Làng chè cổ độc nhất ở Thủ Đô với những 'cụ' chè trăm năm tuổi

Làng chè cổ độc nhất ở Thủ Đô với những 'cụ' chè trăm năm tuổi

Thứ 6, 06/01/2017 | 22:54
0
Thôn Giếng Cốc, xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) được mệnh danh là làng chè cổ trăm năm tuổi độc nhất ở Thủ Đô bởi còn gìn giữ được nhiều gốc chè cổ lên đến vài trăm tuổi.

 “Cụ chè bảo bối” 200 năm tuổi

Lâu nay, người dân Giếng Cốc, xã Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn có niềm tự hào riêng khi đây là vùng đất hiếm hoi “bảo tồn” được hàng chục “cụ chè” cổ với tuổi đời cả trăm năm. Trong số này, “cụ” lớn tuổi nhất, có giá trị nhất là của ông Phùng Văn Lộc ở thôn 5 Giếng Cốc, xã Hạ Bằng.

Người dân nơi đây thường gọi những cây chè cổ là cụ chè bảo bối. Giải thích về tên gọi này, ông Lộc cho biết, các cây chè đều được truyền từ đời này sang đời khác, người dân quý chè hơn quý vàng mà mỗi nhà chỉ có một cây nên được coi như bảo bối trong nhà.

Xã hội - Làng chè cổ độc nhất ở Thủ Đô với những 'cụ' chè trăm năm tuổi

 Cụ chè bảo bối 200 năm tuổi.

Rót chén chè tươi mời chúng tôi, ông Lộc cho biết, những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, hầu hết các gia đình ở Hạ Bằng đều trồng chè nên ngoài tên gọi Giếng Cốc, thôn còn có tên gọi khác là đồi chè hoặc đồi Cốc. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế không cao nên người dân đã chặt bỏ và khai phá trồng bưởi, mỗi nhà chỉ để lại 1 – 2 cây lấy lá uống nước. Nhà ông Lộc cũng chỉ còn 1 cây mà cả nhà hay gọi là “cụ chè”.

Cụ chè là một trong những thế hệ chè đầu tiên của thôn Giếng Cốc, có tuổi đời lâu nhất. Ông Lộc không rõ cụ chè có từ bao giờ. Ông chỉ nhớ, cụ chè có trước khi ông nội ông sinh ra, cách đây khoảng 200 năm. Tính đến nay, cụ chè đã gắn bó với năm đời nhà ông Lộc và trở thành một phần không thể thiếu của gia đình.

Cây chè cổ thụ với chiều cao 5-7 mét còn cao hơn ngôi nhà một tầng. Dáng cây chè thẳng đứng; cành lá sum xuê; gốc cây có đường kính 30cm, mốc rêu phong. Theo lời ông Lộc, những cây chè có tuổi thọ 60-70 năm thì khá nhiều, còn những cụ chè cổ có tuổi đời lên đến hàng 100 năm còn khoảng vài chục cây.

Xã hội - Làng chè cổ độc nhất ở Thủ Đô với những 'cụ' chè trăm năm tuổi (Hình 2).

 Nước chè xanh rất tốt cho sức khoẻ.

“Ngày nào tôi cũng phải uống 2 – 3 ấm. Thuở các cụ trong làng hầu hết đều nghiện chè, tôi mới chỉ mới 6 - 7 tuổi cũng tập tành uống nước trà xanh. Một vị đắng ở khé họng mà tôi chẳng thể quên, để đến bây giờ đi đâu không có lá chè xanh hãm nước giếng đá ong Giếng Cốc là tôi lại nhớ”, ông Lộc nói.

Tỏ ra là một người sành sỏi trong thưởng thức chè, bà nói rõ hơn: Lá chè chỉ được dùng một nước mới ngon, uống vào miệng cảm thấy chát nhưng uống xong đọng lại có vị ngòn ngọt và thanh mát ở đầu lưỡi.

“Ngày trước thời còn trẻ, cứ mỗi lần đi làm ruộng về, trong người cảm thấy mệt mỏi tôi lại vào nhà làm một cốc nước chè xanh pha kèm chút đường là người lại tỉnh táo ngay lập tức, cảm giác như vừa lấy lại được sức khỏe sau một ngày làm việc vất vả”, bà Kỷ chia sẻ.

Tiền tỷ cũng không bán “cụ chè bảo bối”

Nếu nói đến chè 60-70 năm tuổi thì vườn nhà ông Lộc có khoảng gần 100 cây. Còn nói đến cụ chè thì chỉ còn 2 cây duy nhất. Lá của hai cây này đem đi hãm nước uống có vị thơm ngon nổi tiếng trong làng.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kỷ (vợ ông Lộc) cho hay: “Lá "cụ chè" pha nước giếng đá ong không đâu sánh bằng. Thế nhưng, để có một ấm chè tươi ngon thì phải có bí quyết”.

Theo đó, khi chọn lá pha trà, phải chọn lá già, màu xanh đen, bẻ thử nghe thấy tiếng kêu tách là được. Nếu chọn lá chè non, nước sẽ đắng chát. Để nước chè không thiu, lá chè phải đem rửa sạch cho hết bụi bẩn, sâu và kiến. Hơn nữa, sau khi hái lá cần phải hãm ngay bởi nếu để lá héo nước chè sẽ đỏ và uống không ngon.

Xã hội - Làng chè cổ độc nhất ở Thủ Đô với những 'cụ' chè trăm năm tuổi (Hình 3).

 Ông Phùng Văn Lộc bên "cụ chè bảo bối" 200 tuổi của mình.

Nhiều vị khách quý đến chơi nhà ngỏ ý hỏi mua nhưng ông Lộc đều lắc đầu, chỉ hái lá biếu. Cụ chè giờ đã già yếu hơn trước nên cho lá không nhiều, chỉ đủ để gia đình ông dùng hàng ngày.

Theo chia sẻ của ông Lộc, những cây chè 60-70 năm tuổi được con ông đánh gốc bán cho người giàu ở Hà Nội với giá 1 triệu đồng/cây. Thế nhưng riêng hai cụ chè kia thì gia đình giữ lại, nhất quyết không bán.

“Có người hỏi mua rồi bảo đem máy móc đến đánh gốc cây đi nhưng tôi nhất quyết không bán, kể cả họ có trả tiền tỷ. Với chúng tôi, cụ chè là báu vật, là thành viên không thể thiếu của gia đình”, ông Lộc tâm sự.

Phùng Chiến