Kỳ lạ vùng đất nghiện ăn... cào cào

Kỳ lạ vùng đất nghiện ăn... cào cào

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Từ những con cào cào béo ngậy, người dân ở xã Nghi Kim, Nghi Lộc, Nghệ An đã chế biến thành món ăn dân giã có truyền thống lâu đời và trịnh trọng gọi nó là món "tôm bay". Rượu ở xã Nghi Ân và "tôm bay" Nghi Kim gặp nhau thì khó có thể cưỡng lại được.

Món ăn truyền thống

Theo những cao niên trong làng kể lại thì từ khi lớn lên họ đã thấy món "tôm bay" có mặt trên mâm cơm của các gia đình. Tại xã Nghi Kim, món “tôm bay” có mặt trong bữa ăn của mỗi gia đình và nó trở thành một món ăn truyền thống mà những ai đi xa quê đều nhớ.

Theo cụ Nguyễn Thị Kỳ (84 tuổi) trú tại xóm 11 cho biết: "Người dân gọi "tĩm bay" bởi cào cào chế biến thành thức ăn cũng ngon như tôm vậy. Khi tui lớn lên đã thấy dân làng rủ nhau đi bắt cào cào về làm thức ăn. Trước đây, người ta thường ăn cào cào đồng. Sau này cào cào đồng ít dần nên người ta chuyển sang bắt cào cào lá tre ăn. Hiện giờ, chuộng nhất vẫn là cào cào xanh. Chúng thường trú tại các rừng phi lao dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, mùa săn cào cào cũng chỉ rầm rộ vào các tháng 6, 7, 8 âm lịch".

Mùa săn cào cào chỉ rầm rộ vào các tháng 6,7,8 âm lịch

Cụ Kỳ giải thích, người ta thường săn vào những tháng này bởi cào cào đang mang trứng. Khi đó, sẽ không có máu, nên không bị tanh (chất lỏng màu xanh thường chảy ra ở miệng cào cào khi bị bắt). Như thế cào cào mới ngon, bùi và béo. Mùa săn cào cào cũng kết thúc khi chúng đẻ trứng và chết.

Cũng theo cụ Kỳ nhận định, nguyên nhân người dân ở vùng này có truyền thống ăn cào cào như vậy có thể vì trước đây đói kém nên người ta bắt về rang lên ăn thấy thơm ngon nên sau này trở thành thói quen và cả làng thi nhau ăn.

Còn anh Trần Văn Nhật (SN 1969) thì chia sẻ, khi lên khoảng 8 tuổi thường đi chăn bò cả ngày ở các cánh đồng xa nên phải đùm cơm theo để ăn. Sau đó hái sim, đuổi bắt cào cào nướng ăn. Khi trở về trên tay mỗi đứa trẻ đều có một túi cào cào đem về nấu ăn. Ông Nguyễn Quốc Vinh (70 tuổi), một người dân vốn từ nơi khác đến định cư về đây cho biết:

"Quê tôi ở huyện Thanh Chương, năm 1988 thì mua đất và chuyển gia đình về sinh sống tại đây. Trong một lần gặp ông bạn cũ mời vào nhà chơi và ăn cơm. Khi chủ nhà mang ra một đĩa "tôm bay", lúc đầu tôi thật không dám ăn vì sợ quá. Nhưng ông bạn cứ nằng nặc mời thử cho bằng được nên cầm lên ăn. Bây giờ thì đã thành nghiện, đến giờ ăn cơm hay lai rai với bạn một chút mà không có món "tôm bay" là thấy thiếu thiếu rồi".

Gặp thợ săn cào cào kỳ cựu

Dụng cụ để săn cào cào rất đơn giản. Trước đây, vì bắt cào cào ở đồng trống nên người ta thường dùng vợt để bắt. Đi đến đâu, cào cào bay lên đến đó, chỉ việc dùng vợt chao lấy. Mỗi lần như thế có đến hàng chục con mắc vợt. Thế nhưng, hiện nay người dân không còn thích ăn cào cào đó nữa mà chuyển sang cào cào xanh.

Loại này có thân người to bằng ngón chân cái. Chúng thường trú ở các rừng phi lao men theo các bờ biển là nhiều nhất. Có khi mỗi nhành phi lao có đến hàng chục con trú ẩn tại đó. Dụng cụ để bắt là dùng một sào tre hoặc nứa dài 4-5m, đầu kia nối với một móc sắt, vài cái bao tải có đục lỗ thông hơi để cào cào khỏi bị ngạt mà chết.

Có nhà dùng hẳn can nhựa loại 5lít, 10 lít đục lỗ thông hơi để tiện cho việc bắt cào cào. Mỗi khi gặp ổ cào cào nào, chỉ cần dùng móc sắt lắc mạnh cho cào cào rớt xuống rồi chụp nhanh những con rơi xuống. Loài cào cào rất tinh ranh, nên khi rớt xuống nếu không nhanh tay chúng sẽ bay mất.

Em Trần Xuân Bách (19 tuổi) một trong những thợ săn cào cào cừ khôi của xóm 11 cho biết, trong xã này bọn em là người đi bắt cào cào nhiều nhất. Trước đây, bọn em thường bắt ở những xã gần đây. Sau khi nghe tin, tại Hà Tĩnh có hiện tượng cào cào phá hoại mùa màng nên cả làng ồ ạt rủ nhau vào đó để bắt.

Đi cả ngày, có khi được vài chục kg, có khi được 40-50kg. Cào cào bán sỉ cũng được 20-30 ngàn đồng/kg, nếu bán lẻ cũng được 40-50 ngàn đồng/kg. Đó là thời điểm bắt được nhiều, còn những năm hiếm cào cào thì lên đến 80-100 ngàn/kg.

Theo Bách, nhìn thì đơn giản nhưng để săn được một kg cào cào không phải là chuyện dễ dàng. Thợ săn cào cào phải biết chịu khó và phải hết sức khéo léo. Đặc biệt là phải nhanh nhẹn thì mới bắt được nhiều. Chìa bàn tay với nhiều vết xước, Bách cho hay, những vết xước này là do chân cào cào khi bị tóm nên búng càng loạn xạ. Săn cào cào cũng có thể gặp nhiều rủi ro. Bách kể, trong một lần móc được nhành phi lao nặng trĩu tưởng là nhiều cào cào ở đấy, ai ngờ từ trên cao, một chú rắn lao xuống, may lúc đó tránh kịp.

Từ sáng sớm, đi dọc con đường dẫn vào xã Nghi Kim đã thấy bà con tấp nập, mỗi hàng quán đều thấy một túm cào cào để bán. Để mua được cào cào về ăn phải đi sớm mới có, đi trưa chợ là coi như hôm đó về không. Điều đặc biệt, chỉ có người dân xã Nghi Kim mới ăn món "tôm bay". Người dân ở đây xem món "tôm bay" là đặc sản mỗi khi có khách đến nhà chơi.

Bí quyết chế biến món truyền thống

Cào cào được bày bán khắp các ngả đường của xã Nghi Kim, Nghi Lộc, Nghệ An để chế biến món tôm bay

Chỉ những người có kinh nghiệm trong chế biến món ăn mới am hiểu về món ăn đầy sức hấp dẫn và lắm công phu này. Người dân ở đây trịnh trọng gọi món này là "tôm bay" bởi nó có một sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Những người con xa quê, lâu ngày về thăm nhà đều đòi mẹ, người thân chuẩn bị cho được món "tôm bay" để thỏa cơn thèm khát. Và khi đi xa, họ không quên mang theo ít cân cào cào ướp lạnh để làm quà.

Theo chị Lê Thị Loan, để chế biến được món “tôm bay” phải tuân thủ theo những trình tự nhất định, nếu thiếu đi một quy trình món “tôm bay” trở nên vô hồn, thậm chí là tanh không ăn được. Cào cào khi vừa bắt về, cắt bỏ phần chân trước, chân sau (không bỏ phần đùi), cắt cánh, rút bỏ ruột.

Làm xong, cho cào cào vào ngâm nước muối trong vòng 5 phút, rửa sạch cào cào một lần nữa bằng nước lã. Đem luộc cào cào trong vòng 3-5 phút lửa lớn, bỏ thêm một ít lá chanh và sả cho thơm, vớt cào cào ra để ráo nước rồi đem chiên với dầu, mỡ cho cào cào giòn lên, khi nào thấy vàng thì được.

Sau đó, bỏ gia vị ớt, tiêu, sả băm nhỏ, hành tăm, mật, lá chanh thái chỉ vào rim khô. Đặc biệt, để làm cho món “tôm bay” được ngon, chắc giòn và dai người ta bỏ thêm một ít nước dưa muối hoặc nước cà muối. Khi đó, món “tôm bay” mới thực sự hấp dẫn, chị Loan chia sẻ.

Theo ông Cao Huy Trí - Chủ tịch xã Nghi Kim, việc người dân nơi đây ăn cào cào không còn là điều xa lạ gì nữa. Cào cào đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu từ đời ông cha để lại. Thời điểm này, nhiều nhà dân ở đây chẳng cần phải chợ búa gì, cứ ra chợ xách về một túi cào cào làm món “tôm bay” là lo xong thức ăn cho bữa cơm gia đình.

Riêng gia đình tôi, tuy không bắt được cào cào nhưng cũng đã mua về nấu rim để ăn. Nếu chưa ăn, ai cũng ái ngại, nhưng đã thử món này thì không thể quên được. Món “tôm bay” trở thành món khoái khẩu, một đặc sản truyền thống không thể thiếu của người dân nơi đây.

Lê Quyết

Tag: Nghệ An