Ký ức về 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị

Ký ức về 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Nhớ lại trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, bom đạn quân thù trút xuống như mưa, xương máu bao chiến sĩ đã đổ xuống, trong đôi mắt thẳm sâu của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu ẩn hiện nỗi buồn vì đó là nơi nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống.

Chiến trường ác liệt

Thời điểm đầu tháng 7/1972, để tăng cường hỏa lực nhằm chiếm lại Quảng Trị, Mỹ -Ngụy đã sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm, hòng hủy diệt mọi sự sống ở đây. Pháo hạm của địch từ biển bắn nối đuôi nhau chụp vào đường số 4, cây cối đổ ngổn ngang, mặt đất bị cày xới đến không một mầm xanh nào có thể ngoi lên khỏi mặt đất.

Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu những ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (Người ngoài cùng phía trái)

Lợi dụng trời mưa, có hỏa lực yểm trợ tối đa, quân địch gồm Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ ra sức đánh dũi ra vùng giải phóng của ta. Chiếm lại được một khu vực rộng lớn của tỉnh Quảng Trị, địch tăng cường củng cố vị trí đứng chân, hình thành thế bao vây thị xã, đánh chiếm các cao điểm phía tây, đánh chiếm từng thôn xã phía đông, tập trung chiếm thị xã với mục tiêu phải cắm cờ lên Thành Cổ trước ngày 10/7 để gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris dự định họp lại vào ngày 13/7/1972.

Thường ủy Đảng bộ chiến dịch kiên quyết bảo vệ Thành cổ một số đơn vị chiến đấu được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào chi viện bảo vệ bốn cổng thành.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể: "Sau hơn 10 ngày lấn chiếm với hơn 20 ngàn quân tinh nhuệ, trút hàng vạn tấn bom đạn nhưng không đạt kết quả mong muốn, Bộ chỉ huy liên quân Mỹ- Ngụỵ hạ lệnh cho cấp dưới bằng mọi cách phải cắm được cờ trên Thành cổ trước ngày 13/7.

Chúng còn trao giải cho quân Ngụy nếu cắm được cờ lên Thành cổ dù chỉ một lúc để quay phim, chụp ảnh. Trước tình hình đó, quân ta chủ trương tăng cường lực lượng giữ thị xã. Trung đoàn 27 do tôi chỉ huy được tăng thêm Trung đội thiết giáp đánh chặn địch, mục đích không cho chúng chiếm các địa danh An Tiêm, Nại Cửu cách Thành cổ 1km".

Địch điên cuồng bắn phá, lùa quân ào ạt chỉ mong thực hiện việc cắm cờ. Chúng huy động, tăng cường không quân, pháo binh, hải quân, kể cả máy bay chiến lược B52 đánh phá với cường độ lớn ở khắp các địa điểm.

Tướng Hiệu cho biết: "Không thể đếm nổi địch đã đánh phá bao nhiêu lần trong mỗi ngày; mỗi trận địa không thể biết phải chịu bao nhiêu bom pháo đã rơi xuống. Trung đoàn 27 chốt giữ Nại Cửu, An Tiêm nhìn bom rơi, pháo nổ ở Thành cổ, La Vang mà lo cho đơn vị chốt giữ ở đó. Cứ sau mỗi đợt pháo rơi, nghe tiếng súng bộ binh của ta nổ ran phía Thành cổ là anh em chúng tôi vui mừng...".

Đập tan trò bịp "cắm cờ Thành cổ Quảng Trị"

Càng ngày, tần suất tấn công của địch càng nhiều hơn, càng gay go quyết liệt hơn nhưng chúng vẫn chưa đạt được mục đích cắm cờ lên Thành cổ. Chỉ vì lý do đó mà Hội nghị Paris bị Mỹ tiếp tục trì hoãn. Chúng quyết định giở một chiêu bài mới nhưng ngay lập tức đã bị ta phát hiện sớm và lên kế hoạch vạch mặt.

Ngày 26/7, khoảng 2h sáng, Ban chỉ huy Trung đoàn 48 và các đơn vị bạn bảo vệ Thành Cổ nhận được điện của Chính ủy chiến dịch Lê Quang Đạo: "Trong hai ngày và đêm nay, các đơn vị không được để một tên địch nào lọt vào thành".

Lệnh của Mặt trận truyền đến là "kiên quyết không để địch cắm cờ lên Thành cổ". Bộ đội ta chiến đấu anh dũng, liên tiếp đập tan những cuộc tấn công của quân địch. Sư đoàn dù của địch bị tổn thất nặng nề, phải rút ra để củng cố. Chúng nghĩ ra một trò lừa bịp "cắm cờ lên Thành cổ" để chụp ảnh, quay phim. Chúng chọn bức tường do bom đạn Mỹ đánh đổ nát ở nhà thờ Trầm Lý (cách thị xã 3km) về phía đông rồi cắm cờ lên đó, lừa bịp dư luận.

9h sáng, máy bay trực thăng chở cố vấn Mỹ, cùng Chỉ huy Sư đoàn dù và phóng viên đổ xuống sân vận động để sang Trầm Lý chứng kiến cảnh Tiểu đoàn 5 dù trèo lên tường thành đổ nát "cắm cờ" giữa bốn bề khói đạn. Nhận được tin trinh sát, các cụm pháo binh của ta bất ngờ trút đạn, đập tan trò hề bịp bợm của chúng.

25 tuổi được tuyên dương Anh hùng

Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, Trung đoàn 27 do tướng Hiệu chỉ huy đã chiến đấu đánh phản kích tiêu diệt địch vòng ngoài bảo vệ Đông Thành Cổ- Quảng Trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn chặn từng bước, chia cắt, giam chân địch, góp phần chặn đứng cuộc hành quân tái chiếm Thị xã và Thành Cổ của địch.

Bộ đội ta tại Thành cổ Quảng Trị (Ảnh: Tư liệu)

Với thành tích đó, Trung đoàn đã được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và mang danh hiệu đoàn Triệu Hải anh hùng. Với cá nhân người chỉ huy gan dạ Nguyễn Huy Hiệu, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Tướng Hiệu nhớ lại, ngày đó ông đã khóc khi nhận quyết định tuyên dương. Trong lời tuyên dương có ghi: "Từ năm 1968 đến năm 1972 đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ Trung đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đánh 67 trận, diệt 63 tên địch (có nhiều tên Mỹ), phá hủy 3 súng đại liên, thu 15 súng AR15, một máy vô tuyến, một số bản đồ quân sự. Chỉ huy đơn vị diệt gần 600 tên Mỹ, gần 2.000 tên Ngụỵ, bắt 155 tù binh, phá hủy hơn 100 xe quân sự (có 39 xe tăng, xe bọc thép), chiếm nguyên vẹn 1 xe tăng M41, bắn rơi 55 máy bay các loại. Ba lần bị thương đồng chí không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến trận đánh kết thúc.

Đồng chí được tặng thưởng năm Huân chương chiến công Giải phóng (hai hạng Nhất, hai hạng Nhì, một hạng Ba), 14 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng, hai danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và nhiều bằng, giấy khen khác...".

25 tuổi đã được bổ nhiệm làm cán bộ Trung đoàn, được tuyên dương anh hùng, đó là một vinh dự lớn của tướng Hiệu. Trong niềm tự hào, có một phần nỗi đau mất mát.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói: "Hôm nhận danh hiệu Anh hùng tôi đã khóc. Tôi nhớ đến Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên Đại đội Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư... chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy... và biết bao cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27- mặt trận B5 thân yêu của tôi ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc".

Vương Hà