Ký ức về nghề đúc đồng của Sài thành xưa

Ký ức về nghề đúc đồng của Sài thành xưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Thời hoàng kim của nghề đúc đồng đã không còn nữa. Nhưng nhiều thế hệ cha truyền con nối của làng nghề vẫn được lưu giữ vì một chút hồn xưa.

Khoảng thế kỷ XVIII, Sài Gòn xưa đã dần dần hình thành một số khu vực làm nghề đúc đồng. Nó có mặt sớm nhất ở địa bàn Chợ Quán (nay thuộc quận 5) với 3 làng cổ Tân Kiểng, Nhân Giang và Bình Yên. Các nghệ nhân đúc đồng bấy giờ là những di dân từ các phường thợ ở Quy Nhơn (Bình Định) vào. Họ đã nhanh chóng tập trung lại thành những làng thợ đúc và sản xuất ra những mặt hàng như nồi đồng, chảo đồng, ô đồng, lư hương, chân đèn... được người tiêu dùng ưa chuộng.

Xã hội - Ký ức về nghề đúc đồng của Sài thành xưa

Làng nghề đỏ lửa xưa và nay

Kế đó là khu vực Tân Hòa Đông (nay thuộc quận 6) chuyên chế tạo lư đồng, chân đèn và nấu đồng thành thỏi. Một trong những tác phẩm xuất sắc của khu vực này là chiếc lư tre đã được đúc hàng loạt ở đây từ thế kỷ trước. Điều đáng tiếc là các nghệ nhân ở Tân Hòa Đông không rõ tổ tiên của họ từ đâu đến. Ngoài ra còn phải kể đến hai khu vực khác là Thuận Kiều (huyện Hóc Môn) và "Thông tây hội" (quận Gò Vấp).

Giữa thế kỷ XX, một số gia đình ở làng Ngũ Xá (Hà Nội) vào định cư tại vùng Hòa Hưng (quận Bình Tân) mang theo nghề đúc đồng cẩn tam khí. Họ hình thành một xóm nhỏ chuyên đúc đồng tam khí ở đây. Công việc của họ là đúc ra đồ đồng, rồi cẩn tam khí (vàng, bạc, đồng) lên các đồ đồng ấy. Giai đoạn đỉnh cao của nghề đúc đồng ở Sài thành là các sản phẩm thủ công được sản xuất hàng loạt và bán đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Thời đó, người ta tìm đến với nghề không chỉ để mưu sinh, để làm giàu mà nghệ nhân đúc đồng gắn bó với nghề bằng cả lòng đam mê của mình. Để cho ra đời những sản phẩm đồng đúc thủ công tinh xảo là chứa bao tâm huyết của người làm ra nó.

Cuộc sống nhiều đổi thay, nhịp sống diễn ra nhanh và gấp gáp hơn làm ngày nơi thành phố hiện đại này, đã khiến làng nghề đúc đồng mai một dần, đẩy những làng nghề nổi tiếng một thời của Sài thành sâu trong những con hẻm của quận Gò Vấp, vào sâu hơn trong ký ức của người dân. Trước kia, mỗi dịp Tết đến là lúc các lò lư rộn ràng và liên tục đỏ lửa, chuẩn bị cho những bộ lư mới ra lò cho người dân thờ Tết, thì nay đã ảm đạm hơn nhiều. Có thể, thời nay, người dân ưa dùng sản phẩm công nghiệp hơn nên lư đồng thủ công phải chịu chung số phận thất truyền?! Hiện tại, Sài thành chỉ còn duy nhất "xóm" đúc đồng Gò Gấp, gồm 5 cơ sở của 5 gia đình. Lớp trẻ của làng nghề giờ không theo nghề truyền thống nữa mà tìm nghề khác đỡ vất vả, kiếm tiền nhiều hơn.

Người cao tuổi của làng nghề đang sống trong nỗi bất an với một nghề cổ truyền thoi thóp, thất truyền nhưng những người tâm huyết với nghề vẫn quyết tâm bám nghề. Không chỉ thế, nghệ nhân còn lại của nghề này còn muốn vực dậy cái nghề đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ ở TP.HCM ngày nay. Được biết, 3 chủ lò cuối cùng đã thay nhau vận động bà con tái mở xưởng đúc đồng. Họ gom góp tiền lên tận Tây Nguyên mua đồng phế liệu để duy trì nghề. Chính quyền cũng tạo điều kiện bằng cách cho vay vốn và mua sách kỹ thuật để tham khảo.

Họ nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm làm bằng đồng khác ngoài những bộ đồ thờ là những con vật để trang trí. Đối tượng khách hàng cũng mở rộng hơn. Du khách nước ngoài đến TP.HCM du lịch cũng muốn tìm mua một chiếc lư đồng thủ công. Đó là những cố gắng lớn mà những nghệ nhân còn lại của nghề đúc đồng xưa gây dựng lại cho hôm nay. Hy vọng, với tình yêu nghề cháy bỏng trong huyết quản, nghệ nhân sẽ biết cách hâm nóng lò, tạo việc làm cho giới trẻ để làng nghề luôn đỏ lửa của thời hưng thịnh xưa.

Hương Lam