'Lâm tặc' ngày đêm phá nát rừng Krông Bông, chính quyền không biết?

'Lâm tặc' ngày đêm phá nát rừng Krông Bông, chính quyền không biết?

Chủ nhật, 30/04/2017 | 12:57
0
Phóng viên báo Người Đưa Tin phát hiện hàng chục khối gỗ dỗi được “lâm tặc” cắt vuông thành sắc cạnh, lập bãi tập kết gỗ "khủng" trong rừng nhưng chính quyền không hề hay biết.

Theo nguồn tin của PV Người Đưa Tin, tại khu rừng thuộc địa bàn xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, được sự “hậu thuẫn” của lực lượng bảo vệ rừng, “lâm tặc” ngày đêm đốn hạ gỗ rừng rồi ngang nhiên vận chuyển đi tiêu thụ khiến người dân bức xúc.

Sáng 29/4, với sự chỉ dẫn của người dân, PV tiếp cận thực tế và có dịp được “mục sở thị” “đại công trường” khai thác gỗ của “lâm tặc”. Có mặt tại đây sau hơn 2 giờ băng rừng, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng tan hoang, hàng chục cây dỗi cổ thụ bị “lâm tặc” quật ngã, cành lá còn xanh, gốc rỉ nhựa tươi rói, vết mùn cưa còn mới tinh. Bên cạnh, bãi tập kết gỗ “khủng” được “lâm tặc” tỉ mỉ cắt vuông thành sắc cạnh (loại dùng làm sập) tập kết thành một đống cao ngất ngưởng.

Xã hội - 'Lâm tặc' ngày đêm phá nát rừng Krông Bông, chính quyền không biết?

 Gỗ "lâm tặc" cắt vuông thành sắc cạnh, chờ vận chuyển đi.

Có bãi, “lâm tặc” chưa kéo về, từng khối gỗ hộp nằm la liệt trên nền đất phản chiếu dưới ánh mặt trời hắt lên màu vàng óng làm chói lóa cả một vùng. Theo do đếm của PV, hàng chục gốc cây dỗi cổ thụ đường kính hai người ôm không xuể “rỉ máu” tươi rói nằm trơ trọi. Hầu hết những thân cây đường kính “khủng” được “lâm tặc” đo đạc, tính toán cắt gọt thành những tấm gỗ sập có chiều dài 3,2m và chiều ngang 1,2 m, dày từ 25-30cm.

Rời khỏi bãi tập kết thứ nhất, chúng tôi tiếp cận bãi tập kết thứ 2 cách đó khoảng chừng 100m. Tại đây, chúng tôi tiếp tục bắt gặp một cảnh tượng tan hoang đến đau lòng. Trên nền đất, những tấm gỗ được cắt gọn chồng chéo lên nhau, nằm la liệt trải dài, đếm mãi không xuể.

Đứng tại đây, lắng tai tĩnh lặng, chúng tôi cũng có thể nghe thấy rõ mồn một tiếng cưa máy của “lâm tặc” gầm rú, chỉ trong tích tắc lại có âm thanh răng rắc, tiếng cây bị đốn hạ, cành lá va vào nhau lạo xạo.

Xã hội - 'Lâm tặc' ngày đêm phá nát rừng Krông Bông, chính quyền không biết? (Hình 2).

 Gỗ loại dùng làm sập nằm chồng chất trên nền đất.

Một điều khiến chúng tôi cảm thấy khó hiểu là tại sao “lâm tặc” lại hiên ngang, mạnh bạo đốn hạ gỗ giữa ban ngày như rừng “của nhà mình”?. Hơn thế nữa, những bãi tập kết gỗ tại đây nằm cách con đường mòn tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng chỉ vài chục mét, tiếng cưa gầm thét, dồn dập… liên tục trong thời gian dài nhưng lực lượng bảo vệ rừng lại không hề hay biết.

10h sáng cùng ngày, tiến vào sâu hơn, chúng tôi lại càng cảm nhận rõ được tiếng cưa máy gầm thét, tiếng cây đổ lao xao.

Sau khi tiếp tục đi được hơn 20 phút, chúng tôi có dịp đối mặt với đám “lâm tặc” đang oanh tạc tại khu rừng. Từ xa, theo quan sát của chúng tôi, phía sườn đồi, đám "lâm tặc" đang cặm cụi đốn hạ gỗ rừng. Phía trên con đường mòn, một tốp người đang hì hục chằng buộc dây vào thân gỗ, dùng sức kéo trâu tời gỗ lên vận chuyển ra khỏi rừng.

Khi chúng tôi chuẩn bị thiết bị ghi lại hình ảnh, bất thình lình chỗ ẩn nấp bị phát hiện, một tên trong đám “lấm tặc” đưa ánh mắt dò xét về phía chúng tôi. Ngay lúc này, hai người chúng tôi kịp hiểu chuyện, chỉ đưa mắt nhìn nhau rồi cả hai cùng quay đầu chạy thục mạng về phía rẫy mỳ dưới chân núi.

Xã hội - 'Lâm tặc' ngày đêm phá nát rừng Krông Bông, chính quyền không biết? (Hình 3).

 Gỗ dư thừa mà "lâm tặc" vứt bỏ.

11h cùng ngày, sau khi biết đã an toàn, chúng tôi liên lạc với lực lượng bảo vệ rừng đóng trên địa bàn để phán ánh sự việc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc vườn Quốc gia Chư Yang Sin cảm ơn những thông tin mà PV phản ánh đã giúp đơn vị nắm được thực trạng đang diễn ra. Căn cứ những hình ảnh, clip mà PV cung cấp, ông Nghĩa phân trần: “Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh thì khó phát hiện được là khu vực rừng bị phá thuộc quyền quản lý của đơn vị nào. Do đó, tôi sẽ khẩn trương cho anh em đi kiểm tra, sau khi có kết quả khu bị phá thuộc khu vực nào, đơn vị nào có trách nhiệm quản lý chính sẽ thông báo lại với PV”.

Cũng trao đổi với PV, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc công ty TNHH-MTV Lâm Nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk nói: “Căn cứ vào hình ảnh và clip, thật sự khó nói khu vực rừng bị phá là ở lâm phần nào, đơn vị nào quản lý”. Dứt lời, ông Tuấn cầm điện thoại chỉ đạo cán bộ cấp dưới khẩn trương vào rừng xác minh địa điểm khu vực rừng bị phá.

Ngoài ra, ông Y Te, Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm Krông Bông cũng cho biết sẽ cử cán bộ lên rừng xác minh địa điểm, có kết quả sẽ thông tin với PV. 

Hồ Nam