Lạc vào ma trận đá, lẫn lộn khó lường thật giả

Lạc vào ma trận đá, lẫn lộn khó lường thật giả

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Sản phẩm của đá gồm các loại đồ trang sức, đá phong thủy, trang trí... đang có sức hút với nhiều người. Công năng của đá được người bán “thổi” lên như chữa bệnh, trấn yểm nhà cửa mang lại may mắn... khiến đá trở nên thần bí, ẩn chứa “năng lượng siêu nhiên”. Người sở hữu đá chỉ thấy hiệu quả nhờ... tưởng tượng, còn tiền thì mất thật bởi đã mua phải đá giả.

Mua đá như đánh bạc

Vùng núi Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng được coi là “mỏ đá quý”, nơi đây đá được khai thác để làm nhiều sản phẩm mỹ nghệ và nở rộ với nhiều loại đá phong thủy. Sự “sính” phong thủy của nhiều khách hàng khiến đá phong thủy đủ màu sắc với đa dạng các loại đá từ bình thường đến đắt tiền như ngọc, thạch anh. Tuy nhiên, để mua được đá thật theo đúng ý muốn, cơ hội cho khách hàng không nhiều. Bởi theo nhiều chuyên gia, các sản phẩm đá trên thị trường có tới trên 90% là đá giả.

Xã hội - Lạc vào ma trận đá, lẫn lộn khó lường thật giả

Rất nhiều mặt hàng cho là đá phong thủy đang bày bán ở tại thị trường

Theo chuyên gia về đá, ông Dư Quang Châu, khái niệm đá giả, đá thật; hay đá thiên nhiên qua xử lý nhân tạo thường có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong ngành khoa học nghiên cứu về đá quý, khái niệm đá giả được xem là khi đặt tên cho một loại đá không đúng với bản chất đá đó. Ví dụ đá CZ hay pha lê, thủy tinh nếu được ai đó đặt tên là kim cương thì đó là đá kim cương giả. Cũng tương tự vậy, ai đặt tên 1 viên kim cương là pha lê thì đó là pha lê giả. Còn mức độ quý của đá phụ thuộc vào nó là dạng đá thiên nhiên ít gặp hay phổ biến trong quá trình khai thác.

Chính vì lẽ đó, giá cả của đá là vô cùng, chẳng người mua nào xác định được giá trị thật của khối đá mình đang sở hữu, nhất là với đá phong thủy, những đồ vật mang tính tâm linh. Vì thế, nhiều người cứ nhắm mắt mua đá mà quên hẳn đi sự thật giả và mua theo kiểu hên-xui.

Có lẽ may mắn hơn cả phải kể đến chị Hoài Anh (Cửa Nam- Hà Nội), trong chuyến đi chơi Đà Nẵng, chị đến khu khai thác đá và mua về cho mình một khối đá hồng ngọc. Chị tuổi tý, hợp với đá màu hồng nhất là garnet (ngọc hồng lựu). Garnet có màu đỏ sậm, tương truyền là đá tượng trưng cho tình yêu, lòng chung thủy, sự mê đắm và ổn định thinh thần. Chính vì lẽ đó, chị tìm lên tận khu khai thác đá tìm mua cho mình một khối đá với dự tính sẽ chế tác đồ trang sức cho chính bản thân mình. Một khối hồng ngọc nguyên bản chị mua nặng 15kg chỉ có giá hơn 15 triệu đồng. Nhưng cũng thật may mắn, khi chị về thuê thợ chế tác phát hiện lõi của khối đá có viên đá đỏ huyết bồ câu. Với viên đá này, đã có người trả chị Hoài Anh với giá 150 triệu đồng nhưng chị kiên quyết không bán. “Đó cũng là sự may mắn của người mua 1 lãi 10. Vì lẽ đó, tôi luôn giữ viên đá đỏ bên mình, coi đó là vật may mắn của bản thân mình”, chị Hoài Anh nói.

Thực tế, số người may mắn khi mua đá không nhiều bởi lẽ đá qua chế tác thành đeo mác “đá quý” để đội giá khá phổ biến. Anh Lê Minh Thái (Hà Nội) khi đến thăm quan cơ sở chế tác đá nổi tiếng của Đà Nẵng đã rất thích pho tượng di- lặc màu vàng hợp với mệnh thổ. Khi anh hỏi chất liệu đá thì người bán hàng khẳng định đó là thạch anh vàng. Biết thạch anh là loại đá tốt, xét về phong thủy nó có thể ngăn tà khí, đón may mắn cho gia chủ nên anh Thái quyết định mua pho tượng này với giá 60 triệu đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng chuyển hàng, anh Thái cũng yêu cầu cam kết nếu đúng là đá thạch anh vàng thì mới nhận hàng và trả tiền khi pho tượng được chuyển ra Hà Nội. Điều khoản này được phía đối tác đồng ý. Tuy nhiên, khi pho tượng thạch anh vàng được chuyển ra Hà Nội, anh Thái yêu cầu đi giám định. Trước một giờ đồng hồ, anh Thái yêu cầu giám định tại phố Đinh Lễ, nhưng khi đến nơi hẹn anh lại chuyển địa điểm giám định khác vì lo sự quen biết trước kết quả giám định sẽ thiếu khách quan. Cuối cùng, khi kết quả giám định đá được đưa ra, pho tượng thạch anh vàng anh Thái mua chỉ là đá CZ chứ không phải là thạch anh vàng. Với loại đá này, pho tượng chỉ có giá vài trăm ngàn đồng.

Khi trao đổi với PV Người đưa tin, anh Thái cho biết: “Tôi không đồng ý mua pho tượng ấy, tuy nhiên phạt hợp đồng với cơ sở sản xuất đá thì mình cũng không nghĩ đến. Cuối cùng, dù không mua được pho tượng thạch anh tôi cũng mất 2 triệu đồng tiền phí vận chuyển và phí giám định. Thôi thì, trả lại hàng, và chia sẻ một chút với họ để lấy lại tiền đặt cọc cho nhanh, chứ cứ đôi co mất thời gian lắm”.

Xã hội - Lạc vào ma trận đá, lẫn lộn khó lường thật giả (Hình 2).

Đừng để đá phong thủy làm lú lẫn

Giáo sư Phan Cốc Tây trong lời tựa cuốn Nguồn gốc Phong thủy viết: "Nội dung chính của Phong Thủy là một loại học vấn mà người ta dùng để xử lý và chọn lựa hoàn cảnh ăn ở, trong đó có nhà ở, cung thất, chùa chiền, lăng mộ, thôn xóm, thành thị; lăng mộ thì gọi là âm trạch, còn lại đều gọi là dương trạch. Phong Thủy về hoàn cảnh ăn ở, ảnh hưởng chủ yếu trên ba mặt: Một, sự lựa chọn địa điểm, tức tìm một địa hình thỏa mãn cả hai mặt tâm lý và sinh lý; Hai, xử lý về mặt hình thái trong cách bố trí, bao gồm lợi dụng và cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên, hướng nhà, vị trí, cao thấp to nhỏ, cửa ra vào, đường đi, nguồn cấp nước, thoát nước... Ba, trên cơ sở nói trên, thêm vào một dấu hiệu, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý tránh cái dữ, lấy cái lành cho con người". Từ quan niệm đó, nhiều nhà phong thủy cho rằng, việc trấn yểm chẳng qua là…cực chẳng đã mới phải làm. “Không phải lúc nào dùng đá trấn cũng tốt, nếu trấn không đúng, tà khí có thể chặn những sinh khí cũng không thể vào nhà gia chủ”, ông Dư Quang Châu nói.

Giới chơi đá phong thủy lưu truyền câu chuyện một doanh nhân thành đạt nhờ có mấy khối thạch anh nặng đến nửa tấn ở trên sân thượng công ty mình. Lại có một câu chuyện khác, một ngôi chùa nhỏ đột nhiên đông nghẹt đệ tử đến vãn cảnh, lạy phật. Những người đến đây nói rằng họ thấy người phấn chấn, mọi việc hanh thông. Người ta cho rằng nguyên nhân là do có một pho tượng phật mà một đệ tử dâng tặng cho chùa được làm từ đá thạch anh đã khiến ngôi chùa có sinh khí dồi dào, đem lại bình an và tài lộc cho mọi người. Tuy nhiên, cũng theo ông Châu, hiện nay nhiều người trấn yểm phong thủy bằng đá quá tùy tiện làm mất đi tính khả dụng của căn nhà.

Thậm chí, nhiều người “sính” phong thủy đến mức bị “tẩu hỏa nhập ma” khi trong nhà “giam” đầy đá. Bản thân đá thật, đá rởm chủ nhân cũng không biết. Mà thực tế, theo các nhà nghiên cứu về đá, đá không ở thể tĩnh, “nó có sinh khí, có thể thở”. Nếu phù hợp nó tạo sức mạnh cho chủ nhân, nhưng không chế ngự được đá, chủ nhân dễ bị… sinh bệnh.

Trong chuyến đi Đà Nẵng, cô hướng dẫn viên khẳng định, ngọc thật quấn sợi tóc đốt không cháy, nếu ngọc giả sợi tóc sẽ cháy. Ông Dư Quang Châu cho rằng, bài ấy xưa lắm rồi, bản thân đá đã tỏa hơi lạnh và khi qua chế tác, được nhộm màu, đánh bóng bằng các loại hóa chất thì phép thử ấy vô tác dụng. Chính vì lẽ ấy, khi tôi hỏi khối đá phong thủy thạch anh tím nặng 32kg tại một cơ sở kinh doanh đá tại Đà Nẵng nhưng lại chỉ có giá 85 triệu đồng. Với giá ấy, nhiều chuyên gia khẳng định, không có đá thạch anh tím mà chỉ là cacedol.

Hà Lan