Lật tẩy những mánh khóe bơm xăng

Lật tẩy những mánh khóe bơm xăng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Hiện nay chuyện các cây xăng "cân, đo, đong, đếm"... thiếu" đang là vấn đề bức xúc. Trước thực trạng đó các cơ quan chức năng đã không thể giải quyết dứt điểm vì chế tài chưa đủ mạnh khiến cho các cây xăng gian lận thêm "nhờn thuốc" còn người dân thì "lãnh đủ".

Trăm kiểu gian lận

10h sáng, chúng tôi có mặt tại một địa điểm bán xăng trên đường Võ Thị Sáu (phường 6, quận 3, TPHCM). "Cho hai chục!" - Một phụ nữ nói với nhân viên bơm xăng rồi lấy tiền trả mà chẳng màng đến các số đang chạy "nhảy múa" trên bảng điện tử. Cũng vậy, "ba chục" với giọng nói cụt lủn của cô gái trẻ nhưng cô này cũng chẳng để mắt đến bảng ghi điện tử xem bơm xăng chạy đủ số tiền mình yêu cầu không.

Nhiều cây xăng gian lận trong quá trình bán hàng

Sau khi đi hết một vòng, nhân viên bơm xăng mới trả đầu bơm vào vị trí. Cứ thế, theo quan sát chúng tôi, cứ 10 người đến đổ xăng thì ít nhất có 8 người đưa mắt nhìn trên bảng điện tử nhưng tuyệt đại đa số không thắc mắc đến việc đo đếm xăng dầu như thế nào.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Vì sao không quan tâm đến thứ khác mà chỉ nhìn xem bảng số tính bao nhiêu tiền?" một khách mua xăng trả lời: "Hơi sức đâu tìm hiểu cho mệt người. Ai cũng biết, cây xăng nào chẳng bơm hụt, thay vì một lít có khi còn 0,8 - 0, 9 lít nhưng làm sao biết được họ làm thế nào, bảng số điện tử ghi sao thì mình biết vậy. Nghe nói Nhà nước cũng kiểm tra, phát hiện nhiều cây xăng bơm thiếu nhưng hàng trăm, hàng ngàn cây xăng, biết cây nào bơm đủ, cây nào bơm thiếu?".

Theo điều tra riêng của chúng tôi, các cây xăng muốn bơm thiếu chỉ cần gắn chíp điện tử vào bảng điện tử mở trụ bơm nhằm làm giảm lượng xăng bơm bán ra cho khách hàng, chỉ cần ở mức 2 - 3% là "bỏ túi" vài chục lít xăng nếu bán ra trên 2.000 lít trong ngày trở lên. Con chip này được gắn trực tiếp trong bộ đồng hồ đo xăng, bộ đồng hồ do xưởng trụ bơm chế tạo, rất bí mật nên ngay cả nhân viên của xưởng cũng không hề biết con chip nào trong bộ đếm này là con chip gian lận.

Thậm chí, có cây xăng sử dụng biện pháp hết sức tinh vi là cài mật khẩu trong các IC đã lập trình. Khi chuyển từ mật khẩu này sang mật khẩu khác thì lượng hao hụt xăng bơm khác nhau, chênh lệch thiếu trong trường hợp này thấp nhất 2%, cao nhất lên đến 5%!

Ngoài ra, còn có một "chiêu thức" khác mang tính chất thủ công hơn nên được nhiều cây xăng áp dụng, đó là cưa rãnh đầu vít bộ điều khiển khung vừa đủ nhỏ để tháo dây kẹp chì, điều chỉnh sai số rồi lắp đặt lại. Hình thức này tương đối dễ phát hiện đối với lực lượng kiểm tra nhưng nó vẫn là khu vực "bất khả xâm phạm" đối với người tiêu dùng.

Còn về chất lượng, ngoài việc pha trộn từ đầu nguồn, các cây xăng cũng có thể áp dụng tại chỗ bằng cách dùng hệ thống 2 ống chìm từ 2 bể chứa khác nhau nhưng cùng dẫn vào một trụ bơm. Khi muốn bán một loại xăng nào, chỉ cần động tác đổi đường dẫn là xong.

Cơ quan chức năng bó tay?

Gian lận kinh doanh xăng dầu nhiều như vậy nhưng việc thanh, kiểm tra không hề đơn giản. Các cơ sở có nhiều chiêu đối phó với việc kiểm tra như viện lý chỉ là người làm thuê không chịu mở khóa các bộ phận bơm xăng... Những cây xăng dùng công nghệ cao rút ruột xăng dầu của khách thì trước khi đoàn kiểm tra vào cuộc, chủ cây xăng đã rút bộ phận vi mạch, tắt công tắc cho chip ngừng hoạt động.

Chíp điện tử được gắn rất công phu (Ảnh minh họa)

Việc xử lý vi phạm lại càng khó khăn hơn vì chế tài chưa đủ mạnh. Khi có dấu hiệu vi phạm qua kiểm tra bằng thiết bị thử nhanh, cơ quan chức năng chỉ có thể lấy mẫu về xét nghiệm chứ không có quyền đình chỉ kinh doanh. Vì vậy, khi có kết quả xét nghiệm thì số xăng dầu vi phạm đã được bán hết từ đời nào.

Trước vấn nạn này, nhiều lãnh đạo Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các tỉnh thừa nhận đến nay vẫn không quản lý được phương tiện đo lường, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận phổ biến. Một cán bộ tại Chi cục TCĐLCL Cần Thơ, cho rằng tiền thu do gian lận quá lớn khiến doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật.

Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát kinh doanh xăng dầu còn nhiều kẽ hở. Nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra, quản lý vi phạm đo lường vừa thiếu lại vừa yếu. Lợi dụng kẽ hở pháp luật về giới hạn sai số cho phép nên dễ dẫn đến việc chủ kinh doanh cây xăng móc nối với thanh tra viên lách luật, và người tiêu dùng lãnh đủ.

Một chủ cây xăng bật mí với chúng tôi, sở dĩ tình trạng gian lận trong đo lường phổ biến là do dụng cụ đo lường gần như không được cơ quan chức năng địa phương kiểm định thường xuyên, thể hiện qua việc không được phê duyệt mẫu, không kiểm định đúng thời hạn, phương tiện đo lắp ráp thì chắp vá, cột đo thì "cải tạo lên đời". Thậm chí, có những cửa hàng cột đo mới sản xuất nhưng sử dụng linh kiện gặp hàng cũ (secon-hand) trong khi chu kỳ kiểm định áp dụng như đối với cột đo được sản xuất mới, nên dẫn tới hậu quả là không kiểm soát được sai số đo lường.

Có thể thấy, ngăn chặn được nạn ăn cắp xăng tại các cây xăng đã đến lúc đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng, không chỉ trong công tác thanh, kiểm tra, mà cả những đề xuất hữu hiệu phục vụ cho nhiệm vụ quản lý của mình như một chế tài thật nghiêm và thật nặng. Các hình thức xử phạt hành vi gian lận trong lĩnh vực xăng dầu hiện nay mới chỉ có tác dụng răn đe cảnh cáo là chính, chứ chưa thể trị tận gốc căn bệnh đã nhờn thuốc" này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TP.HCM): Có thể bị xử lý hình sự

Xăng là một trong những hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá. Do đó những hành vi gian lận trong cân, đong, đo, đếm, đóng gói đối với mặt hàng này sẽ bị phạt tiền gấp hai lần so với mức phạt thông thường.

Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính thì chủ cây xăng còn buộc đền bù thiệt hại cho khách hàng, trường hợp không xác định được khách hàng để đền bù thì tịch thu số tiền thu được do gian lận vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp chủ cây xăng vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm còn bị tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn 12 tháng trở lên.

Ngoài các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo điều 162 Bộ luật hình sự, trong đó mức nặng nhất có thể bị phạt tù đến 7 năm. Theo quy định pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết.

Hiện nay người tiêu dùng có thêm một địa chỉ mới là Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng vừa mới hình thành. Do đó, khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể liên hệ với hội để được hỗ trợ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thanh Tú

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Nạo vét, tuồn cát ra ngoài tỉnh: Chủ tịch Bình Định chỉ đạo kiểm tra

Thứ 5, 25/04/2024 | 21:53
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn kiểm tra, xử lý vụ việc Người Đưa Tin phản ánh.

Tp.HCM cảnh báo chiêu lừa dịp lễ 30/4 - 1/5

Thứ 5, 25/04/2024 | 20:31
Bên cạnh lưu ý người dân cảnh giác với các chiêu lừa đảo vào dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an Tp.HCM sẽ huy động 100% lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát.

An Giang: Khởi tố 2 cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên

Thứ 5, 25/04/2024 | 20:02
Cả 2 bị can là cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên cùng bị khởi tố để điều tra cùng về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoãn xử vụ BV thẩm mỹ Nam An kiện Cty quản lý Hoa hậu Lê Hoàng Phương

Thứ 5, 25/04/2024 | 19:32
Sau khi đặt nhiều cầu hỏi cho Công ty Sen Vàng, đại diện Bệnh viện thẩm mỹ Nam An đã đề nghị dừng xét xử và được tòa chấp nhận.
     
Nổi bật trong ngày

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.