Làng tranh thêu nức tiếng đất Bắc

Làng tranh thêu nức tiếng đất Bắc

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:17
0
Chúng tôi tìm đến cửa hàng tranh thêu của anh Lê Văn Hưng ở cuối con đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông vào một ngày cuối năm. Lúc chúng tôi đến, anh đang loay hoay sắp xếp lại những bức tranh mới chuyển từ dưới quê lên.
Trong không gian rực rỡ sắc màu của những bức tranh thêu Quất Động, anh nhiệt tình giới thiệu từng bức tranh với nhiều phong cách và thể loại khác nhau với phóng viên. Dáng điệu và cử chỉ khi nói chuyện của anh dễ cuốn hút người nghe, bởi anh đã gửi vào trong từng lời nói niềm say mê vô bờ bến. Cũng dễ hiểu, bởi ngay từ những năm tháng tuổi thơ, anh đã gắn bó với loại tranh thêu truyền thống này.

Lê Văn Hưng sinh ra ở thôn Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) nhưng đất tổ làng nghề vốn ở Quất Động. Nhắc đến địa danh này,  nhiều người không xa lạ với những bức tranh thêu đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện. Thời kỳ còn huy hoàng của nghề thêu, đối với mỗi người dân làng Quất Động, nghề thêu chính là tất cả cuộc sống của họ. Anh Hưng được truyền nghề từ người cha và theo nghề từ năm lên 8. Anh tâm sự do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền để đóng học phí nên học hết lớp 5 anh phải nghỉ ở nhà để đỡ đần bố mẹ. Được thụ hưởng niềm say mê với tranh thêu từ gia đình, anh cũng tập tành bắt tay vào nghề. Đến năm 21 tuổi, anh quyết định khăn gói vào thủ đô để làm thêu thuê nhằm tích luỹ thêm kinh nghiệm và bổ sung thêm kỹ thuật mới. Anh hồi tưởng lại: "Tôi mở xưởng tranh thêu ở gia đình từ năm 2004 qua sự giúp đỡ của bạn bè. Tranh làm ra tôi đi đổ cho các tỉnh nhưng không bán được giá. Họ thường mua đại trà, giá bán tranh không ổn định. Những ngày lễ, tết tranh sẽ bán được giá hơn, còn ra giêng hay ngày thường sản phẩm bị xuống giá. Giá giảm thì tôi lại phải rút thợ vì không gánh được các khoản chi phí".

Lạ & Cười - Làng tranh thêu nức tiếng đất Bắc
Nghệ nhân trẻ Lê Văn Hưng đang say sưa giới thiệu về dòng tranh thêu Quất Động

Khác với dòng tranh XQ của Trung Quốc, tranh thêu Quất Động có nét độc đáo rất riêng. Sớm tiếp xúc với nghề nên anh Hưng đã nắm bắt được sự mềm mại và sống động của dòng tranh mình theo đuổi từ cách lựa chọn vải thêu, cách pha chế tạo màu sắc riêng của chỉ thêu cho đến cách làm khung đạt hiệu quả. Khi ngắm những bức tranh được tạo nên từ từng đường kim mũi chỉ của người thợ, người ta có cảm giác sống động như ngoài đời thật, anh Hưng chia sẻ: "Để lại ấn tượng cho mọi người với mỗi bức tranh thêu bằng chất lượng tốt và giá trị thẩm mĩ riêng là mục tiêu mà tôi hướng đến. Người học thêu tranh không phải chỉ làm theo như một cái máy mà phải có kiến thức nhất định về văn hoá, đời sống để  tạo nên những bức tranh có cá tính riêng.

Yêu và sống chết với nghề

Theo anh Hưng, thôn Bình Lăng quê anh là nơi làm tranh Quất Động nhiều nhất, nhưng hiện tại số nhà theo nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tâm huyết với tranh thêu nên anh cố gắng giữ nghề để không bị mai một. Những năm 2007 -  2008 xưởng của anh có hàng trăm thợ, chủ yếu ở lứa tuổi trung niên nhưng hiện nay chỉ còn hơn hai chục thợ. Anh bảo nghề thêu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, nên lứa tuổi thanh niên ít người theo nghề. Anh chia sẻ: "Tôi cố gắng đảm bảo cho những thợ cứng có mức lương từ 3 triệu đồng trở lên để họ lo chi phí cuộc sống gắn bó với nghề. Trước đây, mức lương người thợ là 30 nghìn một ngày, rồi đến 50 nghìn. Hiện tại một ngày, họ có thể thu nhập 100 nghìn đồng, thậm chí còn nhỉnh hơn thế một chút".

Một vài năm trở lại đây dòng tranh thêu của Trung Quốc xuất hiện nhiều trong các cửa hàng của Việt Nam, trở thành đối thủ cạnh tranh của dòng tranh truyền thống. Cộng với kinh tế giai đoạn hiện tại đang gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ tranh thêu vốn đã chậm lại khó khăn nhiều hơn. Có những lúc, làng nghề thêu tranh truyền thống đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nhiều nhà ở trong thôn đã bỏ nghề, số thợ bỗng dưng mất đi miếng cơm manh áo không biết đi về đâu. Anh tâm sự: "Tôi muốn nhận thợ lắm nhưng mình không có khả năng, chỉ cốt sao giữ được thợ nhà mình đã là cố gắng lắm rồi. Tôi sẽ không rời bỏ người thợ nào của mình, làm sao đảm bảo cho họ có mức lương lo cho cuộc sống ở quê. Nhìn cửa hàng có vẻ đồ sộ thế này thôi nhưng nhiều lúc tôi phải bán tranh bằng vốn lấy tiền để trả công thợ. Có khó khăn lúc này cũng phải cố trụ vững, đến lúc khác mình làm ăn được thì sẽ khá hơn".

Làm tranh thêu thì rất nhiều nơi có nhưng muốn tranh đẹp và tinh tế thì phải là tranh Quất Động. Quất Động là cái nôi của dòng tranh thêu: "Hỡi cô thắt mà bao xanh/Có về Quất Động với anh thì về/Quất Động anh đã có nghề/ Thêu gà, thêu vịt, thêu huê trên cành". Tranh thêu ở đây khác biệt đầu tiên ở khâu chọn nguyên liệu. Vải làm tranh là vải dâu của Nam Định, chỉ thêu tranh nhuộm bằng sợi của làng Vạn Phúc. Anh Hưng chia sẻ ngoài chất liệu, khâu phác thảo đường nét vẽ trước khi tiến hành thêu tranh cũng vô cùng quan trọng. Đối với thợ giỏi, thợ lành nghề chỉ cần nhìn bản vẽ là họ đã biết phải làm như thế nào để bức tranh đạt độ nhuyễn nhất.

Nghề thêu tranh như một cuộc phiêu lưu mà anh ví von mình từng "chết đi sống lại" nhiều lần. Anh kể có lần anh đi xuống Hà Nam để dạy cho một lớp có 40 thợ với mong muốn truyền nghề để nhân rộng. Người mời anh xuống dạy vốn không biết gì về nghề. Ban đầu, anh định sẽ chuốt tại nhà khung cho thợ thêu nhưng anh trai lại bảo anh chuốt tại chỗ luôn. Sau đó, nghe người anh nói lại chuốt cho 60 bộ khung thêu toàn bộ là chuốt bằng gỗ quan tài. Quá trình chuẩn bị mất rất nhiều thời gian và công sức. Không có vốn, anh đã phải vay của người anh trai 8 cây vàng nhưng đến ngày khai kim là ngày 4/12/2007 khi anh xuống xem thì khung nào cũng gãy. Những người thợ làm khung có nói với anh rằng gỗ quan tài rất dẻo dai nhưng thực tế các khung đều hỏng hết. Thời điểm đó, anh tổn thất hết mấy cây vàng, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Nhìn ông chủ cửa hàng đủng đỉnh giới thiệu hàng cho khách nhưng ít ai biết nhiều lúc, anh như một anh xe ôm thực sự. Bán tranh xong lại chở tranh rồi lắp tranh cho khách. Tối về, hai vợ chồng anh lại hì hụi làm. Anh đảm trách công việc của cửa hàng và đảm nhiệm về mặt kỹ thuật, còn vợ ở nhà quản lý thợ. Dù vất vả, nhưng thực hiện được mong muốn của mình là mãn nguyện lớn nhất của anh. Nhiều người trong nghề thấy khó hiểu khi anh chấp nhận đảm bảo tranh cho khách. Có khi người ta mua tranh về treo hai năm lại mang đến đổi anh vẫn đồng ý. Anh bảo mình thích cho người ta làm như thế. Anh trọng chữ tín, làm đúng lương tâm để người mua có cái nhìn đúng đắn về tranh thêu Quất Động.

Tương lai anh dự định sẽ đi lên hàng cao cấp hơn nữa và đảm bảo giá cả hợp lý với người tiêu dùng. Anh tâm sự mình mong muốn giữ nghề và truyền nghề để nghề không bị mài mòn đi. Ước mơ cháy bỏng của nghệ nhân trẻ Lê Văn Hưng là làm sao để tranh thêu Quất Động mãi là một thương hiệu thủ công truyền thống được nhiều người biết đến. Nhìn những gì anh đã và đang làm, chúng tôi tin rằng ước mơ đó không còn quá xa vời.  

 Sự hấp dẫn đặc biệt của tranh thêu Quất Động

Xem những bức tranh của anh Lê Văn Hưng, người xem dễ bị hút hồn bởi cái thần thái mà anh truyền tải. Đứng trước những tác phẩm tinh xảo trong phòng tranh, người ta có cảm giác mình đang lạc bước vào một thế giới nghệ thuật vô cùng sống động và mới mẻ. Những đường nét uyển chuyển, các khối hình đa màu sắc mang cho bức tranh điểm đặc biệt khó có thể sao chép. Như bức Khuê Văn Các, riêng phần các bậc thềm đã phải dùng đến 15 loại chỉ màu khác nhau lên màu cho từng viên gạch, tạo cho bức tranh một điểm nhấn độc đáo khác biệt. 
     
Thanh Loan - Bảo Hằng