Kỹ nghệ học tiếng tây kiểu... ngoài chợ

Kỹ nghệ học tiếng tây kiểu... ngoài chợ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Cứ chiều thứ 7 hàng tuần, nhóm 6 sinh viên đến từ trường ĐH Kinh tế Luật Tp HCM lại đón xe buýt từ Làng đại học (quận Thủ Đức) lên chợ Bến Thành theo "thời khóa biểu" học tiếng Anh đã định sẵn từ đầu năm đến nay.

Họ tìm đến địa chỉ này để học hỏi những người... bán hàng vì hầu hết tiểu thương đang buôn bán ở chợ Bến Thành đều có khả năng "nói ngoại ngữ như gió", thậm chí có người còn biết đến 3 - 4 ngoại ngữ khác nhau. Không ít khách du lịch khi tới đây đã phải "tròn xoe mắt" thán phục.

Khách nước ngoài mua sắm tại chợ Bến Thành

Hoặc biết tiếng Tây, hoặc phá sản

Chị Hoàng An, một tiểu thương buôn bán đồ gia công mỹ nghệ tại chợ cho biết, không chợ nào ở Tp HCM lại có nhiều khách nước ngoài như chợ Bến Thành, thế nên để giao lưu và buôn bán tốt, không còn cách nào khác là tự cá nhân phải học ngoại ngữ để giao tiếp. "ở đây, 100% tiểu thương đều có thể nói tiếng Anh lưu loát, nghe hiểu khi trò chuyện với người nước ngoài", chị Hoàng An khẳng định.

Như để chứng minh lời vừa nói, chị hướng tay chỉ chúng tôi nhìn về gian hàng bán giày dép phía đối diện, nơi chàng thanh niên trẻ đon đả chào gia đình vị khách châu âu. Chàng thanh niên nhiệt tình giới thiệu từng sản phẩm, nói về xuất xứ, chất lượng, giá cả... bằng tiếng Anh. Cô bạn là một phiên dịch viên đi cùng tôi nhận xét: "Anh ấy nói nhanh và lưu loát, cách phát âm chuẩn từng câu chữ không khác gì người bản xứ".

Thử dạo một vòng quanh chợ, từ các sạp quần áo, vải sợi, giầy dép cho đến các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức hoặc các gian hàng nhỏ bán hủ tiếu, phở, bún bò... người ta đều phải ngạc nhiên với những cuộc trao đổi, trò chuyện bằng ngoại ngữ giữa các tiểu thương và khách hàng là người nước ngoài. "Buôn bán ở đây mà không biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì có mà dẹp tiệm", anh Sơn - chủ một cửa tiệm bán đồng hồ hóm hỉnh nói.

Theo anh Sơn, những năm về trước, số tiểu thương buôn bán ở đây biết tiếng Anh không nhiều. Nhưng dần dà, vì yêu cầu của công việc buôn bán phải trao đổi, tiếp xúc với người nước ngoài nhiều nên ai cũng phải "cố mà học".

Một số người học theo kiểu bắt chước, tuy giao tiếp được nhưng chỉ có thể nói tiếng Anh "bồi" (dùng tiếng Anh không chuẩn xác về mặt phát âm, từ ngữ lẫn cấu trúc câu nhưng người nghe vẫn có thể hiểu được. Cách dùng này cũng là sự pha tạp từ ngữ tiếng Anh và tiếng Việt - PV). Nhưng đa số trường hợp, tiểu thương chịu khó tranh thủ thời gian buổi tối đi học thêm ở các lớp ngoại ngữ, nhất là những tiểu thương trẻ tuổi.

Tại một cửa hàng thời trang, chủ cửa hàng tên Cúc đang trao đổi về giá cả cùng hai nữ du khách đến từ Hàn Quốc bằng tiếng Hàn Quốc. Cùng lúc, nhóm bạn trẻ đến từ châu âu cũng đến tìm mua những chiếc áo có in hình cờ Việt Nam, chị Cúc lại nói chuyện liến thoắt bằng tiếng Anh khiến hai nữ du khách mỉm cười với vẻ mặt ngạc nhiên, thán phục.

Chị Cúc nói: "Trong chợ này có nhiều người còn hơn cả tôi, biết đến 3, 4 thứ tiếng, từ tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật cho đến tiếng Anh, tiếng Pháp". Chị Cúc cũng cho biết thêm, hầu hết các cửa hàng tại chợ Bến Thành khi tuyển dụng nhân viên vào làm đều kèm theo tiêu chuẩn bắt buộc: Phải biết giao tiếp bằng tiếng nước ngoài.

Bí kíp học ngoại ngữ “kiểu chợ búa”

Chị Cúc nhớ lại, cách đây 6 năm, khi chị bắt đầu buôn bán ở chợ Bến Thành, thấy nhiều "đồng nghiệp" của mình "nói tiếng Tây như gió" với người nước ngoài, chị áy náy "ước gì mình cũng được như thế".

Nhưng nghĩ lại đã già, làm sao có thể theo học ở những Trung tâm ngoại ngữ nên chị quyết tìm cách học riêng: Siêng nói chuyện với người nước ngoài, biết gì nói đó, không cần quá chú trọng vào ngữ pháp, có thể ráp từ rồi đọc thành câu rồi nói với họ, miễn là đừng bao giờ ngại, đừng bao giờ sợ sai... thì dần dần sẽ tiến bộ. "Ngày đó có khi một câu 8 chữ, 4 chữ đầu nói tiếng Việt, còn lại nói tiếng Anh", chị Cúc cười nhớ lại.

Muốn bán được hàng cho khách Tây thì chủ cửa hàng phải chịu khó học ngoại ngữ

Chị An thì tâm sự: "Khi bán cho khách trong nước, để năn nỉ bán được sản phẩm đã là không đơn giản. Nói tiếng mẹ đẻ đã khó như vậy thì việc trò chuyện với khách hàng nước ngoài bằng ngoại ngữ càng khó hơn nhiều. Nhưng cũng nhờ đó mà khả năng nghe nói ngoại ngữ ngày càng được cải thiện hơn khi được nói, được nghe ngoại ngữ, được học hỏi từ họ mỗi ngày".

Được biết, chị An còn kết bạn với nhiều "bạn hàng" là mối quen người nước ngoài. Họ thường xuyên trao đổi trình độ học ngoại ngữ cho nhau. Chị An dạy tiếng Việt cho họ và ngược lại được "đối tác" chỉnh sửa ngữ pháp, cách phát âm khi nói tiếng Anh.

Còn "chiêu" mà bản thân anh Cường, tiểu thương kinh doanh đồng hồ đeo tay áp dụng để có thể giỏi ngoại ngữ đó là "nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi". Anh kể: "Thời gian đầu học ngoại ngữ, không chỉ nói chuyện với khách Tây mình mới sử dụng ngoại ngữ, mà ngay cả lúc trò chuyện với bạn bè cùng buôn bán, mình cũng nói tiếng Anh". Không những vậy, anh Cường còn tranh thủ lúc vắng khách, đọc thêm từ điển để bổ sung vốn từ vựng cho mình.

Không ít tiểu thương còn trang bị những máy tính xách tay, lên mạng vào những lúc rảnh rỗi, đọc báo nước ngoài để không những học hỏi cách dùng từ, đặt câu tiếng Anh mà còn có thể cập nhật tin tức thời sự các nước, để khi gặp khách đến từ nước đó, đem vấn đề ấy ra "buôn chuyện". Đó cũng là một "chiêu độc" để thu hút, gây ấn tượng với khách hàng.

"Trung tâm ngoại ngữ" ở... chợ

Không chỉ riêng các tiểu thương mà ngay cả những người chạy xe ôm, những đứa trẻ đánh giày, những phụ nữ mưu sinh bằng những gánh hàng rong bán ở khu chợ Bến Thành... đều có thể nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn xác, dù trong đó không ít người chưa... phổ cập tiểu học.

Thứ 7, chủ nhật, chợ Bến Thành dường như đông đúc hơn. Không phải bởi đó là cuối tuần, ngày nghỉ nên mọi người đi chợ nhiều mà bởi vì có không ít sinh viên, học sinh tranh thủ ngày được nghỉ học ở trường, tìm đến chợ để... học ngoại ngữ.

"Đọc sách, học trung tâm Anh ngữ cũng không bằng được nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài. Nói chuyện với họ chính là một cách học tiếng Anh hiệu quả nhất", Lê Thành Sơn, sinh viên trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết.

Sơn kể: "Nghe bạn bè giới thiệu ở chợ Bến Thành có nhiều tiểu thương nói ngoại ngữ thành thạo và nhiều khách nước ngoài, ở đây giống như môi trường đa ngôn ngữ khi người mua người bán đều sử dụng các thứ tiếng nước ngoài nói chung và tiếng Anh nói riêng để nói chuyện với nhau nên hơn 3 tháng nay, tuần nào mình cũng đến đây mong được giao tiếp bằng tiếng Anh với họ".

Còn nhóm 6 sinh viên đến từ trường ĐH Kinh tế - Luật Tp HCM thì không chỉ tìm những du khách để được trò chuyện, mà khi mua một món hàng nào đó ở bất kỳ cửa hiệu nào, các bạn cũng nói chuyện với các tiểu thương người Việt bằng tiếng Anh.

Lan Hương, một sinh viên trong nhóm thừa nhận: "Chúng em là sinh viên, được học tiếng Anh hơn 7 năm mà vẫn không "ăn nhằm" gì nếu so với các cô chú bán quán ở đây. Các cô chú nói tiếng Anh vừa trôi chảy, vừa chuẩn xác, đáng để học tập".

Thanh Nam