Làm đẹp môi “siêu tốc”, nhập viện... “siêu nhanh”

Làm đẹp môi “siêu tốc”, nhập viện... “siêu nhanh”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Không cần phải trang bị một lúc nhiều tông màu son cũng như lo lắng bởi tay nghề "tô vẽ" của mình còn hạn chế, giới trẻ hiện đang hào hứng đón nhận một trào lưu làm đẹp mới với miếng dán môi.

Trào lưu này nhanh chóng được giới trẻ Việt Nam đón nhận, những mẫu dán môi nhiều màu sắc bắt mắt, nhiều kiểu “độc”, lại dễ sử dụng đang tràn ngập trên thị trường, từ các shop mỹ phẩm đến chợ đêm sinh viên. Tuy nhiên, hầu hết những mặt hàng này giá đều rất rẻ nên không ít người sử dụng miếng dán xăm môi này phải nhập viện để điều trị do dị ứng.

Xã hội - Làm đẹp môi “siêu tốc”, nhập viện... “siêu nhanh”

Môi "độc" chỉ cần... dấp nước

Ngọc Linh - một du học sinh từ Hàn Quốc trở về tỏ vẻ thành thạo giảng giải: "Quy trình để thực hiện cho một cặp môi hoàn hảo tương tự như việc dán hình xăm tạm thời, với đủ màu sắc lên tay, chân... Người dùng chỉ cần bóc lớp nilon ra, dấp thêm chút nước cho ăn hình rồi dán vào tay là đã có một hình xăm màu sắc trên da. Kiểu thời trang miếng dán xăm môi cũng vậy, vừa nhanh gọn lại không bị trôi màu nhanh như son thông thường nên chúng mình cứ việc ăn uống, nói cười thoải mái, mà không lo bị hỏng..."

Được biết, những miếng dán môi này có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau nên giá bán cũng khác nhau. Với những loại miếng dán của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ... giá khoảng 10 - 15 USD/miếng. Ngọc Linh cho biết, những loại này thường được các diễn viên, ca sỹ nước ngoài dùng để làm đẹp. Ở Việt Nam rất khó kiếm loại này, bởi giá cao, chỉ có thể tìm thấy ở những cửa hàng mỹ phẩm hàng hiệu. Tuy nhiên, với khẩu hiệu "tất cả vì cái đẹp", nhiều bạn trẻ sẵn sàng đặt hàng trên mạng, một bộ 3 miếng dán, giá khoảng 300.000 đồng.

Ngọc Linh cho biết thêm, với mức giá này, dân chơi cũng chỉ có thể "xài" hàng Hàn Quốc, còn đối với những miếng dán môi của Nhật hay của Mỹ thì mức giá trên không đủ để sở hữu một miếng dán. Dù vậy, Ngọc Linh vẫn khá hài lòng vì: "Bên đó, các bạn trẻ sử dụng rất nhiều bởi đặc trưng thời tiết khá lạnh. Sử dụng miếng dán vừa có tác dụng làm đẹp lại vừa có chất tạo độ ẩm, dưỡng môi rất tốt". Tuy nhiên, với giá bán khá "chát" nên Ngọc Linh sử dụng hàng xách tay mang về, bởi "sợ khó kiếm hàng hoặc có kiếm được đi chăng nữa cũng sợ đụng hàng giả, hàng nhái".

Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay rất nhanh nhạy với những trào lưu mới nên có cung ắt có cầu. Những mẫu dán xăm môi của Trung Quốc với giá 10.000 - 15.0000 đồng/miếng nhanh chóng "hút" khách và được giới trẻ hào hứng đón nhận. Dạo một vòng qua các cửa hàng mỹ phẩm bình dân cho đến các chợ đêm sinh viên, PV không khỏi hoa mắt trước hàng loạt những miếng dán xăm môi (môi dính) có nhiều họa tiết lạ, táo bạo như da rắn, báo đốm, da hổ... Thấy chúng tôi vẫn còn e dè, chị Lành- chủ cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm xởi lởi tiếp thị: "Mua đi em, mốt năm nay là những họa tiết lãng mạn như hoa hồng, bảy sắc cầu vồng... hay lấp lánh như chấm bi đỏ trên nền đen hoặc nền môi trắng đính ánh màu lôi cuốn như vàng, bạch kim...".

Tại chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội), không khí mua sắm cũng không kém phần rôm rả. Chị Hương - chủ sạp hàng tại đây cho biết, giá của mặt hàng này ở cửa hàng của chị luôn mềm hơn ở các chợ khác. Lý do được chị Hương đưa ra là "bởi ban ngày mình bán buôn trong chợ, còn đến phiên chợ đêm mình cũng mang hàng ra đây bán góp vui, gọi là lấy không khí, với giá 12.000 đồng/miếng, mua cả tấm 6 miếng thì chỉ 40.000 đồng". Chị Hương nói thêm: "Sắp đến ngày lễ Noel nên giới trẻ đổ xô đi mua miếng dính cận ngày có khi "cháy" hàng.

Xã hội - Làm đẹp môi “siêu tốc”, nhập viện... “siêu nhanh” (Hình 2).

Miếng dán môi được chào bán trên mạng.

Nhập viện... "siêu nhanh"

Giật mình bởi giá rẻ bất ngờ mà chủ cửa hàng tiếp thị, chúng tôi tỏ ý nghi ngờ về tác hại của những miếng dán xăm môi tạm thời đó. Chị Hương trả lời ráo hoảnh: "Từ lúc bán mặt hàng này tới giờ, tôi chưa thấy ai kêu bị dị ứng mà chỉ thấy người nọ mách người kia tìm đến hỏi mua ngày một đông, hàng nhập về nhiều khi không đủ bán. Vẫn có người tìm mua thì vẫn nhập hàng về bán. Độc hại thì người ta đã chẳng mua!".

Còn Thanh Ngọc - sinh viên năm thứ 3 (đại học Quốc gia Hà Nội) hào hứng khoe mới tậu được một bộ dán môi hình táo đỏ tại một trang web mua bán trên mạng rất bắt mắt và háo hức chờ đến dịp Giáng sinh để còn diện cùng bộ cánh "bà già Noel" cho đồng bộ. Khi được hỏi về độ an toàn của kiểu làm đẹp này, Ngọc tặc lưỡi cho biết: "Dịp lễ hội hóa trang vừa qua, mình cũng dùng miếng dán xăm môi rồi. Các bạn đều trầm trồ khen đẹp lại còn tranh nhau hỏi xem mình tậu được hàng độc này ở đâu khiến mình "phổng cả mũi". Mình mới dùng qua một lần nên chưa thấy dị ứng, mẩn ngứa. Với lại, mình chỉ dùng vài giờ rồi đi chơi về là tẩy đi ngay nên nếu có độc cũng chưa kịp ngấm vào da!?".

Khác với Thanh Ngọc, Thu Lan - sinh viên trường đại học Mở Hà Nội - lại sớm chịu hậu quả từ trào lưu làm đẹp kiểu siêu tốc này. Lan kể, bị các bạn gái cùng phòng ở ký túc xá chê là nhà quê, bởi cả năm chỉ chung thủy với một cây son màu hồng nên cô mạnh dạn theo bạn ra chợ đêm Dịch Vọng (Hà Nội) để mua miếng dán xăm môi thay đổi phong cách.

Những ngày đầu sử dụng không thấy vấn đề gì, nhưng đến ngày thứ ba, sau khi sử dụng miếng dán xăm môi bảy sắc cầu vồng rất thời trang, cô cảm thấy ngứa môi kinh khủng. Cô vội lấy nước tẩy để xóa, nhưng càng xóa thì vùng môi càng mẩn đỏ và ngứa dữ dội. Vì thế, Lan đành đến cầu cứu các bác sỹ da liễu. Cô ngượng ngùng thú nhận với các bác sỹ: Do tiếc cặp môi dán đẹp nên nhiều đêm Lan không hề tẩy rửa và cứ thế ngủ đến sáng.

Bác sỹ trực tiếp khám và điều trị cho Lan chẩn đoán: Nhiều khả năng Lan bị dị ứng do hóa chất có trong mực in của miếng dán gây ra. Loại mực này còn gọi là mực UV, có khả năng phát quang trong bóng tối. Đặc biệt, với cấu tạo da môi mỏng nên việc lưu thứ mực này trong thời gian dài rất dễ gây dị ứng. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác và tìm ra đúng nguyên nhân gây dị ứng, Lan còn phải đi khám lại nhiều lần và số tiền mua thuốc, điều trị gấp hàng trăm lần giá của miếng xăm môi "siêu tốc" kia. Đến nước này, Lan chỉ còn biết tự trách mình dại dột chạy theo lối làm đẹp nguy hiểm đó...

Nguy cơ bị dứng cao

Theo TS. Nguyễn Hữu Sáu, bộ môn Da liễu, trường đại học Y Hà Nội thì, hiện nay có một bộ phận giới trẻ coi việc sở hữu các hình xăm là cách thể hiện cá tính và đẳng cấp. Các bạn cần thận trọng, bởi việc xăm lên cơ thể, dù với hình thức trực tiếp (bằng kim) hay gián tiếp (bằng miếng dán) thì nguy cơ bị dị ứng do hóa chất có trong mực in đều rất cao. Nó sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với người có cơ địa dị ứng hóa chất lạ...".

Linh Nhi