Làng buôn kính vụn kiếm tiền tỷ

Làng buôn kính vụn kiếm tiền tỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Khoảng gần hai chục năm trở lại đây, nghề buôn kính vụn đã giúp nhiều hộ dân ở làng Ngô Xá (xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) trở nên khá giả, nhưng cũng tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Sống chung với... kính vụn

Có mặt tại làng Ngô Xá khi công việc của một ngày mới bắt đầu, đập vào mắt chúng tôi là bao la... kính vụn. Những chiếc xe tải chất đầy kính nối đuôi nhau đi trên đường, hàng nghìn bao tải kính chất chồng lên nhau cao quá nóc nhà cấp bốn được dựng thành "tường lũy". Ngay bên vệ đường, người dân thản nhiên làm công việc phân loại kính, mặc cho những mảnh thủy tinh bắn tung tóe khắp lòng đường. Đường vào làng Ngô Xá đã xuống cấp vì những ổ trâu, ổ gà, lại thêm những mảnh kính vỡ vụn càng khiến cho các phương tiện lưu thông trên đường gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Sông Lam (trưởng thôn Ngô Xá) cho biết: "Hiện tại, thôn Ngô Xá có hơn 500 hộ thì có chừng hơn 300 hộ làm nghề liên quan đến kính, nhưng chủ yếu vẫn là thu mua kính vụn. Từ khi nghề thu mua kính vụn du nhập vào làng, khoảng hai chục năm nay, đời sống người dân khấm khá hẳn lên".

Chất đầy xe tải kính vụn chuẩn bị chở xuống nhà máy kính, ông Nguyễn Văn Thuật, người có thâm niên buôn kính vụn gần 20 năm, chia sẻ: "Chúng tôi là những người khởi nghiệp đầu tiên ở làng Ngô Xá, nghề kính vụn có thể rất nguy hiểm do hay gặp phải tai nạn nghề nghiệp nhưng lại cho thu nhập rất cao. Tôi xây được nhà lầu và mua được xe tải cũng là nhờ nghề thu mua kính vụn đấy!"...

Xã hội - Làng buôn kính vụn kiếm tiền tỷ

Kính vụn chất đầy lòng đường xã Long Châu gây nguy hiểm cho người đi đường.

Hiểm họa khôn lường

Tình trạng biến lòng đường thành bãi chứa kính vụn, đồng thời thản nhiên phân loại đập kính vỡ tung tóe khắp lòng đường nhiều năm nay khiến rất nhiều hộ dân sinh sống tại Ngô Xá bức xúc. "Người lớn đi lại trên đường với những mảnh thủy tinh bắn tung tóe đã khó khăn, gia đình tôi lại có hai cháu nhỏ đang theo học cấp 1 và mẫu giáo, tôi rất lo sợ các cháu nếu giẫm chân phải mảnh thủy tinh thì nguy hiểm lắm!", chị Nguyễn Thị Hiền, một người dân địa phương, chia sẻ.

Trước khi chở đi bán cho các nhà máy kính, để được trả giá cao, kính vụn phải được phân loại và làm sạch. Sau khi phân loại, kính phải được làm sạch bằng nước, hóa chất, tùy theo độ bẩn. Hai loại hóa chất thường được người dân Ngô Xá dùng để làm sạch kính là axit sulfuric dạng nước (H2SO4), sodium hydroxide dạng bột (NaOH).

Anh Nguyễn Hoàng Bộ, người có gần 10 năm thu mua kính vụn cho biết: "Chất tẩy rửa kính có nhiều loại. Nếu tẩy kính bằng axit sulfuric thì ngâm khoảng 10 phút rồi ủ từ 37 ngày, sau đó rửa sạch bằng nước. Còn nếu tẩy kính bằng sodium hydroxide thì ngâm 57 phút, sau đó ủ 10 ngày, rồi rửa bằng nước sạch, đảm bảo kính trắng toát". Anh Bộ tiết lộ thêm, gia đình anh chỉ phân loại kính, còn công đoạn tẩy trắng thì thuê công nhân làm, vì tiếp xúc với hóa chất rất ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tìm hiểu về nguồn gốc của hóa chất, chúng tôi được một số chủ tiệm thu mua kính vụn cho biết, hóa chất có thể mua rất dễ ở Hà Nội, còn nếu tiện chuyến xe lên Việt Trì (Phú Thọ) thì "ôm hàng" cất trong kho để dùng cả năm. Giá một can axit sulfuric 20 lít khoảng hơn 1 triệu đồng, sodium hydroxide giá khoảng 25.000 đồng/kg.

Trong vai mấy sinh viên ngành hóa đi thực tế, chúng tôi tiếp cận một xưởng sơ chế kính vụn ngay đầu làng Ngô Xá, khi công nhân đang thực hiện công đoạn làm sạch kính bằng hóa chất. Trong xưởng, người phụ nữ trên 60 tuổi tên Tình không sử dụng găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với hóa chất. Bà xúc ba xẻng sodium hydroxide đổ vào chậu nhựa chứa hơn chục lít nước, khuấy đều rồi xả trực tiếp vào kính vụn. Nguồn nước chứa hóa chất được xả thẳng xuống kênh thoát nước của làng.

Bà Tình cho biết: "Hóa chất này rất nguy hiểm, nếu không biết làm thì sẽ bị bỏng như chơi, đặc biệt khi đã thả NaOH vào nước khi bọt xục lên tuyệt đối không được sờ tay vào". Công nhân tiếp xúc với hóa chất như bà mỗi ngày được trả 150.000 đồng, còn công nhân phân loại, đập kính chỉ được trả 80.000 đồng/ngày.

Tiếp tục thâm nhập một xưởng sơ chế kính vụn khác nằm giữa làng, đập vào mắt PV là cảnh hai nữ công nhân mặt mũi bịt kín mít đang xả nước rửa kính. Nước có màu xanh lè từ trong sân nhà ào ào chảy ra ngõ xóm.

"Chúng tôi chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này"

Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch UBND xã Long Châu thừa nhận: "Việc người dân sử dụng hóa chất trong khâu tẩy rửa kính, chúng tôi đã nắm bắt được, nhưng chính quyền cũng khó có thể can thiệp vào hoạt động sản xuất của người dân, do lợi nhuận từ nghề thu mua kính vụn rất cao. Thông qua hệ thống đài truyền thanh địa phương, chính quyền vẫn thường xuyên tuyên truyền về sự độc hại của hóa chất khi xả thải trực tiếp ra môi trường nhưng chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này...".

Kiều Tuyết