'Làng xuất gia' dưới chân núi Tây Thiên

'Làng xuất gia' dưới chân núi Tây Thiên

Thứ 2, 25/02/2013 | 08:45
0
Chúng tôi về thôn Đền Thỏng vào một ngày đâu năm mới. Không khí lễ hội đầu năm tràn ngập mọi ngả đường, hàng ngàn người từ khắp nơi hành hương về với quần thể di tích Tây Thiên với Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, chùa Bảo Tháp, chùa Thiên Ân... để dâng lễ đầu năm.

Nhà có 4 người con đều đi tu

Người ta gọi thôn Đền Thỏng (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là "làng xuất gia" vì nơi đây có rất nhiều người hướng tâm cắt tóc đi tu...

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về "làng xuất gia" Đền Thỏng, ông Đỗ Văn Mạnh, một người cao tuổi trong làng kể câu chuyện xưa: Vào thế kỷ 16, có một nhà hiền triết đi qua làng để lên núi Tây Thiên, nhìn thế đất của làng, người này có nói: "Nhìn từ trên cao, thế đất của làng trông như một khuôn mặt người hướng về phía núi Tây Thiên. Theo quan niệm của người Á Đông thì đó là hướng Tây, hướng về đức Phật". Có lẽ chính vì điều đó mà vùng đất này rất "duyên" để có nhiều người xuất gia theo Phật.

Xã hội - 'Làng xuất gia' dưới chân núi Tây Thiên

Phạm Văn Thạch đã xuất gia được 6 tháng.

Nhiều người dân ở thôn Đền Thỏng xác nhận với chúng tôi rằng, ở thôn có rất nhiều người xuất gia (đi tu), vì thế, làng còn có tên là "làng xuất gia". Trong 180 hộ của thôn có khoảng 50 người, đủ các lứa tuổi xuống tóc đi tu, trong đó, có rất nhiều cháu nhỏ 6 - 18 tuổi. Ông Đỗ Văn Mạnh cho biết: "Hiện tượng xuất gia ở giới trẻ, tu học theo đạo Phật ở làng có từ rất lâu rồi. Thời điểm cao điểm nhất, làng có tới hơn 10 người xuất gia trong một năm. Xã Đại Đình cũng có nhiều người xuất gia nhưng thôn Đền Thỏng là nhiều nhất, trong đó nữ giới chiếm đa số. Người trẻ nhất hiện nay vào khoảng 6 tuổi và người già nhất là xấp xỉ 60 tuổi. Nhiều người đã được học qua các trường lớp đào tạo và đang tu hành tại nhiều chùa ở miền Bắc"...

Xã Đại Đình có 8 đền, đình; 7 ngôi chùa; 2 Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Trong đó Khu di tích Phật giáo Tây Thiên -  nơi phát tích của Phật giáo, nơi ẩn chứa nhiều trầm tích huyền thoại của Phật giáo có từ lâu đời nằm ở thôn Đền Thỏng. Vì thế, đây là điểm du lịch nổi tiếng, biểu tượng đặc trưng cho địa văn hóa trung du Vĩnh Phúc, không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn là vùng đất thiêng, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử. Từ nhiều đời nay, rất nhiều người dân của thôn Đền Thỏng đã phát tâm ra giúp nhà chùa những việc thiện trong lúc nông nhàn. Và cũng là cái duyên với nhà Phật nên có nhiều người đã xuất gia, tìm đến cửa Thiền.

Các em nhỏ dưới 18 tuổi xuất gia sẽ được học văn hóa và lễ giáo nhà Phật ngay trong chùa và được các sư thầy, tăng ni tận tâm chỉ bảo. Sau một thời gian tu hành, con trai sẽ được nhà chùa gửi sang chùa Diêm Phúc (Phú Thọ) học tiếp, con gái sẽ được gửi lên Tịnh thất Tây Thiên - nơi cách chân núi 6km để tu tiếp. Sau một thời gian phát tâm theo nhà Phật, những người này sẽ được cử về các chùa trên miền Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh để tiếp tục tu hành.

Ở thôn Đền Thỏng, có gia đình, được một người con trai duy nhất, nhưng cũng xuất gia. Đó là gia đình ông K.. Năm 18 tuổi, sau khi thi đại học không đỗ, người con trai tên T.H. lên chùa đi tu, cha mẹ cứ tưởng sau kì thi đại học, con mình buồn chán nên tìm đến cửa Phật, nhưng không ngờ T.H. xuất gia thật, mặc cho cha mẹ khóc lóc vì T.H. là con một, nhà neo người. T.H. vẫn quyết tâm làm việc "công - quả" (làm việc thiện nguyện) tại chùa và nguyện phát tâm theo Phật. Hay gia đình bà M. có một con trai, một con gái cũng xuất gia tại một chùa của huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Đặc biệt hơn nữa, có gia đình, có 4 người con (2 trai, 2 gái) nhưng đều xuất gia, đó là gia đình nhà ông P.L.. Hiện nay, một người đã lên sư ông, đang tu ở chùa Tam Nông (Phú Thọ), một người tu ở chùa Diêm Phúc (Phú Thọ) và 2 sư cô đang tu ở Tịnh thất Tây Thiên. Ông P.L. cho biết: "Sinh con ra, ai cũng muốn con cái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và lập gia đình. Tuy nhiên, 4 người con của tôi lần lượt xuất gia ở các chùa khiến chúng tôi rất lo. Tuy nhiên, vì sống ở đất chùa lại thường xuyên phát tâm làm việc nhà Phật nên tôi hiểu đây là cái duyên trước cửa tu hành. Có lẽ gia đình chúng tôi nặng duyên với cửa Phật nên các con đều chọn con đường tu hành. Điều quan trọng là các con xuất gia, luôn cầu khấn đức Phật cho gia đình, bố mẹ được khỏe mạnh, tu tốt tại các chùa là vui rồi...".

Xã hội - 'Làng xuất gia' dưới chân núi Tây Thiên (Hình 2).

Sư thầy Tịnh Tam tại Bảo Tháp Tây Thiên.

Xuất gia để  tu tâm, hướng thiện

Ở Đền Thỏng, nhiều người đi tu một thời gian, được về thăm gia đình vài ngày và luôn giữ đúng phong thái của người xuất gia: Không ồn ào, náo nhiệt, chỉ lặng lẽ về thăm đấng sinh thành. Cha mẹ phải gọi bằng "thầy" xưng "con", ăn cơm chay và không ăn cơm cùng mâm cha mẹ...

Được sự giúp đỡ của ông Mạnh, chúng tôi gặp em Phạm Văn Thạch khi em đang phát tâm, làm việc công quả tại Bảo Tháp Tây Thiên. Thạch cho biết, em xuất gia đã được 6 tháng. Hàng ngày, em đến Bảo Tháp để giúp việc cho nhà chùa, vì đang trong thời gian xây dựng nên Bảo Tháp có rất nhiều việc cần làm. Tại đây cũng có nhiều người trẻ làm việc phát tâm, hướng theo điều thiện để sống tốt hơn.

Thạch cho biết: "Em sinh năm 1990, học xong cấp 3, em thi không đỗ trường cao đẳng. Sau đó, em ở nhà một thời gian, hồi đó, em vẫn ham mê game và ngao du cùng bạn bè. Một lần lên chùa Tây Thiên, em được nghe sư thầy giảng về đạo làm con, làm người, về kiếp luân hồi và thuyết quả - báo, em về suy nghĩ rất nhiều. Phải chăng, em đang sống vô nghĩa khi hàng ngày cứ rong chơi thế này. Ý nghĩ đó cứ thôi thúc em và em đã quyết định xuất gia, ban đầu là làm việc công quả tại Bảo tháp Tây Thiên. Thời gian đầu, em giấu bố mẹ, sau đó thì bố mẹ cũng biết, vì cũng là người hay đi chùa nên mẹ em coi đó là cái "duyên", cái "nghiệp" của em. Bố thì muốn em về thi đại học tiếp, nhưng bây giờ em thấy lòng thanh thản lắm, hàng ngày làm việc tại chùa, cầu kinh, niệm phật, mọi thú vui đời thường đối với em giờ đây không còn sức hấp dẫn nữa...".

Phạm Văn Thạch cho biết thêm, ở thôn Đền Thỏng cũng có rất nhiều người trẻ tuổi xuất gia, công việc đầu tiên là họ làm việc thiện tại chùa, sau đó được các nhà sư giảng đạo, tuy nhiên không phải ai xuất gia cũng đi tu (có phẩm hàm) được. Có người sau một thời gian xuất gia lại trở về đời thường như trường hợp hai sư bác ở thôn Đền Thỏng, sau 7 năm đi tu ở chùa tỉnh Phú Thọ, 2 sư bác trở về nhà và đã lấy chồng, họ cho đó là hết "duyên" với nhà Phật.

Tuy nhiên, sau khi về, họ sống rất thiện, làm nhiều việc có ích cho gia đình và cộng đồng do có thời gian giác ngộ những giáo lý của thuyết nhân - quả. Theo lẽ thường, khi đã gửi gắm cuộc đời mình vào chốn thiền môn thì người tu hành sẽ nương vào tiếng kệ, lời kinh để mong cầu sự giải thoát, cắt đứt mọi duyên nợ trần tục và lánh xa cuộc sống phàm trần. Thế nhưng, những người xuất gia ở Đền Thỏng, sau khi đã viên thành việc Đạo, nhiều người đã quay trở lại đóng góp và xây dựng quê hương bằng những việc làm hết sức thiết thực, ý nghĩa.

Hầu hết những người xuất gia thời gian đầu đều không nói cho gia đình biết, chỉ đến khi "không thể giấu được", họ mới cho biết mình đã thành người nhà Phật. Lúc này, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải thuận theo sự đã rồi. Không chỉ có những người tự nguyện xuất gia theo nhà Phật, mà nhiều gia đình ở thôn Đền Thỏng có những đứa con nghịch ngợm còn chủ động "gửi" con lên chùa một thời gian để con cái họ "thuần" hơn. Sau một thời gian ở chùa theo các thất (một thất là 21 ngày), các em nhỏ trở nên "thuần" hơn, biết quan tâm, giúp đỡ bố mẹ...

Phạm Văn Thạch cho chúng tôi biết thêm, sau khi xuất gia và làm công việc phát tâm, em đã suy nghĩ về cuộc sống khác hơn trước rất nhiều. Em muốn làm nhiều việc thiện cho mọi người, cảm thấy những ồn ào, sân, si ngoài đời thường đều không cần thiết. Trong lúc làm việc tại chùa, Thạch và các bạn khác được các sư thầy giảng về cách làm người, cách sống thiện. 

Cửa Phật luôn rộng mở

Sư thầy Tịnh Tâm (Bảo Tháp Tây Thiên) cho biết: "Cửa Phật luôn mở rộng để đón những người hướng tâm về nhà Phật, đó là cái "duyên" của người xuất gia, bởi không phải ai cũng có cái "duyên" này. Ở Đền Thỏng cũng có nhiều người xuất gia theo Phật và chúng tôi coi đó cũng là cái phước của họ. Chính quyền địa phương cũng rất tạo điều kiện cho nhà chùa làm giấy tờ cho các em nhỏ xuất gia, tu hành theo Phật... Với những người trẻ, còn trong độ tuổi đi học, các con sẽ được gửi lên Thiền viện Trúc Lâm để vừa học văn hóa, vừa học giáo lý nhà Phật. Mục đích cuối cùng của Phật pháp là làm cho xã hội tốt đẹp hơn, tin vào thuyết nhân  - quả để biết cách kiềm chế cái tôi hiếu thắng của mình, để nghĩ về người khác nhiều hơn. Xuất gia cũng nằm trong ý nghĩa đó...".      

Lạc Thành

Chuyện ở làng biển không cỗ cưới, không tang lễ

Thứ 4, 20/02/2013 | 15:46
Ngoài triết lý "sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách", người dân trên mảnh đất được mệnh danh có thế "rồng nằm" này còn giữ phong tục không cỗ cưới, không lễ tang độc nhất vô nhị.

Cảnh ở ngôi làng lạnh giá nhất thế giới

Thứ 4, 20/02/2013 | 08:53
Thung lũng Oymyakon ở miền đông bắc nước Nga được mệnh danh là “Cực lạnh giá”, vì nhiệt độ có thể tụt xuống -71 độ C. Đây là nơi sinh sống lạnh giá nhất của con người trên Trái đất.

Khai hội vật truyền thống làng Sình Huế

Thứ 4, 20/02/2013 | 08:13
“Dù ai đi đó đi đây/ Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình”. Hội được khai vào sáng 19/2 (Tức ngày 10 tháng giêng âm lịch), tại làng Lại Ân (Thừa Thiên – Huế).

Tết ấm tình nơi làng đa thê của người Stiêng

Thứ 2, 11/02/2013 | 11:45
Gọi là làng đa thê vì những phum, sóc người Stiêng ở tận trong rừng sâu của Bình Phước vốn duy trì hủ tục đàn ông có nhiều vợ, nhiều con. Mùa xuân này, chúng tôi trở lại thăm họ và ngạc nhiên vì chỉ vài năm gần đây thôi cuộc sống của họ đã đổi thay rất nhiều.