Kỹ sư Lê Văn Tạch nói về vụ nổ xe ở Bắc Ninh

Kỹ sư Lê Văn Tạch nói về vụ nổ xe ở Bắc Ninh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Anh Tạch khẳng định, nếu như bình xăng mà đầy, thì kể cả việc vòi xăng bắt lửa, vẫn không thể gây nổ được.

Liên quan đến vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh (ngày 1-12) khiến chị Nguyễn Thị Quỳnh (đang mang thai) tử vong và con gái Nguyễn Khánh Vân (5 tuổi) bị thương nặng, mới đây, theo một số thông tin, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) qua khám nghiệm hiện trường cũng như phương tiện không tìm thấy dấu hiệu có thuốc nổ trong xe Dream. Bước đầu cơ quan chức năng xác định vị trí nổ là điểm bình ắcquy tiếp giáp với bình xăng.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không có sự can thiệp từ phía bên ngoài, như là gài bom mìn hãm hại, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn, khó hiểu về nguyên nhân dẫn đến vụ nổ. Vẫn có nhiều giả thiết được đặt ra. Trao đổi với một số chuyện gia máy móc về khả năng nổ của các bộ phận trên xe máy, thì có sự nhận định không hoàn toàn giống nhau.

Ô tô-Xe máy - Kỹ sư Lê Văn Tạch nói về vụ nổ xe ở Bắc Ninh

Kỹ sư Tạch

Theo một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về kỹ thuật máy móc cho biết, về khả năng nổ của các bộ phận trên xe máy, có một số bộ phận, nhưng việc nổ tạo ra sự công phá lớn thì chỉ có duy nhất là bình xăng.

Một chuyên gia vật lý lại cho rằng, xe máy bốc cháy phải hội đủ ba nguyên nhân gồm nguồn điện phát ra tia lửa (khi đề), môi trường cháy (xăng) và không khí. Nếu hệ thống điện của xe không được đấu kín dẫn đến gây chập điện. Cộng vào đó là bình xăng đã bị rò rỉ, gặp tia lửa điện phát ra đã dẫn cháy. Tuy nhiên, kể cả như vậy thì việc phát nổ dẫn đến chết người là hiện tượng chưa từng gặp.

Một thợ sửa chữa xe máy có thâm niên cho rằng, một trường hợp có thể phát nổ nữa là bình ắc quy. Với bình ắc quy, có thể tụ sạc bị hỏng, dẫn đến dòng điện vào ắc quy rất lớn, làm nở các tấm cực, dẫn đến thay đổi kích thước của bình và phát nổ. Nhưng kể cả trong trường hợp bình phát nổ thì cũng không thể gây ra việc nổ bình xăng hoặc gây sát thương lớn được.

Trao đổi với kỹ sư Lê Văn Tạch - người từng phát hiện ra hàng loạt lỗi kỹ thuật trên một số dòng xe của Toyota cách đây không lâu, anh cho biết:

Ô tô-Xe máy - Kỹ sư Lê Văn Tạch nói về vụ nổ xe ở Bắc Ninh (Hình 2).

Hình ảnh chiếc xe bị nổ

Nếu không có tác động từ bên ngoài, thì việc một chiếc xe máy tự phát nổ như vậy chỉ có thể là do bình xăng. Tuy nhiên nguyên nhân do đâu khiến bình xăng có thể nổ, anh Tạch cho hay, để bình xăng có thể nổ thì cần phải đóng kín, và ngòi dẫn ở đây chính là vòi phun xăng.

Anh Tạch lý giải, trong quá trình chế tạo xe máy, các hệ thống dây dẫn điện luôn được nhà sản xuất thiết kế bó lại với nhau và thường chạy theo khung dưới ngay phía trên máy. Vòi dẫn xăng không được bó cùng nhưng đều nằm ở vị trí gần nhau.

Trong quá trình sử dụng xe, có thể bó dây điện này đã bị hở dẫn đến chập điện đánh lửa gây cháy. Và anh Tạch nhấn mạnh, những dây điện này có vỏ bọc bên ngoài, khi đã bắt lửa thì bùng cháy rất nhanh. Bời vậy, ngọn lửa này dễ dàng lây lan sang vòi dẫn xăng.

Tuy nhiên, anh Tạch khẳng định, nếu như bình xăng mà đầy, thì kể cả việc vòi xăng bắt lửa, vẫn không thể gây nổ được. Mà chỉ có thể nổ nếu như bình xăng lúc đó gần như đã cạn. Bởi chỉ có khi xăng cạn mới tạo ra khoảng không khí phía trong vòi dẫn xăng, khi đó mới tạo ra môi trường cho lửa cháy, dẫn lên phía trên, trong bình xăng. Và tại đó, việc lửa cháy khiến khí trong bình bị nén rất nhanh gây nên việc nổ.

Ô tô-Xe máy - Kỹ sư Lê Văn Tạch nói về vụ nổ xe ở Bắc Ninh (Hình 3).

Vết vỡ trên tường do vụ nổ gây ra

Thậm chí, trong trường hợp vụ nổ tại Bắc Ninh, kỹ sư Tạch còn nhận định thêm, "Trong trường hợp của chị Quỳnh, nếu có lỗi kỹ thuật như vậy, tôi cho rằng có thể khi chị ấy thấy xe bị cháy, chị ấy đã bỏ xe để chạy ra. Tuy nhiên việc đó, khiến xe bị nghiêng, khi đó xăng lại chảy ngược lại phía bình, vô tình tạo ra thêm nhiều khoảng không khí trong vòi dẫn, và việc bắt lửa phát nổ càng nhanh hơn."

Tuy nhiên, trước câu hỏi về trách nhiệm của nhà sản xuất trong trường hợp nếu điều anh nói là đúng, thì anh Tạch cho rằng: "Nếu đùng như vậy thì cũng có thể quy trách nhiệm là nhà sản xuất đã chế tạo sản phẩm, cụ thể là dây điện, kém chất lượng dẫn đến việc hở, chập."

Có phải vòi dẫn xăng trên động cơ nào cũng được bố trí có thể bắt lửa như vậy? Anh Tạch cho biết, đối với xe ô tô, vòi dẫn xăng thường được cấu tạo bằng kim loại, hoặc nếu đoạn nào không thể dùng kim loại thì sẽ dùng cao su hoặc chất gì đó dẻo để thay thế, tuy nhiên, đoạn đó cũng sẽ được bọc lại bằng chất chống cháy.

"Thường đối với xe máy, có thể các xe khác thì tôi không rõ, nhưng chẳng hạn như xe Dream, thì việc bố trì hệ thông dây này tôi thấy khá đơn giản. Việc bắt lửa như vậy cũng là hy hữu, nhưng không phải là không thể."

Honda Việt Nam lên tiếng:

Ngày 7/12, Công ty Honda Việt Nam đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng về vụ nổ xe máy khiến một phụ nữ mang thai tử nạn và cô con gái 5 tuổi bị thương nặng.

Theo đó, ông Koji Onishi - Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho biết, mới đây, một số phương tiện truyền thông, báo chí đã đưa tin về việc Viện khoa học - hình sự (Bộ Công an) đã có những thông tin ban đầu liên quan đến vụ nổ xe máy này. Tuy nhiên, bên phía Honda VN vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía cơ quan công an.

Mặc dù vậy, phía Honda VN cũng nhận định, đây là trường hợp nghiêm trọng và chưa từng xảy ra trước đây với sản phẩm của họ. Mặt khác công ty này khẳng định "sắn sàng hợp tác với cơ quan công an để sớm xác định nguyên nhân của sự việc này."

Trước đó, công ty Việt Long 1 xác nhận, chiếc xe Honda Super Dream (trong vụ nổ) được mua chính hãng từ nhà máy của Honda Việt Nam đặt tại thị xã Phúc Yên - tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 3/2011. Đến thời điểm xảy ra vụ tai nạn, chiếc xe mới chạy được khoảng 7 tháng với khoảng 4.000 km.

CTV