Làng nghề 'hạ độc' môi trường

Làng nghề 'hạ độc' môi trường

Thứ 6, 21/06/2013 | 09:10
0
Đến bất cứ làng nghề nào ở Bắc Ninh cũng có thể bắt gặp cảnh ô nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Dù công việc sản xuất kinh doanh khá hiệu quả, thu lãi lớn nhưng rất ít cơ sở chịu đầu tư công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Đất, nước, không khí đều bị “đầu độc”

Chúng tôi tìm đến làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Vân Môn (huyện Yên Phong). Mới đến đầu làng, chúng tôi đã thấy khó thở vì một mùi vị nồng nặc, hăng hắc từ các lò phế liệu đang hoạt động. Quanh đường làng, đâu đâu cũng thấy những bãi xỉ chất đống, bốc mùi khó chịu. Thế nhưng, khi nghe chúng tôi phàn nàn về mùi khó chịu, một người dân ở đây nói: “Các anh chị mới về không quen nên không ngửi được mùi này chứ chúng tôi ngửi thường xuyên, thấy có sao đâu”. Chúng tôi thắc mắc: “Chị làm việc không đeo khẩu trang mà không đau đầu à?”. Chị này trả lời: “Làm việc có của ăn của để nên phải cố gắng thôi”.

Việt Nam Xanh - Làng nghề 'hạ độc' môi trường

Ông Mẫn Văn Tán, trưởng thôn Mẫn Xá cho biết, thôn trước kia chuyên làm nghề đúc xoong, chậu.... Xã hội phát triển, đồ inox, đồ nhựa ra đời khiến các sản phẩm bằng nhôm không còn chỗ đứng trên thị trường nên các hộ chuyển sang tái chế nhôm phế liệu thành phôi nhôm rồi xuất ra thị trường. Mẫn Xá có 637 hộ (3.100 khẩu) thì có đến hơn 300 hộ làm nghề đúc nhôm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động.

Ông Tán ngậm ngùi, cùng với việc làm giàu thì cả làng đang gánh chịu hậu quả ô nhiễm. Mỗi tháng, lượng xỉ thải ra tương đương hàng chục tấn. Xỉ bị vứt bừa bãi trên mép ruộng, rìa ao; bãi rác thải sinh hoạt được quy hoạch nhưng giờ không còn chỗ đổ vì đã có hàng ngàn bao tải xỉ thải chiếm chỗ. Ao làng cũng dần bị lấp đầy bởi xỉ. Cứ 1kg phế liệu thì được 3 lạng nhôm, 7 lạng xỉ còn lại người ta đem ra ao bòn đãi tiếp, vì vậy tất cả ao, hồ trong làng đều đặc quánh một màu đen. Mặc dù Mẫn Xá có 127 mẫu ruộng nhưng nghề nấu nhôm đã “bức tử” cánh đồng, không thể canh tác được nữa. Theo ông Tán, quá trình đúc nhôm sinh ra rất nhiều bụi bẩn, khi gặp nước thì sủi bọt và có mùi rất khai. Những ruộng ngấm nước thải, lúa không trổ bông được hoặc toàn hạt lép. Nhiều mảnh ruộng nằm sát bãi đổ xỉ, ô nhiễm nặng quá, không canh tác được, người dân đành bỏ hoang. Ngay cả những cây xà cừ, bạch đàn bên đường cũng héo úa rồi chết dần, chết mòn.

Chúng tôi tìm vào một nhà có đống vỏ lon chất kín một khoảng sân rộng và lò cũng đang đỏ lửa. Công nhân đang múc từng gáo nhôm nung chảy trong lò đổ vào khuôn. Anh Nguyễn Văn Huân, thợ chuyên nấu phôi nhôm cho biết: “Ngày công tuy cao, 500.000 - 600.000 đồng/người, nhưng luôn rình rập nguy hiểm. Công việc phải tiếp xúc với lò lửa ở nhiệt độ cao, lại không có bảo hộ lao động nên da dẻ cháy sạm, rất tổn hại cho sức khỏe”.

 Việt Nam Xanh - Làng nghề 'hạ độc' môi trường (Hình 2).

Người dân phải sống chung với cảnh ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Đức Phúc, chủ tịch UBND xã Văn Môn, trong tái chế nhôm, công đoạn ô nhiễm nhất là nấu nhôm. Nguyên liệu được dùng chủ yếu là phế liệu nhôm có nguồn gốc từ vỏ lon, phôi nhôm từ các động cơ chứa đầy dầu mỡ, khung nhôm, xoong nồi nhôm... Trong quá trình nấu, các chất dầu mỡ bám trên phôi nhôm, lớp sơn bên ngoài các lon nước ngọt khiến khí thải bốc mù mịt và đen kịt. Chịu hậu quả nhiều nhất là người làm thuê, trực tiếp tiếp xúc cả ngày trong lò với những khối quặng và chất thải.

Cần chế tài đủ mạnh

Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong đó có những sản phẩm nổi tiếng như gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, sắt thép (Đa Hội, Châu Khê), giấy (Phong Khê, Phú Lâm), rượu (Tam Đa, Đại Lâm), tái chế nhôm (Văn Môn)... Ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Ninh thừa nhận, giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề là vấn đề rất nan giải do chính quyền địa phương thiếu chế tài xử phạt hành vi gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất. Kết quả khảo sát điều tra chất lượng môi trường tại các làng nghề Bắc Ninh do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện thấy, tất cả các mẫu nước mặt, nước ngầm, môi trường không khí tại đây đều có dấu hiệu ô nhiễm với mức độ khác nhau. Làng tái chế giấy Phong Khê (TP. Bắc Ninh) hàng ngày thải ra môi trường khoảng 4.500-5.000m3 nước thải chứa lượng độc tố cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép như hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn 4,5-11 lần, hàm lượng COD cao hơn từ 8-500 lần, hàm lượng Pb cao hơn 5,5 lần. Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn) cũng bị ô nhiễm nặng do nồng độ bụi, khí thải, tiếng ồn và nhiệt độ cao từ các xưởng sản xuất và các hoạt động vận tải.

Con sông Ngũ Huyện Khê với 24km chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đang từng ngày, từng giờ bị “bức tử” khi có tới 5 làng nghề (sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, tái chế sắt Đa Hội, sản xuất thép Châu Khê, tái chế giấy Phú Lâm và tái chế giấy Phong Khê) thường xuyên đổ các chất thải rắn và nước thải độc hại trực tiếp xuống sông và hai bên bờ sông. Khoảng 60-70% dân cư hai bên sông mắc các bệnh thần kinh, ngoài da, đường hô hấp, khô mắt, điếc và cả bệnh ung thư đe dọa tính mạng.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Bắc Ninh đã xây dựng quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó bao gồm nhiều biện pháp “mạnh tay” như cắt điện, ngừng cấp vốn vay đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tại một số làng nghề, vấn đề bảo vệ môi trường đã được đề cập đến trong hương ước, quy ước làng nghề. Thế nhưng, do ý thức của các hộ sản xuất còn kém, hầu hết các hộ chỉ chú trọng sản xuất mà không quan tâm đầu tư cho việc xử lý chất thải, cải thiện môi trường của cơ sở sản xuất. Ô nhiễm môi trường các làng nghề ở Bắc Ninh vẫn là bài toán chưa có đáp số vì các giải pháp đưa ra chưa có tính khả thi. Do đó, nếu không có chế tài đủ mạnh, hầu như sẽ rất khó làm cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nơi đây nghiêm chỉnh áp dụng biện pháp xử lý chất thải như các cơ quan chức năng đã đề xuất.

Theo Kinh tế nông thôn

Bức xúc môi trường làng nghề

Thứ 7, 18/05/2013 | 11:21
Có thể nói người dân trong các làng nghề hiện nay vừa là “thủ phạm” đồng thời cũng là “nạn nhân” của ô nhiễm môi trường. Tình trạng này đã và đang trở nên bức xúc hơn bao giờ hết…

Xử lý ô nhiễm ở làng nghề Đông Mẫu: Vẫn trên giấy

Thứ 5, 23/05/2013 | 08:56
Nhiều năm nay, thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) trở thành làng nghề tái chế nhựa nổi tiếng, mỗi năm có khoảng 60.000 tấn nhựa phế thải từ khắp nơi được đưa về đây. Nghề “băm nhựa” đem lại việc làm cho khoảng 1.000 lao động, giúp gần 200 hộ phất lên nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sống.

Sớm đưa làng nghề Mẫn Xá vào cụm công nghiệp

Thứ 5, 16/05/2013 | 14:32
Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề cô đúc, tái chế nhôm truyền thống. Nghề này đã giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

‘Có ai ở Việt Nam lắng nghe tiếng nói chúng tôi?’

Thứ 7, 11/05/2013 | 21:08
“Liệu rằng có ai đó ở Việt Nam lắng nghe tiếng nói của chúng tôi, tiếng nói về các nhà đầu tư, có ngôi làng đã phải dịch chuyển về phía nam gây tác động rất lớn tới người dân?".

Làng nghề Hưng Yên ngập trong ô nhiễm rác thải

Thứ 3, 07/05/2013 | 13:53
Ông Lê Đức Lành, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, trên toàn tỉnh hiện có 85 làng nghề, trong đó có 35 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.