Lái đò biên ải và những đồng tiền nhuốm máu

Lái đò biên ải và những đồng tiền nhuốm máu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Tận mắt chứng kiến cảnh sinh nhai của hàng ngàn con người làm nghề vạn đò trên sông Ka Long (TP. Móng Cái, Quảng Ninh). Dõi sâu vào cuộc sống của những phận phu đò mới thấy, đằng sau những đồng tiền thấm mồ hôi, còn bao nỗi hiểm nguy luôn rình rập.

Chen nhau vào “miền đất dữ"

Những con người tứ xứ tự lập thành khóm trên sông. Họ đến đây từ nhiều miền quê, mỗi người riêng một hoàn cảnh, nhưng trong họ cùng chung một mục đích là lên miền viễn xứ này kiếm tiền. Dẫu biết chốn biên giới muôn đời phức tạp.

Lâu nay chúng ta vẫn hình dung nghề đò chỉ là những gì quen thuộc như đưa đón khách sang sông, cùng lắm là những thứ hàng hóa lặt vặt. Cái nghề đò ở đây thì hoàn toàn khác, phải gọi đúng tên là nghề đò thời kinh tế thị trường, gắn với đồng tiền hay bằng một danh từ tương tự khác. Nhưng bù lại kiếm tiền khá dễ, chỉ cần biết quy luật luồng lạch, con nước, địa điểm bến bãi cũng như biết "luật" hoạt động ở chốn dân góp này, thì dân lao động nghèo có thể kiếm được khoản tiền không nhỏ mỗi tháng.

Xã hội - Lái đò biên ải và những đồng tiền nhuốm máu
Một lái đò trên đường sang Trung Quốc giao hàng.

Làm xế đò ở đây không đơn giản, môi trường cạnh tranh hàng hóa cực lớn, người lái đò phải nhanh, táo bạo, nhẫn nhục và chịu khó mới có thể bám trụ được. Ngược xuôi với hàng hóa, trừ chi phí đi một dân đò mỗi tháng có thể kiếm 5-7 triệu đồng. Với số tiền này, người lao động nghèo nơi miền quê nai lưng quần quật cũng khó có thể kiếm được.

Tuy cực nhưng kiếm tiền dễ, nên lượng lao động đổ về đây ngày một nhiều. Uớc tính số đò đăng kiểm chuyên chở hàng trên khúc sông dài hơn 3km đã gần 7 nghìn con. Người này dắt díu người kia, cứ như thế các làng đồng hương xa xứ được lập ra, nhiều người còn mang theo cả vợ, con cùng nhau lên "miền đất hứa" chạy đò.

Trên cái khúc sông chưa đầy 3km biên giới này, họ không thể thiếu. Giả sử mà lực lượng đò đình công, hàng nghìn tấn hàng hóa bị ứ lại, thiệt hại phải tính bằng phút. Nhưng đưa được lô hàng có khi trị giá hàng tỷ đồng qua đầu bên kia biên giới, họ cũng chỉ được trả cho một phần công cực nhỏ. Ấy vậy mà nếu nhận hàng không may bị thiếu, lúc đó lái đò phải dốc tiền túi ra bồi thường. Anh Lê Văn Vàng (26 tuổi, quê Nghệ An) có lần, lúc nhận hàng từ cảng phía Việt Nam, do vào ban đêm không biết nhầm lẫn thế nào, đến khi giao hàng cho chủ phía Trung Quốc thì bị thiếu mất mấy tấn hàng bột sắn.

Tình ngay lý gian, anh bị chủ nghi là bán trộm, phải móc gần 20 triệu đồng tiền tiết kiệm đền. Giúp cho các ông chủ thu tiền tỷ, nhưng mỗi năm dành dụm lắm, mỗi lao động cũng chỉ mang về khoảng 35-40 triệu đồng là cao, còn không biết chi tiêu thì coi như "lỗi hẹn mùa sau".

Trải qua nhiều ngày ăn ở cùng dân đò mới thấy hết nỗi nhọc nhằn cam chịu của dân đò. Như lời anh Hồ Hồng Hà (lái đò Nghệ An): "Đời thanh niên mà lênh đênh trên những con đò ở chốn này thì phí lắm".

Vì như anh nói tuổi xuân trôi qua những kiện hàng, luôn phải đầu tắt, mặt tối rong ruổi với những lô hàng trên các khúc sông. Trong cái khoang đò chật hẹp nắng tới mặt, mưa tới đầu họ phải tự xoay xở hoàn toàn. Lần đầu tiên khi thấy họ dùng gần như toàn nước sông Ka Long ô nhiễm để nấu ăn và tắm giặt, khiến tôi không khỏi chạnh lòng.

Tiền = mồ hôi + máu

Sống trên sông đò theo con nước, mùa lũ vẫn là nỗi e dè đối với dân đò. Con nước sông Ka Long những năm gần đây không còn hiền hòa như xưa, ngày càng nhiều những đợt lũ chớp nhoáng từ thượng nguồn phía Trung Quốc đổ về. Lúc thủy triều lên, nước mặn dâng từ phía hạ nguồn, thiếu nước sinh hoạt, anh em tằn tiện từng gáo nước ngọt ít ỏi. Mùa lũ đến, nước từ hướng Tây cuồn cuộn về như muốn cuốn, nhấn chìm đi tất cả.

Chở hàng nặng chỉ cần sơ sẩy là "cuốn theo dòng nước". Tàu hàng thì nhung nhúc, một cú chạm nhau vô tình cũng có thể làm đò lật úp. Tay lái mà không cứng va vào chân cầu, đò có kiên cố bao nhiêu cũng bị bẻ đôi như bánh tráng. Dân đò cho biết chuyện đò chìm, người chết trôi vào mùa lũ thì năm nào cũng phải có.

Mùa lũ là vậy, mùa nắng hạn thì chỉ có dân đò mới kham nổi. Anh Lê Huy Dương (26 tuổi, lái đò quê Hà Tĩnh) nói: "Mùa hạn đôi lúc cả tuần lễ mới được tắm nước sông một lần. Xa xỉ lắm cũng dội thêm mấy gáo nước lã mua đắt đỏ trên bờ. Chang chang ngoài nắng, da cháy sạm như da Bao Công, về nhà vợ con còn không nhận ra".

Dọc sông Ka Long có hàng trăm bến cảng chính và tiểu ngạch xuất- nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay Móng Cái là một trong những điểm giao thương hoàng hóa chiến lược giữa hai nước, trong đó lượng hàng chuyển giao qua đường thủy trên sông Ka Long rất lớn. Những năm gần đây nghề đò phát triển mạnh, thu hút lao động khắp nơi đổ về làm ăn. Nắm được tâm lý này gần đây nhiều băng nhóm tội phạm cướp, trấn lột hình thành và gây ra những vụ cướp táo tợn nhắm vào dân lái đò, gây thiệt hại tài sản và tính mạng, làm dân đò rất hoang mang.

Anh Lê Văn Cường, lái đò quê Nghệ An còn chưa thể quên cái đêm kinh hoàng năm

2010. Khi anh ra mũi đò kiểm tra neo, thì bất ngờ bọn côn đồ xông tới dùng mã tấu chém gục tại chỗ. May thay chỉ bị đứt một xương sườn, không bị lưỡi dao "nhầm" của bọn côn đồ lấy mạng. Sau đó anh mới biết đây là chuyến thanh toán của nhóm côn đồ từ Hải Phòng dằn mặt nhau tranh địa bàn làm ăn.

Xã hội - Lái đò biên ải và những đồng tiền nhuốm máu (Hình 2).

Tàu chở hàng sang Trung Quốc

Chưa hết nạn giang hồ thanh toán, nay lại xuất hiện thêm các băng cướp, trấn lột trên sông, hoạt động nhằm vào những lái đò thuê. Cuối năm 2010 dân đò còn chưa quên vụ trấn “đẳng cấp”, khi một nhóm cướp trên bờ ập xuống khu vực cầu Hòa Bình (cách cầu Ka Long 1km) ép một lái đò phải "nôn" hết những gì có cho chúng. Ngang tàng hơn bọn cướp còn bắt lái đò khênh nốt bình ắc-quy lên bờ cho chúng mang bán.

Khi chúng đi được một quãng thì lái đò hô hoán, tức thì chúng trắng trợn quay lại chém tới tấp, khiến nạn nhân gục tại chỗ, rồi thản nhiên rồ ga đi mà không ai dám chống cự. Mặc dù gần đây lực lượng cảnh sát đường sông TP.Móng Cái truy quét nhiều nhưng vấn nạn này vẫn không thuyên giảm.

Sinh nghề tử nghiệp, điều này càng đúng với nghề đò nơi đây. Đã là dân làm đò thì ắt phải chứng kiến ít nhiều những cái chết trôi, hoặc những tai nạn thương tâm. Anh Hoàng Duy Bảy (26 tuổi, quê Nghệ An) vẫn nhớ như in cái cảm giác "chết giả" khi bị đò khác ghè nát một bên đùi, chỉ vì giây phút sơ sẩy. Số là một lần anh đang đứng kiểm hàng ở mép đò, thì đột nhiên một đò khác lao sầm tới ghè bể đùi, mất nhiều máu khiến anh ngất lịm. Cũng may vì ông chủ tốt bụng đã kịp thời đưa ngay sang bệnh viện bên Trung Quốc phẫu thuật, đôi chân mới không bị cắt đi.

Trên những con đò chúng tôi còn gặp cả trẻ con chúng được sinh ra trên đò, nhiều đứa được cha mẹ chúng dắt díu theo, chúng không lên bờ đi học. Rồi còn có những người già, họ từ khắp nơi đến. Trên khúc sông ngắn miền cửa khẩu này một "thế giới" cửu vạn đầy bất trắc đang hình thành. Người ta biết đã làm nghề này thì như đánh cược với tính mạng, nhưng nhiều người tặc lưỡi "thôi kệ! chỉ cần dễ kiếm ra đồng tiền là được".

Kỳ Anh


Tag: motthegioi