Người chiến sĩ kể chuyện đào gần 300 hầm bí mật

Người chiến sĩ kể chuyện đào gần 300 hầm bí mật

Chủ nhật, 12/05/2013 | 16:29
0
Được giao nhiệm vụ thiêng liêng, suốt 26 năm, ông đã đào gần 300 hầm bí mật cho cán bộ và người dân trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc

Nhiệm vụ thiêng liêng

Người chúng tôi muốn nhắc đến là ông Lê Tấn Hưng (tên thường gọi là Ba Đại, ngụ xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Ở tuổi 91, ông Hưng còn khá minh mẫn khi nhớ lại thời gian ông làm công việc đào hầm bí mật: "Được giao nhiệm vụ bảo đảm sự an toàn cho cán bộ, tôi nghiên cứu và đào nhiều hầm với kích cỡ khác nhau. Để bảo đảm có đủ hầm cho cán bộ trú ẩn khi địch càn qua, tôi và một đồng chí nữa phải làm việc hết công suất. Và để đảm tuyệt mật, khi mọi người đi ngủ, cũng là lúc tôi bắt đầu công việc của mình. Trong 26 năm trung thành với nhiệm vụ, chưa một căn hầm nào bị lộ. Những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thời điểm đó luôn thấy sự an toàn khi trú trong những căn hầm rất bí mật".

Xã hội - Người chiến sĩ kể chuyện đào gần 300 hầm bí mật

Cái hầm làm bằng lu nước, chứng tích còn lưu lại từ thời kháng chiến (Ảnh: C.Thư)

Trong dòng hồi tưởng, ông Hưng tâm sự: “Miền Nam trong những năm 1945-1946 rất rối ren, quân Pháp cùng tay sai, cường hào ác bá ỷ thế bóc lột dân cày, nhân dân điêu đứng lầm than, nơi đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than. Không đành lòng để người dân bị giày xéo, tôi quyết định tham gia kháng chiến, làm tiểu đội trưởng dẫn đầu đội cảm tử quân cùng nhân dân cả nước đánh giặc. Chiến công đầu tiên mà tôi cùng các đồng đội có được là đánh tan đồn bót Cầu Kè của lũ tay sai thực dân. Khi phong trào kháng chiến bùng nổ ở Nam Bộ, tôi được cử về căn cứ và chính thức thành người đào hầm từ dạo ấy. Đó là một công việc cực nhọc, nhưng cũng phải mưu trí và kiên cường mới làm được…".

Dù tuổi đã cao nhưng khi được hỏi đến, ông vẫn còn nhớ khá chi tiết địa chỉ và đặc điểm của từng hầm. Ông Hưng kể: "Tôi đào cái hầm đầu tiên tại nhà ông Bảy Bộn ở Tích Phúc vào năm 1946. Hầm bí mật cũng được phân ra nhiều cấp độ khác nhau, mỗi hầm lớn có thể ở được sáu người, hầm nhỏ ở được hai người. Hầm của ai, người đó ở, người này không biết của người kia, dù cán bộ đã rời khỏi địa bàn rồi thì cũng không được để cho những đồng chí còn lại biết. Tôi đã đào hầm ở nhiều căn cứ khác nhau như: Căn cứ Tích Thiện, Hòa Bình, Thuận Thới (thuộc huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), căn cứ Kế Sách (Sóc Trăng), căn cứ Phụng Hiệp (Hậu Giang)…".

Mang trọng trách giữ bí mật và an toàn cho cán bộ, dù đào mấy trăm hầm nhưng chưa một lần ông trú ẩn dưới đó. Ông không thể yên tâm trú ẩn khi nhiều người còn có thể gặp nguy hiểm trên kia. Sứ mệnh đó đã vận vào số phận ông. Hỏi ông Hưng làm cách nào mà đào hàng trăm hầm nhưng chưa cái nào bị phát hiện, kể cả người dân cũng không mấy ai biết ông đào hầm ở đâu, ông tự hào: "Khi một cái hầm được hoàn thành, có chỗ trú ẩn cho cán bộ, tôi thấy sướng lắm. Thế nên, tôi càng đào càng hăng hái, bất chấp đêm khuya trời rét, một mình lủi thủi làm việc với cây đèn tù mù. Để hầm không bị lộ, phải có tuyệt kỹ chứ! Sau khi đào hầm, tôi lại bứng những gốc cây hay thậm chí là cả bụi tre đặt lên miệng hầm để địch không thể ngồi lên hay đi bậy trên nắp hầm".

Sau khi đào xong phải kiểm tra kỹ coi có cái nào có dấu hiệu bị phát hiện không, nếu có phải sửa liền trước khi cho cán bộ xuống trú ẩn. Điểm đặc biệt nữa là chọn những chỗ có nhiều lá rụng để đào hầm, vì khi mình đào xong, lấy lá lấp lại thì không bao giờ bị phát hiện cả. Chính vì thế, dù có được chỉ cho nơi có hầm cũng không thể kiếm được miệng hầm. Ông Hưng nhớ lại: "Cái hầm cuối cùng tôi đào là vào tháng 5/1972, khi đó tôi được yêu cầu phải đào một hầm đặc biệt cho cán bộ cấp cao trú ẩn. Để tránh nước tràn vào hầm, tôi đào và chôn một lu nước loại lớn xuống, thế là thành cái hầm đặc biệt. Sau đó, do bị thương ở tay, sức khỏe ngày càng yếu, không thể đáp ứng được công việc nên tôi xin ở lại xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) làm công tác dân vận cho đến ngày đất nước giải phóng hoàn toàn”.

Xã hội - Người chiến sĩ kể chuyện đào gần 300 hầm bí mật (Hình 2).

Ông Lê Tấn Hưng còn rất minh mẫn khi trò chuyện với phóng viên

Ngày về bình yên

Với những chiến công thầm lặng, vào tháng 1/1947, ông Lê Tấn Hưng được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tình đến nay, ông đã có 66 năm tuổi Đảng, trở về sống bình yên với người vợ tảo tần và con cháu. Ông Hưng kể rằng: "Những ngày còn hoạt động trong căn cứ, sống cùng những người cùng chí hướng, dù gian nan, thiếu thốn nhưng vui. Bởi thế, tôi đặt tất cả tâm huyết vào những cái hầm do mình đào, tôi cưng những người dưới hầm như chính con đẻ. Nếu một cái hầm không may bị phát hiện, một người bị địch bắt thì không biết tôi sẽ ân hận đến bao giờ. Tôi đào nhiều hầm ở cách xa nhau và luôn tính đến phương án xấu nhất, nếu  giặc biết thì tùy vào tình hình mà các hầm còn lại sẽ trồi lên phản công, tiêu diệt địch để bảo đảm bí mật cho căn cứ”.

"Mấy chục năm làm công việc đặc biệt, với biết bao kỷ niệm buồn vui mà tôi sẽ không bao giờ quên. Nhiều người đã nằm xuống để chúng tôi được sống, nhiều đêm nằm ngẫm lại, thấy mình thật may mắn khi sống đến bây giờ, lại còn có vợ và rất đông con cháu. Người mà tôi luôn thầm cảm ơn đó là người vợ của tôi, bà ấy đã cùng đồng cam cộng khổ, đứng với tôi trên cùng một chiến tuyến cho đến ngày này. Tôi không gọi những việc tôi làm trong kháng chiến là những chiến công, tôi coi đó là nhiệm vụ, mà một người dân đang bị mất nước phải làm. Được tham gia kháng chiến là một niềm vui, niềm tự hào, đến ngần này tuổi đầu tôi đã không còn nuối tiếc với điều gì, nhìn mọi người tự do vui đùa, tự do làm công việc mình mong muốn, tôi thấy lòng mình thật thanh thản”, ông Hưng tâm sự.

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, ông Hưng trở về với cuộc sống thường nhật trong căn nhà cấp bốn với cháu con, chẳng cần bon chen với sự đời, cũng không yêu cầu được Nhà nước phong tặng danh hiệu này nọ, bởi với ông, được góp phần vào việc đánh giặc, giải phóng đất nước là ông hạnh phúc lắm rồi. Cứ mỗi chiều mát mẻ, ông lại ra trước quán bán nước giải khát của con trai ông, nhìn qua ngôi trường cấp 1 dối diện mà thấy lòng vui vui. Ông bảo: "Gần như cả cuộc đời sống trong lửa đạn chiến tranh, không biết mình sống chết thế nào nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí cấp cao của Nhà nước trong thời điểm chiến tranh và cả sau này cũng đã từng trú dưới những hầm do tôi đào. Chẳng có niềm hạnh phúc nào hơn khi được sống dưới trời tự do, thở không khí hòa bình, và đặc biệt là được làm chủ trên mảnh đất mà đồng bào mình đã hi sinh bao xương máu mới giành lại được”.        

Ông Hưng là tấm gương sáng cho đời sau

Đại diện lãnh đạo xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, gia đình ông Lê Tấn Hưng có truyền thống cách mạng, một lòng trung với đất nước, là tấm gương sáng cho nhiều gia đình và những người đời sau noi theo. Hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, ông về sống bình dị trong căn nhà cấp bốn, hưởng trợ cấp thương binh bậc 4/4. Bốn người con của ông tiếp nối truyền thống của cha mẹ, đều là cán bộ gương mẫu ở địa phương, góp công sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.  

Công Thư

Những bức ảnh giành giải Pulitzer về chiến tranh Việt Nam

Thứ 4, 01/05/2013 | 15:59
Trong các năm 1965 - 1974, chủ đề chiến tranh Việt Nam đã "thống trị" các giải thưởng nhiếp ảnh Pulitzer danh giá.

Nhìn lại cuộc chiến tranh ngắn nhất trong lịch sử loài người

Thứ 7, 13/04/2013 | 14:10
Đế chế Anh và vương quốc Hồi giáo Zanzibar đã cùng nhau lập lên một kỷ lục thế giới khi tiến hành cuộc chiến ngắn ngủi nhất trong lịch sử chiến tranh, chỉ kéo dài 40 phút.

Hình ảnh hiếm về chiến tranh ở Việt Nam

Thứ 7, 06/04/2013 | 15:53
Một cựu binh Mỹ cất hết các bức ảnh về thời đau thương trên chiến trường nay quyết định công bố để thế giới nhìn rõ hơn hình ảnh cuộc chiến ác liệt tại Việt Nam.

Hành trình xuyên rừng đi tìm kỷ vật chiến tranh

Thứ 6, 15/02/2013 | 17:01
Suốt 10 năm nay, ông Đỗ Lê Hồng (thị trấn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã lặn lội đi khắp các tỉnh phía Bắc để sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, các vật dụng gắn liền với người dân Việt Nam thế kỷ 20 và cả những món đồ cổ thời nguyên thủy. Dù điều kiện kinh tế khó khăn, ông đã dành dụm và làm riêng một căn nhà sàn để trưng bày những món đồ quý báu này. Nhiều người nói ông khùng, nói ông rỗi việc. Tuy nhiên, nói chuyện với lão nông này, chúng tôi mới biết được cái ý nghĩa sâu xa của việc làm ấy. Ông muốn tri ân những đồng đội của mình đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước.