Ký ức về cơn đại hồng thủy ngăn cuộc tình trái ngang

Ký ức về cơn đại hồng thủy ngăn cuộc tình trái ngang

Thứ 5, 13/04/2017 | 19:36
0
Nếu chuyện tình cắc cớ của ông tạo Chu Sang là có thật, thì nó cũng có sau khi những hình vẽ trên núi Pha Tém được tạo tác.

Xem bài kỳ trước:

Khám phá miền sông Mã: Máu in “nhai bích họa” trên vách Pha Tém

Tôi từng đem câu chuyện tạo Chu Sang đến hỏi các vị cao niên họ Hà Công ở đất mường Mùn, mường Hạ (huyện Mai Châu, Hòa Bình), vốn là thân thích của ông tạo Chu Sang. Họ đều buồn bã xác nhận đó là câu chuyện có ghi trong sách cũ của người Thái địa phương.

Các tác giả Cầm Trọng, Đặng Nghiêm Vạn cũng nhắc đến câu chuyện này trong công trình khảo cứu về dòng họ Hà Công, từ trước năm 1980. Nghĩa là chuyện tình oan trái của ông tạo Chu Sang có thể có thật, nhưng bản chất của nó liên quan gì đến “nhai bích họa” trên núi Pha Tém?  

Xã hội - Ký ức về cơn đại hồng thủy ngăn cuộc tình trái ngang

 Sông Mã đoạn chảy qua núi Pha Tém

Trở lại với vấn đề khoa học, tôi từng mời PGS.TS Trình Năng Chung (viện Khảo cổ Việt Nam) đến khảo sát một số nhai bích họa. Ông Chung cho biết, nhai bích họa là loại hình nghệ thuật của người Việt cổ, có từ hàng ngàn năm trước, phân bố phổ biến ở vùng đất rộng lớn phía nam sông Dương Tử. Người xưa dùng thổ hoàng (đất màu đỏ) trộn với một số loại nhựa cây tạo thành chất liệu có thể vẽ lên trên vách đá vôi đang phong hóa. “Mực” ngày càng thấm sâu vào đá, có màu đỏ đặc trưng, rất bền vững, mưa gió không làm trôi đi được. Thường thì “nhai bích họa” thể hiện những ký tự đơn giản (có thể có cả chữ viết). Nội dung từng bức vẽ chưa dễ gì giải mã và thống nhất, chỉ có thể phỏng đoán trên cơ sở nghiên cứu hiện trường, địa văn hóa và địa lịch sử.

Như vậy, nếu chuyện tình cắc cớ của ông tạo Chu Sang là có thật, thì nó cũng có sau khi những hình vẽ trên núi Pha Tém được tạo tác. Bởi theo sử sách thì chuyện này mới xảy ra mấy trăm năm trước, trong khi bức vẽ có từ lâu đời. Có thể, căn cứ vào những ký tự bí ẩn trên vách núi, người xưa đã tưởng tượng và gắn nó với câu chuyện của ông Chu Sang, nhằm đưa ra những thông điệp riêng.

Thông điệp đó là gì? Nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh nhận định: “Chuyện ông Chu Sang là một mô típ khá quen thuộc trong kho tàng truyện cổ của nhiều dân tộc trên thế giới. Bản chất của nó cũng như truyện Táo quân, sự tích trầu cau, hay truyện Hòn Vọng Phu thôi, phản ánh một thực tế của xã hội, con người thoát khỏi chế độ quần hôn mà tiến tới hôn nhân theo luân thường đạo lý.

Rộng hơn là sự tan rã của chế độ thị tộc, bộ lạc, tiến tới xây dựng Nhà nước. Nhiều đàn ông không thể lấy chung một người đàn bà, cha con, anh em ruột không thể cưới nhau...

Mường Sang có ảnh hưởng khá lớn về kinh tế, văn hóa suốt dọc bờ sông Mã đoạn từ Sơn La sang Lào, về Hòa Bình, Thanh Hóa, nên câu chuyện ông Chu Sang được kể phổ biến nhất. Nhưng nếu tin rằng chính tay ông Chu Sang tạo tác nên bức tranh trên núi Pha Tém thì nhận định này rất thiếu cơ sở để đứng vững”.

Ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Tuyên giáo Huyện ủy Quan Hóa, lại có nhận định khác: “Người mường Ca Da chúng tôi và người Thái nói chung luôn có ký ức về một trận đại hồng thủy. Nước ngập mênh mông, những núi lớn như Pha Luông còn bằng chiếc chiếu, Pha Lát còn bằng chiếc quạt, Pha Loi bằng dấu chân gà. Hiện nay, mực nước sông Mã khá thấp, cách vị trí vẽ bức tranh đến mấy chục mét nên nhiều người cho rằng người xưa phải trèo lên tận nơi, hoặc làm giàn giáo rất chênh vênh để có thể viết, vẽ. Nhưng tôi cho rằng, rất có thể, một thời điểm xa xưa nào đó, mực nước sông Mã đã rất cao, người ta có thể thoải mái cột thuyền bè lại đó mà vẽ lên vách đá. Dấu vết mực nước in hằn trên vách đá dọc bờ sông chính là bằng chứng”.

Xã hội - Ký ức về cơn đại hồng thủy ngăn cuộc tình trái ngang (Hình 2).

 Những nét vẽ màu đỏ trên núi Pha Tém

Tiếp cận núi Pha Tém, ngoài con đường vượt sông từ làng Chăm, còn có thể đi đường bộ từ phía làng Poọng, dù cách này gian khổ hơn nhiều. Ngay phía sau dãy núi Pha Tém, mấy người già chỉ cho tôi một vài vị trí có các bức vẽ tương tự, trên vách núi Pha Phứng (núi Mật Ong).

Dù nét vẽ đơn giản và nội dung sơ sài hơn, nhưng dễ dàng nhận thấy nó vẫn là “nhai bích họa”. Màu đỏ thổ hoàng vẽ lên vách đá dựng đứng, ở những vị trí ít người ngờ tới. Câu chuyện về bích họa Pha Phứng được kể khác, không phải chuyện ông Chu Sang. Là “một người đàn ông đang dẫn ngựa thồ đi chợ”, hay “một nhóm người tụ họp”, như lời chú thích cho bức tranh, không có sự tích gì sâu sắc cả.

“Nhai bích họa” thường xuất hiện trên vách đá cao, ngay sát mặt nước, ở gần các “ma nhai táng”. Nhưng dưới chân Pha Phứng đang là đất nền, có con đường nhỏ rải nhựa của bản Poọng. Xung quanh có một số hang động trên cao, từ rất lâu vắng bóng chân người. Có thể, một lúc nào đó, từ thời xa xưa, mực nước sông Mã đã cao đến tận vị trí này?                    

(Còn nữa)

Lê Quân - Doãn Hoa

Xem thêm: 

Khám phá miền sông Mã: Cuộc đi săn kỳ vĩ từ thuở hồng hoang

Khám phá miền sông Mã: Ngôi nhà của người Việt cổ 6 vạn năm trước