Lão họa sĩ bị con chữ 'đeo gông'

Lão họa sĩ bị con chữ 'đeo gông'

Thứ 6, 25/01/2013 | 08:27
0
Ở độ tuổi mà mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng họa sĩ Thành Đàm vẫn có sở thích của con trẻ: Cầm bút hí hoáy tập viết. Ông có thể viết lên bất cứ bề mặt nào "ăn" mực: tấm nhựa trần nhà, vỏ trai hay thân cây tre ông nhặt trên đường. Dưới bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ, những vật không có giá trị bỗng trở thành những món đồ vô giá.

Tranh để ngắm chứ không bán

Nằm trong một con ngõ nhỏ giữa trung tâm Hà Nội, căn nhà của họa sĩ Thành Đàm là nơi sinh sống của cả ba thế hệ. Phòng khách ước chừng 10m2 như một không gian trưng bày riêng của chính chủ nhân ngôi nhà. Các bức thư pháp đủ màu sắc được treo khắp nhà, từ tường cho đến cầu thang, tạo nên một bầu không khí ấm cúng mà không kém phần thú vị, như chính chủ nhân của nó. Vốn là cán bộ tại phòng Quản lý xuất bản của cục Xuất bản, lại tham gia giảng dạy đại học về nghệ thuật và lịch sử chữ nên có thể nói họa sĩ Thành Đàm không biết mệt về chữ.

Sinh ra trong một gia đình công chức tại đất kinh kỳ, họa sĩ Thành Đàm có cơ hội được sớm tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật. Ông chia sẻ, bố ông, một cán bộ Nhà nước, rất khắt khe trong việc học hành của các con, đặc biệt là rèn chữ viết nên ngay từ nhỏ ông đã có ý thức viết ngay ngắn, sạch đẹp. Từ bé đi học, họa sĩ Thành Đàm đã thích thú với các con chữ, cứ đi đâu thấy có kiểu chữ đẹp là ông bắt chước, dần dần niềm yêu thích ấy trở thành đam mê cháy âm ỉ trong người họa sĩ. "Và một khi đã ngấm vào mình, nó trở nên lâu bền, gắn bó và thân thuộc", ông chia sẻ tình yêu của mình đối với những con chữ.

Xã hội - Lão họa sĩ bị con chữ 'đeo gông'

Một vài bức thư pháp chân dung tiêu biểu của họa sĩ Thành Đàm

Trong những bức tranh thư pháp của ông, tôi ấn tượng với những bức tranh chân dung với những nét vẽ bằng bút lông có vẻ sơ sài, nguệch ngoạc. Nhìn kỹ hơn, nhận thấy những khuôn mặt này đều được phác họa bằng những chữ cái, thấy tôi thắc mắc, họa sĩ Thành Đàm vui vẻ giải thích: "Đây là dạng thư pháp chân dung, phác họa hình ảnh của nhân vật bằng chính tên của họ. Hồ Chủ tịch là người đầu tiên tại Việt Nam thử nghiệm thể loại này khi vẽ một bức tranh cổ động đăng trên  báo Việt Nam độc lập ngày 2/11/1941. Trong bức tranh, người nông dân được vẽ bằng chữ "Việt Nam độc lập", trong đó từ "Việt Nam" là nửa thân dưới, chữ "độc lập" là nửa thân trên để minh họa cho khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ Hợp sức dân ta trẻ lẫn già/Đoàn kết một lòng như khối thép/Cùng nhau cứu nước Nam ta". Cụ Hồ đã lợi dụng được nét chữ để làm thành một bức tranh cổ động rất sinh động và thoải mái khi tiếp nhận, đó chính là văn hóa tuyên truyền vừa nhẹ nhàng, vừa dễ nhớ".

Học tập cách vẽ đó, họa sĩ Thành Đàm cho ra đời thư pháp chân dung của Lênin, Các Mác, Ăng ghen và của cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nghệ sĩ thật tài tình khi vận dụng những con chữ để khắc họa nên chân dung nhân vật: Chữ "L" kéo dài tạo nên vầng trán rộng của Lênin hay chữ "Minh" tạo nên bộ râu của Bác Hồ. Theo họa sĩ Thành Đàm, đây là một bộ môn khó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm tòi sáng tạo không ngừng. Ông cho biết: "Khi tôi vẽ thư pháp chân dung cũng có nhiều ý kiến trái chiều, có người "cắc cớ" về nguyên lý viết, tôi phải giải thích rằng thư pháp chân dung dựa trên nguyên lý của đồ họa, đồ họa vốn không có hình cụ thể, tất cả những gì thể hiện trên trang giấy đều do tài năng của người nghệ sĩ. Như bản thân tôi cũng phải phác thảo rất nhiều lần mới có được một bức thư pháp chân dung gần giống với nguyên mẫu. Ban đầu, mọi người không mấy để ý đến những bức kí họa nhưng khi nghe diễn giải thì hầu hết mọi người đều tỏ ra thích thú. Có nhiều người cũng đề nghị hỏi mua nhưng tôi không bán, để cho mọi người cùng được khám phá sẽ hay hơn nhiều".

Xã hội - Lão họa sĩ bị con chữ 'đeo gông' (Hình 2).

Họa sĩ Thành Đàm có thể nói không biết mệt về chữ

Tái chế rác thành tranh thư pháp

Niềm đam mê với con chữ đeo đuổi lấy hoạ sĩ Thành Đàm như một mối duyên nợ. Chính từ mối duyên nợ này mà ông hay mày mò "nghịch ngợm", những lúc ở nhà, rảnh lúc nào là ông lại lôi bút ra viết. "Giấy tập viết" ông để sẵn dưới ghế sofa để khi nào có ý tưởng là viết lại ngay. Ông có sở thích thử nghiệm các chất liệu sẵn có, thổi hồn thư pháp lên đó để nó có một sức sống mới. Ông cười khoe: "Bạn bè đến nhà hay hỏi tôi kiếm đâu ra mấy tấm thư pháp chất liệu hay thế. Nói không ai tin nhưng toàn là đồ người ta bỏ đi, tôi đem về tái chế đấy chứ". Nói rồi, ông chỉ vào bức thư pháp "Núi Dục Thúy" khổ lớn treo giữa nhà khoe: "Đây là tấm băng rôn quảng cáo người ta vứt ngoài đường, tôi thấy nó vẫn còn mới mà họa tiết lại đẹp nên mang về viết thử, không ngờ nó ăn mực, tôi viết, nẹp lại rồi treo lên, vậy mà ai đến đây cũng nghĩ chắc tôi phải tốn tiền mua vật liệu".

Ngay bên cạnh bức "Núi Dục Thúy" là bức thư pháp chữ Hiếu được viết trên một loại giấy có hoa văn chìm rất lạ. Họa sĩ Thành Đàm cho biết, nó là một mảnh của miếng ốp trần nhà. Sau nhiều lần "tái chế" thành công, ông thích thú chinh phục những chất liệu khác nhau. Một lần, vợ ông đi chợ mua sò về làm bữa, ăn xong, ông thuyết phục vợ giữ lại mấy cái vỏ sò. Mấy hôm sau, cả nhà đều bất ngờ khi thấy những chiếc vỏ sò hôm trước đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Họa sĩ Thành Đàm chia sẻ: "Người ta bảo đi câu sắm cần, đi săn sắm giỏ, nhưng với tôi, dường như cần và giỏ tự đến tay. Tất cả đều đến với tôi như một sự tình cờ. Có buổi sáng, tôi đi tập thể dục, thấy cái ống tre lăn lóc ngoài đường, tôi nhặt về rồi viết vào lòng ống tre chữ Tâm với ý "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" giống như cây tre chẳng bao giờ đổi lòng".

Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử chữ và nghệ thuật chữ, ông đã đúc rút ra một bài vè về "Nét chữ - nết người", nhiều người đã chia sẻ sự đồng thuận với ông khi nghe bài vè này: “Lẳng lặng mà nghe, kể vè chữ viết, Mỗi người một nết, chẳng ai giống ai, Xem chữ đoán người, có phần cũng đúng:       Chữ viết ngay ngắn - Là người thông minh, Nét chữ đưa nhanh - Là người láu lỉnh, Nét chữ mảnh khảnh - Báo sức khỏe tồi, Nguệch ngoạc lôi thôi - Tâm thần bất ổn, Chữ viết lổm nhổm - Tính khí thất thường, Nết bút hiên ngang - Ấy người khảng khái, Con chữ rộng rãi - Cuộc sống thảnh thơi, Con chữ nhỏ nhoi - Rụt rè nhút nhát, Nét đưa rời rạc - Là thiếu tự tin, Mạch chữ sáng tươi - Công danh hiển đạt, Chữ đều thanh thoát - Mọi việc dễ dàng, Nét chữ vững vàng - Là người mạnh mẽ, Nét bay nhè nhẹ - Người hay mộng mơ, Chữ nhỏ chữ to - Tính tình thay đổi, Chữ run bối rối - Đang gặp khó khăn, Chữ nhỏ lăn tăn - Chi li dè xẻn, Nét chữ tung tảy - Ham thích ăn chơi, Nét đầy nét vơi - Là thiếu triển vọng, Chữ viết gãy gọn - Ắt sẽ làm nên, Dáng chữ có duyên - Hẳn ai cũng thích, Văn hay chữ tốt - Chịu khó luyện rèn, Hỡi anh chị em - Thi đua viết đẹp".      

Hoạ sĩ Thành Đàm kể: "Có một người phụ nữ không biết bằng cách nào có được số điện thoại của tôi, gọi đến cho tôi nói rằng con trai chị chữ viết rất xấu. Chị lo rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính cách của con mình và cầu cứu tôi để mong có hướng giải quyết. Thấy chị lo lắng, tôi phải trấn tĩnh chị rằng đó là những đúc kết của kinh nghiệm cá nhân, có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác. Nếu chữ của cháu xấu thì chị nên cho cháu đi luyện chữ để thuận tiện trong học tập".

Họa sĩ Thành Đàm chia sẻ rằng, người say mê sẽ đi đến cùng với nghệ thuật. Đó là yêu cầu quan trọng nhất và không thể đào tạo mà ông đã đúc rút từ bao nhiêu năm đi dạy tại các trường đại học.

Họa sĩ Thành Đàm chia sẻ những băn khoăn của người làm nghệ thuật: "Đời sống văn hóa nghệ thuật của người dân không đồng đều, không có mặt bằng chung nên dẫn đến việc cảm thụ theo trào lưu, thấy người ta khen thì mình cũng vỗ tay. Khi xem tranh, không phải tất cả mọi người đều rung cảm giống nhau, nhưng khi thấy tôi nói bức tranh này hay, vẽ chiếc lá đưa ra rất tài tình thì tự nhiên người nghe cũng thấy đúng và hay. Vì thế, có nhiều cái là suy nghĩ chủ quan của một người thành ra của nhiều người và thành trào lưu. Đó là cái khó của nghệ thuật, làm sao có thể đến được với nhiều người một cách đồng đều".

Thanh Xuân

Người họa sĩ có đôi tay bằng... thép

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Tuổi thơ của Nguyễn Hùng phải đối diện với nỗi đau dần dần bị cắt đi từng phần cơ thể. Tưởng rằng tai họa khủng khiếp ấy sẽ là bức màn đen u tối bao trùm lên cuộc đời anh. Thế nhưng, anh đã cùng cánh tay sắt được chắp lại của mình vẽ nên bức tranh tình yêu và nghị lực sống phi thường.

Nữ họa sĩ xinh đẹp, tài năng vượt qua bệnh tự kỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Katie Miller là một trong số ít phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Chứng bệnh khiến cô gái xinh đẹp thu mình và gặp khó khăn khi tiếp xúc với người lạ.

Cuộc đời họa sĩ vẽ tranh bằng miệng bán hàng chục ngàn đô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Cho đến tận bây giờ, Đỗ Minh Tâm cũng không thể nào nhớ được vụ tai nạn kinh hoàng ấy. Từ một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh với bao ước mơ, hoài bão bỗng chốc, Tâm trở thành người tàn phế. Và rồi Đỗ Minh Tâm bén duyên với hội họa, tay chân không còn sức lực, Tâm chỉ còn cách vẽ tranh bằng... miệng.

Chuyện về họa sĩ của... kim châm cứu, mầm cải

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Với một cách thể hiện độc đáo, họa sĩ Lê Huy Hoàng đã mang lại cho người xem cảm giác khác lạ...