Lão nông

Lão nông "vẽ" Hà Nội phố bằng giấy phế thải (1)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Từ những sợi giấy mỏng manh, yếu đuối tưởng như vô dụng, nhưng với bàn tay biến hóa của một lão nông, nó đã trở thành những bức tranh dân gian, chùa Một cột, tranh về phố cổ Hà Nội, Khuê văn các, Trống đồng...

Người có biệt tài trên là ông Đặng Hữu Tiến, thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Ông Tiến đã khiến không ít người ngạc nhiên vì những tác phẩm phố cổ Hà Nội có một không hai từ giấy phế thải.

Sự kiện - Lão nông 'vẽ' Hà Nội phố bằng giấy phế thải (1)

Ông Đặng Hữu Tiến (ở giữa) đang hướng dẫn thợ làm các bức tranh.

Ông Tiến sinh ra ở nội thành Hà Nội trong một gia đình có nghề truyền thống may vá, bố là thợ may có tiếng ở đất Hà thành. Những năm đất nước loạn lạc, ông cùng với cả gia đình phải chuyển về quê gốc ở Thanh Oai, Hà Tây (cũ). Những ngày tháng sau đó, ông cùng gia đình vất vả bươn chải trong cuộc mưu sinh.

Ông thường tự hào kể với con cháu, tuy ông sinh ra trong nội đô, bước chân ra đường không lấm bùn đất nhưng khi về vùng đất này, các công việc của nhà nông, ông làm cũng không hề kém ai. Cuộc đời của ông sau cuộc di cư là lớn lên cùng với cánh đồng và là "chân" chạy việc lặt vặt cho người cha là thợ may. Đạp máy, khâu vá, thêu thùa... tất cả đều được ông làm thuần thục như một người thợ chính hiệu.

Những ngày tháng phụ giúp bố làm may, vá đã giúp ông tích cóp được không ít kinh nghiệm. Để rồi từ một lão nông quen với công việc cày bừa, ông bắt đầu mày mò làm bưu thiếp bằng hoa tươi ép. Với ông, những tấm bưu thiếp là sản phẩm kiếm cơm hàng ngày và gợi nhắc ít nhiều đến nghề truyền thống của gia đình với sự tỉ mỉ, kỳ công trong từng sản phẩm. Dần dà, những tấm bưu thiếp sản xuất bởi lão nông Tiến được mọi người ưa chuộng. Hai vợ chồng ông mạo hiểm mở rộng quy mô sản xuất. Tiền xây nhà cũng từ những tấm bưu thiếp nhỏ bé đó góp nên.

Những cây cỏ dại ven đường, những cánh hoa hồng bị người ta vứt bỏ hay cây cỏ hoa lá mọc trên vách núi là những nguyên liệu để ông Tiến chế tác thành những tấm bưu thiếp sinh động, với màu sắc đa dạng.

Gắn mình với làm bưu thiếp bằng hoa tươi ép được khoảng 20 năm, một ngày ông bất chợt nảy ra ý nghĩ: "Nếu cứ làm hoa ép mãi cũng trở nên nhàm chán, không có sản phẩm đặc sắc. Đặc biệt, ngoài thị trường có rất nhiều người nhái hàng của mình, cần phải làm mới mình bằng cách khác!".

Và qua nhiều lần đi cắt giấy để làm bưu thiếp, phong bì, ông nhận ra một điều, khi cắt giấy thường thừa ra các phôi lề rất thẳng và đẹp. "Tôi thử cầm một sợi giấy lên vuốt nhẹ thì thấy cong xoắn lại hình lò xo nên liên tưởng tới nhiều hình thù khác nữa. Các bức tranh đặc thì dễ làm, còn với các hình càng rỗng bao nhiêu thì càng thể hiện trình độ của người thợ, làm sao để cho sợi giấy nở đều, khẩu độ dây phải dài ra thì độ loãng mới đạt. Ngoài các mẫu đã có, tôi phải tự mình sáng tạo ra nhiều mẫu hình mới, phải nghiên cứu làm sao các sợi giấy bằng nhau", ông Tiến say sưa nói về chuyên môn.

Sự kiện - Lão nông 'vẽ' Hà Nội phố bằng giấy phế thải (1) (Hình 2).

Hình ảnh chùa Một cột được tái hiện bằng tranh giấy.

Có giấy, có ý tưởng nhưng ông chưa biết kiếm đâu ra máy để cắt giấy, nếu đi thuê mãi thì không còn tiền để mua nguyên liệu. Ông Tiến cho biết: "Lúc đầu tôi nghĩ làm sao có thể cắt được những sợi giấy bằng nhau như thế? Làng mình lại làm miến, máy cắt miến cắt những sợi miến rất bằng nhau, làm ra được sợi miến thì chắc là sẽ ra được những sợi giấy bằng nhau, mình cứ thử xem". Liên tưởng có vẻ hơi gàn dở của ông không ngờ lại mang lại kết quả khả quan.

Máy cắt giấy chuyển đổi từ máy cắt miến, quả là ý nghĩ không ngờ. Vợ ông, bà Đặng Minh Tâm vui mừng khôn xiết, nhưng đã nghĩ ra tất cả máy móc, nguyên liệu giờ chỉ còn dụng cụ làm tranh giấy thì kiếm đâu ra? Ông Tiến đọc một quyển sách nước ngoài, họ khuyên nên nhập dụng cụ từ bên Mỹ nhưng giá thành lại quá đắt khiến ông chẳng dám nghĩ tới.

Ông loay hoay tìm gặp cả chục thợ gò để nhờ họ chế tác cho chiếc que kim nhỏ như sợi len, nhưng yêu cầu phải bổ đôi một đầu để có rãnh cuốn giấy. Nghe vậy, tất cả lão thợ gò bó tay. Thất vọng trở về, ông đau đáu với sự bế tắc về dụng cụ làm tranh giấy. Buổi trưa sau bữa cơm, ông Tiến tranh thủ ngủ thì chợt nảy suy nghĩ, dụng cụ đó cũng gần giống như cái kim khâu lốp, chỉ cần chặt đầu que kim là sẽ có công cụ như mong muốn. Vậy là những điều kiện cần để làm tranh bằng sợi giấy đã cơ bản đủ.

Đỗ Thơm - Thanh Sơn

(Còn nữa)

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.