Kỳ thú nghi lễ cắt “lộc trời”

Kỳ thú nghi lễ cắt “lộc trời”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Người ta thường xuýt xoa khi nhắc đến nhung hươu vì đó là thứ thượng dược, đại bổ, đại đắt. Nhưng phải được tận mắt chứng kiến nghi lễ cắt nhung và sự nâng niu thành kính của người nuôi hươu với cặp nhung đỏ hồng như ngọc, ta mới hiểu hết sự quý giá đến linh thiêng của thứ lộc trời này.

Có lẽ vì thế mỗi năm, cứ độ xuân tình, đất nuôi hươu Hương Sơn, Hà Tĩnh lại rộn ràng đón khách thập phương lặn lội lên núi để được tham dự nghi lễ cắt lộc trời cầu may.

Sự kiện - Kỳ thú nghi lễ cắt “lộc trời”

Cận cảnh cắt nhung hươu

Lộc trời ban

Lần công tác ở đất Hương Sơn vào độ cuối năm, Hải, anh đồng nghiệp là dân "núi thơm" một mực mời tôi đến nhà để thưởng thức hai thứ đặc sản. Cái đầu tiên là món măng giá hảo hạng do chính tay vợ anh ủ. Cũng là người đàn bà có lúc phải quay cuồng với chuyện bếp núc, quả thực tôi phải ngưỡng mộ tài trồng măng ủ giá chiều chồng của cô vợ anh bạn đồng nghiệp.

Riêng món đặc sản thứ hai thì tôi gần như bị mê hoặc. Đó là một cặp nhung chóc mũm mĩm, hồng hào, mơn mởn trên đầu con hươu đực cồ oai vệ. Theo lời gia chủ, gọi là nhung chóc vì đây là cặp nhung đầu tiên được đổ trong đời con hươu, chỉ nặng khoảng vài lạng, thường được người nuôi trân trọng giữ lại dùng trong nhà phòng khi đau ốm. Cặp nhung chóc đã vừa đủ ngày và càng quý hơn vì nhung đổ trái mùa. Chỉ đợi qua đêm, ngày mai, những người thợ cắt nhung sẽ đến. Người ta sẽ nghe tiếng kêu của con đực cồ lần đầu tiên biết đến việc họ sẽ cưa đi cặp nhung đẹp đẽ trên đầu.

Mặc dù ít khi trực tiếp chăm nuôi hươu nhưng lần nào cắt nhung, Hải cũng như tất cả thành viên trong gia đình đều thấy xốn xang khó tả. Tờ mờ sáng, ông bà Long Phương, cha mẹ Hải đã trở dậy. ông mang thêm lá cho hươu ăn và đứng lặng trước cửa chuồng. Con đực cồ đổ nhung trái mùa nhà Hải rất có khả năng sẽ cho thêm một lần nhung nữa vào dịp đầu xuân, nhưng đấy là trường hợp hiếm hoi. Thường thì mỗi năm mỗi con đực chỉ đổ được một cặp nhung coi như là lộc trời ban cho người chăm hươu. Không có văn bản nhưng những quy định trong lễ cắt nhung đã thành luật ngầm truyền từ đời này qua đời khác. Hươu là linh vật của làng, nên trước khi đến với linh vật, người tham gia cắt nhung đều phải thanh sạch. Việc cắt nhung càng trở nên linh thiêng giống một nghi lễ.

Đúng giờ đã định, nhóm thợ cắt nhung hươu tới, trong chớp mắt, tôi thấy con hươu bị người thợ bắt lấy đầu ấn xuống. Sau tiếng hô: "Vào", tất cả nhóm thợ đều nhanh chóng ổn định vị trí, vật hươu nằm xuống. Công đoạn này phải hết sức cẩn trọng để giữ an toàn cho cả hươu và người. Tôi đã từng nghe có anh bắt hươu không cẩn thận làm què cả chân hươu; ngược lại có anh không may lại bị hươu đá cho thủng bụng. Vì thế, mọi thao tác đều yêu cầu nhanh gọn, chính xác và an toàn.

Sau khi con hươu đã được giữ yên nằm xuống, người thợ cưa mới đĩnh đạc cầm cưa bước vào. Ông ta nắn nắn phía chân nhung, chọn điểm thích hợp rồi đặt cưa. Đường cưa dứt khoát, nhung bị cắt nghe xào xạo. Con hươu kêu rống đau đớn, huyết hươu đỏ tươi bắt đầu phun ào ạt. Một thau rượu chờ sẵn lập tức được đặt dưới để hứng huyết. Áng chừng lấy lượng huyết vừa phải, người thợ già hô thôi và bắt đầu dịt thuốc.

Trong lúc ấy, nhóm thanh niên vẫn đang gân sức giữ hươu. Con hươu bị đau càng quẫy mạnh. Người thợ cưa nhanh chóng lấy lá cầm máu đã được giã nhuyễn gói trong miếng lá dong được cắt tròn dịt nhanh vào vết thương, rồi dùng cọng rơm mới buộc chắc lại. Một gian chuồng bên cạnh đã để trống sẵn. Người thợ mở cửa, cả nhóm thợ buông tay hướng con hươu chạy thẳng vào rồi chốt cửa gọn gàng. Tất cả lần lượt đứng dậy rời khỏi chuồng hươu. Chỉ khoảng 5 - 7 phút, con đực cồ đã được cắt nhung. Tại chỗ vết thương thay vào vị trí cặp nhung hồng tơ trước đó, hươu đã được đắp lá thuốc gọn gàng. Sau vài ngày, khi vết thương khô, gói lá thuốc sẽ tự rơi ra khi hươu gại đầu vào chuồng.

Lộc bất tận hưởng

Vợ chồng Hải đã đi chợ sắm sanh cơm, rượu đầy đủ “mời” nhóm thợ cắt nhung. Theo lệ từ xưa đến nay, gia chủ sẽ có bữa cơm với chén rượu huyết hươu đỏ thắm thay lời cảm ơn với những người thợ và cũng là sự chia sẻ lộc trời theo triết lý "lộc bất tận hưởng". Chỗ rượu pha huyết hươu đã được chia thành các chai nhỏ. Gia chủ cân cặp nhung còn mềm ấm, thông báo số lạng với mọi người rồi thành kính đặt lên bàn thờ cùng một chai rượu huyết.

Sau khi gia chủ thắp nén hương báo cáo tổ tiên, cả chủ và khách cùng hỉ hả nâng chén rượu huyết nhung ngọt lịm chúc mừng một vụ nhung đầy hứa hẹn. Ai cũng xuýt xoa với cặp nhung chóc mũm mĩm, lại đổ được nhánh phụ, huyết hươu phun ào ào khi cắt, báo hiệu gia chủ đang có một con hươu đực quý trường sức và những mùa nhung bội thu.

Hương Sơn năm nay trúng vụ nhung. Mới tháng Giêng, mảnh đất hươu sao đã đón nhiều khách ghé thăm. Theo những bậc cao niên trong nghề nuôi hươu, mấy năm trở lại đây, khách thập phương thường có xu hướng tự tìm đến tận nhà nuôi hươu để lựa mua cặp nhung ưng ý, hợp với túi tiền và cùng tham dự nghi lễ cắt nhung. Có khi phải vượt hàng trăm cây số trong thời tiết giá rét, nhưng chỉ cần được thưởng thức chén rượu huyết nhung ngọt nồng, nhấm nháp vị lá lộc thơm lừng và cùng ngắm nghía cặp nhung hồng mơn mởn, mọi nhọc nhằn sẽ tan biến. Khi về, trong túi xách của mỗi vị khách mua nhung, sẽ có thêm một chai rượu huyết long lanh do gia chủ gửi tặng.

An Nam - Tuyết Lan