Ký ức hào hùng của vợ chồng người công binh già

Ký ức hào hùng của vợ chồng người công binh già

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:35
0
Gia nhập đội quân tình nguyện sang nước bạn Lào những năm 1960 - 1975, cho đến tận bây giờ, ông vẫn không thể quên những khó khăn, gian khổ khi mở đường và chiến đấu trên đất bạn. Giờ đây, khi thăm lại chiến trường xưa, những năm tháng "khói lửa" bỗng ùa về rõ nét hớn bao giờ hết.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Reo (Thanh Hóa, 68 tuổi, cựu quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất bạn Lào) giữa trời đông giá rét. Vừa bước vào nhà, đập vào mắt tôi là những bằng khen, những huy chương "không còn chỗ để treo" của ông. Sau ấm trà nóng, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm trong hơn 10 năm chiến đấu trên đất bạn Lào.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Lớn lên trong cảnh đất nước vẫn còn chiến tranh, theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, vừa học xong, ông theo bạn bè vào bộ đội, khi ấy ông vừa tròn 17 tuổi. Tháng 4 năm 1962, ông lên đường sang Lào chiến đấu, mở đường trực thuộc đơn vị công binh (đơn vị công binh gồm 3 lực lượng: Quân đội chủ lực, công nhân quốc phòng làm đường và thanh niên xung phong).

Xã hội - Ký ức hào hùng của vợ chồng người công binh già

Vợ chồng ông Lê Reo

Ông thuộc thế hệ thứ ba (chủ yếu là những thanh niên tuổi khoảng 17 - 18) sang Lào mở đường và chiến đấu cùng với nhân dân Lào. Ngày ấy, con đường từ Việt Nam sang Lào vô cùng um tùm, rậm rạp, mới chỉ là vết xe ô tô mà thực dân Pháp đã làm từ những năm 1951 - 1952 dài từ Sầm Nưa đến cây số 17. Đường vô cùng quanh co, có những đoạn dốc núi dựng đứng, bên cạnh lại là vực sâu vô cùng nguy hiểm..., chỉ cần sơ sảy là xe lao xuống vực như chơi. Rồi những đoạn hàng chục km rừng chẳng có nổi một bóng cây, cũng không có dân ở. Mỗi khi máy bay giặc đến bắn phá chẳng biết nấp ở đâu..., tính mạng lúc nào cũng như "ngàn cân treo sợi tóc".

Ngôn ngữ bất đồng, đi đâu quân tình nguyện của ta cũng gặp khó khăn bởi người Lào đã chạy sâu vào trong rừng núi trú ẩn, tránh máy bay... Bên cạnh đó, vì miếng cơm, dân Lào có một số đi làm phỉ (quân chỉ điểm cho giặc, chống lại quân ta), không biết thế nào mà tránh nên hầu như quân ta đều hạn chế đi ra ngoài. Một gia đình người Lào có khoảng 5 người nhưng có khi lại chia làm 3 phe: Theo phỉ, theo ta và trung gian, không theo bên nào. Thế nên, mỗi lần làm công tác dân vận, vào nhà họ, mọi người đều phải nhìn thái độ để suy xét, đánh giá. "Ngày ấy quân ta ít khi ra ngoài lắm. Hết giờ làm (mở đường), mọi người lại về lán trại để tránh chạm trán với phỉ. Phỉ cũng là dân nhưng đã bị mua chuộc có khi chỉ bằng bánh xà phòng, cân muối, con gà...".

Đặt chén nước xuống bàn, ông cười bảo: "Ngày ấy có thể nói là vô cùng khó khăn, gian khổ. Chúng tôi vừa phải làm nhiệm vụ mở đường, lại phải lo chiến đấu với địch ở trên không và địch dưới mặt đất. Địch mặt đất chính là phỉ. Chỉ cần thấy bộ đội ta ở đâu là chúng bám theo rồi báo cho giặc đem máy bay đến rải bom, bắn phá. Vật chỉ điểm của chúng là chiếc gương hoặc thứ gì có thể giúp máy bay nhận biết địa điểm được cài ở trên những cây cao... Địch trên không chủ yếu là quân đội Mỹ với căn cứ địa là sân bay Cò - Rát ở Thái Lan. Chúng đánh chán ở Việt Nam thì sang Lào bắn phá. Có thể nói đơn vị công binh của tôi phải chịu sự bắn phá của chúng ác liệt tới mức đá cũng thành vôi".

Bên cạnh những khó khăn trên, công nhân quốc phòng làm đường còn có hoàn cảnh sống vô cùng gian khổ. Họ phải sống trong hang hầm, rừng rú với điều kiện sinh sống khắc nghiệt: đói kém về ăn mặc. Nghe chồng kể đến đây, vợ ông (cũng từng tham gia làm đường trên đất bạn Lào) ngồi bên cạnh nói xen vào: "Con trai thì đỡ, con gái chúng tôi vô cùng khổ, nhất là vào mùa mưa. Mưa dầm dề kéo dài gần cả tháng khiến quần áo không khô nổi, có nhiều hôm phải mặc cả quần áo ướt đi làm. Những hôm nghỉ làm, chúng tôi phải lấy áo mưa quây tròn lại để ở trần trong đó với bên dưới là những đống lửa nhỏ giữ ấm..., nhiều người bị ghẻ lở, hắc lào khắp mình... Khó khăn là thế nhưng chúng tôi không ai có ý nghĩ đào ngũ bởi lúc ấy lý tưởng của chúng tôi cao lắm. Chúng tôi chỉ sống với lý tưởng và quyết tâm thực hiện thành công lý tưởng của mình".

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Khó khăn gian khổ là vậy nhưng chưa bao giờ những người công nhân ấy nản lòng dù chỉ là một phút. Đối với họ, nhiệm vụ chiến đấu, mở đường giúp cách mạng Lào là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng. Chỉ một đơn vị công binh 217 nhỏ nhoi làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn gian khổ đã mở hơn 700km đường rừng núi mới để phục vụ chiến đấu. Mỗi khi có trở ngại trên những tuyến đường ấy, họ chẳng ngần ngại hy sinh tính mạng để thông đường cho xe chạy. "Để có được những thành quả ấy, chúng tôi phải hy sinh cả tính mạng mới làm được", đôi mắt đượm buồn, ông nhớ lại cảnh "cướp thi thể đồng đội về an táng".

Xã hội - Ký ức hào hùng của vợ chồng người công binh già (Hình 2).

Lê Reo thăm lại chiến trường xưa cùng các đồng đội

"Cuối năm 1966, đầu năm 1967, khi đội ông làm đến Mường Roong thì vấp phải sự cản trở của phỉ. Chúng tìm mọi cách phá hoại, cản trở công cuộc mở đường bằng. Chúng đóng lấn, chặn đường, ngăn cản quân ta bằng các bắn tỉa, cài mìn trên đường. Sau khi phá hoại xong, chúng rút vào bản Mường Roong ẩn nấp. Để làm được đường, quân đội điều động 11 chiến sỹ, đi tìm và tiêu diệt phỉ. Vào bản, người dân chỉ chúng đã chạy sang bên kia, khi đó chúng đã bắn chết một đồng đội của tôi. Sau khi bắn chết, chúng còn gài mìn vào khắp người đó với mục đích người nào vào lấy xác sẽ chết cùng vì mìn nổ. Chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi vô cùng căm phẫn và quyết tâm lấy bằng được thi thể của người đồng đội ấy. Sau khi quan sát kỹ, tôi nảy ra ý định dùng dây súng nối lại với nhau thành sợi dài, sau đó đào một đường hầm vào nơi đặt thi thể và dùng sợi dây khẽ buộc vào tay người đồng đội ấy, kéo nhích ra thì mìn nổ. Làm thế vừa an toàn cho người lấy lại vừa lấy được thân thể đồng đội".

Chỉ với 10 năm ở bên để giúp cách mạng Lào, ông có rất nhiều kỷ niệm "khắc cốt ghi tâm". Ngoài vụ "cướp xác đồng đội từ tay giặc", ông còn chứng kiến giây phút hấp hối của người đồng đội anh dũng Lê Ngọc Nhung trong trận đánh giữ chốt trên đồi Pu - lao - xua. Biết mình không thể tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu giữ chốt, giữ đường, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Lê Ngọc Nhung vẫn không quên việc đóng Đảng phí...

Những trận chiến đấu ác liệt, mất mát, hi sinh giúp mọi người nơi đây gần gũi, cảm thông và yêu thương nhau hơn bao giờ hết. Cũng chính trong đội quân tình nguyện này mà ông bà và rất nhiều cặp đôi thời ấy đã nên duyên vợ chồng.

Cùng sang Lào một đợt, lại cùng làm gần nhau nên ông bà có dịp quen biết nhau. Chưa kịp làm thân, bà được đưa về Việt Nam để đi học trường y sỹ trên Sơn Tây. Sau khi học xong, bà tiếp tục sang Lào, làm việc trên cơ quan trung đoàn. Bẵng đi một thời gian dài, ông bà tình cờ gặp lại nhau khi ông được chuyển từ đơn vị công binh trực tiếp làm đường lên cơ quan trung ương làm trợ lý tuyên huấn. Từ đó, ông bà trở nên thân thiết và gắn bó với nhau. Đến năm 1969, ông bà chính thức yêu nhau, sau đó được trung đoàn cho về phép cùng với 4 đôi nữa để xin phép gia đình. Sau khi cưới nhau xong, bà tiếp tục làm việc 2 năm nữa ở Lào rồi về Việt Nam trước ông ba năm. Có thể nói cùng đồng cam cộng khổ trong chiến tranh nên ông bà khá hiểu nhau. Thế nên suốt mấy chục năm qua, ngôi nhà của ông bà luôn tràn ngập những tiếng cười hạnh phúc.

Trở về từ chiến trường, hơn 20 kỷ vật kháng chiến ông giữ suốt những năm tháng sống và chiến đấu giúp cách mạng Lào ông đều đem tặng lại bảo tàng Thanh Hóa. Sau khi hòa bình lập lại, ngoài những nhiệm vụ trên cương vị mới, ông còn hăng say viết lách báo chí. Hơn 400 bài báo suốt 40 năm của ông giúp ông lưu giữ lại những hình ảnh, những ký ức hào hùng, oanh liệt một thời của ông và đồng đội: Những trận đánh, những đồng đội anh hùng... Bên cạnh đó, một số bài phóng sự điều tra của ông đăng trên báo Thanh Hóa đã đem lại giá trị, ý nghĩa xã hội to lớn: Bài viết về một con đập ở một huyện miền núi của Thanh Hóa, hay bài viết về một người chạy giấy tờ để được hưởng lương thương binh, nhưng thực chất anh này chưa bao giờ đi bộ đội...                                            

Hồng Mây

Những ký ức để đời trong chuyên án PMU 18

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Chuyên án PMU18 đang trong giai đoạn gần như là nước rút thì Tướng Quắc về hưu. Sau khi về hưu, ông lại bị khởi tố, bị chính các đồng nghiệp của mình điều tra. Tất cả đều là những ký ức để đời mà không phải ai và lúc nào cũng có tâm trạng để giãi bày, chuyện trò.

Chiếc máy ảnh tái tạo “ký ức hiện trường"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Mọi bức hình chiếc máy ảnh thu được đều ghi lại hình ảnh hoặc những sự việc diễn ra trước thời điểm bấm máy.

Ký ức đẹp của người "sửa thời gian" đất Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Nghệ nhân Đào Văn Dư sống trong một căn gác nhỏ tại phố Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) với la liệt những chiếc đồng hồ các loại bị hỏng. Nhờ nghề "sửa thời gian" mà ông được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm, được sửa đồng hồ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ký ức thiếu nữ bị người yêu tẩm xăng đốt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Không được đáp lại tình cảm, chỉ với 15.000 đồng tiền xăng, nam sinh viên đã tẩm xăng lên thân thể người yêu, rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa hừng hực cháy, chị cố hết sức để kêu cứu nhưng âm thanh yếu dần. Người ta tin chắc chị sẽ chết nhưng sau cùng phép màu đã xảy ra...