếng vọng lại. Theo người dân địa phương, cho đến nay kể từ khi phát hiện động Không Đáy, chưa một ai đặt chân xuống đáy động. Kể cả những nhà leo núi giỏi nhất của địa phương và các nhóm người đi phượt rừng cũng phải bỏ cuộc giữa chừng.

Phong Sơn động nằm trên lưng chừng đỉnh núi. Đường lên động luồn dưới những tán cây rừng, men theo những triền đá cheo leo cộng với trời mưa nên mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới đến nơi. Ngay tại cửa hang, những luồng gió rất mạnh từ lòng núi liên tục tỏa ra. Đây là động cao nhất của quần thể di tích núi Đầu Rồng ở độ cao 200 mét so với chân núi. Động ăn sâu vào lòng đất gần 100 mét dáng vòng cung, hai bên vòng là hình tay ngai. Kế bên, động Hang Nước nằm về phía Tây Bắc của núi Đầu Rồng. Lòng hang là một dòng suối nước trong veo mát lạnh chảy xuôi nhè nhẹ từ lòng núi.

Để đi vào khám phá bên trong thì phải có thuyền, mực nước ở đây có độ sâu từ 5 mét đến 8 mét. Do chưa chuẩn bị thuyền nên tôi và ông Chiến phải để đồ đạc lại và men theo thành hang bơi vào bên trong. Trong hang là những khối nhũ hoang sơ nhuộm màu xám của thời gian đẹp huyền ảo được thiên nhiên tạo nên từ ngàn năm.

Diện mạo núi Đầu Rồng

Nhìn từ trung tâm thị trấn Cao Phong, cả dãy núi hiện lên sừng sững dáng tựa như đầu rồng. Cũng chẳng ai nhớ ngọn núi ấy có từ bao giờ, nhưng từ lâu người dân nơi đây đã lấy dáng núi để đặt tên là "núi Đầu Rồng". Dãy núi này dài hơn 1km với độ cao hàng trăm mét so với chân núi. Hình dáng của dãy núi này khá đặc biệt mang hình đầu Rồng với hai hồ nước lớn phía trước. Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, đây là hai hồ nước từ mạch nguồn trong lòng núi chảy ra được ví như mắt rồng. Diện mạo núi Đầu Rồng

Nhìn từ trung tâm thị trấn Cao Phong, cả dãy núi hiện lên sừng sững dáng tựa như đầu rồng. Cũng chẳng ai nhớ ngọn núi ấy có từ bao giờ, nhưng từ lâu người dân nơi đây đã lấy dáng núi để đặt tên là "núi Đầu Rồng". Dãy núi này dài hơn 1km với độ cao hàng trăm mét so với chân núi. Hình dáng của dãy núi này khá đặc biệt mang hình đầu Rồng với hai hồ nước lớn phía trước. Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, đây là hai hồ nước từ mạch nguồn trong lòng núi chảy ra được ví như mắt rồng.

Cao Tuân