Lạ đời Tây học tiếng ta qua “trà chanh chém gió”

Lạ đời Tây học tiếng ta qua “trà chanh chém gió”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Bị “nhiễm” ngôn ngữ của 9X nên trong văn bản cuộc họp của Jacky Tommy có rất nhiều từ “chém gió”.

Nhiều người nước ngoài thích thú với việc học ngôn ngữ 9X tại những quán trà chanh chém gió, nơi giới trẻ Hà Thành tụ tập đông đúc.

Doanh nhân Tây thích ngôn ngữ 9X

“Trà chanh chém gió”á (vừa uống trà vừa nói những câu chuyện phiếm) mới được du nhập vào Hà thành trong vài năm trở lại đây, thế nhưng nó đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Mỗi khi thành phố lên đèn, trên những tuyến đường của Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ, nam thanh nữ tú Hà thành kéo nhau đi trà đá để vừa nhâm nhi vừa tán gẫu đủ chuyện trên đời.

Sự kiện - Lạ đời Tây học tiếng ta qua “trà chanh chém gió”

Nhiều người Tây học tiếng Việt qua quán trà chanh chém gió

Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, không riêng giới trẻ Hà thành mà nhiều người nước ngoài cũng đua nhau đến đây. Họ tìm hiểu lối sống của giới trẻ Hà thành, qua đó, họ trau dồi, học hỏi ngôn ngữ tiếng Việt. Việc học tiếng Việt ở những quán “trà chanh chém gió” kiểu này giúp họ tiếp thu nhanh hơn do được cọ sát thực tế.

Hanna Chan, một du khách người Mỹ gốc Đài Loan chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam được gần 3 tháng rồi, tôi rất thích học tiếng Việt nhưng để đi học tiếng Việt nó có quá nhiều thủ tục rắc rối. Thế nên, ngoài thời gian đi du ngoạn, tìm hiểu nét văn hóa Việt và cùng bạn bè đi uống trà chanh. Tôi học được rất nhiều câu: “Ăn chơi sợ gì mưa rơi”, “Xinh như con tinh tinh”... mà khi tra từ điển, tôi không thể tìm được nghĩa của nó là gì”.

Hết giờ làm việc, thay vì trở về khách sạn nghỉ ngơi, Jacky Tommy (31 tuổi, quốc tịch Nga, hiện đang là CEO của một công ty quốc tế trên đường Ngô Quyền, Hà Nội) lại gọi điện cho những người bạn đang sinh sống tại Hà Nội đi ngắm phố phường. Jacky sang Việt Nam từ tháng 11/2011, đến nay mới gần 9 tháng nhưng vốn tiếng Việt của anh đã trôi chảy như người Việt.

Anh cho biết: “Tiếng Việt là một trong 3 ngôn ngữ tôi thích nên tôi tranh thủ học từng phút một. Trước khi sang đây, tôi đã biết đôi chút về tiếng Việt do bố mẹ tôi dạy (bố Jacky là con lai giữa Nga và Việt Nam). Những ngày đầu ngồi nghe giới trẻ nói, tôi chẳng hiểu gì, vì họ sử dụng những từ ngữ lạ lẫm mà từ điển không có. Sau mỗi lần như vậy, nhớ được cái gì tôi lên mạng tìm hiểu nhưng cũng không ăn thua. Cuối cùng, tôi phải hỏi bạn bè để biết ý nghĩa. Nhưng nghe nhiều cũng quen và cảm thấy thích thú. Giờ mỗi khi nói chuyện, chúng tôi hay thêm một vài câu “chém gió” vào cho vui tai.

Rắc rối với những cụm từ học lỏm

Từ ngày quen miệng với ngôn ngữ “trà chanh chém gió” ấy, đi đâu Jacky cũng sử dụng để khẳng định mình “sành điệu” trước mặt bạn bè ở Việt Nam. Tuy vậy, không nhân viên nào biết sếp Tây của mình “xì tin” như giới 9X Việt Nam. Bởi trước mặt nhân viên ở công ty, anh được mệnh danh là một ông sếp nghiêm khắc, khó tính.

Một lần vô tình, vừa chat vừa viết văn bản cho cuộc họp ngày hôm sau, anh đã viết rất nhiều từ “chém gió” vào đó. Viết xong, anh tắt máy đi ngủ, quên không xem lại. Hôm sau, khi đưa thư ký đi in để chuẩn bị cho cuộc họp, anh mới giật mình chột dạ. Trong cuộc họp nghiêm túc nhưng nhân viên của anh quay sang nhìn nhau ôm bụng cười bởi trong tài liệu ấy có rất nhiều từ “chém gió”.

Sau sự cố hi hữu này, Jacky bảo: “Học tiếng Việt qua việc la cà ở các quán “trà chanh chém gió” dễ thuộc. Nhưng giờ tôi chẳng dám sử dụng nữa vì nó không phải ngôn ngữ chuẩn của tiếng Việt. Nói mà không hiểu mình đang nói gì, bị hỏi vặn lại thì xấu hổ lắm”.

Còn Hanna Chan, sau một thời gian dài lang thang quán nước đã nói và hiểu được một số câu “chém gió” của giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, một lần đi mua hàng cùng cô bạn người Việt, khi mặc cả, cô bạn nói “đắt thế”, Hanna tiếp luôn lời “dã man con ngan” khiến mọi người xung quanh cười ầm vì nghĩ cô là “Tây ba lô học đòi”. Từ đó, Hanna cạch luôn với ngôn ngữ biến thể ấy.

Vân Thanh