Lao động ngoại tỉnh dấn thân chốn Hà thành

Lao động ngoại tỉnh dấn thân chốn Hà thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Đó là nói về những kiếp người dân lao động dãi nắng dầm sương, những người nông dân với những cuộc sống bấp bênh muốn thoát ly cuộc sống đồng ruộng dời làng quê lưu lạc nơi thành thị phồn hoa để mong tìm được cuộc sống bớt lao đao hơn.

Những dải chân nơi vỉa hè, góc phố

Ngày nào cũng thế, khi những bóng đèn đường chưa kịp tắt thay cho một ngày mới, người dân thành thị còn đang yên giấc nơi những “giường êm đệm ấm”, thì đâu đó những tấm “thân cò” đã phải thức dậy rất sớm, đổ đi muôn ngả với những công việc khác nhau.

Lao động ngoại tỉnh chờ việc ở ngã tư đường Bưởi – Hoàng Quốc Việt (Ảnh: 24h)

Còn bên những vỉa hè, góc phố, gầm cầu, đâu đó những người tay thúng, tay gánh ngồi lê chờ việc. Người đứng người ngồi, những ánh mắt mong mỏi hướng về tứ phía, những mong có vị “thượng đế” nào “xịch” xe đến gần để họ có cơ hội kiếm miếng cơm manh áo.

Theo thống kê, hằng năm có khoảng 800.000 người lao động di cư đến làm ăn sinh sống tại Hà Nội (chiếm khoảng 25% dân số). Nước ta có khoảng 2/3 số dân sống ở các vùng nông thôn. Và hiện nay, số lượng người dân đứng chờ việc ở quanh khu vực Hà Nội là rất đông, họ đứng từng nhóm khoảng 6 – 10 người, tụ tập ở những nơi gầm cầu vượt, bãi đỗ xe, khu chợ lớn.

Họ đến từ các tỉnh thành ven Hà Nội hoặc xa hơn, như Thanh hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang... Công việc làm theo thời vụ, “đứng”, “ngồi” chờ việc, bất luận là công việc gì từ bốc vác, giọn dẹp, chặt phá cây, bờ bụi, thông cống, rửa xe... đến cả những công việc nội trợ trong gia đình như giặt giũ, lau dọn...

Mức thu nhập của họ tùy thuộc vào công việc nhiều ít hay nặng nhẹ trong ngày. Ngày nào khá thì cũng kiếm được tiền trăm. Ngoài khoản thỏa thuận giữa người thuê và người làm công, nếu gặp được ông bà chủ nào xông xênh, rộng lượng thì cũng thêm được chút tiền “bo”. Nhưng đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ như thế, đôi khi gặp phải ông bà chủ thuê nào khó tính, những người lao động thuê này phải làm quần quật với công việc nặng nhọc nhưng vẫn bị “cò kè bớt một thêm hai”, đôi khi còn bị mắng chửi, xỉ vả nếu không may làm phật ý.

Anh Hoàng Minh Thành (Quê Nho Quan – Ninh Bình) cho biết: Anh ra Hà Nội từ năm 2006 với hai người cùng làng, ở nhà quê chỉ trông chờ vào hạt lúa đến mùa mới thu hoạch thì đến chết đói, cả nhà có 6 miệng ăn, vụ nào lúa tốt thì tạm đủ, mùa như vụ này, bão triền miên, lúa mất hết, mỗi xào thu hoạch áng chừng chỉ được 1 tạ /1 xào, trừ chi phí đầu tư từ đầu vụ đi thì chỉ có nước lỗ, dân lại nườm nượp kéo nhau đi nơi khác làm ăn. Thôi thì lần hồi kiếm sống ở Hà Nội qua ngày qua tháng, đến vụ thì về thu hoạch xong rồi lại kéo nhau đi.

Hầu hết, khu ở họ thuê là những căn nhà ổ chuột, những căn nhà tạm bợ “cực rẻ” cốt có chỗ ngủ qua đêm. Bác Đinh văn Lạng, quê ở Bình Lục (Hà Nam) tâm sự: Nhóm có cả thảy 13 anh em cùng lên đây làm thuê, người lên trước người lên sau, cũng có người ở các tỉnh khác nhau nhưng quen biết nên cùng thuê một căn phòng rộng 12m vuông, trong hẻm của phố Định Công. Căn phòng ụp xụp, không giường, không phản, với giá 1200.000 đồng /tháng. Ngần nấy anh em trải chiếu xuống đất tràn lan ngủ một lèo đến sáng cốt có chỗ trú qua đêm.

Riêng Bác lên Hà Nội từ năm 2002, nhà đông người nên ở quê không đủ sống, anh con trai lớn học hết lớp 6 cũng bỏ học đi làm ăn, còn anh thứ hai thì lên Hà Nội bố con dìu nhau ngày kiếm vài ba chục bạc, trừ chi phí ăn ở ra cũng tiết kiệm được chút ít gửi về gia đình nuôi đám trẻ nhỏ.

Còn trên những con đường Hà Nội tấp nập xe cộ, ngày ngày, có tiếng xe đạp lạch cạch đi từ ngõ hẻm của đường La Thành ra từ mờ sáng khi chưa nhìn rõ bóng người. Trên xe là đủ thứ tạp hóa từ bật lửa, móc chìa khóa, ví da, dao bấm, tới cả những gói bông tai,... rong ruổi khắp phố phường đến mòn biết bao đôi lốp trong ba năm kiếm sống nơi thành thị, đó là hình ảnh của anh Dương (quê ở Phúc yên – Vĩnh Phúc).

Những cái bóng dài trên mặt đường nhựa bóng giữa trưa nắng đẩy xe quần áo đến vã mồ hôi, là hình ảnh của chị Hạnh (Bắc Ninh). Đó chỉ là một số hình ảnh trong biết bao những số phận đang sống một cách “cơ cực” nơi thành thị có những ánh đèn điện trang hoàng. Còn có nhiều đối tượng rời làng quê ra thành phố có phần may mắn hơn khi xin được vào làm osin trong các gia đình, hay xin rửa bát thuê trong các tiệm ăn hay phục vụ trong các hàng quán... thì “bớt” phải dầm mưa dãi nắng hơn.

Nơi cội nguồn, có ai còn lưu luyến?

Với lực lượng thuộc diện KT3 ở Hà nội khá đông, mặc dù thế, sự phân bố công việc cũng như phân bố nguồn nhân lực trong thị trường đô thị khá đồng đều và đa dạng. Tuy nhiên, dưới con mắt của những người “thành phố”, những đối tượng lam lũ lần tìm việc “hợp đồng chớp nhoáng trong ngày, trong giờ” bằng “miệng” này lại là tầng lớp “hạ lưu” nhất.

Ở nông thôn, mỗi năm hai vụ thóc, lương thực thu về nếu không mất mùa thì cũng gọi là đủ ăn, nhưng còn các khoản như đình đám, cộng thêm tiền học hành của con cái nữa,... đụng vào khoản nào cũng phải bán đến thóc thì sao có thể gọi là “đủ” được. Gặp dịp hạn hán, lũ lụt thì coi như mất trắng.

Nghề phụ thì không được quan tâm đúng mức, sản phẩm tiểu công nghiệp làm ra được thu mua với giá “bèo”, giá cả thì ngày một leo thang, những hạt thóc nhỏ bé của nông dân với giá chưa đến 1 triệu đồng /1 tạ thì sao có thể “đem trứng trọi đá” được. Hỏi sao những người nông dân “một nắng hai xương” nơi bùn lầy kia không lũ lượt kéo nhau ra thành thị vật lộn từng ngày bòn nhặt “dưới nắng mưa, bụi đường” để rồi những ngày tháng nhọc nhằn mãi trôi đi, những ước mơ xa vời về cuộc sống bình yên nơi cội nguồn bị rơi vào quên lãng nơi hè phố.

Bùi Huế