Kỳ tích sau bức họa tự chân dung Bác Hồ bằng mành tre

Kỳ tích sau bức họa tự chân dung Bác Hồ bằng mành tre

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0

Vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Việt thanh niên TP. Biên Hòa trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm nên một kỳ tích. Họ tạo thành bức họa tự chân dung Bác Hồ trên mành tre độc nhất mang đầy ý nghĩa. Được biết, thủ lĩnh của CLB Thư pháp Việt thanh niên TP. Biên Hòa là anh Nguyễn Quốc Trọng (SN 1981). Đem trong mình trọng trách lớn lao, người thanh niên này luôn muốn tạo ra sự gắn kết, đưa phong trào thư pháp Việt của Đồng Nai ngày một lớn mạnh. Qua đó, đây cũng là hành động để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt.

Xã hội - Kỳ tích sau bức họa tự chân dung Bác Hồ bằng mành tre

Toàn cảnh bức mảnh chân dung Bác Hồ

Cậu bé thích sưu tầm ảnh Bác

Nói chuyện với chúng tôi, anh Trọng cho biết: Phong trào thư pháp Việt tại Biên Hòa gần đây mới thực sự chú trọng. CLB Thư pháp Việt của TP. Biên Hòa mới thành lập nên cũng ít thành viên tham gia. Ở các tỉnh thành khác hay đặc biệt là hai thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, thư pháp phát triển rất sâu rộng. Có một số gia đình ở thành phố lớn còn cho con em họ đi học từ nhỏ. Thư pháp có sức cuốn hút rất lớn. Từ những em nhỏ cho đến các cụ già nếu đã học rồi thì rất có khả năng ham mê. Thậm chí, nhiều người chỉ cần nhìn qua cũng thấy thích thú vô cùng. Ngoài Bắc nhiều nhà đơn lẻ còn giữ gìn được bản sắc thư pháp của cha ông để lại và ngày nay họ vẫn giữ được nét truyền thống đó.

Anh Trọng bảo, thư pháp là một nghệ thuật viết chữ đẹp và hướng con người tới cái Chân - Thiện - Mỹ. Trọng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cái hữu ích của môn thư pháp. Trong một gia đình ở thành phố, có đứa con trai chừng 12 tuổi rất nghịch ngợm, khó bảo và suốt ngày ngồi chơi điện tử. Nghỉ hè, nói đến đi học thêm là thấy mặt mày cậu ỉu xìu, buồn thiu. Một hôm cậu được bố cho đi chơi và tình cờ gặp những người viết thư pháp. Tuy nhiên, khi cậu bé này nhìn thấy những nét chữ bay lượn lại cảm rất thích thú. Ông bố thấy vậy liền cho cậu con đi học luôn. Sau một thời gian đi học tính cách của em đó khác xa so với lúc trước. Cậu biết nghe lời, không nghịch ngợm và điềm tĩnh hẳn ra.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, anh Trọng luôn tự hào là con của một người cha đã bao năm cống hiến, phục vụ tổ quốc. Đến bây giờ, dù là thời bình nhưng ông vẫn phải “chiến đấu” với những vết tích chiến tranh để lại trên cơ thể. Mẹ Trọng cũng là một quân nhân làm trong đội văn công kiêm y tá. Do vậy, từ nhỏ Trọng luôn thấm nhuần tư tưởng đạo đức cách mạng và coi hình tượng Bác Hồ luôn là một triết lý sống cho riêng mình. Đến nhà anh, ai cũng phải ngạc nhiên về cuốn album hình Bác Hồ của Trọng. Bất cứá ở đâu có hình ảnh Bác là anh cắt lấy và lưu giữ. Quyển album hiện giờ được anh Trọng chia ra theo từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử về Bác.

Học trường Đại học Mỹ Thuật TP. HCM khoa Mỹ Thuật Ứng Dụng, đồng môn đều biết Trọng là người rất thích hình ảnh của Bác. Nhưng điều đáng nói là trong thời gian anh Trọng học trong trường Mỹ Thuật, toàn bộ các bài kiểm tra hoặc bài thi mà được tự chọn làm đề tài đều là hình ảnh chân dung Bác. Thời gian anh Trọng mới tốt nghiệp, chàng thanh niên này đi du lịch rồi tình cờ được đến một vùng quê nghèo. Nhiều cơ quan không có ảnh Bác để treo hoặc có thì toàn là ảnh cũ gần như đã bạc màu. Trọng lập tức lấy giấy bút vẽ chân dung bác tặng nên mọi người rất quý. Thậm chí, lúc đó anh vui mừng và có hứng còn “lấn sân” sang cả điêu khắc, làm tượng Bác tặng mọi người nên được mọi người rất quý trọng.

Được biết, Trọng chính thức gia nhập CLB Thư pháp Việt thanh niên TP. Biên Hòa đúng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/03. Song song với đó anh cũng tham gia vào CLB hội Mỹ Thuật thành phố. Để kỷ niệm 312 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, Trọng đưa ra ý tưởng làm bức họa tự theo phong cách thư pháp về Bác Hồ. Mọi người trong CLB Thư pháp Việt đều đồng ý và hưởng ứng. Sau khi anh Trọng lên Maket và chuyển cho lãnh đạo thành đoàn xem xét và đã được đồng ý. Được biết, bức họa tự chân dung Bác Hồ được tất cả tám thành viên trong CLB làm ngày đêm trong thời một tháng từ 08/04 – 08/05/2012. Họ dồn hết tất cả tâm huyết vào những tấm vải gấm, mành tre, mực nho, màu acrylic. Trước đó, khi chưa tham gia vào CLB, anh Trọng cũng có tính sẽ một mình tự làm một bức họa về Bác Hồ để tặng bảo tàng nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác.

Ý nghĩa từ những chi tiết nhỏ

Ban đầu anh Trọng xây dựng ý tưởng sẽ vẽ 122 bức chân dung của Bác rồi ghép lại thành một bức chân dung từ giai đoạn Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi mất. Nhưng muốn thành công được thì phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Theo anh Trọng dự tính, với thời gian của tám anh em thì muốn hoàn chỉnh bức tranh đó ít nhất phải mất một năm. Giai đoạn lắp ghép hình đòi hỏi phải có sự kiên trì, sáng tạo và độ chính xác cao. Vì chỉ cần sai khác một hình thôi hình ảnh chính ghép sẽ mất đi ý nghĩa. Trước đó, họ cũng định làm một bức họa làm bằng đồng tấm khoảng 4m, gò nổi 122 bông hoa sen xung quanh, hình Bác được đặt ở giữa. Tuy nhiên, Trọng lên Maket xong xuôi rồi dừng lại. Rồi cuối cùng, ý tưởng bức họa tự chân dung Bác được đưa ra là hợp với hoàn cảnh và xu thế của CLB nhất. Còn những ý tưởng trên anh Trọng cho rằng để dành cho bên hội Mỹ Thuật thì hợp lý hơn.

Sau một tháng, tám thánh viên trong CLB Thư pháp Việt đã làm nên một kỳ tích. Họ tạo ra một bức họa tự chân dung Bác Hồ trên mành tre độc nhất vô nhị. Đặc điểm của bức họa tự là được gắn kết từ 455 thanh tre do chính tay các anh tỉa tót và lắp ghép. Mỗi thanh có kích thước dài 312 cm, rộng 2,5 cm. Tổng trọng lượng 122 kg (tượng trưng cho 122 năm kỷ niệm ngày sinh nhật Bác). Tất cả được gắn kết nên một tấm mành tre dài 1.002 cm (tượng trưng cho kỷ niệm 1002 năm Thăng Long – Hà Nội), rộng 312 cm (tượng trưng cho 312 năm Biên Hòa – Đồng Nai).

Nói về kiệt tác của mình, Trọng tự hào: Trên nền của mành tre được dán một tấm vải gấm. Tấm vải gấm này các anh trong CLB đi tìm mua khá khó nhọc. Vì kích thước của nó là 800 cm x 280 cm (quá khổ) và may mắn thay là các anh đã tìm thấy trong thời gian ngắn. Độc đáo nhất là trên tấm vải gấm được chúng tôi vẽ theo dạng ẩn 122 bông hoa sen tượng trưng 122 năm ngày sinh nhật Bác Hồ. Bố cục được chia làm ba phần rất rõ.

Theo quan sát của chúng tôi và lời giới thiệu của Trọng, chân dung Bác Hồ được cách điệu với hình thức viết tên Hồ Chí Minh theo phong cách họa tự. Trọng cho biết: “Muốn cách điệu gương mặt của Bác đẹp thì phải vẽ theo chiều nhìn ngang. Vì như vậy mới toát lên được thần thái của Bác, đặc biệt là vầng trán nhật nguyệt của Bác. Phần dưới là hình bản đồ Việt Nam hình chữ S với hình ảnh danh lam thắng cảnh đặc trưng ba miền Bắc - Trung - Nam và các quần đảo lần lượt; đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc. Nằm trên hình ảnh bản đồ Việt Nam là một đóa sen hồng với ý nghĩa là cả nước muốn kính dâng lên Bác nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 122 của Người. Đặc biệt, bức họa còn được vẽ 122 bông sen theo dạng ẩn. Nơi phía dưới bản đồ là dòng chữ thư pháp “Sáng Mãi Tên Người”. Còn phần dưới khắc họa hình tượng trống đồng Đông Sơn với ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đồng thời tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ.

Được biết, nhân dịp ngày dỗ tổ Hùng Vương (10/03), anh Trọng và mọi người trong Câu lạc bộ đưa ra ý tưởng là làm một bức họa tự cũng theo phong cách thư pháp, được cách điệu bằng hình ảnh chân dung Vua Hùng. Khi hoàn thành Anh Trọng và mọi người trong Câu lạc bộ thư pháp Việt mang đến tặng cho ban di tích đền Hùng. Mọi người trong ban di tích rất ngạc nhiên và rất quý trọng. Bức họa tự mang phong cách thư pháp chân dung Vua Hùng được ban di tích treo ngay trước đền cho mọi người thưởng ngoạn. Bức thư pháp này là được phác họa trên nền giấy dầu do chính anh Trọng tự nghiên cứu. Điều đáng nói là loại giấy này có thể đốt không cháy và mưa không thấm, rất bền.

Bỏ tiền túi ra làm tranh rồi đem đi làm từ thiện

Khi hoàn thành và mang ra trưng bày, ngay lập tức được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “bức họa tự chân dung Bác Hồ trên mành tre lớn nhất”. Bức họa tự được trưng bày một vài ngày thì chuyển nhượng cho bên khu vui chơi HTX Thịnh Đa. Toàn bộ số tiền bức họa tự chuyển nhượng cho khu vui chơi đều được các thành viên CLB Thư pháp Việt đóng vào quỹ ủng hộ người nghèo của TP. Biên Hòa. Được biết, tổng chi phí mà tám thành viên trong CLB hoàn thành bức họa đó mất gần 20 triệu đồng. Ít ai biết được, số tiền đó các anh tự bỏ ra. Mặc dù vất vả nhưng họ đều có chung một ý nghĩ: “Chúng ta không nên than vãn về hoàn cảnh thực tại của mình, mà hãy nhìn ra xa hơn những con người còn khốn khổ hơn rất nhiều so với cái thực tại của chính chúng ta. Chúng ta vẫn còn hạnh phúc rất nhiều”

Hà Hưng