18 năm tủi nhục của người phụ nữ bị bán sang xứ người

18 năm tủi nhục của người phụ nữ bị bán sang xứ người

Thứ 2, 27/05/2013 | 19:51
0
Do thiếu hiểu biết, Trần Thị L. (SN 1978), trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) bị một người phụ nữ trong làng dụ dỗ lừa bán sang Trung Quốc. 18 năm trời lưu lạc, trải qua hai đời chồng, với rất nhiều cay đắng và tủi nhục, L. may mắn được một người đồng hương tốt bụng tìm cách dẫn về Việt Nam hội ngộ với gia đình.

Ngày trở về, cha đã mất vì bạo bệnh, mẹ vì quá sốc trước sự mất tích của đứa con gái đã trở nên điên loạn. Bi kịch gia đình khiến cho nỗi đau, mất mát của L. như càng tăng thêm.

Hai chị em bị bán sang xứ người

Chị Trần Thị L. sinh ra trong một gia đình có 7 người con ở xóm Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành. Bố mẹ đều là nông dân, sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, lớn lên, chị em L. đã bị cái nghèo, cái khó bủa vây. Học hết lớp 2, L. đã phải bỏ học để cùng bố mẹ bươn chải, kiếm từng đồng lo cuộc sống.

Bố mẹ L. cố gắng làm thêm bằng nghề thợ xây và phụ hồ, nhưng kinh tế gia đình cũng không được cải thiện là mấy. Em gái của L. là Trần Thị Ly vì thế cũng chỉ học đến lớp 3 đã phải bỏ để theo bố mẹ đi phụ hồ ở một số công trình xây dựng xung quanh làng. Năm 14 tuổi, một người trong xã đã lợi dụng sự thơ ngây của Ly và lừa bán cô sang Trung Quốc. Gia đình đã trình báo và nhờ nhiều cơ quan khác nhau can thiệp nhưng cả chục năm sau đó, vẫn không một ai biết thông tin về Ly.

Xã hội - 18 năm tủi nhục của người phụ nữ bị bán sang xứ người

Chị L. (áo đen) bên gia đình người em trai.

Ngày Ly mất tích chưa lâu thì đến lượt L. cũng bị lừa bán. Năm ấy, L. mới 16 tuổi và người đem L. đi tên là Nguyễn Thị Sáng, cùng trú tại xóm Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành. Chỉ trong mấy tháng, lần lượt hai đứa con gái bị mất tích bí ẩn khiến ông Trần Đình Sự và bà Nguyễn Thị Nghị là bố mẹ của L. và Ly sốc nặng.

Họ đã cầu cứu nhiều nơi với hy vọng tìm lại được con, nhưng bởi thời điểm ấy, Nguyễn Thị Sáng đã đưa L. sang Trung Quốc nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Họ chỉ còn biết cầu mong phép màu, đưa con họ trở về.

Nhiều năm trôi qua, hai đứa con vẫn không trở về. Quá đau buồn, bà Nghị chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống. Rồi bà bị rối loạn tâm lý, đi khắp nơi chửi bới lung tung. Bà chửi kẻ đã đưa con bà đi, chửi cái đói cái nghèo đeo bám làm bà khổ.

Hai đứa con mất tích, vợ lại bị rối loạn thần kinh khiến ông Sự rất khổ sở. Bất lực, bế tắc, ông tìm đến rượu như là cách để giải sầu. Uống nhiều và thường xuyên, liên tục nên mới ngoài 50 tuổi, ông đã ốm yếu và đến năm 2010, sau một cơn bạo bệnh, ông đã ra đi.

ngày về và những bi kịch

Sau 18 năm lưu lạc trở về, giây phút gặp lại người thân, L. đã phải nghe những tin sét đánh. Thương người cha đã sớm ra đi vì quá buồn sầu, đau xót trước bệnh tình của mẹ, nhiều đêm L. đã khóc cạn nước mắt. Cô hối hận vì nếu không cả tin, khờ dại, cô đã không làm cho gia đình trở nên bi đát như thế này.

Ký ức của 18 năm trước lại ám ảnh. Khi ấy, đang là thiếu nữ 16 tuổi, L. khá xinh nên dù không học hành gì nhưng vẫn được nhiều chàng trai trong làng theo đuổi. Sự thơ ngây, trong trắng và dáng người phổng phao xinh đẹp của L. đã lọt vào tầm ngắm của Nguyễn Thị Sáng, một phụ nữ làm nghề môi giới buôn người qua biên giới.

"Chị Sáng bảo rằng, đi ra Lạng Sơn với chị làm nghề chăn ngỗng, lương tháng 500.000 đồng. Thời điểm ấy, thu nhập như vậy là quá tốt và tôi nghĩ sẽ dùng số tiền ấy để lo cho gia đình nên tôi đã đồng ý", chị L. nhớ lại.

Đi cùng L. chuyến ấy còn có Nguyễn Thị T., cũng là một thiếu nữ trong làng. Ra đến Lạng Sơn, Sáng không đưa L. và T. vào trang trại chăn ngỗng như lời hứa, mà cho hai cô lên xe khác rồi tiếp tục đi. Xuống xe, sau nửa ngày đi bằng đường bộ, cả L. và T. được đưa vào một căn nhà hoang. Lúc này, Nguyễn Thị Sáng mới lộ rõ là một kẻ môi giới buôn người.

Biết mình bị đưa sang Trung Quốc để làm “nô lệ tình dục”, L. đã khóc lóc van xin nhưng những tên cai quản ở đây đã siết chặt các lối ra vào. Họ không đánh đập hay đe dọa gì mà khuyên rằng, nếu ngoan ngoãn và biết vâng lời thì có cơ hội lấy được những người chồng tốt, nếu không nghe, lấy phải kẻ nát rượu thì khổ cả đời.

Vài ngày sau đó, có mấy người đàn ông đứng tuổi đến gặp mặt, xem người để mua về làm vợ. Bởi trẻ trung và khá xinh đẹp, L. ngay lập tức được một người đàn ông chấm và trả cho chủ ngôi nhà hoang này 20 triệu đồng tiền Việt Nam để đưa về nhà. 16 tuổi, về làm vợ của một người đàn ông lạ, L. đã khóc lóc van xin, mong được có cơ hội trở về. Tuy nhiên, mọi thỉnh cầu của L. đều không được chấp nhận.

Nhớ lại những năm tháng làm vợ người, L. kể: "Là vợ nhưng tôi bị đối xử không khác gì đứa ở. Mọi công việc trong nhà, ông ấy đều bắt tôi làm cả. Có khi cả tháng trời, tôi không được ra khỏi nhà vì ông ấy sợ tôi bỏ trốn. Những lần tôi ra ngoài, ông ấy cho người theo dõi.

Có lần, tình cờ gặp một người Việt Nam, tôi có hỏi thăm vài ba câu và lần ấy về nhà, tôi bị đánh thừa sống thiếu chết. Sợ tôi tìm gặp người Việt để trốn nên ông ấy càng quản lý chặt hơn và những trận đòn diễn ra liên miên. Có lần tôi tự động mở ti vi, ông ấy cầm luôn cái chân ghế phang vào đầu tôi khiến máu chảy lênh láng. Xác định, nếu không tìm cách trốn thoát, tôi sẽ phải chết ở đây nên đã tìm mọi cách để trốn".

Xã hội - 18 năm tủi nhục của người phụ nữ bị bán sang xứ người (Hình 2).

Vừa về nhà, chị L. đã lội sông bắt ốc để kiếm bữa ăn cho gia đình.

Ánh sáng cuối đường hầm

Rồi may mắn cũng đến. Trong một lần người chồng rủ bạn về nhà uống rượu và say khướt không biết gì, L. đã mở cửa trốn đi. Ra đường với hai bàn tay trắng, không một người thân thích nhưng may mắn, L. gặp được một người đàn ông chuyên hành nghề đào giếng. Ông này đã ly dị vợ và hiện đang sống với hai đứa con nên cũng rất cần một người phụ nữ về chăm sóc. Ở vào nước đường cùng, L. chấp nhận về làm vợ lần hai và chăm nom những đứa con chồng.

Không bị đánh đập như trước nhưng thời gian đầu, L. rất ít khi được ra khỏi nhà vì người chồng này cũng sợ cô trốn mất. Mãi đến sau này, khi sinh thêm cho ông ta được hai đứa con, cuộc sống của L. mới đỡ khổ hơn. Cô đã nhiều lần có ý định trở về Việt Nam, nhưng thời điểm này, như tâm sự của L., có nhiều người nhận đưa mình về nhưng sau khi lấy tiền rồi xù và bỏ mặc mình ở những nơi không người thân thích. Thêm vào đó, những đứa con chung với người chồng thứ hai đã trở thành sợi dây vô hình, khiến chị khó bước chân đi.

Đến giữa tháng 4/2013, trong một lần đi rửa bát thuê cho một nhà hàng gần nhà, L. may mắn gặp được một người phụ nữ tên Hòa, quê ở TP.Vinh (Nghệ An). Là đồng hương với nhau, hiểu tình cảnh của L., chị Hòa hứa sẽ đưa L. trở về Việt Nam để hội ngộ với gia đình. Tích cóp được một ít tiền, L. đã cùng chị Hòa lên đường trở về Việt Nam.

Cuối tháng 4/2013 vừa rồi, sau 3 ngày di chuyển, L. đã có mặt hội ngộ với gia đình, chấm dứt 18 năm lưu lạc với đầy những đau khổ, tủi nhục ở xứ người.

Kim Thoa - Hà Hằng

Vạch mặt 'ông trùm' buôn người núp bóng 'thương gia'

Thứ 3, 21/05/2013 | 14:20
May mắn thoát ra từ "động quỷ", nhưng đến nay, hai mẹ con chị Sùng Thị G. và cháu Hảng Thị N. (trú tại bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi.

Trả giá đắt vì tin theo giọng lưỡi ngọt ngào của lũ buôn người

Thứ 2, 25/03/2013 | 13:45
Trong một lần tiếp xúc với PV báo Người đưa tin, thẩm phán Đặng Xuân Phung (TAND tỉnh Quảng Ninh) đã nhận định: "Dù không phải là một tỉnh vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp như một số tỉnh biên giới phía Bắc nhưng Quảng Ninh cũng không tránh được những phức tạp về mặt xã hội đặc thù của một tỉnh vùng biên”.

Nữ trinh sát 'nhập vai' gái lẳng lơ bắt kẻ buôn người

Thứ 3, 19/02/2013 | 16:20
Gắn cái "mác" khá oai là cán bộ chi nhánh Viettel đóng chân trên địa bàn tỉnh, đối tượng Dương Văn Hương đã tạo lòng tin của không ít những cô gái trẻ.

Chàng trai Việt và chuyện tình trong ổ buôn người

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
Một thời gian dài sống trong ổ buôn người đầy cám dỗ và cạm bẫy, người thanh niên nông thôn đến từ Việt Nam đã không bị mua chuộc, cái tâm của cậu lại sáng hơn trong địa ngục trần gian, làm cho những người bản địa thương mến và giúp đỡ.