Làm đẹp từ thảo mộc, “bỗng dưng” thành... “Thị Nở”

Làm đẹp từ thảo mộc, “bỗng dưng” thành... “Thị Nở”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Với vô số vết mẩn đỏ nổi khắp khuôn mặt, khổ chủ có bộ dạng nhăn nhó, đau đớn. Đó là những hình ảnh chung của những bệnh nhân nhập viện do bị dị ứng vì làm đẹp từ thảo mộc.

Nở rộ phong trào làm đẹp bằng thảo mộc

Sử dụng thảo mộc để chăm sóc và phục hồi sắc đẹp đang trở thành trào lưu rầm rộ khắp nơi. Chị em đua nhau tìm các liệu pháp hoa cỏ để bảo vệ nhan sắc. Nhiều hãng mỹ phẩm cũng đã vào cuộc với hàng loạt sản phẩm được niêm yết có nguồn gốc thảo mộc. Bất cứ ai trong họ cũng có suy nghĩ sản phẩm làm đẹp từ tự nhiên thì an toàn với cơ thể, không lo hóa chất, không lo kích ứng da.

Dạo qua các trang web, diễn đàn của chị em, những topic chia sẻ về làm đẹp từ cây trong vườn được phái đẹp hưởng ứng nhiệt tình. Họ chia sẻ cách làm sạch mụn, làm sáng da từ những loại thảo mộc với chi phí siêu rẻ. Chỉ cần khoảng 10.000 đồng, là chị em đã có thể tự mình làm đẹp tại gia. Bài thuốc làm đẹp được nhiều chị em áp dụng nhiều nhất là dùng chất nhầy từ lá nha đam (cây lô hội) bôi lên mặt.

Chị Trần Phương Lan, đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Da mặt tôi từ khi lên Hà Nội học thì không hiểu do "ngã nước" hay nước bị bẩn mà mặt tôi nổi mụn to. Các đợt mụn mọc lên rồi không hề có dấu hiệu biến mất. Mỗi lần ra đường bụi bặm làm khuôn mặt tôi đỏ ửng lên. Tôi cũng không dám dùng các loại mỹ phẩm sợ mặt sẽ nổi thêm nhiều mụn. Tôi có vào một vài trang web được nhiều thành viên chia sẻ, cây ngải đắng có chứa những chất hóa học như cineole, acid rosmarinic, chất tannin có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn và vi -rút hiệu quả nên thường tôi cũng thử sử dụng như một cách để "cứu vớt" chút nhan sắc".

Xã hội - Làm đẹp từ thảo mộc, “bỗng dưng” thành... “Thị Nở”

Một nạn nhân mới của làm đẹp bằng thảo mộc (ảnh minh họa).

Hoàng Hải Huyền, sinh viên Đại học Thăng Long vẫn chưa thể quên vụ "mất oan" tiền triệu vì nghe lời chia sẻ cách làm đẹp từ một trang web của phái đẹp. Chị Huyền có làn da hơi ngăm đen. Cô không tự tin với làn da theo cô là "trông không được nuột nà".

Tuy nhiên, việc đi tắm trắng hay dùng các loại mỹ phẩm đắt tiền là không khả thi với cô. Ngay khi Huyền vào diễn đàn eva thấy nhiều chị em nói rằng, lá cây nha đam có tác dụng tuyệt vời để làm trắng da. Huyền nghĩ rằng mua lá nha đam rất rẻ, đặc biệt nó là sản phẩm từ tự nhiên nên cô yên tâm bôi nhựa của lá cây lên mặt. Thay vì thành nàng "Bạch Tuyết" trong mơ, Huyền lại phải lên Bệnh viện da liễu vì các nốt mẩn đỏ không ngừng nổi lên với chi phí hết gần 5 triệu đồng.

Còn nhiều loại cây như rau má, húng tây, lá rau ngót... đều được chị em tận dụng để làm đẹp. Tuy nhiên, không ít người đã phải mất một khoản tiền không nhỏ để giải quyết hậu quả từ những cách làm đẹp tưởng chừng như vô hại đó.

Ẩn họa khôn lường

Ca dị ứng do dùng lá cây lô hội để bôi vết ngứa, làm sạch mụn ở da là một điển hình của ẩn họa từ sử dụng thảo mộc để làm đẹp. Theo lời kể của bệnh nhân tên Lượng, ở Đống Đa, Hà Nội, khi thấy ngứa hai bên cánh tay bà đã đi khám và được kê thuốc chống dị ứng, nhưng uống không thấy đỡ. Bà được một số người mách là lá cây lô hội rất mát, có thể bôi đỡ ngứa nên bà đã mua lá lô hội về tách ra, xát trực tiếp vào vết ngứa. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút sử dụng lá cây lô hội chà lên da thì bà cảm thấy ngứa dữ dội, càng gãi càng lở loét, sưng tấy lên. Ngay sau đó, bà phải nhập viện trong tình trạng tay sưng tấy, da lở loét, rỉ nước. Theo các bác sĩ chẩn đoán, bà bị viêm da do tiếp xúc với nhựa lá cây nha đam (cây lô hội).

Theo các bác sĩ ở Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai thì số người nhập viện vì dị ứng do dùng các loại lá cây để chà xát lên da không phải là ít. Nhiều người nghĩ rằng, các loại lá cây như lô hội, rau sam, rau má có tính mát nên có thể chữa ngứa, làm mịn da, và rất dễ dùng chỉ cần giã nát để bôi hoặc chà xát trực tiếp lên da. Nhưng thực tế, bất kì loại lá cây, rau củ nào cũng có thể có nguy cơ gây dị ứng, nhất là với những người có cơ địa mẫn cảm với thành phần nào đó có trong cây, rau, củ. Biểu hiện của dị ứng do bôi các loại cây này là sưng tấy đỏ, lở loét, ngứa ngáy nhiều, bong tróc da, lan sang cả những vùng da bình thường khác.

Một dược sỹ đông y chia sẻ, cây lô hội, vốn có tính mát, lại chứa nhiều khoáng chất như canxi, kẽm, vitamin C, vitamin E... nên về mặt nào đó có tác dụng làm lành da, chữa lành vết thương, chống lão hóa tế bào. Các hợp chất hữu cơ gồm vitamin, các hormon, chất Magnesium lactate có tác dụng ức chế phản ứng Histamin, có tác dụng làm lành vết đứt, vết loét, vết phỏng hay sưng do côn trùng đốt trên da. Tuy nhiên, chất Bradykinin trong lô hội là những thành phần gây phản ứng dị ứng và viêm.

Xã hội - Làm đẹp từ thảo mộc, “bỗng dưng” thành... “Thị Nở” (Hình 2).

Bác sỹ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sỹ Nguyễn Hữu Trường khuyến cáo những ai sử dụng các loại thảo mộc như cây lô hội nói riêng hay bất kì loại cây lá nào nói chung để làm đẹp, hoặc trị vết thương cần cẩn trọng. Người bệnh bằng cách kiểm tra phản ứng của chúng với cơ thể, bằng cách chỉ nên bôi một chút vào bàn tay để kiểm định khả năng kích ứng với da. Tuyệt đối không xoa khắp người, nhất là với vùng mặt và những vùng có da nhạy cảm để tránh sạm da, tránh tái phát và khó hồi phục. Với những người có cơ địa nhạy cảm thì việc này càng cần thận trọng hơn.

Có thể gây hại vì ... "không tương thích"

"Từ trước đến nay, mọi người đều nghĩ rằng làm đẹp từ các loại thảo mộc là an toàn với tất cả các loại da. Tuy nhiên, thảo mộc tự nhiên cũng chưa rất nhiều chất xa lạ với cơ thể con người. Trong thảo mộc có rất nhiều thành phần dược chất khác nhau mà da có thể phản ứng chỉ với một thành phần trong đó. Việc sử dụng kết hợp nhiều loại thảo mộc không tương thích trong một bài thuốc làm đẹp có khi còn gây hại cho da".

Hoàng Mai